Nhận thức về văn hóa đang dần được nâng cao cùng với việc xây dựng và hình thành nền công nghiệp văn hóa Việt Nam. Điều đó có thể thấy ở sự xuất hiện những bộ phim điện ảnh trong nước mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng thời gian qua, hay những show diễn đẳng cấp tạo nên cơn sốt vé, thu hút hàng chục nghìn khán giả từ khắp nơi đổ về tham dự…
Du khách khám phá không gian Chợ quê và trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống trong hành trình thưởng thức show "Tinh hoa Bắc Bộ". (Nguồn: Fanpage Tinh hoa Bắc Bộ)
Qua đó, phần nào khẳng định việc khai thác những sản phẩm văn hóa sáng tạo không chỉ giúp quảng bá thương hiệu quốc gia, thúc đẩy hội nhập quốc tế, mà còn góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững. Đó là lý do Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã được xây dựng và phê duyệt, nhằm đưa công nghiệp văn hóa trở thành "con gà đẻ trứng vàng" cho đất nước.
Trên thực tế, muốn chuyển hóa những giá trị văn hóa thành sản phẩm sáng tạo có khả năng tác động, lan tỏa, thu hút cộng đồng, không thể thiếu sự hậu thuẫn về tiềm lực kinh tế. Cũng có nghĩa, để phát triển công nghiệp văn hóa, không thể thiếu vai trò của những nhà đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, thì việc khơi thông các nguồn lực đầu tư từ xã hội càng trở nên quan trọng.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp trong thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng, cụ thể là thiếu biện pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư vào văn hóa, thiếu cơ chế động viên, ghi nhận các tổ chức, cá nhân có đóng góp…
Đây cũng là lý do mà nhiều nhà đầu tư chưa thật sự mặn mà với các hoạt động văn hóa, không ít dự án đang "khát vốn" vẫn phải "nằm trên giấy" dù đã có chủ trương đầu tư từ nhiều năm. Đã xuất hiện một số doanh nghiệp văn hóa góp phần hình thành mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, song nhìn chung mạng lưới này còn mỏng, yếu, tính gắn kết chưa cao…
Khuyến khích tư nhân đầu tư cho văn hóa không thể chỉ là hô hào suông. Các chuyên gia cho rằng, cần tạo ra những đòn bẩy để thu hút đầu tư cho văn hóa, nhất là văn hóa sáng tạo thông qua nhiều hình thức như: Thúc đẩy chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công-tư một cách hiệu quả, hợp lý, có cơ chế rõ ràng, sao cho doanh nghiệp, cá nhân cảm thấy có lợi khi đầu tư vào văn hóa; có chính sách giảm thuế, phí; khen thưởng, vinh danh các nhà đầu tư văn hóa; tạo môi trường thuận lợi kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư với nghệ sĩ, đơn vị sáng tạo cần trợ vốn…
Đây cũng là vấn đề đã được nhấn mạnh tại Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Chủ động rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới; ưu tiên các chính sách về ưu đãi đầu tư, đối tác công-tư, quản lý tài sản công, thuế, tiếp cận tín dụng…, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh nhằm phát huy vai trò, nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, đội ngũ nhân lực sáng tạo.
Các sản phẩm văn hóa sáng tạo trên thực tế luôn được coi là những sản phẩm đặc biệt và thường bị nhìn nhận, đánh giá kỹ lưỡng hơn so với các ngành khác để được cấp phép khi ra với thị trường. Điều này cũng có nghĩa, các nhà đầu tư, kinh doanh văn hóa phải bỏ ra nhiều kinh phí để xây dựng sản phẩm, song có đến được với khách hàng hay không lại phụ thuộc nhiều vào đánh giá của những người cấp phép mà nhiều khi không dựa trên bộ tiêu chí nào đã được chuẩn hóa.
Đây là rủi ro rất lớn đối với những nhà đầu tư, sản xuất sản phẩm văn hóa, khiến họ rụt rè khi muốn tung ra thị trường các sản phẩm, chương trình quy mô lớn. Đó là chưa kể, khi đã ra được thị trường, sản phẩm văn hóa sáng tạo còn phải đối mặt nguy cơ vi phạm bản quyền dẫn đến suy giảm tiềm năng thương mại, hay đôi khi là cả rào cản từ những định kiến dư luận, trong khi cơ quan chức năng hiện cũng chưa có biện pháp hiệu quả bảo vệ chính kiến của mình khi cho phép sản phẩm ra thị trường…
Nói thế để thấy, bên cạnh chính sách thu hút đầu tư cho văn hóa sáng tạo, còn cần cả những quy định cụ thể giúp bảo đảm và bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, kinh doanh công nghiệp văn hóa. Các thủ tục pháp lý liên quan quy trình gia nhập thị trường cần được đơn giản hóa, loại bỏ những yếu tố cảm tính cá nhân.
Nhiều chuyên gia gợi ý, trong bối cảnh thị trường văn hóa sáng tạo đang biến đổi rất nhanh với nhiều hình thức, phương pháp kinh doanh mới, chúng ta nên chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Trong đó, cơ quan chức năng nên ban hành các hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tự kiểm duyệt nội dung và có chế tài xử phạt thật nặng khi doanh nghiệp vi phạm.
Điều này sẽ tăng tính chủ động của doanh nghiệp, giúp các cá nhân, đơn vị mạnh dạn hơn trong đầu tư, sản xuất các sản phẩm văn hóa sáng tạo, góp phần tạo đà cho công nghiệp văn hóa "cất cánh".
Nguồn: https://nhandan.vn/