KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 20/04/2016 - Lượt xem: 116
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn tỉnh

Nguyễn Tiến Thuyết
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới sự phát triển văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt chú trọng đến văn hóa cơ sở. Nhiều chương trình, mục tiêu Quốc gia với việc đầu tư toàn diện và đồng đều nhất quán quyết tâm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo điều kiện để nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các hoạt động văn hóa.
Phát huy truyền thống của tỉnh có phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở sớm trong cả nước (với mô hình 6 gia đình ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ giao ước với nhau thực hiện theo nếp sống mới những năm 1960), trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho khu dân cư thôn An Lạc (ngày 14/11/2015) (Ảnh: Báo Hưng Yên)
 

Để thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và Ban vận động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” tỉnh; thành lập Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh. Kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào liên tục, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản triển khai thực hiện như: Kế hoạch số 76/KH-BCĐ ngày 10/6/2013 của Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" tỉnh về việc triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đoạn 2013-2015; Quyết định số 809/QĐ-UBND ngày 14/4/2015 về việc cử Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh; Quyết định số 10/QĐ-BCĐ ngày 29/5/2015 về việc cử thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh...

Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào trong toàn ngành như: Tiếp tục "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào "Người tốt, việc tốt", cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá, phong trào học tập, lao động sáng tạo trong công nhân, viên chức lao động, xây dựng đời sống văn hoá trong công nhân viên chức lao động; phong trào xây dựng nông thôn mới; phong trào thi đua "Dân vận khéo"; phong trào xây dựng gia đình nông dân văn hóa; phong trào "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Hai giỏi", "Thi đua quyết thắng", “Xây dựng khu dân cư 3 không”; thực hiện "Cưới vui, tiết kiệm"…
Công tác kiểm tra, giám sát cũng được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Năm 2015, Ban Chỉ đạo tỉnh đã thành lập 06 Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra Hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và kết quả thực hiện “Chương trình thực hiện phong trào thi đua Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2011-2015” tại 6 huyện, thành phố: Yên Mỹ, Khoái Châu, Văn Giang, Ân Thi, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên; nắm bắt tình hình thực tế tại 05 thôn, 01 khu phố: Thôn Mễ Thượng, thôn Bình Phú (xã Yên Phú, Yên Mỹ); thôn Hoàng Trạch (xã Mễ Sở,Văn Giang); thôn Quang Xá (xã Quang Hưng, Phù Cừ); thôn Vũ Dương (xã Hồng Quang, Ân Thi); khu phố Điện Biên 3 (phường Quang Trung, TPHY); kiểm tra hoạt động của Ban Chỉ đạo 5 xã, 01 phường: xã Yên Phú (Yên Mỹ); xã Mễ Sở (Văn Giang); xã Quang Hưng (Phù Cừ); xã Hồng Quang (Ân Thi); phường Quang Trung (TPHY). Qua công tác kiểm tra, Ban Chỉ đạo tỉnh đã nghe báo cáo và phản ánh của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đồng thời làm rõ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào ở địa phương, đơn vị. Từ đó, tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách để phát triển phong trào bền vững ở các địa phương trong tỉnh.
Trên cơ sở chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo tỉnh và các ngành thành viên phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ giống, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn... để nhân dân có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó đã hỗ trợ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo cải thiện đời sống nhân dân, đời sống kinh tế của người dân ổn định và từng bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3%; cơ sở hạ tầng sinh hoạt của gia đình và cộng đồng được nâng lên. Tổng số tiền vận động Quỹ “Vì người nghèo” (tính từ 01/10/2014 đến 15/9/2015): cấp tỉnh đạt trên 1,8 tỷ đồng, cấp huyện đạt trên 3,3 tỷ đồng, cấp xã đạt gần 2,4 tỷ đồng.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, khu phố văn hóa đã góp phần phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng kinh tế gia đình, kinh tế làng, xã nhằm xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế ở địa bàn dân cư, khơi dậy được ý thức tự quản của người dân làng, xã tham gia giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa bàn dân cư, làm cho chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Đến nay, toàn tỉnh đã có 89% gia đình văn hóa, 86% làng, khu phố văn hóa. Nhiều địa phương phát huy tốt danh hiệu làng văn hóa như làng Thiết Trụ (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu), làng Ngọc Loan (xã Tân Quang, huyện Văn Lâm), làng Lỗ Xá (xã Nhân Hoà, huyện Mỹ Hào), làng Như Lân ( xã Long Hưng, huyện Văn Giang)…
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở các làng văn hoá có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, làm nền tảng tinh thần và động lực cho phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Đã tuyên truyền, vận động được nhiều gia đình tổ chức đám cưới theo nếp sống mới. Có 100% thôn, khu phố đã có quy hoạch xây dựng nghĩa trang, đến nay, có 238 thôn, làng xây dựng được nghĩa trang đồng bộ. Một số địa phương thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang như: xã Ông Đình, Thuần Hưng (huyện Khoái Châu); xã Minh Tân, Quang Hưng (huyện Phù Cừ); xã Nhân Hoà (huyện Mỹ Hào); xã Đức Hợp (huyện Kim Động).
Hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở từng bước được đầu tư và củng cố tạo điều kiện nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất để đảm bảo tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao ở cơ sở được phát triển, tạo điều kiện nâng cao đời sống tinh thần, thể lực cho nhân dân địa phương trong tỉnh. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 52/161 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn kiêm hội trường (chiếm 67,7%), 565/835 nhà văn hoá thôn, làng, khu phố độc lập (chiếm 67,6%), 270/835 nhà văn hoá thôn, làng, khu phố chung với các thiết chế khác (chiếm 32,4%). Điển hình như: huyện Khoái Châu hỗ trợ mỗi thôn 100 triệu đồng xây nhà văn hoá. Nhiều xã, phường trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây được nhà văn hoá quy mô lớn, kiến trúc hiện đại, trang thiết bị đảm bảo phục vụ cho các hoạt động như: Nhà văn hoá xã Thiện Phiến (Tiên Lữ), nhà văn hoá phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên), Nhà văn hoá làng Đỗ Hạ (xã Quang Vinh, huyện Ân Thi), làng Mễ Đậu (xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm)…
Hoạt động văn hoá, văn nghệ thể dục thể thao ngày càng phong phú, đa dạng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia với nhiều loại hình phong phú do chính nhân dân sáng tạo và phục vụ nhân dân địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.300 câu lạc bộ sở thích, trong đó có trên 500 câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ hoạt động thường xuyên có hiệu quả, tỷ lệ dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 23%. Nhiều hạt nhân văn nghệ có khả năng sáng tạo, nhiều đội văn nghệ làm nòng cốt cho các hoạt động văn hoá, văn nghệ của địa phương.
Phong trào xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến tiếp tục được phát động tại các địa phương trong tỉnh gắn với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua”. Trong năm 2015, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng. Tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Hưng Yên lần thứ VIII, đã có 6 tập thể được tặng cờ thi đua của Chính phủ, 14 tập thể, 47 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2011-2015, 21 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giai đoạn 2011-2015, 21 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015” được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư Quần Ngọc, xã Trung Hòa (Yên Mỹ) (Ảnh: Báo Hưng Yên)
 

