KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 08/03/2023 - Lượt xem: 178
Ấm áp tình thương “mẹ đỡ đầu”

Sau hơn một năm triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp hội phụ nữ với nhiều cách làm cụ thể, thiết thực đã vào cuộc kịp thời, nhanh chóng và bước đầu mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Các bé (ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) được sự quan tâm, yêu thương từ những người mẹ đỡ đầu.
Tình yêu thương của người mẹ đỡ đầu dành cho những đứa trẻ có số phận không may mắn ngày càng được lan tỏa, tạo điều kiện để các con được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình và cộng đồng.
Những ngày đầu tháng 3, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) đến thăm gia đình anh Mai Văn Thức ở xã An Phong. Đây là một trong những gia đình được Hội nhận đỡ đầu trẻ mồ côi do Covid-19. Vừa gặp chị Mai Trang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Bình, cháu Xuân Mai (sinh năm 2015) chạy đến khoanh tay “thưa mẹ” rồi bịn rịn ôm chị thật chặt.
Cùng con viết tiếp ước mơ
Hai vợ chồng anh Thức có bốn người con. Tháng 10/2021, vợ anh không may qua đời do Covid-19. Trước đó, vì hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn, vợ chồng anh phải rời quê hương đi làm thuê để gom góp tiền trang trải lo cho các con ăn học. Từ khi người vợ qua đời, đau đớn tinh thần đã khiến sức khỏe của anh ngày càng giảm sút, khó khăn lại chồng chất khó khăn.
“Khi người mẹ không còn, các con bị sốc rất nặng về tinh thần. Từ những đứa trẻ năng động hoạt bát lại trở nên trầm lắng trước những người thân, bạn bè cùng trang lứa. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện trực tiếp là người mẹ nhận đỡ đầu cũng trải qua nhiều khó khăn để tìm hiểu các con, giúp các con có cảm giác vẫn còn mẹ và dần quên đi nỗi lo sợ thiếu vắng tình thương.
Từ những việc làm và tình thương yêu từ mẹ đỡ đầu, các con của anh Thức đã ổn định tinh thần, tự tin, vui vẻ hòa nhập cùng bạn bè trang lứa, đã biết chia sẻ, tâm sự với mẹ đỡ đầu mỗi khi gặp khó khăn”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Bình, Lê Thị Mỹ Xuyên cho biết.
Đến nay, các cấp hội ở tỉnh Đồng Tháp đã thành lập và duy trì 148 mô hình tổ/câu lạc bộ thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”; tổng nguồn lực vận động để thực hiện chương trình được gần bốn tỷ đồng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết: “Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân, cán bộ, hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần nhân văn, tấm lòng nhân hậu của phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia chương trình, trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi. Đồng thời, chúng tôi giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến trẻ mồ côi ở các địa phương theo chức năng của tổ chức hội; giám sát và hỗ trợ bảo đảm an toàn phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình và cộng đồng”.
Hội viên phụ nữ phường Hòa Thọ Tây (Đà Nẵng) thường xuyên đến thăm hỏi gia đình có trẻ được nhận đỡ đầu. (Ảnh THANH TÂM)
Tại Đà Nẵng, sau khi phát động chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp hội đã tổ chức ký cam kết nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc trẻ mồ côi. Từ nhiều năm trước, ba mẹ con em Trần Hữu Nguyên Thắng (19 tuổi) sống cùng nhau trong ngôi nhà nhỏ tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Bố mất sớm, mẹ làm thợ may để trang trải cuộc sống và chăm lo hai chị em đi học. Song không may, mẹ em phát hiện mình bị u não, sức khỏe giảm sút không thể làm việc.
Bà con hàng xóm chung quanh đã luôn sát cánh bên cạnh gia đình, vừa động viên, chia sẻ, vừa phụ giúp những việc lớn nhỏ trong nhà, vừa lập một nhóm Zalo “yêu thương chia sẻ” để kêu gọi, huy động kinh phí hỗ trợ gia đình. Ngày mẹ Thắng qua đời, bà con cùng với gia đình lo hậu sự, rồi thường xuyên lui tới ngôi nhà chỉ còn hai đứa trẻ. Đầu năm 2022, khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng phát động thực hiện mô hình “Mẹ đỡ đầu”, nhóm Zalo đã đổi thành “Nhóm mẹ đỡ đầu” với thành viên là những hội viên Chi hội Phụ nữ số 24 của phường và các hộ gia đình trong khu vực cùng tham gia, nhận đỡ đầu hai chị em Thắng.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chi hội trưởng Phụ nữ số 24 cho biết: “Mặc dù chương trình nhận nuôi các cháu đến 18 tuổi, nhưng trường hợp hai cháu ở đây quá khó khăn, hai chị em tự đùm bọc bảo ban lẫn nhau nên chi hội vẫn xin tiếp tục chăm lo cho các cháu. Hiện tại, hai cháu chăm ngoan, học rất tốt cho nên cả khu phố rất vui”.
