KỶ NIỆM 135 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2025)
Tin tức trong tỉnh
Đăng ngày: 12/01/2023 - Lượt xem: 140
Vấn đề dư luận quan tâm: Hiểu đúng và sớm can thiệp cho trẻ tự kỷ, rối loạn cảm xúc

“Cảm ơn các cô đã đồng hành và giúp đỡ cháu Ph.A. Nhờ các cô mà cháu có nhiều ngôn ngữ hơn. Năm nay cháu vào lớp 1, lúc cần vẫn nhận được sự hướng dẫn của các cô qua điện thoại để mẹ được hiểu hơn cảm xúc của con” - Đây là chia sẻ của một người mẹ có con điều trị rối loạn cảm xúc tại Đơn nguyên Tâm bệnh, Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên. 4 tuổi, cháu Ph.A được gia đình đưa vào bệnh viện với tình trạng có biết nói, nhưng chưa giao tiếp tốt, không hiểu lời người khác. Sau gần 2 năm với sự hướng dẫn về tương tác giao tiếp ngôn ngữ của bác sĩ, nhân viên y tế, sự phối hợp của gia đình, Ph.A đã cải thiện tốt, hiểu lời người khác, giao tiếp tốt và có thể đi học lớp 1. 
Theo bác sĩ Lê Ngọc Hà, phụ trách Đơn nguyên Tâm bệnh, Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên, hiện nay, vấn đề trẻ mắc bệnh tự kỷ, rối loạn cảm xúc đã được nhiều người quan tâm hơn. Qua theo dõi, mức độ trẻ gia tăng ngày càng nhiều hơn. Ngoài nguyên nhân như yếu tố môi trường làm việc độc hại của người bố hoặc mẹ trước khi mang thai, ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình mang thai hoặc quá trình đẻ gặp sự cố, yếu tố gia đình… thì nguyên nhân rất phổ biến dẫn đến trẻ mắc tự kỷ thứ phát là do môi trường gia đình, trẻ sớm tiếp xúc với điện thoại, ti vi và tiếp xúc trong thời gian dài. Đặc biệt, sau thời gian giãn cách do dịch Covid-19, nhiều trẻ từ 2 đến 4 tuổi rơi vào tình trạng chậm nói, nói vô nghĩa, sợ sệt, kém giao tiếp, kém tương tác… Bác sĩ Hà giải thích, trẻ tiếp xúc sớm với điện thoại trong thời gian dài, sớm (từ 6 tháng tuổi) khi trẻ chưa biết nói sẽ dần phụ thuộc vào điện thoại, không để ý đến hoạt động xung quanh; đối với trẻ đã biết nói nhưng ít giao tiếp với nhiều người khiến kỹ năng giao tiếp, tương tác dần mất đi.
Cuộc sống hiện đại, nhiều thiết bị thông minh xuất hiện làm thay đổi lối sống, sinh hoạt của nhiều người cũng là tác nhân gây nên những hệ lụy đáng tiếc khi sử dụng quá nhiều, tác động một phần đến thay đổi cơ cấu bệnh tật ở trẻ hiện nay. Bà Trần Thị T. (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Lúc cháu tôi chưa được 1 tuổi, đến bữa ăn phải có điện thoại hoặc xem ti vi. Những lúc ngồi chơi cũng hay xem ti vi, nghịch điện thoại. Mặc dù cháu hiểu lời người khác, nhưng chậm nói, nói vô nghĩa. Phải đến khi 4 tuổi, mọi người trong gia đình mới bỏ được thói quen xem ti vi, điện thoại của cháu, dạy cháu nói từng tiếng. Bây giờ thì mọi chuyện đã tốt, cháu đi học, giao tiếp, nhận thức bình thường. Cũng may, gia đình nhận ra tình trạng của cháu và có phương pháp hỗ trợ kịp thời”. Tuy nhiên, nhiều người chưa nhận biết hết được tác hại khi cho trẻ tiếp xúc sớm với điện thoại, ti vi. Do vậy, khi bận bịu thường cho trẻ ngồi xem ti vi hoặc điện thoại. Sau một thời gian dài, trẻ dần “nghiện” điện thoại, ti vi, không giao tiếp với mọi người xung quanh, đặc biệt, khi trẻ xem những chương trình không có ngôn ngữ, lâu dần dẫn đến rối loạn ngôn ngữ, nói vô nghĩa, nói chậm, nặng hơn là rối loạn cảm xúc, không tương tác, tự kỷ…
Theo bác sĩ Hà, trẻ tự kỷ ở mức độ nặng sẽ không có ngôn ngữ, không tương tác, không nói được, không thể hiện sự yêu thương, nói lung tung, hát liên tục, không chia sẻ khoe, mách, không biết giao tiếp, không biết các cử chỉ giao tiếp (trẻ hơn 2 tuổi). Trường hợp nhẹ hơn, trẻ có hiểu lời người khác nói nhưng ở mức độ thấp, có chú ý nhưng không có ngôn ngữ. Sau 5 năm thành lập, Đơn nguyên Tâm bệnh, Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên đã tiếp nhận nhiều trẻ tự kỷ, trẻ tăng hoạt động giảm chú ý, rối loạn cảm xúc. Với các biện pháp can thiệp về tương tác giao tiếp ngôn ngữ, vận động, bệnh viện đã điều trị, hỗ trợ nhiều trẻ tiến bộ.
Một số nhận biết sớm trẻ tự kỷ, rối loạn cảm xúc: Trước 12 tháng tuổi chưa biết chỉ chỏ, 18 tháng chưa biết nói từ đơn, 24 tháng chưa biết nói câu có 2 từ hoặc mất đi những kỹ năng đã có. Lớn hơn, trẻ hay thu mình. Đối với trẻ tự kỷ bẩm sinh, dưới 6 tháng không hóng chuyện, 12 tháng không tương tác được. Vì vậy, người lớn cần nhận thức đầy đủ về bệnh để nhận biết được biểu hiện của bệnh, sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, can thiệp. Theo các chuyên gia y tế, trẻ tự kỷ bị rối loạn các giác quan như rối loạn thính giác, sợ xúc giác, sợ ánh mắt, mất thăng bằng, với mỗi rối loạn đó có phương pháp điều hòa chuyên sâu. Đồng thời, cần có sự kết hợp của gia đình, cô giáo nhằm tăng cường tương tác, giao tiếp, vận động trị liệu cho trẻ. Việc điều trị cho trẻ tự kỷ rất vất vả, vì vậy, khi chuẩn bị mang thai hoặc trong quá trình mang thai, các bà mẹ cần được khám, tư vấn của bác sĩ để sinh ra đứa con khỏe mạnh; không cho trẻ tiếp xúc sớm với ti vi, điện thoại tránh mắc tự kỷ, rối loạn cảm xúc thứ phát. 
Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan