KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Gương điển hình
Đăng ngày: 23/07/2021 - Lượt xem: 1818
Xã Giai Phạm phát huy truyền thống quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh

Xã Giai Phạm nằm ở phía Bắc của huyện Yên Mỹ; tổng diện tích đất tự nhiên là 601 ha, đất canh tác 203 ha. Xã có 4 thôn với 2.822 hộ và 9.308 nhân khẩu. Đảng bộ xã có 10 chi bộ (4 chi bộ nông thôn, 6 chi bộ chuyên môn) với 328 đảng viên. Là vùng quê nổi tiếng về truyền thống văn hiến cách mạng, nơi sinh thành của nhiều danh nhân, anh hùng hào kiệt. Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, vùng đất Giai Phạm thời nào cũng có những nhân tài mà sử sách còn lưu danh. Trong lịch sử hiện đại có Trung tướng Nguyễn Bình, đặc biệt có nhà hoạt động chính trị nổi tiếng - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh…

Dưới chế độ cai trị hà khắc bóc lột tàn ác của thực dân Pháp và phong kiến triều Nguyễn, nhân dân Giai Phạm vẫn luôn nung nấu tinh thần yêu nước sâu sắc, đoàn kết vượt qua gian khổ, hưởng ứng các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Tinh thần ấy, ý chí ấy như truyền lửa đấu tranh cách mạng cho các thế hệ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phát huy truyền thống của quê hương, một số thanh niên Giai Phạm có chí hướng ra đi tìm đường cứu nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (còn gọi là Mười Cúc), sinh ngày 01/7/1915 trong một gia đình công chức, quê gốc ở làng Yên Phú, xã Giai Phạm. Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, đồng chí đã sớm có tinh thần yêu nước, tham gia vào các tổ chức cách mạng, đã hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách do Đảng phân công. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là nhà lãnh đạo tài năng, đức độ, có tư duy sáng tạo. Trên cương vị là Tổng Bí thư từ năm 1986 - 1991, đồng chí đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân triển khai thực hiện đường lối đổi mới.
Dù bận công việc chung của cả nước, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn thường xuyên quan tâm và đã 6 lần về thăm, làm việc tại quê hương. Năm 1994, đồng chí đã về thăm và dự lễ khởi công xây dựng trường Tiểu học mang tên Nguyễn Văn Linh và đồng ý để trường THCS của xã được mang tên ông. Hiện nay cả 3 ngôi trường của xã (Mầm non, Tiểu học, THCS) đều mang tên Nguyễn Văn Linh. Năm 1996, về thăm xã Giai Phạm, đồng chí có nhắc nhở với cán bộ và nhân dân rằng: Tôi muốn “làng Bần sẽ không bần”, muốn bà con nhân dân phát huy nghề làm tương truyền thống nhằm phát triển kinh tế địa phương. Ngày 14/3/1997, đồng chí gửi thư động viên Đảng bộ và nhân dân xã Giai Phạm thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời khen ngợi các trường của xã đã giữ vững danh hiệu tiên tiến nhiều năm liền. Những lần về thăm và làm việc tại địa phương, đồng chí đã căn dặn Đảng bộ và nhân dân xã phải quan tâm thường xuyên về công tác xây dựng Đảng và chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng và cũng là để tỏ lòng thành kính và biết ơn những nhân tài, người con Giai Phạm đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Giai Phạm đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách và lập được nhiều thành tích trên các lĩnh vực, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của đất nước, xứng đáng là quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Từ một xã nông nghiệp, sản xuất manh mún, Đảng bộ Giai Phạm đã nắm vững đường lối đổi mới của Đảng, vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện thực tế của địa phương để khai thác tốt những tiềm năng phát triển trên các lĩnh vực. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm, chú trọng. Nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã luôn đạt trong sạch, vững mạnh. Năm 2020, 90% số chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, 84,15% số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Về kinh tế, văn hóa - xã hội luôn là xã trong tốp đầu của huyện. Năm 2020, cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 12,6% - công nghiệp, xây dựng 48,4% - thương mại, dịch vụ 39%; tổng thu ngân sách đạt 56.353 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/người/năm. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ và đổi mới. Tỷ lệ hộ nghèo là 1,31% (giảm 0,39% so với năm 2019); tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95%; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100%. Các thiết chế văn hóa được tăng cường; 4 di tích lịch sử cấp quốc gia và 2 di tích lịch sử cấp tỉnh của xã được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống tinh thần của nhân dân, 4/4 làng giữ vững danh hiệu làng văn hóa, 95% hộ gia đình văn hóa. Phong trào thể dục - thể thao quần chúng ngày càng phong phú, đa dạng. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển đảm bảo cân đối về quy mô, loại hình và nâng cao chất lượng, từng bước thực hiện chuẩn hoá giáo dục, toàn xã có 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân ngày một tốt hơn. Công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm, hiện nay toàn xã không có nhà tranh vách đất. Công tác an sinh xã hội luôn được coi trọng, nhất là chế độ chính sách, hỗ trợ, thăm hỏi động viên, tặng quà cho các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp các ngày tết, ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước. Quốc phòng, an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Với những thành tích đạt được, đặc biệt là trong những năm đổi mới, xã Giai Phạm đã được các cấp ủy đảng, chính quyền nhiều lần biểu dương, khen thưởng. Xã Giai Phạm đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1994. Năm 2015, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Yên Mỹ; năm 2020 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. UBND tỉnh quyết định công nhận Giai Phạm là xã đạt đô thị loại 5 (năm 2018) và tặng Cờ thi đua xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 (năm 2019).
Trong thời gian tới, với niềm tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, phát huy những kết quả đạt được, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Giai Phạm tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra; quyết tâm xây dựng xã ngày càng giàu đẹp, văn minh, đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngọc Tú (Theo Bản tin TBNB số 291)

 

Tin liên quan