KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 14/04/2025 - Lượt xem: 19
Trách nhiệm, khoa học, dân chủ trước những vấn đề quốc kế, dân sinh

Từ gợi ý của Bộ Chính trị về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh còn 34 tỉnh, thành phố; không tổ chức cấp huyện, giảm khoảng 50% đơn vị hành chính cấp xã, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, trách nhiệm, khoa học và sáng tạo.

 

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Trung ương đã thống nhất rất cao về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, là cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương), sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so hiện nay.

Với tư duy đổi mới, tinh thần cách mạng triệt để, vì sự phát triển của đất nước, vì nhân dân, Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII được ghi nhận là hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của nước ta. Trong 3 ngày làm việc, Trung ương thảo luận, cho ý kiến đối với 15 nội dung quan trọng, phạm vi rộng, nhiều nội dung rất hệ trọng liên quan quốc kế, dân sinh. Vấn đề tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp được cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Hơn 4 tháng qua, quyết sách chiến lược của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được hiện thực hóa trong đời sống với tốc độ và hiệu quả cao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở đã chuyển động liên tục, mạnh mẽ, hành động “5 rõ”, tất cả với mục tiêu cao nhất vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân.

Thực hiện các Kết luận số 127- KL/TW; Kết luận số 130-KL/TW, Kết luận số 137-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số

74/NQ-CP, ngày 7/4/2025 kèm theo kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo Kế hoạch, Chính phủ xác định rõ lộ trình, các công việc phải thực hiện trong từng thời điểm, bảo đảm phù hợp thực tiễn nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, tỉnh ủy, thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan liên quan trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Nhằm bảo đảm sau sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý, một khối lượng đồ sộ công việc phải hoàn thành trước ngày 30/6/2025, liên quan các bộ, ngành Trung ương về hoàn thiện chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn, làm cơ sở cho việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp tỉnh, trên cơ sở các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, tập trung đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.

Trong đó, tập trung tuyên truyền; tổ chức lấy ý kiến cử tri; dự kiến tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã mới; dự kiến địa điểm đặt trụ sở của đơn vị hành chính cấp xã mới; việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương theo thẩm quyền khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Bảo đảm công khai, dân chủ và tập hợp sức mạnh đồng thuận trong nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng đề án và tổ chức lấy ý kiến cử tri ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp; quyết định hình thức và trình tự, thủ tục, thời hạn lấy ý kiến phù hợp điều kiện thực tiễn, bảo đảm tiến độ đề ra.

Thời gian này, tại một số địa phương, trên cơ sở phân công của Chính phủ, địa phương được giao chủ trì (cơ quan chủ trì) phối hợp với tỉnh, thành phố cùng sáp nhập (cơ quan phối hợp) đã tổ chức các buổi làm việc ban đầu, để tiến hành xây dựng đề án và lập hồ sơ đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; trình tự, thủ tục thực hiện đồng thời với lập hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập, bảo đảm tiến độ trình hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính theo yêu cầu.

Yêu cầu đặt ra đối với công tác tư tưởng là tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức và sự ủng hộ, đồng hành của nhân dân. Góp phần bảo đảm quá trình triển khai đạt hiệu quả cao nhất, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy, chính quyền địa phương cấp tỉnh và các cơ quan báo chí trong việc chủ động cung cấp thông tin về kết quả đạt được. Tất cả đều hướng tới mục tiêu cao nhất vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan