Với việc nền kinh tế phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường trong nước đã và đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các hoạt động thương mại.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn hướng dẫn các hộ kinh doanh chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh, buôn bán. (Ảnh: LƯU QUYÊN)
Thế nhưng, đi cùng với sự phát triển đó, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng vẫn diễn ra rất phức tạp, gây hệ lụy xấu đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, cũng như nền kinh tế. Điều này đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần kế thừa, phát huy tốt các thành tích đã đạt được thời gian qua để tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý và phát triển thị trường trong nước.
Bảo vệ nền sản xuất và tiêu dùng
Ngày 1/3 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường chính thức kết thúc mô hình hoạt động cấp tổng cục sau hơn sáu năm vận hành để sáp nhập với Vụ Thị trường trong nước, thành lập Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước thuộc Bộ Công thương. Đồng thời, chuyển giao các cục quản lý thị trường về địa phương quản lý để thành lập cấp chi cục. Qua đó, mở ra một giai đoạn mới cho lực lượng quản lý thị trường với những yêu cầu và thách thức lớn hơn trong bối cảnh thương mại trong nước đã có nhiều thay đổi. Hành trình sáu năm hoạt động theo mô hình tổng cục không những để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong công tác kiểm soát thị trường mà còn khẳng định vai trò chủ lực của lực lượng này trong đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Theo báo cáo của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, từ tháng 10/2018 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 666 nghìn vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính gần 418 nghìn vụ, chuyển cơ quan tố tụng 911 vụ để xem xét, khởi tố hình sự. Tổng số tiền xử lý vi phạm ước tính hơn 5.542 tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách nhà nước 3.376 tỷ đồng; trị giá phương tiện và tang vật vi phạm hành chính bị thu giữ, cũng như buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, chuyển giao với giá trị lên tới hơn 2.166 tỷ đồng.
Những con số này phản ánh nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn lực lượng và cho thấy những hiệu quả trong công tác giữ gìn sự ổn định trong hoạt động thương mại của thị trường trong nước, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm thực hiện liên tục, tập trung, xuyên suốt với quy mô trên cả nước; tình trạng manh mún, cắt khúc, thiếu đồng bộ trong công tác đấu tranh phòng chống và xử lý vi phạm được khắc phục.
Có nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm với quy mô lớn, mang tính chất liên tỉnh được lực lượng quản lý thị trường phát hiện, ngăn chặn kịp thời, mang lại tiếng vang lớn trong xã hội như: Phối hợp thu giữ 36 nghìn viên hồng phiến và ma túy tổng hợp tại tỉnh Hà Tĩnh; kiểm tra, tạm giữ khoảng 40 tấn hàng hóa gồm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang, hàng gia dụng và rượu nhập ngoại tại tám kho hàng, cơ sở kinh doanh ở Hà Nội và Hưng Yên,…
Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng là một trong những lĩnh vực mang lại dấu ấn cho công tác quản lý thị trường thời gian qua bằng việc chủ động kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trên không gian mạng. Chỉ tính riêng trong năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử (tăng 266% so năm 2023), chuyển cơ quan điều tra bốn vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm hơn 34 tỷ đồng (tăng 440% so năm 2023).
Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường đã có những bước tiến đáng kể trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu quả hoạt động. Hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý địa bàn, kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính được xây dựng và vận hành hiệu quả cũng đã giúp lực lượng nhanh chóng dự báo xu hướng vi phạm, nắm bắt tình hình, đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời. Công tác hợp tác quốc tế cũng là một điểm sáng, với việc ký nhiều biên bản ghi nhớ với các tổ chức và doanh nghiệp trong nước và nước ngoài nhằm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tiếp tục là lực lượng chủ công trong chống buôn lậu, hàng giả

Tuyên truyền chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường. (Ảnh LƯU QUYÊN)
Với việc sáp nhập với Vụ Thị trường trong nước và chuyển giao 63 cục quản lý thị trường về các địa phương theo Nghị định số 40/2025/NĐ-CP được xem là một bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, đồng thời mở ra cơ hội để lực lượng quản lý thị trường thích ứng tốt hơn với yêu cầu mới của nền kinh tế.
Tuy nhiên, với việc chuyển đổi mô hình hoạt động, lực lượng quản lý thị trường đang đứng trước những yêu cầu cấp thiết, không chỉ là sự thay đổi về tổ chức mà còn đặt ra nhiệm vụ mở rộng chức năng, từ việc kiểm tra, kiểm soát thị trường sang thúc đẩy phát triển thị trường nội địa một cách bền vững. Vì vậy, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cần định hướng rõ ràng các phương hướng, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cục trưởng Quản lý và Phát triển thị trường trong nước Trần Hữu Linh chia sẻ: Dù thay đổi mô hình tổ chức, nhưng nhiệm vụ của lực lượng quản lý thị trường không thay đổi khi vẫn tiếp tục thực hiện chức năng kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ; chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong đấu tranh phòng chống hàng giả; chỉ đạo, giám sát, kiểm tra lực lượng quản lý thị trường trên cả nước.
Với những khó khăn hiện hữu trong thời gian tới, các hành vi vi phạm sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng gia tăng cùng những hoạt động phức tạp trên không gian mạng đang đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng quản lý thị trường. Điều này đòi hỏi cần sự phối hợp chặt chẽ, sâu sát hơn giữa các địa phương và Bộ Công thương để lực lượng quản lý thị trường tiếp tục làm tốt, có hiệu quả những nhiệm vụ được giao.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phải tiếp tục kế thừa, phát huy thành tích đã đạt được, giữ vững nhiệm vụ là lực lượng chủ công trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tiếp tục tăng cường phối hợp các địa phương, nhất là trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan công tác chuyên môn, chế độ, chính sách cho công chức, cán bộ quản lý thị trường hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ công nghệ, con người đến chính sách nhằm kiến tạo, tiến tới xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch và lành mạnh. Qua đó, bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
Nguồn: https://nhandan.vn/