Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người đặc biệt coi trọng phương thức nêu gương, coi nêu gương là biện pháp quan trọng trong việc hình thành đạo đức xã hội. Người khẳng định: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng”, “muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Quán triệt các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta ban hành nhiều quy định về vấn đề này: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ chính trị; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương… Những quy định trên cùng với nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã tạo nên hệ thống các tiêu chí, chuẩn mực trong quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, quan hệ với nhân dân để đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu rèn luyện, thực hiện.
Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Đảng đã đưa ra 7 nội dung mà cán bộ, đảng viên phải nêu gương, đó là: về tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; về tự phê bình và phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và nêu gương về đoàn kết nội bộ. Đảng yêu cầu cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong công việc, cuộc sống để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Đối với người đứng đầu, quy định nêu gương nhằm kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, chấn chỉnh, xử lý đối với những trường hợp chưa thực hiện đúng quy định, vi phạm đạo đức, lối sống, thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác, lối sống xa hoa, lãng phí gây phản cảm trong xã hội và gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, giản dị, tiết kiệm. Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, đã nêu 8 điều Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 8 điều phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.
Quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả, Đảng ta cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu”; chưa tự giác nêu gương, chưa thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trước quần chúng nhân dân; có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong.
Nhiệm kỳ Đại hội XII, qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật trên 1.300 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật trên 17 nghìn đảng viên; nhiều ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị cũng bị xử lý kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng. Điều đó đã gây ra dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân, tổn hại đến mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, giảm sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”; “…ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Để làm được điều đó, đồng thời thực hiện nghiêm túc quy định sửa đổi về những điều đảng viên không được làm gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương, tự giác nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Nguyễn Thị Hồng Vân-Theo Bản tin Thông báo nội bộ