Từ tháng 02/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã và đang tổ chức triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên bệnh dịch đang xảy ra ở phạm vi rộng, làm ảnh hướng rất lớn đến kinh tế, phát triển chăn nuôi lợn, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống của người chăn nuôi và công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, công tác phòng, chống và tổ chức khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi là công việc cấp bách và rất quan trọng hiện nay.
Trước thực trạng trên, ngày 3/6/2019 Ủy ban nhân tỉnh Hưng Yên ban hành Công văn số 1324-CV/UBND về việc thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế dịch tả lợn Châu phi.
Theo đó, để thực hiện quyết liệt công tác chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, UBND tỉnh chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh.
Coi nhiệm vụ phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lúc này, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các biện pháp do Trung ương, UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn về phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; quyết tâm khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian nhanh nhất để bảo đảm điều kiện tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, cải thiện đời sống nhân dân.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch cần phải bám sát thực tế, diễn biến của bệnh dịch để chỉ đạo cho hiệu quả; cần phải chủ động, cụ thể và quyết liệt hơn nữa, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, tập trung bảo vệ các cơ sở chăn nuôi lớn.
Ủy ban nhân tỉnh cũng yêu cầu các sở: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Y tế; Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung như: Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi các cấp; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tại cơ sở và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để dập dịch nhằm nhanh chóng khống chế tiến tới công bố hết dịch. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi theo diễn biến thực tế hiện nay của bệnh dịch để chỉ đạo cho hiệu quả. Điều chỉnh các chốt kiểm dịch, rà soát, kiểm tra hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm dịch động vật trên địa bàn các cấp để điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến của dịch bệnh… Kiểm tra, hướng dẫn các địa phương bố trí địa điểm và quy trình tiêu hủy lợn đảm bảo yêu cầu về môi trường theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đẩy mạnh việc kiểm tra, đánh giá tại các cơ sở chế biến bếp ăn tập thể sử dụng thịt lợn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để kịp thời phát hiện, xứ lý những trường hợp sử dụng thịt lợn không đảm bảo an toàn làm thực phẩm. Kết nối, liên kết hỗ trợ tiêu thụ lợn thương phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh…
Ngọc Điệp