Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng (ảnh: Tạp chí Tuyên giáo)
Năm 2010, đúng vào dịp kỷ niệm 80 năm ngành Tuyên Giáo Việt Nam, nhiều người được nghe những sáng tác viết về ngành Tuyên Giáo trong một Hội diễn văn nghệ ngành. Mỗi bài hát là một ý tưởng hay, một giai điệu đẹp, trong đó có đoạn ca từ: “trên mỗi nẻo, đường trên những dòng sông, thắm phù sa nồng nàn hương nhãn. Có chúng tôi những người làm Tuyên giáo Hưng Yên, có chúng tôi những người con quê nhãn thân yêu”. Ca từ mộc mạc giản dị gần gũi ấy là trong bài hát có cái tên cũng rất chân phương: “Bài ca Tuyên giáo Hưng yên”. mà tác giả phần lời bài hát đó là đồng chí Vũ Văn Toàn
Toàn bộ phần lời bài hát như sau:
Trên đất mẹ hiền từ thuở xa xưa, đã hùng vang những chiến công rực rỡ. Ở ngoài kia sóng sông Hồng cuộn đỏ nhắc chúng ta mắt sáng lòng trong. Trên mỗi nẻo đường trên những dòng sông, thắm phù sa nồng nàn hương nhãn. Tuyên giáo Hưng Yên đoàn quân mang văn hóa Đảng, luôn tham mưu trúng đúng kịp thời.
Chân lý Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chấp cánh cho ta bay vượt qua ngàn bão tố. Viết sắc nói sâu cho niềm tin lan tỏa. có chúng tôi những người làm tuyên giáo Hưng Yên. Có chúng tôi những người con quê nhãn thân yêu.
Bài hát được viết theo nhịp 4/4, giọng Rê trưởng, cấu trúc 2 đoạn đơn theo khúc thức A – B. Bài hát là lời bộc bạch của người làm cán bộ Tuyên giáo , một ngành cần đến tài năng “viết sắc, nói sâu” để lan tỏa niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong quần chúng nhân dân.
Mở đầu bài hát, tác giả đã nhắc đến một vùng quê Hưng Yên với truyền thống văn hiến lâu đời “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, một miền quê với “sóng sông Hồng cuộn đỏ”, hai bên bờ, trên những bãi phù sa đỏ ấy là hương nhãn thơm nồng với thương hiệu nổi tiếng đã đi vào ca dao:
Bưởi ngon là bưởi Đoan Hùng
Nhãn ngon là quả nhãn lồng Hưng Yên
Ở đó có những người con kiên trung đi theo lá cờ của Đảng, những người làm công tác Tuyên giáo tự xác định “luôn tham mưu trúng đúng kịp thời”.
Đoạn A của bài hát mang tính tự sự, tâm tình. Nét nhạc với tiết tấu nhanh bởi các nốt móc đơn, móc kép và uyển chuyển bay bổng bởi những dấu luyến. Giữa các câu nhạc được phân ra rõ ràng bằng dấu nối liên kết 1 nốt trắng và một nốt đen tạo đà cho câu hát tiếp theo. Chính những dấu nối ấy khiến người nghe liên tưởng đến một miền quê mênh mang sông nước với bãi bồi phù sa đỏ nặng bạt ngàn màu xanh và hương thơm nồng nàn của nhãn, cùng vị ngọt của mật ong nhãn Hưng yên. Kết thúc đoạn 1 là dấu ngân tự do để rồi chuyển sang đoạn 2 (đoạn B) với tính chất vui tươi sôi nổi.
Nếu như đoạn A là lời tự sự tâm tình, thì đoạn B nét nhạc chợt vút lên tự hào sôi nổi. Tác giả đã nói lên tấm lòng của những người làm Tuyên giáo luôn tin tưởng ở tư tưởng Hồ Chí Minh soi rọi chỉ đường dẫn lối. Công việc của ngành Tuyên giáo là “viết sắc, nói sâu” để “niềm tin lan tỏa” trong quần chúng.
Khác với đoạn A, tiết tấu ở đoạn B không còn là các nốt móc kép nữa mà được nhấn mạnh theo từng phách của nhịp 4/4 bằng những nốt đen và móc đơn. Tiết tấu chậm lại bằng các nốt đen, trắng cùng dấu ngân tự do đặt ở cuối bài như khẳng định niềm tin theo Đảng, nét nhạc ứng với ca từ “có chúng tôi, những người làm Tuyên giáo Hưng yên. Có chúng tôi những người con quê nhãn thân yêu” là một kiểu kết trọn vẹn.
Đây là bài hát phổ thơ, nhưng khi hát lên khó có ai nhận ra đây là ca khúc phổ thơ, bởi nó không bị ngắt nhịp như thường lệ mà có sự kết hợp nhuần nhuyễn dưới bàn tay của nhạc sĩ Nguyễn Quang Thạch. Hai tác giả thơ và nhạc đều có chung cảm xúc để thơ và nhạc hòa quyện làm một, tạo được nét riêng trong một ca khúc của ngành, của một địa phương. Bài viết ở giọng Rê trưởng, được kết thúc ở chủ âm Rê vốn là một nốt ổn định càng khẳng định thêm sự tin tưởng vững vàng với con đường mình đã chọn của những người làm Tuyên giáo nói chung và ngành Tuyên giáo Hưng Yên nói riêng.
Tác giả thơ Vũ Văn Toàn hiện đang là Ủy viên thường vụ Tỉnh Ủy, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Hưng Yên, nhưng trước khi trở thành người làm Tuyên giáo, anh đã từng là một người lính Cụ Hồ, chiến đấu trực tiếp tại thành cổ Quảng Trị. Ở đây ta vẫn thấy rõ chất lính Cụ Hồ trong từng ý thơ, thể hiện rõ ý chí kiên trung, tin tưởng vào con đường mình đã chọn, tin tưởng ngọn đèn soi rọi chỉ đường của tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng vào thắng lợi của Cách mạng
Bài hát viết vào dịp kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo (năm 2010) và trở thành ca khúc truyền thống của ngành Tuyên giáo tỉnh Hưng Yên.
(Theo Nguyễn Diệp/dantri.com.vn)
Mời các bạn nghe ca khúc Bài ca Tuyên giáo Hưng Yên tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=snvXgukIL2w