Hưng Yên là một trong những địa phương có tổ chức Đảng sớm. Cuối năm 1928, Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đầu tiên ở Hưng Yên được thành lập tại thôn Sài Thị, xã Thuần Hưng, huyện Khoái Châu. Cuối năm 1929, Chi bộ Việt nam thanh niên cách mạng Sài Thị được chuyển thành Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng Sài Thị. Chi bộ đã có những hoạt động tích cực như in tài liệu tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, vận động nhân dân chống sưu cao, thuế nặng, chống bắt phu... Nhân kỷ niệm 12 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/1929), Chi bộ đã tổ chức treo cờ Đảng tại Sài Thị, chợ Trương Xá (Kim Động), chợ Đìa, cây gạo chợ Thi (Ân Thi), dán nhiều áp phích ca ngợi cuộc Cách mạng này... Chi bộ còn tổ chức giới thiệu các sách như “Đường Cách mệnh”, “Tiếng súng đêm đông”... để khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc trong nhân dân.
Sau những năm bị địch khủng bố trắng (1931 - 1939), được cấp trên chỉ đạo, những cán bộ trung kiên tiếp tục chắp mối lại các cơ sở, xây dựng thêm cơ sở mới tại những nơi có điều kiện. Năm 1940, đầu năm 1941, các chi bộ Đảng ở nhiều nơi trong tỉnh được thành lập. Đến năm 1941, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh phát triển mạnh, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất, phải cử ra được cơ quan lãnh đạo chung. Trên cơ sở những công việc chuẩn bị được tiến hành từ đầu năm, đến tháng 7 năm 1941, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ uỷ, tỉnh tổ chức Hội nghị các chi bộ ở Ninh Thôn (xã Cẩm Ninh, huyện Ân Thi). Hội nghị đã thảo luận tình hình trong nước, quốc tế, học Nghị quyết của Trung ương Đảng, thống nhất thành lập Đảng bộ tỉnh... Hội nghị quyết định chuyển Mặt trận phản đế thành Mặt trận Việt Minh, gây dựng cơ sở cách mạng mới, chắp mối lại cơ sở cũ, mở rộng cơ sở sẵn có, tiếp tục vận động quần chúng đấu tranh chống khủng bố của địch. Đồng thời, Hội nghị cử Ban Tỉnh uỷ lâm thời gồm 5 đồng chí, đồng chí Nguyễn Thanh Liệu được cử làm Bí thư.
Sau Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh, Ban chấp hành lâm thời đã lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ Đảng kiên trì vận động quần chúng nhân dân đấu tranh, tạo khí thế mới cho phong trào. Giữa lúc khó khăn, ác liệt thì Đảng bộ nhân dân Hưng Yên nhận được thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi cho đồng bào toàn quốc, kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh. Ban cán sự tỉnh đã kịp thời vận động quần chúng nhân dân tham gia vào các đoàn thể cứu quốc, động viên được nhiều lực lượng trong cuộc đấu tranh cách mạng, tạo thêm thuận lợi mới cho việc thực hiện nghị quyết của Hội nghị Ninh Thôn. Các chi bộ Đảng đã khẩn trương chuyển phong trào phản đế thành phong trào cứu quốc. Các cán bộ hăng hái tuyên truyền, giới thiệu về Mặt trận Việt Minh và cờ đỏ sao vàng.
Mặc dù bị địch khủng bố ác liệt, nhiều cơ sở cách mạng bị phá vỡ, cán bộ, đảng viên, hội viên trung kiên và quần chúng cảm tình bị bắt lên tới sáu, bẩy chục người, song công tác tuyên truyền vẫn đưa được chủ trương của Đảng tới các tầng lớp nhân dân, tổ chức họ vào Mặt trận Việt Minh. Cán bộ, đảng viên vẫn kiên trì, bền bỉ vận động xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ở những nơi có điều kiện. Ban cán sự tỉnh với danh nghĩa của Uỷ ban vận động Việt Minh đã phát thư kêu gọi nhân dân hăng hái đấu tranh, chống cướp thóc, chống nhổ lúa trồng đay... Các cuộc đấu tranh nhỏ, mít tinh được tổ chức để tố cáo tội ác của Nhật - Pháp, tuyên truyền giới thiệu chương trình của Việt Minh liên tiếp diễn ra tại các huyện. Việc tuyên truyền, vận động khơi dậy lòng yêu nước của các tăng ni, phật tử, tín đồ phật giáo cũng được tiến hành. Đã có những cơ sở mạnh như chùa Trà Lâm, chùa Văn, chùa Bình Tân trực tiếp giúp cách mạng nuôi, giấu, che chở cán bộ về công tác tại địa bàn.
Để làm tốt công tác tuyên truyền một cách rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về đường lối, chính sách của Đảng và Việt Minh, nêu cao truyền thống yêu nước cho nhân dân, năm 1943, Ban Cán sự tỉnh Hưng Yên đã ra tờ báo Bãi Sậy lưu hành rộng khắp trong tỉnh.
Đầu năm 1944, được sự giúp đỡ của Xứ uỷ, Khu an toàn Bãi Sậy được thành lập. Đây là cơ sở trực tiếp để liên lạc giữa các phong trào đấu tranh trong tỉnh và các tỉnh bạn. Từ Khu Bãi Sậy, Uỷ ban vận động Việt Minh được thành lập; Việt Minh tại đây đã tích cực tuyên truyền, vận động xây dựng phát triển cơ sở. Các tổ chức quần chúng không những được kiện toàn lại mà còn được tuyên truyền, hướng dẫn phương pháp hoạt động. Các cơ sở có điều kiện đã tổ chức các cuộc mít tinh để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Mục đích của các cuộc mít tinh là tập dượt quần chúng đấu tranh chính trị, đấu tranh kinh tế, chống cướp đất, nhổ lúa trồng đay, chống thu thuế, thu thóc tạ... Trong số đó, điển hình là cuộc mít tinh tại Phố Giác (Tiên Lữ) của 3 huyện phía nam tỉnh, có hàng trăm quần chúng tham dự. Đây thực sự là cuộc biểu dương lực lượng, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào, tạo cho quần chúng tin tưởng vào cách mạng.
Nhờ sự tuyên truyền, giác ngộ quần chúng tốt, chỉ trong vòng một tuần (từ ngày 14 đến 22/8/1945), mở đầu là khởi nghĩa của Việt Minh và nhân dân huyện Phù Cừ, toàn tỉnh đã tiến hành tổng biểu tình, khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Ngày 23 tháng 8 năm 1945, nhân dân thị xã và các huyện trong toàn tỉnh nô nức, phấn khởi, rầm rập tiến về sân vận động thị xã, tham dự cuộc mít tinh tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh.
Từ sau khi giành được chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Thường vụ Xứ uỷ, Đảng bộ Hưng yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân đoàn kết muôn người như một, thực hiện khẩu hiệu “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”, một lòng, một dạ ủng hộ Cách mạng, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Thời kỳ này công tác tuyên truyền của tỉnh do đồng chí Lương Hiền, Bí thư Tỉnh uỷ trực tiếp phụ trách. Tỉnh uỷ có cử một bộ phận ra hoạt động công khai với danh nghĩa là Việt Minh, chủ động mở đợt tuyên truyền, giáo dục từ tỉnh đến các cơ sở. Các huyện đều mở các lớp huấn luyện cấp tốc về “Chủ nghĩa Cộng sản sơ giản”, “Các bước công tác vận động quần chúng”, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, vận động nhân dân tích cực diệt “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”, củng cố chính quyền các cấp.
Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khoá I (ngày 6/1/1946) thành công, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương được kiện toàn. Mặc dù thực hiện chủ trương “giải tán” các tổ chức Đảng (thực chất là Đảng rút vào hoạt động bí mật), công tác tuyên truyền trong tỉnh vẫn do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ trực tiếp chỉ đạo.
Đầu tháng 7 năm 1946, Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên họp tại xã Chiến Thắng (nay là xã Tân Phúc (Ân Thi). Hội nghị kiểm điểm tình hình hoạt động thời gian qua, đặt ra chương trình hoạt động thời gian tới, cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 7 đồng chí. Đồng chí Vũ Duy Hiệu được Hội nghị bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên truyền của Đảng bộ. Tỉnh uỷ chủ trương tiếp tục phát hành báo Bãi Sậy, với số lượng 2000 tờ/số, chủ yếu phát miễn phí cho các xã và các cơ quan. Bên cạnh báo Bãi Sậy, còn có hàng trăm tờ “bích báo” do các ngành, các cơ sở ấn hành.
Ngày 04 tháng 01 năm 1947, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Hưng Yên. Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên phải trực tiếp chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ quê hương.
I. Quá trình vận động thành lập và những hoạt động của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Hưng Yên (1947 - 1967).
Tháng 5 năm 1947, tại thôn Trà Bồ xã Phan Sào Nam (Phù Cừ), Đảng bộ Hưng Yên tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất. Đại hội đánh giá tình hình hoạt động của 4 tháng trực tiếp kháng chiến (tại nơi có chiến sự), quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng, đề ra nhiệm vụ về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa... và quyết định thành lập Trường huấn luyện, làm nhiệm vụ đào tạo cán bộ và đặt tên là “Trường Tháng Tám”. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa I gồm 11 uỷ viên, đồng chí Lê Thành được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, Tỉnh uỷ tổ chức đợt học tập “Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các đồng chí Bắc Bộ”, mở đợt phát triển Đảng viên mới gọi là “Lớp Tháng Tám”. Ngày 01 tháng 8 năm 1947, Tỉnh uỷ Hưng Yên có Nghị quyết thành lập Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ. Đây là dấu mốc về sự thành lập của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Hưng Yên.
Thành phần cán bộ trong Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Hưng Yên cơ bản là trí thức và tiểu tư sản. Đồng chí Trần Phương, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được phân công làm Trưởng ban, 04 đồng chí là Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện cùng 03 đồng chí là cán bộ, có chức vụ tương đương được điều về làm cán bộ của Ban; Ban có một bộ phận in li - tô.
Chức năng nhiệm vụ của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ:
- Nghiên cứu chương trình học tập cho các đồng chí uỷ viên ban chấp hành đảng bộ cấp huyện, các chi uỷ viên các chi bộ.
- Nghiên cứu chương trình huấn luyện cho các đồng chí ủy viên ban chấp hành đảng bộ huyện và ban chi uỷ các xã.
- Tuyên truyền thời sự và các thông tin khác.
Công tác Huấn luyện của Ban Tuyên huấn hoạt động đều và đạt kết quả khá. Chỉ riêng năm 1948 đã huấn luyện được 15 lớp gồm: 9 lớp chi uỷ cho 335 đồng chí chi ủy viên; 01 lớp trí thức cho 44 học viên; 01 lớp Hội đoàn cho 42 hội viên; 03 lớp bồi dưỡng uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và đào tạo mới cho hơn 100 uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; 01 lớp nghiên cứu, bồi dưỡng phương pháp in tài liệu cho các cán bộ văn phòng cấp huyện.
Công tác tuyên truyền trong những tháng cuối năm 1947 và năm 1948 hoạt động yếu, chưa thực sự tổ chức được các đợt tuyên truyền, kể cả tuyên truyền xung kích. Đây là giai đoạn hoạt động chia làm hai khu khá rõ, Khu Bắc bị địch tạm chiếm, Khu Nam tự do, (giữa Khu Bắc và Khu Nam có vùng đệm). Tại vùng tự do, hoạt động của Ban Tuyên huấn khá sôi nổi, còn trong vùng tạm chiếm, hoạt động hầu như chỉ được triển khai theo các đợt và chia nhỏ theo khu vực. Hoạt động tuyên truyền chủ yếu là phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các chi bộ nhỏ, các chi bộ nhỏ tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân.
Ngày 14/1/1949, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Sáu đề ra chủ trương “Tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công”. Tháng 3 năm 1949, Tỉnh uỷ Hưng Yên tổ chức Hội nghị mở rộng, triển khai chủ trương của Trung ương Đảng và Khu uỷ. Sau Hội nghị của Tỉnh uỷ, Ban Tuyên huấn tổ chức Hội nghị triển khai tới các Ban Tuyên huấn huyện, thị về chủ trương của Trung ương Đảng. Song song với việc triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã chủ động chỉ đạo các ngành: Công an, Địch vận, Dân vận, Thi đua, Liên hiệp công đoàn đẩy mạnh các hoạt động thi đua ái quốc, tích cực phát triển đảng viên, củng cố các chi bộ Đảng ở cả vùng địch chiếm đóng, vùng tự do và khu căn cứ.
Từ ngày 15/7/1949 đến 19/7/1949, tại xã Lệ Chi (nay là Lệ Xá, huyện Tiên Lữ), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ III được tổ chức. Đại hội đã kiểm điểm tình hình công tác của nhiệm kỳ qua, đề ra nhiệm vụ công tác thời gian tới theo tinh thần “tích cực cầm cự, chuẩn bị phản công”. Đại hội đánh giá “Nhờ có sự cố gắng vượt bậc của Ban Tuyên huấn trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nên tư tưởng, tác phong của cán bộ, đảng viên được chỉnh đốn, đã phê phán tư tưởng cầu an, kỷ luật lỏng lẻo, các làng có tề đã chú ý nắm được tề, xây dựng được cơ sở vùng công giáo”. Đại hội biểu dương các huyện có hoạt động khá là: huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Phù Cừ, Tiên Lữ và các chi bộ xã Dương Quang (Mỹ Hào), Việt Hưng (Văn Lâm), Nghĩa Dũng (Tiên Lữ), Bạch Đằng (Ân Thi); Đại hội khen thưởng 4 huyện và 2 xã cùng với Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ vì có thành tích đặc biệt tiêu biểu trong hoạt động của nhiệm kỳ II của Đảng bộ tỉnh.
Từ tháng 10 năm 1949, các bộ phận tuyên truyền, ấn loát, văn thư tập trung lại làm một, được gọi là Ban Tuyên truyền, đồng chí Lưu Bá Thịnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh làm Trưởng ban. Ban Tuyên truyền có 12 cán bộ và nhân viên. Bộ phận Huấn luyện thành một ban riêng, gọi là Ban Huấn luyện, nhiệm vụ chủ yếu là huấn luyện các chương trình và mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ các cấp là chính.
Sau trận càn Điabôlô (tháng 12/1949), từ đầu năm 1950, thực dân Pháp chiếm đóng toàn bộ tỉnh Hưng Yên, hàng loạt cơ sở bị phá vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên và cơ quan lãnh đạo phải bật ra khỏi địa bàn, tới Hà Nam, Thái Bình thậm chí xa hơn. Trong đó có những đảng viên phải nằm im, có cả trường hợp đầu hàng, khai báo với địch. Song trong gian lao, thử thách, cán bộ, đảng viên của Ban Tuyên truyền vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, kiên trì, trung kiên tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ, đảng viên bình tĩnh vượt qua thử thách, giữ vững tinh thần cách mạng, từng bước củng cố cơ sở, phát triển lực lượng, chuẩn bị đánh địch khi có thời cơ.
