Theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) giao thông phải bảo đảm hài hòa lợi ích, các bên cung cấp vốn phải có trách nhiệm cùng chia sẻ rủi ro, có giải pháp cơ cấu lại khoản vay, giảm lãi vay, điều chỉnh phương án trả nợ phù hợp.

Bộ Xây dựng kiến nghị bố trí khoảng 14.199 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2024 để tháo gỡ cho 9 dự án BOT giao thông gặp vướng mắc, trong đó có dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn (trong ảnh).
Trường hợp đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư khi chấm dứt hợp đồng, không có lợi nhuận vốn chủ sở hữu và không tính lãi vay trong giá trị dự kiến đề nghị thanh toán.
Cần gần 15 nghìn tỷ đồng xử lý 11 dự án
Trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) được ban hành (năm 2020), cả nước đã huy động khoảng 318.857 tỷ đồng, đầu tư 140 dự án theo hình thức hợp đồng BOT.
Mặc dù các dự án BOT được triển khai theo đúng quy hoạch, trình tự, thủ tục theo quy định, công khai, minh bạch với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương và đã hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư; tuy nhiên, thời điểm đó, pháp luật về đầu tư BOT còn một số bất cập, chưa lường hết tác động nên trong quá trình khai thác đã phát sinh vướng mắc.
Bộ Xây dựng đánh giá, kết quả rà soát, trong tổng số 140 dự án BOT giao thông, đã xác định danh mục gồm 11 dự án đã định lượng cụ thể vướng mắc. Trên cơ sở rà soát kỹ điều kiện cụ thể của từng dự án, các bên đã đàm phán, thống nhất giải pháp tháo gỡ vướng mắc gồm 2 nhóm: bố trí vốn nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng 7 dự án; bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ giai đoạn khai thác để tiếp tục thực hiện hợp đồng 4 dự án.
“Đối với nhóm dự án dự kiến chấm dứt hợp đồng, Luật PPP sửa đổi được Quốc hội thông qua đã có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, nhóm dự án bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng, hiện nay chưa quy định nhà nước hỗ trợ khi dự án đã đưa vào khai thác nên chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Do vậy, cần ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện đối với nhóm này”, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết.
Để bảo đảm nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, nhà đầu tư và ngân hàng tín dụng phải có trách nhiệm chia sẻ khi sử dụng ngân sách tháo gỡ vướng mắc. Quá trình đàm phán, các bên cơ bản thống nhất về giải pháp tháo gỡ.
Riêng đối với trách nhiệm chia sẻ, mặc dù Thường trực Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, tuy nhiên qua nhiều lần đàm phán, các bên không thể thống nhất, với lý do chưa có quy định để các bên thực hiện.
Nhà đầu tư và ngân hàng kiến nghị cấp có thẩm quyền cần quy định trách nhiệm chia sẻ thành chính sách cụ thể để có cơ sở pháp lý thực hiện, bảo đảm thống nhất khi áp dụng.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trong đó bao gồm cơ chế, chính sách về trách nhiệm chia sẻ để các bên thực hiện. Đây cũng là nội dung quan trọng nhằm hạn chế tối đa tác động đến các dự án BOT khác đang thu phí, không xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc thoái thác trách nhiệm.

