KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 – 10/10/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 09/06/2021 - Lượt xem: 100
Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên

Thực hiện Chương trình phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông năm 2021, Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng tải nội dung: “Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hưng Yên”

Giai đoạn 2016-2020, việc ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cải tiến môi trường và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hiện đại; tăng năng suất và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Thông qua việc triển khai ứng dụng và phát triển CNTT kết hợp với việc thực thi các giải pháp về xây dựng môi trường chính sách, tài chính, xây dựng nguồn lực, các giải pháp về công tác tổ chức, cách thức triển khai, công tác tuyên truyền phổ biến…đã góp phần thúc đẩy hoạt động ứng dụng, phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước, tạo nền tảng cho xây dựng mô hình chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh. Có được kết quả đó, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT. Trong đó phải kể đến Kế hoạch số 265/KH-UBND ngày 19/11/2015 về ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.
Nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai ứng dụng CNTT, những năm qua, hạ tầng kỹ thuật dùng chung, hạ tầng truyền số liệu của tỉnh đã được nâng cấp và hoàn thiện. 100% cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Văn phòng HĐND và UBND từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã có mạng tin học nội bộ, đáp ứng kịp thời cho việc triển khai, sử dụng các ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành, lĩnh vực. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được nâng cấp, mở rộng duy trì hoạt động ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai các ứng dụng dùng chung của tỉnh. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp I, cấp II của tỉnh đã được triển khai đồng bộ đến 100% cơ quan hành chính, các cơ quan khối Đảng, đoàn thể trên địa bàn tỉnh; Kiến trúc CQĐT của tỉnh đã được xây dựng và thường xuyên được cập nhật, bổ sung, làm nền tảng để thực hiện đầu tư, xây dựng các hệ thống thông tin của tỉnh. Ngoài ra, các hệ thống thông tin dùng chung đã phát huy tốt trong công tác quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành đã được triển khai đến 100% các cơ quan hành chính của tỉnh, đảm bảo việc gửi nhận văn bản liên thông 4 cấp theo yêu cầu của Chính phủ. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng có sử dụng chữ ký số đạt trên 95%, bình quân hàng năm có khoảng trên 400.000 văn bản được thực hiện gửi nhận qua hệ thống, ước tiết kiệm từ văn phòng phẩm và phí bưu điện gần 15 tỷ đồng; Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai trên toàn tỉnh, hệ thống cho phép tin học hóa toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hành chính, liên thông thủ tục hành chính các cấp trong tỉnh và được chia sẻ trên cổng dịch vụ công quốc gia, giúp việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận tiện. Hiện nay, trên hệ thống đã cung cấp trên 620 thủ tục hành chính mức độ 4 và 1100 thủ tục hành chính ở mức độ 3; Tổng số hồ sơ cập nhật và xử lý trên hệ thống cổng dịch vụ công và phần mềm một cửa là trên 363.000 hồ sơ, đã giải quyết 362.000 đạt 99,5%. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh đã cấp gần 10.000 tài khoản cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh để phục vụ công tác trao đổi văn bản điện tử giữa các đơn vị; Trang/Cổng thông tin điện tử của các đơn vị đã được cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động chuyên môn, các quy hoạch, kế hoạch và hoạt động của các đơn vị, góp phần nâng cao chỉ số minh bạch thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Các phần mềm phục vụ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực đã được triển khai, cơ bản đáp ứng theo lộ trình xây dựng CQĐT tỉnh như: Hệ thống quản lý cán bộ công chức, Cơ sở dữ liệu ngành: Giáo dục, Y tế, Lao động- Thương binh- xã hội, Công thương, Tài nguyên môi trường, Tư pháp… dần được hình thành. Cơ sở dữ liệu quốc gia (Dân cư, Đất đai, Đăng ký kinh doanh, Tài chính, Bảo hiểm..) đang được triển khai tại tỉnh.
Bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng của tỉnh đã được đầu tư xây dựng và kết nối, chia sẻ dữ liệu với trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, góp phần làm tăng hiệu quả công tác giám sát, nắm bắt thông tin các cuộc tấn công mạng vào hệ thống thông tin của tỉnh, giúp Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh lên phương án giám sát, bóc gỡ mã độc trong hệ thống của tỉnh. Từ khi đưa vào hoạt động, hệ thống đã ghi nhận trên 3000 kết nối tới máy chủ có mã độc và lừa đảo trên mạng. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư thêm hệ thống giám sát nội dung thông tin mạng qua đó nắm bắt được thông tin xấu, độc, thông tin không đúng sự thật để sớm ngăn chặn, đấu tranh, phòng ngừa… Nguồn nhân lực về an toàn thông tin luôn được chú trọng quan tâm bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ. Hiện trên địa bàn tỉnh có 85 cán bộ phụ trách về CNTT và an toàn thông tin, cơ bản đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ cho công tác an toàn thông tin…
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: nhận thức về vị trí, vai trò của ứng dụng CNTT ở một số đơn vị chưa thực sự đầy đủ, công tác chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của địa phương và giữa địa phương với Bộ, ngành còn ít; Công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa được quan tâm; Nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng CNTT chủ yếu là nguồn ngân sách địa phương, chưa tạo điều kiện thu hút các nguồn lực ngoài xã hội, hình thức đầu tư về CNTT còn hạn chế…
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT gắn với phát triển các dịch vụ đô thị thông minh trên cơ sở lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CQĐT; Hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai xây dựng phát triển CQĐT; Xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin và an toàn an ninh thông tin giỏi làm việc cho các cơ quan nhà nước. Phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin đồng bộ làm nền tảng để triển khai các ứng dụng; Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân trong quá trình phát triển CQĐT tại địa phương tạo niềm tin cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ của chính quyền các cấp; Bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng CQĐT; Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến và giao tiếp với cơ quan nhà nước tại địa phương thông qua hệ thống CQĐT…
Bùi Lâm

 

Tin liên quan