Rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng theo tốc độ đô thị hóa, nhu cầu tiêu dùng và lối sống hiện đại, trong khi hệ thống xử lý lại chưa theo kịp. Bài toán xử lý rác thải không đơn thuần chỉ là chuyện thiếu kinh phí mà sâu xa hơn còn là bất cập trong quản lý, vướng mắc chính sách và thiếu phối hợp liên ngành.

Nhà máy xử lý rác thải phát điện Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: NGÔ HÙNG)
Quản lý phân tán, đầu tư vướng mắc
Nguyên nhân đầu tiên khiến các giải pháp xử lý rác thải chưa đạt hiệu quả, đó là cơ chế quản lý chưa đồng bộ. Hiện nay, công tác quản lý, thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải ở các địa phương liên quan nhiều đơn vị khác nhau như: Quận, huyện, sở, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã...
Thí dụ tại tỉnh Phú Thọ, việc thu gom rác thải ở thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ được chính quyền hai địa phương đặt hàng với các công ty môi trường. Đối với các huyện lại được giao cho Trung tâm phát triển cụm công nghiệp và các ban quản lý công trình công cộng. Việc vận chuyển xử lý mỗi nơi lại đưa đến một địa chỉ khác nhau, có địa phương còn thu gom, chuyển giao cho đơn vị ở tận thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái). Đối với Nhà máy xử lý rác phát điện Trạm Thản, đơn vị đứng ra đại diện cho chính quyền địa phương ký hợp đồng với nhà đầu tư lại là Sở Xây dựng chứ không phải Sở Nông nghiệp và Môi trường theo quản lý nhà nước về chất thải. Sự thiếu đồng bộ như vậy khiến các cấp chính quyền khi cần giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan rác thải thường mất nhiều thời gian để xác định ai là người đứng ra giải quyết đầu tiên và lúng túng trong xử lý, thậm chí có xu hướng đùn đẩy trách nhiệm.
Về phía quản lý nhà nước, mặc dù năm 2019, Chính phủ thống nhất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) là đầu mối, thống nhất quản lý; chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, vẫn còn địa phương chưa ban hành chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Theo thống kê của Cục Môi trường, đến nay có 58 tỉnh, thành phố đã ban hành quy định về quản lý chất thải; năm tỉnh chưa ban hành. Việc phân loại rác thải cũng mới chỉ có 32 tỉnh, thành phố thực hiện nhưng chủ yếu vẫn thí điểm ở quy mô nhỏ và chưa có địa phương nào thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý dựa trên khối lượng hoặc thể tích.
Sự tham gia của khu vực tư nhân là chìa khóa quan trọng để giải quyết vấn đề rác thải.
Đáng chú ý, sự tham gia của khu vực tư nhân là chìa khóa quan trọng để giải quyết vấn đề rác thải. Tuy nhiên, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào xử lý rác thải còn nhiều rào cản. Phó Viện trưởng Viện Chính sách Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Trung Thắng phân tích, Thông tư số 15/2023-BXD của Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn Việt Nam về hệ thống công trình hạ tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt có quy định số lượng lò đốt tối thiểu để xử lý rác thải lớn hơn 1.000 tấn/ngày cần hơn ba lò hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ đốt rác phát điện hiện nay, công suất đốt lò hơn 1.000 tấn/ngày cho một lò đốt là phổ biến. Điều đó dẫn đến sự khập khiễng giữa quy định và công nghệ sản xuất trong thực tế.
Ngoài ra, theo tìm hiểu ở một số địa phương, mặc dù đã có các nhà đầu tư quan tâm, nhưng nhiều quy định pháp lý chưa hoàn thiện. Điển hình như Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, nhưng đến nay chưa có thông tư hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, mẫu hợp đồng dự án phù hợp theo phương thức đối tác công tư... nên các địa phương, doanh nghiệp khó triển khai. Điều này ảnh hưởng tới chính sách khuyến khích kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác ở các địa phương. Không chỉ vậy, hiện nay, các địa phương lại có các cách thức triển khai xử rác thải khác nhau như ở Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị chỉ cần ký hợp đồng dài hạn với Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng tại nhiều tỉnh, thành phố khác, hợp đồng thường ngắn hạn và phân bố theo quận, huyện.
Ở một khía cạnh khác, nguồn ngân sách chi cho vệ sinh môi trường có hạn, phí thu gom từ người dân cũng chưa đáp ứng đủ chi phí vận hành trong hoạt động xử lý rác thải. Theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường việc bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi cân đối của ngân sách dự toán hằng năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Phú Thọ, hai nội dung tài nguyên và môi trường có mối liên hệ mật thiết đan xen nhau, có những nhiệm vụ vừa là quản lý về tài nguyên nhưng cũng chính là quản lý về môi trường và ngược lại. Vì vậy, việc quy định bố trí kinh phí riêng cho sự nghiệp môi trường là khó thực hiện.
Vướng quy hoạch, yếu thực thi
Qua tìm hiểu tại một số địa phương, một trong những vướng mắc lớn hiện nay nằm ở khâu quy hoạch và phương tiện phục vụ thu gom, tập kết, xử lý rác thải. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, một khó khăn nữa trong xử lý rác thải trên địa bàn chính là các dự án đốt rác phát điện mang theo kỳ vọng lớn nhưng luôn bị chậm tiến độ. Nguyên nhân do Quy hoạch Điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhưng quy mô công suất nguồn điện sản xuất từ rác đến năm 2030 phân bổ cho Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 123 MW, trong khi nhu cầu của địa phương cần bố trí ít nhất 240 MW. Điều đó khiến địa phương không đủ cơ sở pháp lý về nguồn điện để hoàn thiện hồ sơ dự án.
Đáng chú ý, ở các địa phương, việc quy hoạch, xây dựng nhà máy xử lý rác thải luôn vấp phải sự phản đối của người dân. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều năm qua, địa phương mong muốn xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện, thậm chí có những lò đốt rác phải dừng hoạt động do sự phản đối của người dân.
Trong khi đó, việc việc vận chuyển rác, khi thực hiện thí điểm phân loại rác thải tại nguồn nhưng lại không có đủ phương tiện thu gom, vận chuyển riêng biệt. Từ năm 2021 đến nay, các quận, huyện, thành phố tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có khoảng hơn 4.000/6.314 phương tiện thu gom rác thải đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ hơn 63%. Việc thu gom rác dù đã chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân theo quy định nhưng còn khó khăn về nguồn vốn để chuyển đổi phương tiện vừa đạt chuẩn và thuận lợi cho thu gom rác trong những hẻm nhỏ.
Đáng chú ý trong quá trình thực thi các quy định, từ ngày 1/1/2025, các cá nhân, tập thể không thực hiện phân loại theo quy định này sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, sau hơn ba tháng, việc áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với thực hiện phân loại còn vướng mắc, khó áp dụng vào thực tiễn. Cụ thể theo khoản 1, Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, theo khoản 2, Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lại quy định: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1, Điều 75 của luật này thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.
Do đó, rất khó để áp dụng quy định xử phạt đối với các hộ gia đình, cá nhân không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Ngoài ra, lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm tại cấp phường hiện còn rất mỏng, thiếu cả nhân lực lẫn trang thiết bị, phương tiện và hệ thống camera để giám sát việc phân loại, đổ rác đúng quy định. “Ai sẽ là người giám sát, kiểm đếm, xác định việc phân loại đã đúng hay chưa, khi mà hiện nay ở cấp phường, nhiệm vụ môi trường vẫn đang được giao kiêm nhiệm cho công chức địa chính?”, ông Trương Thế Khôi - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Đống Đa (Hà Nội) băn khoăn.
Những bất cập về chính sách, khó khăn tài chính, thiếu quy hoạch, hạn chế trong ý thức cộng đồng và cả những mâu thuẫn lợi ích đang khiến bài toán rác thải ngày càng trở nên nan giải. Tuy nhiên, bế tắc không có nghĩa là không thể tháo gỡ, vấn đề là cần một cách tiếp cận đồng bộ, quyết liệt và đổi mới hơn từ cả hệ thống.
Nguồn: https://nhandan.vn/