Ngày 18/6/2018 tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, Vụ phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã chủ trì tổ chức Tọa đàm "Mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên". Tham dự tọa đàm có các đại biểu của Sở Giáo dục - Đào tạo, Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy khu vực đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc, đại biểu thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an…

Các đại biểu tham dự tọa đàm
Báo cáo đề dẫn của Tọa đàm đã khẳng định vai trò quan trọng, sự cần thiết của công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên, bởi đây là lực lượng xã hội to lớn, chiếm khoảng 24,5% dân số cả nước, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm gần đây, công tác này đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, được thể hiện trong các văn bản của Đảng, Nhà nước như Trong Chỉ thị số 42 - CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2020, Luật Thanh niên năm 2005…
Các ý kiến tham gia Tọa đàm đã cung cấp cho các đại biểu thông tin về nhiều mô hình hiệu quả trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên rất hiệu quả. Tiêu biểu như các mô hình: "Tổ chức đoàn không có cán bộ, đoàn viên thanh niên vi phạm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội và mất an toàn giao thông", "Mỗi ngày một câu hỏi, mỗi tuần 01 điều Luật", "Tổ tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý quân nhân" của Ban Thanh niên Quân đội, Bộ Quốc phòng. Mô hình "Đồng hành cùng phát triển", là chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Hà Nam nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp của tỉnh Hà Nam. Mô hình "Triển khai hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên thông qua Ban Thông tin và truyền thông cấp xã được thực hiện thí điểm tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên" của tỉnh Điện Biên; ở mô hình này, Ban Thông tin và truyền thông xã Mường Phăng là chủ thể trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, được Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên hỗ trợ trong việc biên tập, chỉnh sửa tài liệu thông tin, tuyên truyền, được người dân, nhất là thanh thiếu niên đón nhận, hưởng ứng. Mô hình cuộc thi viết "Gương sáng thanh thiếu niên chấp hành pháp luật" của tỉnh Nghệ An nhằm giới thiệu những gương thanh, thiếu niên của tỉnh Nghệ An có ý thức tốt trong chấp hành pháp luật, đồng thời biểu dương cả những thanh, thiếu niên từng lầm lỡ, phạm pháp, song đã vươn lên trở thành công dân tốt trong xã hội. Mô hình "Kể chuyện theo án" của Đoàn Thanh niên thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; trên cơ sở các vụ án có thật trên địa bàn thành phố đã được các cơ quan chức năng xét xử, sau đó được biên soạn thành những câu chuyện sinh động, có ý nghĩa răn đe giáo dục, cảm hóa cao đối với người nghe, nhất là đối với thanh, thiếu niên…
Lưu Vân