Trước khi tìm hiểu phong cách Hồ Chí Minh chúng ta cần làm rõ khái niệm vậy “phong cách” là gì? Theo gốc Hán Việt, thì “Phong” có nghĩa là phong thái, “Cách” có nghĩa là cách điệu. Phong cách nghĩa là “phong thái và cách điệu”. Còn trong Từ điển Tiếng Việt, các nhà ngôn ngữ học nêu ra 3 nghĩa cơ bản của từ phong cách (1- Nghĩa về: Những lề lối, cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên cái riêng của một người hay một lớp người nào đó; 2- Nghĩa về phong cách ngôn ngữ được sử dụng trong những yêu cầu chức năng điển hình; 3- Nghĩa về phong cách nghệ thuật có tính chất hệ thống về tư tưởng và nghệ thuật, biểu hiện). Ở đây, chúng ta quan tâm đến nghĩa thứ nhất có tính tổng quát của từ “phong cách”. Đó là "Những lề lối, những cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự tạo nên cái riêng của một người hay một lớp người nào đó"[1].
Trong cuốn “Tài liệu sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị năm 2018” của Ban Tuyên giáo Trung ương có nêu: Phong cách và tác phong là hai khái niệm thường đi đôi với nhau. Phong cách hàm nghĩa rộng hơn, thể hiện những cung cách, cách thức hành xử của một người hay một nhóm người, được thể hiện nhất quán trong lao động, học tập, sinh hoạt, tạo nên cái riêng của họ, phân biệt họ với những người khác. Phong cách hình thành trên cơ sở những yếu tố về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tài năng, sở trường, khí chất… Tác phong hàm nghĩa cụ thể hơn so với phong cách. Có thể hiểu tác phong là sự thể hiện ra bên ngoài của phong cách, tạo thành lề lối làm việc, thói quen ứng xử, nề nếp sinh hoạt...
Khi nói về “phong cách Hồ Chí Minh” với cả hai hàm nghĩa của “phong cách” và “tác phong”; sử dụng khái niệm “phong cách làm việc” và “phong cách lãnh đạo” để nói về phong cách, tác phong công tác thể hiện trong công việc và trong lãnh đạo, điều hành đất nước. Phong cách làm việc và phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang đậm dấu ấn riêng của Người, gắn liền với tư tưởng, đạo đức, lối sống, mục đích sống của Người; vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực; thể hiện trong mọi lĩnh vực đời sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức, thẩm mỹ; là tấm gương sáng cho mọi người, mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo.
Từ các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2018 chúng ta có thể luận bàn về việc “xây dựng phong cách làm việc người cán bộ Tuyên giáo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” như sau:
Yêu cầu quan trọng đầu tiên trong phong cách làm việc của người cán bộ nói chung và người cán bộ Tuyên giáo nói riêng, đó là không được xa rời quan điểm của Đảng, luôn thấm nhuần quan điểm của Đảng, lập trường giai cấp để giải thích cho nhân dân hiểu biết đúng đắn những hiện tượng và sự kiện của đời sống xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ điều chủ chốt trong phong cách làm việc của cán bộ là phải: “Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc” [2].
Công tác Tuyên giáo hiện nay diễn ra trong điều kiện có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Do đó, đòi hỏi mỗi cán bộ Tuyên giáo cần phải đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra như: Bản lĩnh, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; phương pháp, tác phong làm việc khoa học; bám sát thực tiễn và gắn bó mật thiết với nhân dân; có lòng say mê và tâm huyết với nghề nghiệp... Giữ vững nguyên tắc này giúp người cán bộ, dù ở đâu, mỗi bài viết, bài nói đều thể hiện đúng quan điểm, đường lối của Đảng tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ" là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Cán bộ Tuyên giáo được xem là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, là người gieo niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Phong cách dân chủ yêu cầu người cán bộ, đảng viên nói chung và người cán bộ Tuyên giáo nói riêng phải sâu sát quần chúng, chú ý tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng, quan tâm đến mọi mặt đời sống nhân dân; tin yêu và tôn trọng mọi người, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những kiến nghị chính đáng của quần chúng, sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình.