Bên cạnh những kết quả quan trọng trên, thực tiễn triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn bộc lộ một số yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới. Trước hết là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền còn chưa sâu sát, chưa coi trọng và đầu tư cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xâ dựng đời sống văn hóa” nên các hoạt động chưa tương xứng với nhiệm vụ đặt ra, chưa đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới. Sự phối hợp của một số ngành thành viên Ban Chỉ đạo các cấp thiếu chặt chẽ và chưa quan tâm đến phong trào, chưa gắn nhiệm vụ của phong trào với nhiệm vụ chính trị của ngành. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích khi công nhận các danh hiệu văn hóa nên chất lượng có chiều hướng giảm sút. Các hoạt động văn hoá văn nghệ ở cơ sở về thực chất chưa phong phú, đa dạng và chất lượng chưa cao, tổ chức chưa thường xuyên; việc triển khai công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đạt chuẩn văn hóa ở các địa phương còn lúng túng. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở một số địa phương còn chưa nghiêm, nhất là việc cưới, việc tang vẫn gặp nhiều bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và vận động người dân. Công tác vệ sinh môi trường chưa được khắc phục một cách triệt để. Hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hoá của nhân dân chưa đạt tiêu chuẩn so với quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Kinh phí cho hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, nhất là cấp xã còn gặp nhiều khó khăn.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ sau:
Một là, về công tác chỉ đạo, quản lý, cần chú trọng công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan và Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp trong việc tổ chức và triển khai phong trào. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm văn hoá cơ sở, cán bộ làm công tác mặt trận các cấp để nắm bắt với tình hình mới. Lồng ghép các nhiệm vụ của phong trào vào các phong trào thi đua yêu nước khác của các ban, ngành, đoàn thể. Gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới, huy động mọi nguồn lực và tập trung đầu tư cho văn hoá ngang tầm với đầu tư trong các lĩnh vực khác, tạo đà cho sự phát triển của văn hoá “ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết chế văn hoá đi đôi với đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội khác trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, ưu tiên những địa phương đăng ký về đích sớm xây dựng nông thôn mới. Tổ chức việc kiểm tra, đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp và đánh giá công tác triển khai phong trào tại địa phương cơ sở, từ đó xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. Định kỳ sơ kết, tổng kết phong trào qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra những mục tiêu, giải pháp phát triển phong trào trong thời gian tiếp theo. Động viên, khen thưởng kịp thời các đơn vị, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Hai là về kinh phí hoạt động, cần tăng nguồn kinh phí cho phong trào. Tập trung đầu tư nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hoá từng bước đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trên cơ sở các địa phương giải quyết đất dôi dư, tái đầu tư xây dựng các công trình văn hoá. Hỗ trợ kinh phí ngân sách Nhà nước các cấp để xây dựng, đầu tư trang thiết bị cho thiết chế văn hoá ở thôn, làng, khu phố, tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Hỗ trợ người quản lý Trung tâm Văn hoá- Thể thao xã, phường, thị trấn, Nhà văn hoá- Khu thể thao thôn. Nâng mức hỗ trợ làng, khu phố văn hoá công nhận mới  và công nhận lại. Huy động nguồn xã hội hóa từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho các hoạt động của phong trào.
Ba là về tổ chức các hoạt động, ctăng cường công tác tuyên truyền về vai trò ý nghĩa, nội dung phong trào. Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến trong phong trào làm tiền đề và khích lệ phong trào ở các địa phương trong tỉnh. Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa và các phong trào của các cấp các ngành. Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa, đổi mới nội dung hoạt động văn hóa, phát triển các loại hình câu lạc bộ về văn hóa, chú trọng tổ chức các liên hoan hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi đấu các môn thể thao,... tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương.

Tin liên quan