KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2025)
Thông tin - Tổng hợp
Đăng ngày: 12/04/2025 - Lượt xem: 7
Xây dựng văn hóa giao thông từ mỗi cơ quan, đơn vị

Cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong, gương mẫu trong việc chấp hành quy định pháp luật giao thông và lan tỏa nét đẹp văn hóa giao thông đến cộng đồng xã hội.

 

Xây dựng văn hóa giao thông từ mỗi cơ quan, đơn vị. Ảnh minh hoạ. Nguồn: TTXVN.

Ngày 10/4/2025, Chính phủ ra Nghị quyết ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 1313/NQ-UBTVQH15 ngày 25/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023. Trong đó, yêu cầu nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng loại đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa giao thông của từng địa phương; xây dựng văn hóa giao thông trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Thời gian thực hiện từ năm 2025-2026.

Thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự giao thông đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của cán bộ, đảng viên, người dân có bước chuyển biến tích cực hơn; tai nạn giao thông giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực với việc tăng mức xử phạt đã bảo đảm tính răn đe, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông.

Đáng chú ý, lực lượng chức năng đã rất quyết liệt, phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ vi phạm giao thông trên tinh thần “không có vùng cấm”. Đặc biệt, với trường hợp vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, đảng viên, ngoài xử lý vi phạm hành chính theo quy định, lực lượng cảnh sát giao thông gửi thông báo về đơn vị công tác để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan.

Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hoá tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có lúc, có nơi bị buông lỏng, tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm trật tự giao thông chưa được khắc phục triệt để…

Có thể thấy, văn hóa giao thông không chỉ phản ánh ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân mà còn là biểu hiện rõ nét nếp sống văn minh, kỷ cương trong xã hội. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên, việc xây dựng văn hóa giao thông trong cơ quan, doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xây dựng hình ảnh đẹp, uy tín trong mắt nhân dân.

Để xây dựng văn hóa giao thông trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Cán bộ giữ vị trí càng cao phải càng gương mẫu!.

Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò là một tuyên truyền viên ở cơ sở để truyền đạt, hướng dẫn cho người dân, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi tham gia giao thông đúng pháp luật; tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm các quy định này. Từ những việc nhỏ như nhường đường, không chen lấn, xô đẩy nơi công cộng đến đội mũ bảo hiểm đúng cách, không vượt đèn đỏ, không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông…, đều là những hành động cụ thể, thiết thực, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa giao thông đến người dân.

Thực tế cho thấy thời gian qua vẫn còn có hiện tượng “xin xỏ”, can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đối với cán bộ, đảng viên, do đó cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Đồng thời, xem xét đưa việc chấp hành văn hóa giao thông vào tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm tại các cơ quan, đơn vị.

Để tránh tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông ngày càng gia tăng, đặc biệt “đến hẹn lại lên” trong những dịp liên hoan, lễ, Tết, ngoài việc ra quân tăng cường kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông; chú trọng đổi mới hình thức, nội dung phong phú hơn, sử dụng công nghệ số, đẩy mạnh tuyên truyền thông qua mạng xã hội (Zalo, Viber, Facebook, Youtube...), để tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về pháp luật giao thông cho cán bộ, nhân viên thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, các hội thi tìm hiểu pháp luật giao thông, treo băng rôn, khẩu hiệu tại nơi làm việc để nhắc nhở mọi người chấp hành pháp luật, đưa văn hoá giao thông đến gần hơn nữa với đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Cần khẳng định, xây dựng văn hóa giao thông trong cơ quan, doanh nghiệp không chỉ là nhiệm vụ của riêng một cá nhân mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết mỗi cán bộ, đảng viên phải là lực lượng nòng cốt, gương mẫu, nêu cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông, hình thành thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”,…Có như vậy, trật tự, an toàn giao thông mới được bảo đảm bền vững, góp phần xây dựng xã hội an toàn, văn minh!.

Nguồn: https://nhandan.vn/

Tin liên quan