Hội nghị Tỉnh uỷ tại Quyển Sơn (Hà Nam) từ ngày 1 đến 20 tháng 4 năm 1950, đã đề ra nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ là: đả phá tư tưởng cầu an, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, tất cả hướng về nội địa để bám đất, bám dân, xây dựng phong trào, xây dựng lực lượng du kích, làm làng chiến đấu... giảm nhẹ các cơ quan, vận động cán bộ, đảng viên trước đó chạy dài, nằm im để giao nhiệm vụ. Sau Hội nghị, Ban Huấn luyện và Ban Tuyên truyền lại được nhập làm một gọi là Ban Tuyên truyền, đồng chí Lưu Bá Thịnh được phân công làm Trưởng ban. Ban Tuyên truyền đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên đẩy mạnh các hoạt động, kiên quyết bám đất, bám dân tích cực xây dựng làng chiến đấu.
Từ năm 1952 đến năm 1953, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Tuyên truyền tập trung cao độ vào công tác “Chỉnh Đảng, chỉnh cán” nhằm tuyên truyền, giáo dục những đảng viên trước đó đã chạy dài, nằm im hay tự bỏ nhiệm vụ; tăng cường huấn luyện lập trường tư tưởng, chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên. Công tác tuyên truyền tập trung vào việc gây dựng cơ sở, làm cho quần chúng tin tưởng vào cách mạng, giữ vững niềm tin son sắt vào Đảng và Chính phủ, đập tan những âm mưu, thủ đoạn lừa bịp của kẻ thù, vận động nhân dân ủng hộ kháng chiến.
Đông Xuân 1953 - 1954 và đến tháng 8 năm 1954, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, phối hợp cùng chiến trường chính, Ban Tuyên truyền đã đẩy mạnh việc tuyên truyền tin chiến thắng trên các chiến trường, nhất là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đặc biệt công tác tuyên truyền thời gian này tập trung vận động quần chúng nhân dân, chủ yếu là chị em phụ nữ đấu tranh binh vận, địch vận, đòi chồng, con, em..., đấu tranh chống địch phá hoại kinh tế, không cho chúng chuyển máy móc, thiết bị đi. Ngoài ra, Ban còn tuyên truyền về công tác chuẩn bị tiếp quản thị xã và các nơi khi địch rút quân, thực hiện nghiêm chính sách đối với các huyện, thị khi giải phóng; tuyên truyền vận động nhân dân không mắc mưu địch, không nghe theo địch dụ dỗ, cưỡng ép di cư vào Nam theo chúng.
Gần tám năm trực tiếp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Ban Tuyên huấn trải qua nhiều thăng trầm, song tổ chức Ban Tuyên huấn từng bước trưởng thành và phát triển, đóng góp công sức không nhỏ vào quá trình chiến đấu, giải phóng quê hương.
Sau khi quê hương được giải phóng, từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 8 năm 1954, Tỉnh uỷ Hưng Yên tổ chức Hội nghị mở rộng, đề ra chủ trương, giải pháp nhằm thực hiện tốt chủ trương của Trung ương Đảng và chính sách của Nhà nước. Sau Hội nghị của Tỉnh uỷ, Ban Tuyên truyền tổ chức Hội nghị triển khai công tác với các huyện, thị và các ngành, nội dung tuyên truyền tập trung vào: tuyên truyền, giáo dục để toàn dân nhận thức đúng, thống nhất tư tưởng, chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định đình chiến đã ký; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp và bè lũ tay sai; từ đó đề cao tinh thần trách nhiệm trong công tác.
Đầu năm 1955, Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ được đổi thành Ty Tuyên truyền Hưng Yên, gồm hai bộ phận: Bộ phận Tuyên truyền chính sách và Bộ phận Bồi dưỡng đào tạo. Khi thực hiện cải cách ruộng đất, Ty Tuyên truyền tạm ngừng hoạt động (vì các cán bộ phải tăng cường đi làm công tác cải cách).
Sau cải cách ruộng đất (năm 1957), Ty Tuyên truyền tỉnh Hưng Yên hoạt động lại. Hoạt động của Ty Tuyên truyền thời gian này có nhiều tiến bộ, các hoạt động nền nếp hơn. Bộ phận Tuyên truyền chính sách được giữ nguyên, Bộ phận Bồi dưỡng đào tạo được gọi là Bộ phận Huấn luyện, các bộ phận hoạt động đều. Đồng chí Lưu Bá Thịnh, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục được Tỉnh uỷ phân công làm Trưởng ty Tuyên truyền.
Từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 3 năm 1959, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV. Đại hội đã kiểm điểm tình hình lãnh đạo, chỉ đạo thời gian qua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian tới. Đại hội đề ra Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ “Tứ hoá” (thuỷ lợi hoá, hợp tác hoá, bổ túc văn hoá và quân sự hoá) và bầu Ban Chấp hành gồm 25 uỷ viên chính thức, 5 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Quý Quỳnh được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Trần Duy Dương được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ. Đồng chí Lưu Bá Thịnh được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và được phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy (đây là thời kỳ lại đổi từ ban Tuyên truyền thành Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ). Về tổ chức, Ban Tuyên huấn có ba bộ phận: bộ phận Tuyên truyền, bộ phận Huấn luyện và Văn phòng ban.
Công tác Tuyên huấn trong những năm 1958 - 1960 đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền để thiết lập quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sản xuất phát triển đồng thời làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân từ tư tưởng tư hữu tồn tại bao đời chuyển sang tư tưởng mới, tư tưởng xã hội chủ nghĩa dựa trên hai hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể.
Thời gian này, cùng với việc tuyên truyền phục vụ phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Đảng, Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ còn tập trung tuyên truyền, cổ vũ ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, lên án tội ác tầy trời của bọn Mỹ - Diệm đặc biệt là vụ đầu độc, giết hại hàng ngàn tù chính trị và đồng bào yêu nước tại nhà giam Phú Lợi. Nhiều cuộc mít tinh đòi đế quốc Mỹ phải cút khỏi miền Nam Việt Nam đã được tổ chức.
Thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất (1961 - 1965), Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên cùng nhân dân cả nước ra sức phấn đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội. Đây là thời kỳ các phong trào thi đua lao động, sản xuất phát triển rầm rộ trên tất cả các lĩnh vực. Ban Tuyên huấn tập trung tuyên truyền về các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập và công tác, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch, tuyên truyền về chiến thắng của quân và dân miền Nam.
Để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ V (năm 1961) và lần thứ VI (năm 1963), Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ xác định nhiệm vụ: tuyên truyền phục vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, trước mắt là phục vụ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, động viên nhân dân đi xây dựng kinh tế miền núi, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, cải tạo đồng ruộng. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, Ban đã chủ động phân công cán bộ theo dõi, đi sâu, đi sát phong trào, từ đó kịp thời phát hiện những điển hình, những gương người tốt, việc tốt để biểu dương, động viên; kịp thời uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, những vấn đề mới nảy sinh.
Đây là thời kỳ Hưng Yên tập trung thực hiện phong trào “Tứ hoá” nên công tác Tuyên huấn lúc này tập trung tuyên truyền về các nhiệm vụ một cách cụ thể. Trong lĩnh vực thuỷ lợi hoá, đã xuất hiện những cá nhân điển hình, trở thành gương sáng để quần chúng học tập noi theo. Công tác thuỷ lợi của Hưng Yên đạt được những thành tích to lớn, được Bác Hồ tặng Cờ luân lưu về làm thuỷ lợi khá nhất mấy năm liền. Trong xây dựng hợp tác hoá, đã xuất hiện những hợp tác xã làm tốt, cho năng xuất cao như Đông Kinh (nay là xã Đông Kết huyện Khoái Châu). Trong phong trào bổ túc văn hoá, đã có nơi làm tốt như huyện Phù Cừ, được Bác Hồ gửi thư khen... Bên cạnh việc tuyên truyền phục vụ phát triển kinh tế, Ban Tuyên huấn còn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới, giữ gìn vệ sinh.
Trong công tác xây dựng Đảng, thực hiện Chỉ thị 158 của Trung ương Đảng về tăng cường công tác tuyên truyền, Ban Tuyên huấn đã biên soạn văn bản hướng dẫn, giúp cho các cấp uỷ cơ sở có tài liệu tổ chức các lớp học tìm hiểu về Đảng, về quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Hàng năm, Ban Tuyên huấn còn xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng, huấn luyện và đào tạo cán bộ, đảng viên với chương trình và nội dung bài giảng phù hợp với nhiệm vụ củng cố quan hệ sản xuất, phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Đi liền với công tác tuyên truyền, việc tổng kết kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tế, hoàn cảnh cụ thể tại địa phương để rút ra những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, phát triển kinh tế là việc làm cần thiết được Đảng bộ coi trọng.
Ngay từ đầu năm 1960, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Ba mươi năm Lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”*. Trong báo cáo về sửa đổi Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng cũng nhấn mạnh: “Lịch sử đấu tranh 30 năm của Đảng ta, có những kinh nghiệm rất phong phú... giúp ích thiết thực cho công tác lãnh đạo của Đảng, trong giai đoạn cách mạng hiện nay và mai sau, đồng thời phải đưa việc tổng kết kinh nghiệm đi dần vào nền nếp, coi đó là trách nhiệm của các cấp uỷ”. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, ngày 24/01/1962, Bộ Chính trị khoá III ra Nghị quyết số 41 - NQ/TW thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương và qui định chức năng, nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương.
Thực hiện Thông tri số 91 - TTr/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ Hưng Yên có Nghị quyết thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Hưng Yên vào tháng 4/1963. Ban gồm 5 cán bộ, đồng chí Trần Tuấn Doanh, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ phụ trách, đồng chí Đào Mân được phân công giữ chức Phó ban Thường trực, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công việc của Ban.
Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh có nhiệm vụ:
- Sưu tầm, xác minh các tư liệu lịch sử Đảng của Đảng bộ tỉnh.
- Sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn cuốn lịch sử “Đấu tranh giành Chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Hưng Yên”.
- Giúp đỡ, cung cấp tài liệu cho cán bộ nghiên cứu và giảng dạy tại các trường, các lớp của Đảng và của các ban, ngành.
- Hướng dẫn và giúp đỡ các Đảng bộ địa phương về việc nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, biên soạn lịch sử Đảng bộ cấp mình.
Trong lúc Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên, đang ra sức thi đua phấn đấu, thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm lần thứ Nhất, ngày 05/8/1964 đế quốc Mỹ đã điên cuồng mở rộng cuộc chiến tranh, leo thang ra miền Bắc. Ngoài việc gây hấn ngoài khơi Bắc Bộ, chúng cho máy bay xâm phạm vùng trời miền Bắc. Cả nước chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ cả nước có chiến tranh.
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (tháng 3 năm 1965) về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 12 (tháng 12 năm 1965) về tình hình và nhiệm vụ mới, Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Hưng Yên tập trung tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn xâm lược của đế quốc Mỹ, từ đó kiên quyết bảo vệ vững chắc thành quả của xã hội chủ nghĩa, động viên sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, thực hiện khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, thực hiện “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đồng thời, các cán bộ của Ban cũng tuyên truyền vận động nhân dân đào hầm, hố để phòng, tránh bom đạn của máy bay Mỹ khi chúng xâm phạm và bắn phá quê hương.
Đầu năm 1967, Trung ương Đảng có Chỉ thị cho các Ban Tuyên huấn tỉnh, thành uỷ đổi tên từ Ban Tuyên huấn thành Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Thành ủy. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có thêm nhiệm vụ và hình thành các bộ phận: Bộ phận Tuyên truyền chính sách; Bộ phận Huấn luyện; Bộ phận theo dõi Khoa học, Giáo dục (sau này gọi là Khoa giáo); Bộ phận văn phòng.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên gồm 4 bộ phận như trên. Đồng chí Nguyễn Khắc Thạch, Phó Ban Tuyên giáo được phân công phụ trách huấn luyện kiêm phụ trách công tác khoa giáo.
Thời kỳ từ 1957 - 1967, Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ đã tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành trong khối tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trên mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, tuyên truyền tin chiến thắng của quân và dân hai miền Nam - Bắc, về gương của các tập thể, đơn vị xuất sắc, gương người tốt, việc tốt.
Trong điều kiện chiến tranh, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ vẫn duy trì, thực hiện tốt công tác giáo dục lý luận chính trị, vừa đảm bảo chương trình, vừa phải nghiên cứu để phù hợp với hoàn cảnh, đáp ứng được yêu cầu vừa sản xuất vừa chiến đấu tại địa phương.
Bộ phận khoa giáo đã có nhiều cố gắng theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình của giáo dục các cấp học, tình hình y tế. Từ đó Ban tham mưu cho Tỉnh uỷ có hướng giải quyết những vấn đề chưa phù hợp trong việc chỉ đạo các nhà trường, đặc biệt là trong điều kiện đi sơ tán.
Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ chủ động tổ chức khai thác tư liệu lịch sử, biên soạn các chuyên đề về thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, biên soạn ấn phẩm về Cách mạng tháng Tám ở Hưng Yên, khai thác, sưu tầm tư liệu, hồi ký của các đồng chí lão thành cách mạng, đặc biệt các đồng chí là cán bộ tiền khởi nghĩa từng giữ các chức vụ chủ chốt ở tỉnh.
II - Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thời kỳ hợp nhất tỉnh Hải Dương và Hưng Yên (1968 - 1996).
Thực hiện Nghị quyết 504 - NQ/TVQH ngày 26 tháng 01 năm 1968 của Thường vụ Quốc hội, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương được hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Ngày 9/2/1968, Ban chấp hành Đảng bộ của 2 tỉnh cũ tổ chức họp phiên đầu tiên để kiện toàn các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Ngày 01 tháng 3 năm 1968, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Hưng ra Nghị quyết số 02 – NQ/TU về việc hợp nhất các ban xây dựng Đảng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Hưng và Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Hải Hưng được kiện toàn trên cơ sở toàn bộ cán bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương; Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Hải Dương và Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Hưng Yên. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phân công đồng chí Trần Tuấn Doanh làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; các đồng chí: Nguyễn Khắc Thạch, Doãn Thế Tịch, Đào Trọng Thi làm Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Cấp, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy, đồng chí Vũ Tuấn và Đào Mân làm Phó trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gồm 4 bộ phận:
- Bộ phận Tuyên truyền
- Bộ phận Huấn luyện
- Bộ phận Khoa giáo
- Văn phòng
Ban phân công các cán bộ lãnh đạo Ban phụ trách từng bộ phận. Bộ phận Khoa giáo (4 cán bộ) do đồng chí Nguyễn Khắc Thạch, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách. Nhiệm vụ của bộ phận Khoa giáo là theo dõi lĩnh vực khoa học kỹ thuật và lĩnh vực giáo dục phổ thông của tỉnh.
Sau khi được hợp nhất, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tham mưu cho cấp uỷ tỉnh về kế hoạch tiến hành quán triệt, học tập Nghị quyết số 175 - NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 167 - NQ/TW, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá III, về bồi dưỡng quan điểm, lập trường giai cấp công nhân, nâng cao nhận thức tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về tình hình nhiệm vụ mới, nâng cao quyết tâm chống Mỹ cứu nước, tích cực chi viện cho tiền tuyến, tăng cường xây dựng hậu phương, củng cố lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Bên cạnh đó, Ban còn tuyên truyền về phong trào thi đua làm thuỷ lợi, kết hợp với phát triển giao thông nông thôn, đắp đê chống lũ lụt, mở rộng sản xuất, làm bèo hoa dâu; tuyên truyền phong trào học bổ túc văn hoá, công tác vệ sinh phòng bệnh...
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với Trường Đảng tỉnh, xây dựng kế hoạch giáo dục lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên; phối hợp cùng Ty Giáo dục mở hàng chục lớp giới thiệu về quan điểm của Đảng trong công tác giáo dục cho hơn 90% giáo viên cấp I, cấp II, cấp III trong toàn tỉnh.
Từ năm 1969 - 1972, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, trực tiếp là Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Hưng. Ban tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính như: tình hình và kết quả của sản xuất, chiến đấu, an ninh, quốc phòng, tin chiến thắng của quân và dân hai miền Nam - Bắc.
Từ năm 1973 - 1985, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tách bộ phận Khoa giáo thành lập Ban Khoa giáo riêng, nên Ban Tuyên giáo lại được đổi thành Ban Tuyên huấn. Ban Tuyên huấn chỉ còn 3 bộ phận là Tuyên truyền, Huấn học và Văn phòng ban. Bộ phận Tuyên truyền có nhiệm vụ chính là tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cùng
các chủ trương của Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban hành chính tỉnh; tuyên truyền các phong trào thi đua, đặc biệt tuyên truyền về chiến thắng giải phóng miền Nam (30/4/1975). Bộ phận Huấn học thực hiện nhiệm vụ theo dõi việc mở lớp và giảng dạy lý luận tại các Trường Đảng huyện, thị xã và Trường Đảng tỉnh.
Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng sau khi ổn định công tác tổ chức đã tiến hành phân công nhiệm vụ cho các bộ phận và cá nhân các chuyên viên. Nhiệm vụ của Ban là khai thác tư liệu, xác minh, chỉnh lý, hệ thống tư liệu giai đoạn 1946 - 1954 và 1954 - 1967 của hai tỉnh, tuyên truyền giới thiệu về cuốn lịch sử Cách mạng Tháng Tám của hai tỉnh.
Từ năm 1968 đến 1972, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng ngoài việc khai thác bổ sung tư liệu, đã tổ chức được 5 hội nghị toạ đàm xác minh tư liệu, thực hiện xong bản thảo lần thứ nhất cuốn “Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954 tỉnh Hải Hưng”.
Từ năm 1972 - 1985, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng thực hiện nhiệm vụ theo chức năng là sưu tầm tư liệu, xác minh. chỉnh lý tư liệu, biên soạn bản thảo lịch sử Đảng bộ của hai tỉnh, nghiên cứu sưu tầm tư liệu về Bác Hồ với Đảng bộ, nhân dân Hưng Yên và Hải Dương, viết cuốn “Bác Hồ với Hải Hưng”.
Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Hướng dẫn của Ban Khoa giáo Trung ương, ngày 12 tháng 6 năm 1973, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng ra Nghị quyết số 46 - NQ/TU về việc thành lập Ban Khoa giáo Tỉnh ủy và Ban khoa giáo các huyện, thị ủy.
Nghị quyết số 46 chỉ rõ: “Tách bộ phận Khoa giáo thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để thành lập Ban Khoa giáo Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo nay được gọi là Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy”.
Ngày 12/6/1973, Ban Khoa giáo Tỉnh ủy Hải Hưng được thành lập và kiện toàn, gồm 15 biên chế:
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh kiêm Trưởng Ban Khoa giáo Tỉnh ủy.
Đồng chí Nguyễn Khắc Thạch, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Phó trưởng Ban Khoa giáo Tỉnh ủy.
Mười cán bộ, chuyên viên của Ban được chia làm 4 bộ phận:
Bộ phận Khoa học theo dõi khoa học kỹ thuật của tỉnh.
Bộ phận Giáo dục theo dõi giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp.
Bộ phận Y tế, thể thao theo dõi y tế và thể thao của tỉnh.
Ba công nhân và tạp vụ (lái xe, kế toán, văn thư đánh máy).
Ban có trụ sở riêng tại nhà làm việc các ban Đảng, tài khoản riêng, con dấu riêng.