Việc nắm tình hình thực tiễn, gần gũi với nhân dân, cán bộ Tuyên giáo mới có thể phát hiện được những diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội nảy sinh, những “điểm nóng” của lĩnh vực tư tưởng, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu, dự báo, đề xuất những giải pháp thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn mà mình phụ trách. Việc bán sát cơ sở, người cán bộ Tuyên giáo mới có thể nhìn thấy rõ hơn những nhân tố mới, kinh nghiệm hay để tổng kết và phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội. Gắn với thực tiễn cũng chính là để mỗi cán bộ Tuyên giáo phát hiện, đánh giá hiệu quả đi vào cuộc sống của các nghị quyết của Đảng ra sao, có gì cần khắc phục, cần sửa chữa, bổ sung. Có như vậy, hoạt động tham mưu của đội ngũ cán bộ Tuyên giáo mới thiết thực, sinh động, giàu sức sống và có tính thuyết phục.
Công tác Tuyên giáo tổng hợp, bao hàm nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau, như: Tư tưởng, lý luận, tuyên truyền, giáo dục, báo chí - xuất bản, văn hóa - văn nghệ, điều tra dư luận xã hội, Nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng... Liên hệ thực tiễn công tác cho thấy, đối với phòng TTCTTG, trực tiếp tham mưu giúp Lãnh đạo Ban trong lãnh đạo đối với các lĩnh vực hoạt động báo cáo viên, công tác tuyên truyền miệng, công tác nắm bắt dư luận xã hội, công tác thông tin đối ngoại và Biên tập, phát hành các loại tài liệu theo định kỳ hoặc đột xuất như: Bản tin Thông báo nội bộ, Tài liệu tham khảo cho báo cáo viên và các tài liệu phục vụ cho thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo… Để công việc đạt hiệu quả cao, mỗi cán bộ, chuyên viên trong phòng cần phải có phong cách làm việc khoa học. Đối với cán bộ làm công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng cách làm việc khoa học là phải biết kết hợp giữa nói, viết và nghe, cũng là để nắm được những nhu cầu thông tin, phản hồi của đối tượng tiếp nhận về bài tuyên truyền của mình cần phải biết lắng nghe; Đối với cộng tác dư luận xã hội hiện nay, đang có những khó khăn nhất định với việc đội ngũ cộng tác viên còn hạn chế chưa có nhiều thông phản ánh kịp thời tại các địa phương đơn vị trên địa bàn tỉnh. Do đó, đòi hỏi người cán bộ phải có cách làm việc sáng tạo khoa học, thì mới có thể nắm bắt dư luận xã hội kịp thời giúp Lãnh đạo ban, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có đầy đủ thông tin, điều kiện để điều chỉnh các hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng, góp phần bảo đảm cho chủ trương, chính sách khi ban hành sát thực tiễn, mang lại hiệu quả cao nhất trong đời sống xã hội; Đối với công tác biên tập Bản tin Thông báo nội bộ hàng tháng đòi hỏi cán bộ phải làm việc khoa học với việc phải luôn đổi mới nội dung nhằm cũng cấp cho cán bộ, đảng viên những thông tin mới nhất, mang tính định hướng cao. Ban biên tập thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, tổ chức, cá nhân nhằm hoàn thiện và thay đổi những điểm hạn chế cho phù hợp từng tháng, từng quý, năm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, vì vậy, bản thân cán bộ làm công tác tư tưởng phải thật sự là gương sáng về các đức tính: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Từ đó, hình thành bản lĩnh chính trị, tư tưởng, sự kiên định vững vàng và đạo đức, lối sống để nâng cao tính đảng, tính chiến đấu và tính thuyết phục của người cán bộ Tuyên giáo đối với quần chúng nhân dân, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp nơi mình phối hợp công tác. Người cán bộ Tuyên giáo phải làm gương, làm “kiểu mẫu” trong công tác và lối sống, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo và cá nhân đồng chí đồng nghiệp tôn trọng học hỏi.
Có như vậy, mỗi cán bộ Tuyên giáo mới thật sự là những chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhận công tác, góp phần đưa ra những ý kiến tham mưu chính xác, nhạy bén, linh hoạt, hiệu quả trong công tác Tuyên giáo của Đảng, cũng như vận dụng thành công tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nghề nghiệp của mình công tác./.
Hoàng Xuân Trường
1 . Viện Khoa học xã hội Việt Nam Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt 1992, Trung tâm từ điển ngôn ngữ Hà Nội, Việt Nam, tr. 771.
[2] . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.9, tr. 285.