KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 28/07/2017 - Lượt xem: 183
Bài thơ và những cây bồ kết ở Đồng Lộc

Vẫn thường cùng nhau hành hương về nguồn, viếng thăm và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn hay Ngã ba Đồng Lộc, bởi vậy chúng tôi gần như đều nằm lòng bài thơ Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc của nhà thơ Vương Trọng, được khắc trên bia đá trong khu tưởng niệm mười cô gái Đồng Lộc.


Khách viếng thăm mộ mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc bên cây bồ kết.

Gần như ai đến đây, trước hết cũng đọc bài thơ này, rồi đặt lên mộ các cô những chùm bồ kết: Ngày bom vùi tóc tai bết đất/Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được/Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây bồ kết/Hương chia đều trong hư ảo khói nhang...

Gần đây, tôi và bạn bè lại có dịp đi cùng chính nhà thơ Vương Trọng trên những nẻo đường quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh, và được nghe nhà thơ tâm sự về bài thơ đặc biệt này. Anh kể: “Mùa hè năm 1995, tôi cùng hai nhà văn quân đội là Xuân Thiều và Nam Hà đi viết sách truyền thống cho Quân khu 4, có dịp đến thăm nghĩa trang mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Mặc dù mười cô gái đã hy sinh trước đó 27 năm, thế nhưng khi đứng lặng trước hố bom nơi các cô đã ngã xuống, khi thắp hương lần lượt cắm lên mười nấm mộ, cũng như khi chứng kiến những kỷ vật các cô để lại…, tôi tự nhủ phải viết một cái gì đấy để giải tỏa nỗi xúc động. Mọi lần đi như thế, tôi thường viết bút ký. Nhưng lần này trong đoàn đi có hai nhà văn, nên tôi nghĩ văn xuôi dành cho hai vị, còn mình quay về với sở trường là thơ. Thơ về Đồng Lộc trước đó đã có nhiều người viết rồi, có bài khá nổi tiếng của nhà thơ Huy Cận. Thế thì phải viết thế nào? Sự hy sinh cùng một lúc của mười cô gái trẻ khi đang san lấp hố bom luôn làm mọi người xúc động. Mười ngôi mộ lúc nào cũng có thật nhiều hương khói. Qua tài liệu tôi biết số người hy sinh ở ngã ba này thật nhiều, riêng Trung đoàn phòng không 210 đã có 112 liệt sĩ hy sinh khi bảo vệ mảnh đất này. Thế nhưng họ không có bia mộ để thắp hương, bởi thịt xương đã hòa trộn vào đất. Ý tưởng dùng lời mười cô gái trò chuyện với các đoàn khách thăm viếng được nảy sinh”.

Bài thơ của nhà thơ Vương Trọng được sáng tác và in lần đầu vào năm 1995, đến năm 1998 lại được in trong tuyển tập thơ về Đồng Lộc. Tập thơ đến tay anh Nguyễn Tiến Tuẫn, lúc bấy giờ là Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh và là một trong ba Anh hùng LLVT nhân dân ở Ngã ba Đồng Lộc trong khoảng thời gian mười cô gái hy sinh. Đọc bài thơ, anh rất xúc động và đã lên huyện Hương Sơn tìm hai cây bồ kết con để đáp lời thỉnh cầu của mười cô gái: Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.

Hai cây bồ kết anh Tuẫn trồng cẩn thận, hố đào to, chăm sóc rất tốt. Bốn năm sau, năm 2002, hai cây bồ kết đã cao tới 3 đến 4m, cây lớn vào mùa thu đã nở hoa. Một lần trở lại thăm nghĩa trang đúng lúc gặp một đoàn khách, biết anh là người đã trồng hai cây bồ kết này, mọi người rất cảm phục và hỏi lý do, anh trả lời là từ cảm xúc bài thơ của Vương Trọng. Sau dịp ấy, anh Tuẫn đặt khắc bài thơ ấy lên đá và chiều 14-8-2002, tấm bia đá cỡ 80x40cm với bài thơ 24 câu chia thành bốn khổ, được khắc sâu và tô mầu sơn vàng dựng lên cạnh hai cây bồ kết bên nghĩa trang.

Những năm sau, các đoàn khách đến thăm khu di tích này, thường đem theo những chùm quả bồ kết khô để đốt sau khi thắp nhang. Người đầu tiên đốt bồ kết ở đây là nhà văn Nguyễn Thế Tường, quê Quảng Bình, công tác tại Báo Văn nghệ. Năm 2002, anh gặp nhà thơ Vương Trọng ở Báo Văn nghệ, kể rằng sắp vào nghĩa trang Đồng Lộc. Nhà thơ Vương Trọng tâm sự với anh Thế Tường rằng, hai cây bồ kết mới ra hoa nhưng chưa có quả, muốn nhờ anh Tường mua hộ một chùm bồ kết, vào đó đốt để viếng mười liệt nữ. Khi đốt, mấy quả bồ kết gặp bát hương lớn bỗng hóa, cháy bùng lên trong gió...

Một Việt kiều ở Mỹ là ông Trần Đình Hoành đã xúc động dịch bài thơ ra tiếng Anh và gửi về Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tĩnh khi đó. Sau này một bia đá mới được dựng lên, một mặt khắc bài thơ bằng tiếng Việt và một mặt khắc bài thơ bằng tiếng Anh.

Bài thơ của nhà thơ Vương Trọng đã tạo nên một tập tục văn hóa tâm linh, khi thắp hương cho mười cô gái Đồng Lộc, bao giờ người viếng cũng mang theo những chùm bồ kết. Cùng với tập tục này là tập tục mới, trồng cây bồ kết ở những nghĩa trang và nơi nằm lại của các liệt sĩ là nữ thanh niên xung phong (TNXP), bộ đội.

Cũng trong chuyến đi vừa qua, khi chúng tôi cùng nhà thơ Vương Trọng đến viếng những TNXP đã hy sinh tại nghĩa trang Truông Bồn (Nghệ An), cách quê hương nhà thơ Vương Trọng 15 km, thấy tại nghĩa trang cũng có một cây bồ kết vươn cao bên mộ các liệt nữ nơi đây.

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử

Tin liên quan