Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc sử dụng nguồn nhân lực sao cho hiệu quả. Từ đây đòi hỏi chính sách sử dụng nhân tài cần được chú trọng trong xây dựng chiến lược phát triển con người.
Hội thảo khoa học về sử dụng, thu hút nhân tài ở Việt Nam.
Lịch sử đã minh chứng thời kỳ nào nhân tài được trọng dụng thì đất nước phồn vinh, thịnh trị, “quốc thái dân an”. Vận dụng bài học lịch sử vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, vấn đề thu hút và trọng dụng nhân tài là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng khẳng định: “Xây dựng và thực hiện chính sách phát triển và trọng dụng nhân tài, thu hút nhân tài vào những lĩnh vực quan trọng, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng. Tăng cường nguồn đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội vào phát hiện đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài, trước hết trên ba lĩnh vực: lãnh đạo-quản lý, sản xuất-kinh doanh và khoa học-công nghệ”.
Ngày 24/1/2014, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 86-KL/TW về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, phấn đấu đến năm 2020, thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội từ Trung ương đến cấp huyện. Đến ngày 31/7/2023, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đặt ra yêu cầu phải quán triệt và thực hiện đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng về nhân tài; thực hiện nghiêm và có trách nhiệm chính sách, pháp luật của Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài. Thống nhất quan điểm và đổi mới tư duy trong nhận thức và tổ chức thực hiện về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, trọng tâm là xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện, môi trường làm việc, bố trí, sử dụng, đãi ngộ nhân tài.
Nhờ có những chủ trương đúng đắn, quyết sách chiến lược trong phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài của Đảng, nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng tiên phong đi đầu với những cống hiến trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Hiện tại nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động đông đảo, nhiều tiềm năng để phát triển. Đây sẽ là nguồn cung cấp nhân lực dồi dào cho các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù thực hiện đột phá về phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng ở nước ta, tình trạng thiếu vắng nhân tài trên nhiều lĩnh vực vẫn diễn ra, nhất là trong khoa học-công nghệ, tổ chức, kinh doanh và quản lý xã hội. Đại hội XIII của Đảng nhận định, chúng ta còn “Thiếu cơ chế, chính sách tuyển chọn và trọng dụng người tài”, “Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài”.
Công tác quản lý nhân lực ở không ít cơ quan nhà nước còn mang tính bao cấp, cào bằng. Việc tạo cơ chế cho phép và buộc người sử dụng lao động phải tìm người tài, những người có năng lực và chuyên môn phù hợp với công việc của tổ chức, có tầm nhìn dài hạn định hướng cho các quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học và công nghệ cho các lĩnh vực mũi nhọn của đất nước còn thiếu.
Trong khi đó, chính sách trọng dụng nhân tài vẫn còn một số bất cập. Chế độ đãi ngộ nhân tài bằng tiền lương hiện nay còn thấp, chưa đủ tái sản xuất sức lao động giản đơn và mở rộng và chăm lo đời sống gia đình, chưa thật sự bám sát kết quả công việc gây nên tình trạng giảm động lực ở người lao động, trong đó có nhân tài. Việc lên lương cũng phụ thuộc vào thâm niên cống hiến, chưa thật sự chú ý tới hiệu quả hay thực chất công việc mà người lao động đảm nhận. Chính phủ có đề án hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, trong đó nhiều học sinh xuất sắc được Chính phủ cấp học bổng đi du học, hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, giảng viên giỏi đi nước ngoài học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn.
Dù vậy, nhiều nhân tài sau quá trình học tập đã không về nước làm việc bởi so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, ở Việt Nam cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của nhân tài, môi trường làm việc còn gò bó, ít cơ hội phát triển, thu nhập chưa cao. Từ đây dẫn đến việc “chảy máu chất xám” gây lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển đất nước.
Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 96/132 quốc gia trong bảng xếp hạng về Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI). Năm 2021, chỉ số GTCI trung bình của Việt Nam đạt 84/113 quốc gia. Việt Nam cũng không phải là quốc gia được đánh giá cao về Chỉ số “Thu hút nhân tài”, “Giữ chân nhân tài”. Tình trạng lãng phí nguồn lực con người ở nước ta đã ảnh hưởng lớn tới việc gia tăng năng suất lao động. Mục tiêu tăng năng suất lao động của Việt Nam còn gặp hạn chế.
Tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: “Giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ tăng năng suất lao động thấp hơn mục tiêu đề ra là 5,5%/năm. Xét theo giá trị tuyệt đối, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực”. Theo số liệu của WB, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD 2017 theo ngang giá sức mua tương đương (PPP) là 2.400 USD, chỉ bằng 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan, 79% của Indonesia, 94,5% của Philippines.
Tình trạng chưa thật sự có nhiều nhân tài trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thuộc bộ máy nhà nước cũng là một trong những nguyên nhân gây trì trệ trong vận hành công việc của bộ máy quản lý hành chính, làm lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. Trong quản lý, điều hành công việc quốc gia, việc thiếu cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài làm giảm cơ hội, triển vọng phát triển xã hội, hao mòn động lực phát triển đất nước.
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ lãng phí gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Lãng phí gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển đất nước. Vì vậy, phải coi cuộc chiến chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp.
Do đó nhiệm vụ cần phải quyết liệt thực hiện trong thời gian tới đó là cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm công tác phòng, chống lãng phí, trong đó có phòng, chống lãng phí nguồn nhân lực có hiệu quả. Khẩn trương tích cực tìm kiếm, phát hiện sớm nhân tài, tạo môi trường thuận lợi để người tài phát huy tính sáng tạo, phục vụ cho sự phát triển xã hội. Xây dựng trang thông tin điện tử về nhân tài Việt Nam, kịp thời cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thu hút, trọng dụng nhân tài; giới thiệu chính sách nhân tài của các bộ, ngành, địa phương; thông tin về cơ hội phát triển và thành công của nhân tài Việt Nam.
Đồng thời, quan tâm phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp, nhân lực quản lý xã hội... Thiết lập cơ chế, chính sách tuyển chọn và trọng dụng nhân tài, khuyến khích những người tài dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm ở cả khu vực Nhà nước và tư nhân. Để tránh tình trạng lãng phí nhân lực, muốn nhân tài mang hết tài năng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, rất cần xác định bộ tiêu chí đánh giá nhân tài, chỉ ra tiêu chuẩn về tài năng, đạo đức, phẩm chất... một cách cụ thể, lượng hóa để có căn cứ, cơ sở xác định nhân tài, tiến cử, giới thiệu, lựa chọn và trọng dụng nhân tài. Cần có những quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm giới thiệu và lựa chọn; cách thức lựa chọn là gì; điều kiện làm việc; sản phẩm đạt chất lượng ra sao. Nhân tài phải được phát hiện, giới thiệu từ cơ sở, đơn vị, địa phương, từ các ngành, nghề và từ các bộ, ban, ngành trung ương.
Bên cạnh đó, cần không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để thực hiện hiệu quả việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí công việc và đãi ngộ đúng mức giúp đội ngũ nhân tài được khích lệ, từ đó phát huy nhiệt tình, cống hiến vì danh dự đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc... Có chính sách khen thưởng những cá nhân, tổ chức có công phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tốt và sử dụng đúng nhân tài mang lại hiệu quả cao.
Đồng thời, cần xử phạt nghiêm những cá nhân lợi dụng việc tiến cử người tài để đưa người thân, bạn bè, người quen vào hệ thống vì lợi ích cá nhân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng, giám sát hoạt động thu hút, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài. Chấn chỉnh hệ thống các học viện, nhà trường, cơ sở bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, khắc phục tình trạng thiếu dân chủ, thiếu công khai, minh bạch trong công tác cán bộ nói chung, sử dụng nhân tài nói riêng.
Đồng thời cần xây dựng chiến lược quốc gia về lựa chọn nhân tài, về chính sách sử dụng, đãi ngộ nhân tài và luật hóa chính sách nhằm thu hút nhân tài cả trong và ngoài nước. Thành lập mạng lưới nhân tài Việt Nam toàn cầu, mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành toàn cầu, tăng cường giao lưu trí thức trong nước với trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện, động lực để người tài ở nước ngoài về Việt Nam cống hiến cho quê hương, đất nước. Xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài có uy tín trên thế giới trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài theo nhu cầu và tiêu chuẩn quốc tế.
Nguồn: https://nhandan.vn/