Lần thứ hai: Năm 1977, đồng chí về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Văn Yên (huyện hợp nhất Văn Giang và Yên Mỹ).
Lần thứ ba: Năm 1987, trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gánh vác trọng trách to lớn trước Đảng và nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn dành thời gian về thăm quê (xã Giai Phạm). Sau khi ra mộ nhà giáo Nguyễn Đức Lan (thân sinh của đồng chí), vào nhà thờ gia đình thắp hương kính bái tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đồng chí ra trụ sở xã gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Đồng chí vui mừng phấn khởi khi chứng kiến những đổi thay của quê hương.
Với mong muốn quê hương phát triển hơn nữa, đồng chí đã căn dặn cán bộ và nhân dân Giai Phạm, nếu chỉ sản xuất nông nghiệp thì chưa đủ, muốn phát triển kinh tế xã hội cần phát triển ngành truyền thống của địa phương. Tương bần là loại tương ngon nổi tiếng được nhiều nơi ưa thích, hãy lấy đó là thế mạnh để phát triển kinh tế để “làng Bần mà không nghèo”. Đồng chí còn nhấn mạnh để làm được điều đó thì phải đoàn kết, thống nhất từ trong Đảng “nói phải đi đôi với làm” để tạo niềm tin với nhân dân… Những lời dặn dò của đồng chí Nguyễn Văn Linh – Tổng bí thư của Đảng không hề quan cách, xa rời thực tế mà xuất phát từ trái tim tâm huyết của một người con vì việc nước phải xa quê, mong quê hương giàu mạnh không ngừng. Điều đó đã trở thành niềm tự hào, động lực thôi thúc Đảng bộ và nhân dân xã Giai Phạm đoàn kết, thống nhất, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Lần thứ tư: Năm 1993, trước chuyến đi Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng bà Ngô Thị Huệ về xã Giai Phạm, Hưng Yên. Hai ông bà tự đi mua nguyên vật liệu, thuê thợ, xây lại mộ cụ Nguyễn Đức Lan, không nhờ xã mà cũng không nhờ Văn phòng Trung ương vì không muốn làm phiền tổ chức. Ngôi mộ xây bằng gạch, quét vôi vàng, cũng khiêm nhường như mọi ngôi mộ bên đường, không mấy ai biết đó là mộ của người đã sinh ra cho Đảng và nhân dân ta một Tổng bí thư xuất sắc.
Lần thứ năm: Năm 1994, sau khi đồng chí về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Hưng (tỉnh hợp nhất của Hải Dương và Hưng Yên), thăm huyện Mỹ Văn (huyện hợp nhất Mỹ Hào - Yên Mỹ - Văn Lâm), thăm xã Giai Phạm và dự lễ khởi công xây dựng trường tiểu học mang tên Nguyễn Văn Linh. Trong lần về thăm này, đồng chí đã đồng ý cho trường trung học cơ sở của xã được mang tên Nguyễn Văn Linh. Đây chính là thời khắc vui mừng đối với nhà trường, thầy cô và học trò trường tiểu học, trường trung học của xã khi được đồng chí đồng ý để ngôi trường mang tên mình và tặng nhà trường một bộ âmpli để phục vụ các sinh hoạt tập thể. Nói chuyện với giáo viên và học sinh nhà trường, đồng chí nhắc nhở, động viên thầy trò nhà trường ra sức thi đua “dạy tốt – học tốt” theo lời dạy của Bác Hồ, nối tiếp truyền thống lịch sử và văn hóa của quê hương, phấn đấu làm cho quê hương đổi mới, từ “bần”, đến “phú”.
Năm 1995, do bận rộn việc chung, đồng chí không thể về thăm quê, nhân dịp Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 1995 – 2000, với tư cách là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã gửi thư về xã Giai Phạm động viên nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Giai Phạm đoàn kết phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Nhân dịp khánh thành trường tiểu học Nguyễn Văn Linh, đồng chí còn gửi lời chúc thầy trò nhà trường luôn phấn đấu, xây dựng trường đạt danh hiệu tiên tiến, xuất sắc.
Lần thứ sáu: Năm 1996, sau khi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí đã cho cả gia đình, vợ và hai con gái cùng các cháu về thăm xã Giai Phạm, thăm trường, thăm họ hàng, làng xóm, sau đó lên thăm huyện. Đây là lần cuối cùng đồng chí về thăm quê.
Ngày 14/3/1997, đồng chí gửi thư cho xã Giai Phạm động viên Đảng bộ và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đồng thời khen ngợi trường tiểu học và trường trung học cơ sở mang tên đồng chí đã giữ vững danh hiệu tiên tiến nhiều năm liền.
Tháng 11/1997, do tuổi cao sức yếu đồng chí không về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đồng chí đã gửi điện về chúc mừng Đại hội, thể hiện tình cảm sâu nặng, niềm mong mỏi vào sự tiến bộ của quê hương Hưng Yên. Nội dung bức điện vừa thể hiện lòng mong muốn, vừa là lời căn dặn của đồng chí với quê hương, mong muốn Hưng Yên phấn đấu hơn nữa để trở thành tỉnh kiểu mẫu, một tỉnh giàu mạnh và văn minh.
Cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như sự quan tâm theo dõi sát sao từng bước đi, từng thay đổi của quê hương đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với Hưng Yên nói chung, quê hương Giai Phạm nói riêng không chỉ để lại cho cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Hưng Yên những tình cảm vô cùng sâu sắc mà còn là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, theo gương đồng chí Nguyễn Văn Linh, người con ưu tú của quê hương Hưng Yên nói chung và Đảng bộ và nhân dân xã Giai Phạm nói riêng đã một lòng theo Đảng, Bác Hồ, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, luôn làm tròn nghĩa vụ đóng góp với Tổ quốc, với khẩu hiệu hành động: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Cũng trong suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến ấy, hàng nghìn thanh niên Giai Phạm đã xung phong ra trận với quyết tâm:
“Ra đi giữ trọn lời thề
Chưa đánh hết giặc, chưa về quê hương”
Hàng nghìn người phụ nữ đã “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, sẵn sàng “tay súng, tay cày”, làm tốt công việc ở địa phương để chồng con yên tâm đi chiến đấu, đồng thời còn tích cực tham gia chăm sóc thương bệnh binh…
Góp phần vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của đất nước, 105 người con xã Giai Phạm đã vĩnh viễn không trở về, 44 người con để lại một phần thân thể của mình trên các chiến trường, hàng trăm người đã trưởng thành trong chiến đấu, có người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chỉ riêng xã Yên Phú đã có 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng…
Ngày 27/4/1998, vì tuổi cao bệnh nặng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã từ trần tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một mất mát lớn đối với nhân dân cả nước nói chung, Đảng bộ và nhân dân xã Giai Phạm nói riêng. Trong niềm tiếc thương vô hạn, xã Gia Phạm đã cử những đại diện ưu tú nhất vào viếng đồng chí Nguyễn Văn Linh và chia buồn cùng gia quyến.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà lãnh đạo kiệt xuất đã góp phần làm rạng rỡ quê hương, đất nước. Tên tuổi của đồng chí mãi mãi gắn liền với sự nghiệp đổi mới của Đảng. Cả cuộc đời hoạt động và cống hiến cho cách mạng, dù bận lo công việc chung cho đất nước, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vẫn dành sự quan tâm, theo dõi từng diễn biến của quê hương. Mỗi lần về thăm quê nhà, đồng chí luôn động viên cán bộ và nhân dân phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường đoàn kết, làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Tự hào là quê hương cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phấn đấu giành nhiều thành tựu hơn nữa trong phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao đời sống nhân dân, phát huy những truyền thống cách mạng, tiếp tục tiến lên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quyết tâm xây dựng quê huơng ngày càng giàu mạnh, văn minh, kiểu mẫu của cả nước như lòng mong muốn của đồng chí, xứng đáng là quê hương giàu truyền thống văn hiến.
Thực hiện những lời căn dặn và cũng là lòng mong mỏi của đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc sinh thời, trong các thời kì cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới, phát huy truyền thống văn hiến anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ và nhân dân xã Giai Phạm đã phấn đấu lập nhiều thành tựu đáng phấn khởi trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng địa phương, xứng đáng là quê hương đồng chí Nguyễn Văn Linh - Người đã góp phần làm rạng rỡ quê hương đất nước; Người mà tên tuổi mãi mãi gắn liền với sự nghiệp đổi mới của Đảng.
Để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, được sự ủng hộ của Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong cả nước, năm 2003, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngay chính trên mảnh đất gia đình đồng chí tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Năm 2015, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1905 – 1/7/2015), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên đã đầu tư tu bổ, nâng cấp khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhằm tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị của khu lưu niệm, để nhân dân cả nước viếng thăm và là nơi giáo dục các thế hệ trẻ mai sau. Tại đây vẫn giữ nguyên câu đối của giáo sư Vũ Khiêu đề tặng:
“Trí mạnh tâm hùng, chỉ đạo nhân dân cùng đổi mới
Hương bay khói toả, cám ơn lãnh đạo đã nhìn xa”.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Hưng Yên