Dự án BOT cầu Thái Hà (ảnh) là dự án đã được nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng chia sẻ giảm tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu, lãi suất vốn vay bảo đảm hiệu quả tài chính và điều chỉnh phương án trả nợ phù hợp với doanh thu thực tế của dự án.
Ngoài danh mục 11 dự án đã định lượng cụ thể vướng mắc, còn một số dự án nút giao kết nối với dự án BOT hoặc đầu tư đường song hành do địa phương đề xuất, có thể gây sụt giảm doanh thu, cần giải pháp tháo gỡ.
Điển hình như dự án đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành sẽ gây ảnh hưởng đến doanh thu 2 dự án BOT trên Quốc lộ 14, đầu tư đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột sẽ ảnh hưởng đến doanh thu dự án BOT Quốc lộ 26, nhưng do đang trong quá trình đầu tư nên chưa thể lượng hóa mức độ ảnh hưởng.
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét, dự án phát sinh vướng mắc ngoài danh mục 11 dự án nêu tại Nghị quyết trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện theo đúng chính sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Theo tính toán sơ bộ, để tháo gỡ vướng mắc cho 11 dự án nêu trên, cần bố trí khoảng 14.775 tỷ đồng. Đối với 2 dự án (đường 39B và cầu An Hải), địa phương cam kết bố trí ngân sách địa phương (khoảng 576 tỷ đồng) để tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền địa phương, ngân sách trung ương cần bố trí khoảng 14.199 tỷ đồng để tháo gỡ 9 dự án (gồm 8 dự án do Bộ Xây dựng là cơ quan có thẩm quyền và hỗ trợ ngân sách địa phương để tháo gỡ 1 dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn do tỉnh Lạng Sơn là cơ quan có thẩm quyền). Theo đó, Bộ kiến nghị bố trí khoảng 14.199 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2024 để tháo gỡ cho 9 dự án. |
Điều chỉnh, bổ sung quy định phù hợp thực tiễn
Năm 2024, khi xây dựng dự thảo Luật PPP sửa đổi, Bộ Xây dựng đã kiến nghị bổ sung 2 chính sách (bố trí vốn nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí vốn nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khai thác để tiếp tục thực hiện hợp đồng), nhưng Luật PPP sửa đổi chỉ bổ sung chính sách bố trí vốn nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng, còn chính sách vốn nhà nước tham gia hỗ trợ trong giai đoạn khai thác để tiếp tục thực hiện hợp đồng chưa được bổ sung trong Luật PPP sửa đổi.
Do vậy, đối với nhóm dự án chấm dứt hợp đồng đã có đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, cơ quan có thẩm quyền chủ trì xác định giá trị vốn nhà nước, báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí vốn để thanh toán.
Riêng nhóm dự án bổ sung vốn nhà nước tham gia hỗ trợ giai đoạn khai thác để tiếp tục thực hiện hợp đồng, do Luật PPP sửa đổi chưa có chính sách này nên phải trình Quốc hội ban hành Nghị quyết hoặc bổ sung vào Luật PPP để có cơ sở pháp lý thực hiện.
Tại Thông báo số 270/TB-VPCP, Thường trực Chính phủ chỉ đạo, việc tháo gỡ vướng mắc dự án BOT giao thông phải bảo đảm hài hòa lợi ích, cùng chia sẻ rủi ro, có giải pháp cơ cấu lại khoản vay...
Bộ Xây dựng đã phối hợp Ngân hàng nhà nước Việt Nam đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng và hoàn chỉnh Nghị quyết của Quốc hội với 2 cơ chế, chính sách: cho phép bố trí vốn nhà nước tham gia, hỗ trợ trong giai đoạn khai thác đối với một số dự án BOT; việc sử dụng ngân sách nhà nước tháo gỡ vướng mắc dự án BOT, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, bên cho vay có trách nhiệm chia sẻ theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.

Dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đang được kiến nghị bố trí vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 4.580 tỷ đồng (tương ứng khoảng 38% tổng mức đầu tư).
Trong quá trình Đoàn công tác do Ủy ban Kinh tế-Tài chính chủ trì kiểm tra một số dự án BOT và làm việc với địa phương, đã có nhiều ý kiến kiến nghị làm rõ thẩm quyền ban hành “trách nhiệm chia sẻ của các bên khi thực hiện giải pháp tháo gỡ” thuộc Quốc hội hay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các nội dung về giải pháp tháo gỡ, trách nhiệm chia sẻ của các bên và giá trị vốn nhà nước để tháo gỡ phải được các bên thống nhất trước khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết, nhằm bảo đảm khả thi khi triển khai thực hiện; bổ sung cơ chế, chính sách trong Luật PPP để thực hiện đồng bộ, giải quyết được các dự án tiềm ẩn vướng mắc.
Đến nay, đối với nhóm 5 dự án bố trí vốn nhà nước tham gia hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng, cơ bản các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng đã thống nhất cơ chế chia sẻ rủi ro. Đối với nhóm 6 dự án bố trí vốn nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng, một số nhà đầu tư đề xuất chỉ giảm một phần lợi nhuận; tất cả các tổ chức tín dụng đề nghị không hồi tố khoản lãi vay nhà đầu tư đã thanh toán cho ngân hàng, giảm một phần lãi vay, chưa phù hợp với Thông báo số 270/TB-VPCP. |
Hiện nay, Chính phủ đã có tờ trình, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chương trình lập pháp năm 2025, trong đó dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật PPP; trường hợp được bổ sung quy định về vốn nhà nước tham gia, hỗ trợ giai đoạn khai thác trong Luật PPP sửa đổi, sẽ đủ điều kiện tháo gỡ vướng mắc toàn bộ 11 dự án BOT và các dự án tiềm ẩn.
Căn cứ chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về việc nghiên cứu bổ sung trong sửa Luật PPP để tháo gỡ các dự án BOT giao thông, trên cơ sở ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung quy định “vốn nhà nước tham gia, hỗ trợ dự án BOT giai đoạn khai thác” trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật PPP để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, kịp thời tham mưu Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Luật.
Đồng thời, để thống nhất về trách nhiệm chia sẻ, bảo đảm không tạo tiền lệ, không để lợi dụng, trục lợi chính sách theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Bộ Xây dựng tiếp tục cập nhật, hoàn chỉnh Đề án tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, trình Chính phủ xem xét, thông qua.
Nguồn:https://nhandan.vn/