Sáng ngày 27/4, tại xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên trọng thể tổ chức Lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (27/4/1998 -27/4/2018) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có bài phát biểu ôn lại thân thế, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và giới thiệu khái quát về Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Tuyengiaohungyen.vn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí.
Kính thưa Anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh!
Kính thưa đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương,
Kính thưa đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương,
Kính thưa đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Văn Linh; các vị đại biểu, khách quý,
Thưa các đồng chí cùng toàn thể nhân dân!
Hôm nay, đúng vào ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Hưng Yên thành kính tổ chức Lễ tưởng niệm 20 năm Ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (27/4/1998 - 27/4/2018) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên và Ban Tổ chức buổi lễ, xin trân trọng cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi hoa và gửi lễ kính lễ gửi tới anh linh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên, xin nhiệt liệt chào mừng đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo MTTQ, các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và tỉnh bạn; đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Văn Linh và các vị đại biểu, khách quý. Kính chúc các đồng chí cùng toàn thể nhân dân mạnh khỏe, hạnh phúc.
Kính thưa các vị đại biểu,
Kính thưa toàn thể các đồng chí và nhân dân,
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc (khi hoạt động cách mạng thường gọi là đồng chí Mười Cúc), sinh ngày 1/7/1915, quê thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ. Năm 4 tuổi, đồng chí đã mồ côi cha, 10 tuổi, mồ côi mẹ. Trước cảnh nước mất, nhân dân lầm than, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào Học sinh đoàn - một tổ chức do Hội Việt Nam cách mạng thanh niên lãnh đạo tại Hải Phòng, từ năm 14 tuổi.
Ngày 1/5/1930, khi thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn tuyên truyền hoạt động cách mạng, đồng chí bị mật thám Pháp bắt; sau đó, bị kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo, cho dù lúc đó đồng chí mới 15 tuổi. Năm 1936, được trả tự do, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng sôi nổi và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1939, đồng chí được Trung ương Đảng điều động tăng cường cho Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn; được cử ra lập lại Xứ ủy Trung kỳ. Năm 1941, trong một chuyến công tác tại Vinh (tỉnh Nghệ An), đồng chí bị bắt; thực dân Pháp xử tù 5 năm và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Trải qua 2 lần bị địch bắt, với 10 năm bị giam cầm trong ngục tù của chế độ thực dân; những ngón đòn tra tấn dã man của kẻ thù tại địa ngục trần gian Côn Đảo không khuất phục được ý gang thép của đồng chí. Trái lại, nhà tù đã trở thành trường học đặc biệt, tôi luyện đồng chí Nguyễn Văn Linh trở thành người chiến sỹ cách mạng kiên trung, dầy dạn kinh nghiệm và đầy bản lĩnh.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương Đảng phân công tham gia chiến đấu ở Nam Bộ và từ đó đã gắn bó sâu đậm cuộc đời hoạt động cách mạng với đồng bào miền Nam. Đồng chí lần lượt được Đảng giao các trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 (tháng 9/1960), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tại Đại hội 4 của Đảng (tháng 12/1976), Đại hội 5 của Đảng (tháng 3/1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Đồng chí được phân công giữ các chức vụ: Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương; Trưởng Ban dân vận Mặt trận Trung ương; Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Thường trực Ban Bí thư…
Tháng 12/1986, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 7 (6/1991) và lần thứ 8 của Đảng (7/1996), đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí Nguyễn Văn Linh mất ngày 27/4/1998 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi.
Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của đồng chí Nguyễn Văn Linh trải rộng trên cả ba miền của đất nước, trong đó phần lớn thời gian gắn bó máu thịt với đồng bào miền Nam. Đặc biệt, những tìm tòi thử nghiệm, những mô hình mới ở thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong cả nước đã góp phần quý báu giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế mới, mở ra công cuộc Đổi mới - bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã đề xướng và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nghiêm túc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Đồng chí luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cộng sản, thể hiện cao đẹp đức tính liêm khiết, khiêm tốn, cuộc sống giản dị, mẫu mực, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”.
Đảng đã ghi nhận: Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc Đổi mới đất nước, thuộc về toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có công lao đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Với những công lao, cống hiến đó, đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và nhiều nước trên thế giới.
Kính thưa các vị đại biểu,
Kính thưa các đồng chí cùng toàn thể nhân dân,
Là người con quê hương Hưng Yên sớm tham gia cách mạng, vì nhiệm vụ cao cả, đồng chí Nguyễn Văn Linh tuy ít có dịp về thăm quê, nhưng trong trái tim người chiến sỹ Cộng sản ấy luôn một lòng hướng về quê hương với tình cảm sâu nặng. Từ năm 1967 đến năm 1997, đồng chí đã sáu lần về thăm, ba lần viết thư, gửi điện về quê hương Hưng Yên gửi gắm những tình cảm chân thành và căn dặn, động viên Đảng bộ và nhân dân quê nhà phát huy truyền thống cách mạng, tăng cường đoàn kết, làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh việc phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là gia đình chính sách, người có công với nước. Đặc biệt, tháng 11/1997, do tuổi cao, sức yếu, không thể về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 14, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã gửi điện chúc mừng Đại hội, vừa thể hiện lòng mong muốn, vừa là lời căn dặn của đồng chí với quê hương: “Vì lý do sức khoẻ, đáng tiếc, tôi không thể về dự Đại hội đại biểu của tỉnh được. Xin gửi lời chúc mừng Đại hội đạt kết quả tốt đẹp. Tỉnh uỷ sẽ xây dựng mọi mặt của tỉnh nhà thật tốt, đưa Hưng Yên trở thành một tỉnh mạnh của toàn quốc Việt Nam”...
Cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như sự quan tâm sát sao đối với quê hương của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Hưng Yên những tình cảm vô cùng sâu sắc.
Thực hiện di nguyện của đồng chí Tổng Bí thư, nhất là từ sau tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, quán triệt và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên đã kiên trì, nỗ lực, phấn đấu. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát về kinh tế thấp; được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các tỉnh bạn; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã kiên trì, sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đưa công cuộc Đổi mới phát triển toàn diện.
Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 20 năm tái lập, Hưng Yên đã xây dựng được một nền tảng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, vững chắc: tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển công nghiệp. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao.
Kính thưa các vị đại biểu,
Kính thưa các đồng chí cùng toàn thể nhân dân,
Để tỏ lòng tri ân của quê hương đối với công lao, đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Linh; tỉnh Hưng Yên đã xây dựng nhiều công trình quan trọng mang tên đồng chí như: Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, Quảng trường và đường trục chính của thành phố Hưng Yên đều mang tên Nguyễn Văn Linh… Đặc biệt, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh đã xây dựng Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngay trên khu đất của gia đình tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ.
Đây là công trình có tầm vóc và ý nghĩa lớn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên. Khu lưu niệm khánh thành ngày 17.9.2004, đến năm 2015 được nâng cấp, tu bổ, với diện tích trên 4.600 m2, bao gồm các hạng mục: Nhà tưởng niệm, Nhà trưng bày lưu niệm, Nhà sắp lễ; Khu mộ thân phụ, thân mẫu đồng chí và hệ thống cảnh quan cây xanh… Về tổng thể, công trình được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống, hài hòa với không gian, cảnh quan làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Tại Nhà tưởng niệm, trong số những hiện vật được trưng bày, tiêu biểu có bức đại tự “Hưng quốc an dân” cùng đôi câu đối do Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu kính đề, khẳng định những công lao, cống hiến nổi bật của đồng chí Nguyễn Văn Linh với đất nước, dân tộc, cũng như thể hiện tình cảm của nhân dân đối với đồng chí:
“Chí mạnh, tâm hùng, chỉ đạo nhân dân cùng đổi mới,
Hương bay, khói tỏa, nhớ ơn lãnh tụ đã nhìn xa”
Nhà trưng bày lưu niệm với hơn 120 tài liệu, hiện vật giới thiệu thân thế sự nghiệp của đồng chí; theo 4 chủ đề: Quê hương đồng chí Nguyễn Văn Linh; Đồng chí Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Văn Linh với gia đình, quê hương, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; Những tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với đồng chí Nguyễn Văn Linh.
Từ những giá trị quý báu đó, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia (theo Quyết định số 3375/QĐ-BVHTTDL ngày 6/9/2017).
Kính thưa các vị đại biểu!
Kính thưa các đồng chí cùng toàn thể nhân dân!
Hơn 13 năm qua, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã trở thành địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đã đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân và du khách thập phương về dâng hương, tưởng nhớ. Từ những giá trị quý báu đó, nơi đây đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tấm gương đạo đức sáng ngời của đồng chí Nguyễn Văn Linh và cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập và noi theo.
Hôm nay, tỉnh Hưng Yên thành kính tổ chức Lễ tưởng niệm 20 năm Ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trước anh linh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên xin hứa sẽ quyết tâm tăng cường đoàn kết, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp Đổi mới; giành nhiều thành tựu to lớn và toàn diện hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng Hưng Yên “thành tỉnh mạnh của toàn quốc Việt Nam” như mong muốn và căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc sinh thời.
Nhân dịp Lễ tưởng niệm 20 năm Ngày mất của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; một lần nữa, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hưng Yên, tôi xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo MTTQ, các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện gia đình đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng toàn thể các đồng chí, các vị đại biểu, khách quý và nhân dân mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt.
Xin trân trọng cảm ơn!