Thời gian qua, hàng loạt vụ cháy, nổ xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản.
Ảnh: TRỊNH BÌNH
Một phần nguyên nhân là do không được ứng phó kịp thời; lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) còn thiếu, yếu; đầu tư trang thiết bị, phương tiện và hạ tầng bảo đảm cho công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) còn nhiều bất cập. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC là vấn đề đang được đưa ra với kỳ vọng nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Một trong những nội dung mà đại biểu Quốc hội và cử tri, doanh nghiệp quan tâm nhiều trong dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là việc đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác PCCC. Cụ thể là, việc bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: Thẩm tra, kiểm tra về PCCC.
Trong những năm qua, công tác xã hội hóa về PCCC đã xuất hiện ở một số loại hình, bước đầu đạt được kết quả, như: Cho phép đăng ký hoạt động tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC.
Hiện, cả nước có khoảng 15 đơn vị đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm hoạt động kiểm định về PCCC; nhiều tổ chức, doanh nghiệp đăng ký hoạt động tư vấn thẩm định về PCCC, huấn luyện về nghiệp vụ PCCC… với khoảng 4.000 doanh nghiệp tham gia. Đây là yếu tố thuận lợi trong cạnh tranh về chất lượng phục vụ trong các hoạt động dịch vụ PCCC, góp phần bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC ngay từ giai đoạn lập quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng công trình.
Ông Bùi Xuân Thái, Trưởng ban Thông tin Truyền thông, Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam, nhận định: Việc tham gia của các đơn vị xã hội hóa sẽ giúp chủ động về thời gian kiểm định, tránh ách tắc, chậm đơn hàng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn bất cập do thiếu khung chế tài cụ thể nhằm giám sát và xử lý các đơn vị kiểm định hoạt động thiếu nghiêm túc.
Đây là lỗ hổng cần khắc phục khi xem xét dự án Luật PCCC và CNCH với các điều khoản bổ sung về mở rộng hoạt động kinh doanh liên quan đến thẩm tra, kiểm tra PCCC.
Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó cục trưởng Cảnh sát PCCC và CNCH (C07), Bộ Công an, cho biết: Thiết bị PCCC là phương tiện để phát hiện và chữa cháy, nếu không hoạt động đúng chức năng sẽ gây nguy hiểm cho xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các đơn vị này, đồng thời có chế tài xử phạt đối với những đơn vị không thực hiện đúng chức năng.
Các chuyên gia nhận định, việc bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ “thẩm tra về phòng cháy và chữa cháy” là cơ sở để Chính phủ, Bộ Công an ban hành quy định cụ thể đối với đối tượng công trình cần tổ chức tư vấn thẩm tra, thẩm định về PCCC và quy định cụ thể thủ tục thẩm tra, thẩm định về PCCC, nhằm vừa rút ngắn thủ tục hành chính trong công tác này, vừa nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, thẩm tra về thực hiện quy định của pháp luật, quy chuẩn tiêu chuẩn về PCCC của dự án, công trình.
Việc bãi bỏ quy định kinh doanh dịch vụ PCCC là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho cơ sở, doanh nghiệp, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm dưới sự kiểm tra giám sát quản lý của cơ quan nhà nước, theo đúng chủ trương của Đảng về việc “đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy”, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động PCCC và cứu hộ, cứu nạn.
Tại kỳ họp thứ 8, cho ý kiến vào dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình và cho rằng, việc xã hội hóa không chỉ giúp huy động nguồn lực từ xã hội, mà còn nâng cao trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác PCCC.
Thực tiễn cho thấy, việc phát huy sức mạnh toàn dân tham gia hoạt động PCCC với quy định ngày 4/10 hằng năm là Ngày toàn dân PCCC, là cơ sở để đẩy mạnh xã hội hóa công tác này, xây dựng phong trào toàn dân PCCC từ mỗi gia đình, thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, xí nghiệp.
Theo đánh giá từ Cục C07, thông qua phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, công tác PCCC và CNCH trở thành nhiệm vụ của toàn dân, giải quyết được nhiều vấn đề liên quan như: Tạo khoảng cách an toàn PCCC cho khu dân cư, người dân hiến đất làm đường, mở rộng đường cho xe chữa cháy, xe CNCH, đóng góp kinh phí mua sắm phương tiện chữa cháy...
Nhiều cơ sở, địa phương chủ động kinh phí, đóng góp mua sắm trang thiết bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy, thực hiện nghiêm các quy định về PCCC tại nơi mình ở và làm việc, tích cực tham gia các hoạt động PCCC. Đến nay, Phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” phát triển rộng khắp, nhiều mô hình phong phú, trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Cảnh sát PCCC, CNCH ở cơ sở, là một bộ phận quan trọng của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Những năm qua, các lực lượng PCCC tại chỗ đã trở thành nòng cốt trong công tác PCCC và CNCH ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư. Hằng năm, lực lượng này phát hiện và dập tắt kịp thời hơn 50% tổng số vụ cháy xảy ra, góp phần ngăn chặn cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Trong nhiều vụ cháy, CNCH phức tạp, người dân tình nguyện “kề vai, sát cánh” cùng lực lượng chức năng lao vào đám cháy, công trình sập đổ cứu người, cứu tài sản; mang thức ăn, nước uống tiếp sức cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH hoàn thành nhiệm vụ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã hướng dẫn xây dựng nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, trong đó nổi lên mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” được sáng tạo từ thực tế công tác bảo đảm an toàn PCCC ở các khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ. Đến nay, cả nước đã xây dựng hơn 52,5 nghìn “Tổ liên gia an toàn PCCC”, gần 60 nghìn “Điểm chữa cháy công cộng trên toàn quốc”.
Nhờ đó, nhiều vụ cháy xảy ra đã được các thành viên Tổ liên gia dập tắt ngay từ khi mới phát sinh, ngăn chặn được cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng. Những hoạt động của phong trào góp phần kéo giảm số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, tai nạn sự cố gây ra, đóng góp vào thành quả chung của sự nghiệp giữ gìn an ninh trật tự, an sinh xã hội.
Nguồn: https://nhandan.vn/