5-4-2025 0:11:7
KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Khoa giáo, Văn hoá - Văn Nghệ
Đăng ngày: 01/04/2025 - Lượt xem: 19
Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo

Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam có đủ sự năng động và tinh thần khởi nghiệp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà không cần học hỏi quá nhiều từ các quốc gia khác. Đây là nhận định của Tiến sĩ Simon Best, giảng viên cao cấp tại Đại học Middlesex, chia sẻ trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Anh.

Tiến sỹ Simon Best, Đại học Middlesex (Anh). (Ảnh Hữu Tiến/TTXVN)

Theo Tiến sĩ Simon Best, nhìn vào những thay đổi công nghệ đang diễn ra, thế giới thật sự đã bước sâu vào cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, là dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam sẵn sàng tham gia vào quá trình thay đổi này. Theo ông, các quốc gia phát triển như Anh cũng gặp những vấn đề trong quá trình đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học-công nghệ và Việt Nam có thể tham khảo, rút kinh nghiệm từ những bài học này.

Để thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ, Tiến sĩ Simon Best cho rằng, Việt Nam cần xây dựng các trung tâm cấp địa phương để tập hợp các doanh nghiệp có quy mô khác nhau, nhằm đẩy nhanh quá trình chắt lọc công nghệ từ doanh nghiệp lớn sang doanh nghiệp nhỏ. Quá trình này sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp nhỏ áp dụng khoa học-công nghệ, đồng thời xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp cấp địa phương, trong đó các ngành có thể hỗ trợ lẫn nhau.


Tiến sỹ Simon Best, Đại học Middlesex (Anh) trả lời phỏng vấn của TTXVN về Nghị quyết số 57-NQ/TW. (Ảnh Hữu Tiến/TTXVN)

Nhằm tạo môi trường hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, các nhà khoa học và doanh nghiệp, Tiến sĩ Simon Best gợi ý Việt Nam tham khảo áp dụng mô hình tương tự như dự án trao đổi sinh viên Erasmus Plus của Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, các doanh nghiệp, trường đại học và cơ sở giáo dục cùng hợp tác để tạo ra sự thay đổi trong hệ thống giáo dục. Hợp tác không chỉ tập trung vào nghiên cứu học thuật mà bao gồm cả việc phát triển các giải pháp thực tế.

Bên cạnh đó, việc gửi sinh viên, nhà nghiên cứu và nhà khoa học Việt Nam ra nước ngoài học tập, nghiên cứu không chỉ mang lại cho họ kiến thức, kỹ năng chuyên môn, mà cả trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp cũng như hiểu biết về các nền văn hóa, xã hội khác nhau. Đây là những kiến thức, kỹ năng quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Đánh giá về khả năng đóng góp của các trí thức Việt kiều cho đất nước, Tiến sĩ Simon Best cho rằng, hàng triệu người Việt Nam trên khắp thế giới là nguồn lực phong phú và giá trị. Việt Nam cần tiếp tục xây dựng các cơ chế để kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, khuyến khích họ về thăm quê hương và đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng đất nước.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan