Khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, thị trường lao động ở nước ta có sự tham gia ngày càng đa dạng, phong phú của người lao động, người sử dụng lao động, trong đó có cả từ nước ngoài đến, khiến sức cạnh tranh trên thị trường lao động càng thêm khốc liệt, quan hệ lao động phức tạp hơn. Việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp người lao động.
Tại doanh nghiệp, quan hệ lao động được tạo thành bởi người lao động, tổ chức đại diện của người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức đại diện của người sử dụng lao động, cơ quan nhà nước. Tổ chức Công đoàn giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu, đứng giữa mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của hai bên, hài hòa mối quan hệ này để cùng phát triển, giữ ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngày càng phát huy trong việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nhờ đó, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động được nâng lên; tiền lương, môi trường lao động được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao đời sống người lao động. Ngoài ra, tổ chức công đoàn tích cực, chủ động phối hợp chính quyền, doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, hướng dẫn, giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Tổ chức này còn đại diện cho người lao động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tham gia giải quyết tranh chấp lao động ở cơ sở, ngăn ngừa, hạn chế đình công bất hợp pháp, tạo niềm tin, sự gắn bó giữa doanh nghiệp và người lao động.
Để tiếp tục xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, các cấp công đoàn cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình, tích cực tham gia có hiệu quả trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, trước mắt tham gia sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, tập trung vào các vấn đề liên quan người lao động; kiến nghị với Đảng, Nhà nước tập trung giải quyết tốt các vấn đề về nhà ở, học hành của con em công nhân, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật lao động. Hiện nay, phần lớn người lao động trong các doanh nghiệp vẫn thiếu hiểu biết về pháp luật lao động và quan hệ lao động. Việc không nắm vững các quy định của pháp luật dẫn đến tác phong và những hành vi không phù hợp, dễ xảy ra xung đột trong quan hệ lao động với chủ doanh nghiệp. Do vậy tổ chức công đoàn cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, công đoàn cơ sở; xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Điều quan trọng hơn cả là tổ chức công đoàn cần tiếp tục nâng cao vai trò, sứ mệnh đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Các cấp công đoàn cần hướng dẫn, tư vấn cho người lao động trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng lao động. Đại diện tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; tham gia tích cực với chủ sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, đối thoại với người sử dụng lao động; tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách pháp luật về lao động và công đoàn; kịp thời phát hiện những bất hợp lý của chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Một khi người lao động tin tưởng, sẽ lựa chọn tổ chức công đoàn Việt Nam làm đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong quan hệ lao động.