Qua kết quả khảo sát, toàn thành phố Đà Nẵng có 1.743 trẻ mồ côi, trong đó có 20 trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Đến nay, đã có 437 trẻ được nhận đỡ đầu, hỗ trợ, chăm sóc trong giai đoạn 2022-2026. Nguồn kinh phí hỗ trợ đỡ đầu được trích từ các hoạt động phân loại rác thải, heo đất tiết kiệm, quỹ chi hội, vận động nhà hảo tâm...
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: “Năm nay, chương trình vẫn được các cấp hội duy trì triển khai, tiếp tục vận động, kết nối để có nhiều trường hợp trẻ em được nhận đỡ đầu hơn. Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các mẹ đỡ đầu, đặc biệt là các kiến thức, kỹ năng về chăm sóc trẻ, kỹ năng sống an toàn cho trẻ; tạo điều kiện để các em được phát triển, chăm sóc, học tập và trưởng thành”.
Nối dài vòng tay yêu thương
Sau hơn một năm triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, nhiều địa phương đã đạt tiêu chí 100% trẻ mồ côi do Covid-19 có mẹ đỡ đầu. Bên cạnh việc hỗ trợ các con về vật chất, tinh thần, các cấp hội còn kết nối hướng dẫn kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng các con mồ côi phù hợp độ tuổi, tư vấn chăm sóc sức khỏe tâm lý, tư vấn định hướng nghề nghiệp, liên hệ cơ sở đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; hỗ trợ kết nối thông tin liên lạc giữa mẹ đỡ đầu và các con, nhắc nhở trẻ học tập, hướng dẫn làm việc nhà... tạo điều kiện để các con phát triển.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, sau hơn một năm triển khai chương trình, các cấp hội trong cả nước đã thực hiện, đỡ đầu gần 19 nghìn trẻ em mồ côi do Covid-19 và các nguyên nhân khác với tổng trị giá huy động được gần 100 tỷ đồng. Cách thức thực hiện là triển khai đỡ đầu trực tiếp và gián tiếp.
Đỡ đầu trực tiếp là những chị em hội viên phụ nữ ở cơ sở gần nhà các em trẻ mồ côi sẽ trực tiếp đến gặp gỡ thường xuyên để động viên, trò chuyện, tư vấn hướng dẫn kỹ năng, động viên các em vượt qua rào cản tâm lý, tiếp tục học tập, theo đuổi hoài bão ước mơ. Đồng thời, đỡ đầu gián tiếp là kêu gọi các nhà hảo tâm, quyên góp, ủng hộ thông qua các Quỹ Mẹ đỡ đầu của Trung ương và địa phương. Thông qua đó, Hội sẽ điều phối hài hòa nguồn lực để đỡ đầu trẻ mồ côi ở các nơi trong cả nước, tránh tình trạng có em được hỗ trợ nhiều mà có em thì chưa được trợ giúp.
Tuy nhiên, là năm đầu triển khai thực hiện chương trình cho nên hội liên hiệp phụ nữ các cấp còn lúng túng về phương pháp, cách thức triển khai, kết nối các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu trẻ mồ côi. Đồng thời, nguồn lực vận động của các cấp hội còn hạn chế, đặc biệt đối với các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo... việc chăm lo trẻ mồ côi chưa bao phủ, chủ yếu tập trung trẻ mồ côi do Covid-19.
Thời gian tới, các cấp hội cần tiếp tục làm tốt vai trò vận động, kết nối tổ chức, cá nhân là cán bộ, hội viên, phụ nữ tại địa phương nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi cùng với gia đình và người đại diện chăm sóc thay thế, quan tâm chăm sóc trẻ em hằng ngày về sức khỏe, tâm lý, tình cảm...; rà soát, khảo sát đối tượng bảo đảm tiêu chí “đỡ đầu”, giúp đỡ kịp thời đúng người, đúng đối tượng, tránh tình trạng bỏ sót các trường hợp trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn không được giúp đỡ.
“Khắc phục tối đa các hạn chế trong năm đầu thực hiện, các cấp hội trong cả nước tiếp tục thực hiện hiệu quả bền vững chương trình, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, chăm sóc, đỡ đầu cho trẻ mồ côi và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong những năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh…
Nguồn: https://nhandan.vn

 

Tin liên quan