Chiều 22-6, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Đối thoại chính sách cao cấp Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện này. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam
Thưa các ngài Bộ trưởng,
Thưa Quý vị đại biểu,
Tôi xin nhiệt liệt chào mừng tất cả Quý vị tham dự Đối thoại chính sách cao cấp “25 năm thành lập ASEM - Tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác Á - Âu trong một thế giới đang chuyển đổi”, trực tiếp tại Hà Nội cũng như tại các điểm cầu ở châu Á và châu Âu.
Sự tham dự của các vị Bộ trưởng cùng đông đảo đại diện các cơ quan chính phủ, học giả, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội từ các nước thành viên là minh chứng rõ nét cho quyết tâm của tất cả chúng ta cùng thúc đẩy quan hệ đối tác Á - Âu vì thịnh vượng, hòa bình, và ổn định.
Tôi cũng xin gửi lời chào mừng đặc biệt tới các đồng nghiệp của mình từ Hàn Quốc, Singapore và Anh, đã tham dự Đối thoại của chúng tôi trực tiếp tại Hà Nội. Đây cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy chúng ta đang thực sự phục hồi từ đại dịch.
Thưa Quý vị,
Nhìn lại chặng đường 25 năm hợp tác, ASEM đã đạt được những tiến triển và thành tựu đáng tự hào.
Xuất phát từ tầm nhìn để xây dựng một “Đối tác Á - Âu toàn diện mới vì tăng trưởng mạnh mẽ hơn”, ASEM đã phát triển thành một trong những cơ chế hợp tác liên khu vực hàng đầu vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Phát huy thế mạnh của các nước thành viên, Diễn đàn đã phát triển mạnh mẽ theo năm tháng, mở rộng cả về số lượng thành viên cũng như nội dung hợp tác. Hợp tác chặt chẽ trong những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của khu vực, như chuyển giao tri thức và thực tiễn tốt, trao đổi văn hóa - xã hội đã đem lại lợi ích thiết thực cho các nước thành viên.
Cuộc gặp mặt của chúng ta hôm nay để kỷ niệm 25 năm thành công hợp tác ASEM diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những chuyển đổi sâu sắc và toàn diện do tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, các chuyển dịch địa kinh tế - chính trị, và tác động đan xen phức tạp của các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, ảnh hưởng sâu sắc lên mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội.
Chúng ta cũng thấy xuất hiện nhiều rào cản đối với hợp tác quốc tế, như chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương, và những hành vi xói mòn luật pháp quốc tế vì những lợi ích hẹp hòi.
Trong một thế giới chuyển động nhanh chóng và phức tạp, quan hệ đối tác và hợp tác Á - Âu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, và có ý nghĩa then chốt đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Hai khu vực chúng ta bao gồm các nền kinh tế năng động nhất của thế giới, chiếm 60% dân số thế giới, 65% GDP toàn cầu, và 55% thương mại thế giới, và là nơi tập trung của nhiều trung tâm chính trị, khoa học và công nghệ. Hai châu lục,trong nhiều thập kỷ qua, là nơi khởi xướng nhiều ý tưởng hợp tác mới tầm khu vực và toàn cầu.
Thực vậy, ASEM vẫn còn nhiều không gian để mở rộng hợp tác do tiềm năng to lớn của hợp tác Á - Âu vẫn còn chưa được khai thác hết. Hướng đến tương lai, chúng ta cần phát huy tối đa cơ hội từ sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế châu Á và lợi thế của châu Âu là trung tâm hàng đầu thế giới về công nghệ và sáng tạo. Sự phối hợp, cộng hưởng này sẽ là động lực cho giai đoạn tăng trưởng và phát triển vượt bậc tiếp theo của chúng ta.
Tuy nhiên, đứng trước những thách thức lớn của thời đại, để ASEM tiếp tục thành công trong 25 năm tiếp theo, chúng ta cần thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn, hành động quyết liệt hơn, và phải lựa chọn hướng đi đúng đắn. ASEM cần ưu tiên những lĩnh vực đáp ứng đúng nhu cầu phát triển của các nước thành viên, chú trọng các biện pháp xây dựng lòng tin, đóng góp thực chất vào quá trình tái định hình toàn cầu hướng đến sự phát triển bao trùm và bền vững.
