Với mục tiêu đưa nghệ thuật biểu diễn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, nâng tầm giá trị điểm đến, thời gian gần đây, nhiều sân khấu đã cho ra mắt hàng loạt chương trình nghệ thuật ấn tượng, góp phần làm mới, gia tăng sức hút cho các không gian du lịch vốn đã quen thuộc của Thủ đô.

Vở cải lương “Cành khế ngọt” của Nhà hát Cải lương Việt Nam gây bất ngờ cho người xem với nhiều thử nghiệm độc đáo.
Tiêu biểu trong số đó phải kể đến “Cành khế ngọt” - vở diễn vừa được các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt tại không gian Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hà Nội) với nhiều thử nghiệm táo bạo. Dàn dựng theo định dạng mới: Ca nhạc kịch cải lương đương đại, vở diễn dù khắc họa bối cảnh đen tối của những năm 30 thế kỷ XX - khi người dân Việt Nam phải sống trong cảnh áp bức “một cổ hai tròng” nhưng vẫn không quá bi lụy, căng thẳng, bởi đan xen cùng những làn điệu đặc trưng của cải lương còn có nhiều ca khúc được sáng tác mới dựa trên âm hưởng dân gian như đồng dao, vè, dân ca Bắc Bộ…
Ðáng chú ý, lần đầu tiên, khán giả được thưởng thức một vở cải lương tận dụng toàn bộ không gian bốn chiều của điểm diễn để làm thành sân khấu. Chẳng còn khoảng cách giữa người diễn và người xem. Vừa thưởng trà, nhâm nhi hương vị truyền thống của bánh cốm, bánh xu xê, khán giả vừa có cảm giác được tham gia vào mạch kịch, nắm trọn từng biểu đạt cảm xúc của người nghệ sĩ.
Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Triệu Trung Kiên cho biết, đây là cách mà Nhà hát lựa chọn để tiếp cận nhiều hơn các đối tượng khán giả trong và ngoài nước, nhất là khán giả trẻ, cũng để khẳng định sức hấp dẫn của nghệ thuật cải lương Việt Nam.
Dự kiến, từ tháng 3/2025, vở diễn sẽ được biểu diễn định kỳ tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Sau “Cành khế ngọt”, Nhà hát sẽ tiếp tục xây dựng những vở diễn phù hợp để đưa điểm diễn này trở thành một điểm hẹn nghệ thuật của công chúng.
Không kém phần độc đáo, chương trình “Ký ức trong tôi” của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng đã đánh thức không gian Sân khấu Gạch của Công viên Thống Nhất, nơi từng là tụ điểm nghệ thuật sôi động của Thủ đô. Chương trình đưa khán giả đến với câu chuyện của một nhóm bạn trẻ khi họ tình cờ phát hiện một sân khấu nhỏ bị lãng quên. Ở đây, họ gặp người bảo vệ già đã gắn bó với sân khấu này từ thời hoàng kim.
Qua lời ông kể, ký ức rực rỡ về những đêm diễn nghệ thuật dần sống lại. Nhóm bạn trẻ quyết định khôi phục lại nơi đây bằng những giai điệu, vũ điệu giàu cảm xúc. Hòa vào hành trình ấy, người xem có cơ hội được trở về với những ký ức Hà Nội một thời vang bóng và khám phá vẻ đẹp của Thủ đô hôm nay, qua một loạt tiết mục ca múa nhạc, nghệ thuật sắp đặt, tương tác, vừa mang phong cách nghệ thuật đường phố, vừa đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Cả hai chương trình trên đều là sản phẩm được xuất phát từ nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển sản phẩm nghệ thuật biểu diễn gắn với không gian phố cổ Hà Nội phục vụ khách du lịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn chủ trì triển khai nhằm đẩy mạnh hoạt động gắn kết du lịch và nghệ thuật sân khấu trên địa bàn Thủ đô.
Cũng trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ này, Nhà hát Kịch Việt Nam đã ra mắt vở “Thầy Chu Văn An” tại di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám; Nhà hát Tuồng Việt Nam đã giới thiệu các trích đoạn “Ôn Ðình chém Tá”, “Kim Lân qua đèo” cùng hoạt động tương tác khám phá nhạc cụ dàn nhạc tuồng trong khu phố cổ; còn Nhà hát Nghệ thuật Ðương đại Việt Nam thực hiện chương trình “Những sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam” tại trước Không gian Văn Hóa Việt, 16 Lê Thái Tổ; biểu diễn bán thực cảnh “Việt Nam-Huyền sử diễn ca” với chủ đề “Thăng Long-Tứ trấn” được hợp lực bởi 6 đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thu hút hơn 1.600 du khách đến với Trung tâm Hoàng thành Thăng Long…
Ðiểm đáng ghi nhận là các sản phẩm nghệ thuật này đều cho thấy sự nghiên cứu kỹ lưỡng của ê-kíp sáng tạo về tâm lý, nhu cầu của du khách để có sự dàn dựng phù hợp hơn theo hướng giảm bớt thời lượng trình diễn, gia tăng yếu tố giải trí, sử dụng công nghệ hiện đại tạo hiệu ứng nghệ thuật, tập trung giới thiệu, quảng bá những nét đẹp trong văn hóa truyền thống dân tộc.
Sự ghi nhận nhiệt thành từ công chúng cho thấy chúng ta không thiếu tiềm lực sáng tạo để khai sinh những chương trình chất lượng, vấn đề là làm thế nào để tiếp cận đông đảo nhiều đối tượng khán giả, tạo ra “đời sống” lâu dài cho sản phẩm nghệ thuật.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc có không ít chương trình được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật nhưng chưa thu hút được khách là do còn thiếu tổ hợp dịch vụ đi kèm.
Tới một điểm đến, du khách không chỉ muốn thưởng thức nghệ thuật mà còn muốn được thỏa mãn những nhu cầu đa dạng về ăn uống, mua sắm, vui chơi, trong khi để làm được điều này là quá sức với nhiều đơn vị nghệ thuật, nhất là các đơn vị tọa lạc ở những vị trí không mấy đắc địa.
Do đó, việc các đơn vị nghệ thuật lựa chọn địa điểm biểu diễn gắn với không gian các phố cổ hay di sản nổi tiếng của Hà Nội - nơi vốn có sẵn cả hệ sinh thái dịch vụ du lịch, là điểm cộng lớn giúp sản phẩm nghệ thuật nâng cao khả năng tiếp cận du khách.
Việc xây dựng các chương trình trải nghiệm nghệ thuật cần điều chỉnh linh hoạt để phục vụ được từng đối tượng khách riêng biệt; đồng thời gia tăng các hoạt động tương tác gắn với nội dung, không gian diễn để tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm. Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn cũng cần có sự liên kết chặt chẽ với đơn vị quản lý điểm đến, công ty lữ hành để đẩy mạnh quảng bá, đưa những chương trình, vở diễn ấn tượng trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa giàu giá trị.
Nguồn: https://nhandan.vn/