Trên tinh thần đó, tôi muốn nhấn mạnh đến ba mục tiêu lớn mà hợp tác ASEM cần hướng đến trong những thập kỷ tới như sau:
Thứ nhất, ASEM cần góp phần bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, trên cơ sở đối thoại và lòng tin. Trong giai đoạn phát triển mới, chúng ta kỳ vọng những nỗ lực lớn hơn của ASEM trong tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa các quốc gia. ASEM cần đóng vai trò chủ chốt trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hệ thống quốc tế với Liên hợp quốc là trung tâm, tôn trọng luật pháp quốc tế, và giải quyết các thách thức toàn cầu. Hơn nữa, Diễn đàn cần khẳng định vai trò tiên phong đóng góp xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu hiệu quả, công bằng và dân chủ hơn.
Thứ hai, ASEM cần đóng vai trò tiên phong và nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm. Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là hỗ trợ các nước thành viên thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững 2030; đẩy mạnh hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước, xây dựng kinh tế tuần hoàn và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ ba, ASEM cần tạo dựng nền tảng vững chắc cho quan hệ kinh tế bền vững, lâu dài, cùng có lợi giữa châu Âu và châu Á. Tăng cường kết nối kinh tế Á - Âu sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên và cần được triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, đầu tư, tài chính, công nghiệp đến kết nối khu vực và kinh tế số. Nỗ lực này ngày càng cần thiết, đặc biệt khi các nền kinh tế đang nỗ lực khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thưa Quý vị,
Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập của ASEM và hợp tác Á - Âu sẽ tiếp tục là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong những năm tới, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng các thành viên ASEM xây dựng quan hệ đối tác Á - Âu năng động và phát triển mạnh mẽ vì hòa bình và ổn định toàn cầu, vì sự thịnh vượng của cả hai châu lục.
Thưa Quý vị,
Đối thoại ngày hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường 25 năm qua và thảo luận các hướng đi của hợp tác trong tương lai. Chúng ta cần xây dựng tầm nhìn mới nhằm trao cho ASEM những động lực mới và sức sống mới, và một vai trò phù hợp trong cấu trúc khu vực và toàn cầu đang định hình.
Nhân đây, tôi đề nghị thảo luận của chúng ta hôm nay tập trung vào một số vấn đề chính sau:
(i) Một là, xác định các xu thế lớnvà yếu tố tác động đến hợp tác Á - Âu trong thập kỷ tới, cũng như những khó khăn và thách thức mà hợp tác phải đối mặt;
(ii) Hai là, định vị hợp tác Á - Âu trong bối cảnh toàn cầu mới và nghiên cứu các phương thức tốt nhất để củng cố hợp tác. Dịch bệnh và khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay là một ví dụ điển hình. Chúng ta có thể nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ lẫn nhau trong việc chia sẻ, cùng phát triển và sản xuất vaccine phòng ngừa Covid-19 như một số thành viên đã làm thời gian qua,
Đây cần là một ưu tiên trong chương trình nghị sự của ASEM. Tôi cho rằng, tất cả chúng ta đều trân trọng sự giúp đỡ trong cuộc chiến chống Covid-19 của từng thành viên cũng như của tất cả chúng ta;
(iii) Ba là, xác định các lĩnh vực hợp tác và biện pháp triển khai để ASEM có thể phát huy tốt nhất thế mạnh của mình vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung trong thế giới đang dịch chuyển. Một trong những lĩnh vực ưu tiên trước mắt là tăng cường khả năng ứng phó trước những tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.
Với sự ủng hộ tích cực và đóng góp sâu sắc của Quý vị đại biểu, tôi tin rằng, Đối thoại sẽ thành công tốt đẹp. Kết quả của Đối thoại hôm nay sẽ cơ sở quan trọng để Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 13 đưa ra quyết sách về tầm nhìn và định hướng cho hợp tác Á - Âu trong thập kỷ tới.
Xin cảm ơn.
* Tiêu đề do Báo Nhân Dân điện tử đặt.
Nguồn: nhandan.com.vn