Từ năm 1973 đến 1985, Ban Khoa giáo tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác Khoa giáo, cụ thể: giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, khoa học kỹ thuật, y tế, thể dục thể thao trên cả 3 mặt chuyên môn, chính trị, tổ chức và xây dựng Đảng. Ban Khoa giáo Tỉnh ủy hoạt động theo nhiệm vụ, chức năng, hướng dẫn của Ban Khoa giáo Trung ương, giúp Tỉnh uỷ lãnh đạo công tác Khoa giáo trong toàn tỉnh, phối hợp với các ngành, đề ra chủ trương, biện pháp thực hiện đường lối của Đảng phù hợp với tình hình, đặc điểm của tỉnh.
Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng về việc tinh giản bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, ngày 30 tháng 12 năm 1985, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng ra Quyết định số 44 - QĐ/TU về việc sáp nhập Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Ban Khoa giáo Tỉnh ủy, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy vào một ban, lấy tên là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có 48 cán bộ, công nhân viên, được phân thành 5 bộ phận gồm:
Bộ phận Tuyên truyền
Bộ phận Huấn học
Bộ phận Khoa giáo
Bộ phận Lịch sử Đảng
Văn phòng Ban.
Đồng chí Doãn Thế Tịch, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy*.
Đồng chí Vũ Tuấn - Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng nay giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách bộ phận Lịch sử Đảng và bộ phận Huấn học.
Đồng chí Nguyễn Văn Đạo - Trưởng ban Khoa giáo Tỉnh ủy giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phụ trách bộ phận Khoa giáo và Tuyên truyền.
Ngoài ra, còn có 4 đồng chí giữ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là: đồng chí Thanh Châu, đồng chí Nguyễn Đức Bôn, đồng chí Nguyễn Văn Hình, đồng chí Sái Văn Đồng, đồng chí Doãn Thế Cường.
Từ năm 1986 - 1996, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ và sự chỉ đạo theo ngành dọc của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Viện Lịch sử Đảng Trung ương. Đây là thời kỳ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trực tiếp chịu sự lãnh đạo của ba cơ quan cấp trên về chuyên môn.
Hàng năm, bộ phận tuyên truyền dưới sự chỉ đạo về chuyên môn của Ban Tuyên huấn Trung ương mà trực tiếp là Vụ Tuyên truyền và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Hưng tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hoá, xã hội, giáo dục. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tham mưu cho Tỉnh uỷ thành lập đội ngũ báo cáo viên của tỉnh, làm nhiệm vụ chuyển tải tiếp các thông tin tới cơ sở.
Bộ phận Huấn học căn cứ vào hướng dẫn chuyên môn của Vụ Huấn học, theo dõi chỉ đạo nội dung giảng dạy tại trường Đảng của các huyện, thị uỷ trong tỉnh, đảm bảo nội dung chương trình, kế hoạch.
Căn cứ vào Thông báo số 46 - TB/TW, ngày 15/12/1987 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thành lập các Trung tâm giáo dục chính trị ở tỉnh thành phố, ngày 22/8/1988, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Hưng ra Quyết định số 42 – QĐ/TU thành lập Trung tâm giáo dục chính trị tỉnh. Trung tâm giáo dục chính trị tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, có biên chế 12 cán bộ, công nhân viên, trong đó có một giám đốc, một phó giám đốc; Trung tâm chia làm ba bộ phận: giáo dục lý luận chính trị, bộ phận báo cáo viên, hành chính quản trị. Trung tâm có nhiệm vụ:
Tổ chức, `quản lý, bồi dưỡng hệ thống đội ngũ báo cáo viên của Đảng bộ tỉnh.
Tổ chức học tập lý luận chính trị tại chức theo chương trình lý luận cơ bản và chuyên đề (đối tượng là cán bộ cốt cán của các ban, ngành, đoàn thể, xí nghiệp, công nông trường và trường học của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh).
Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên kiêm chức của tỉnh.
Hướng dẫn nghiệp vụ cho các trung tâm giáo dục chính trị huyện, thị xã.
Tháng1/1988, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ra Nghị quyết số 27 - NQ/TU về việc “Chuyển các trường Đảng thuộc huyện, thị xã thuộc sự quản lý của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, nay về Ban Tuyên giáo huyện uỷ, thị uỷ quản lý trực tiếp”. Tháng 1/1988, đồng chí Nguyễn Văn Hình được đề bạt làm Phó Trưởng ban phụ trách tuyên truyền, huấn học. Từ tháng 6/1990, Ban tổ chức nghiên cứu, biên soạn và phát hành bản tin Thông báo nội bộ về tình hình trong tỉnh, trong nước và quốc tế để tuyên truyền và làm tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ Đảng hàng tháng.
Về công tác khoa giáo, được sự hướng dẫn về chuyên môn của Ban Khoa giáo Trung ương, Ban đã chủ động, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện chủ trương cải cách giáo dục, đánh giá kết quả đào tạo của hệ thống trường chuyên, lớp chọn, theo dõi việc củng cố Hội y học dân tộc, Hội chữ thập đỏ, việc tiêm chủng mở rộng, củng cố nâng cao việc khám chữa bệnh, tuyên truyền việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm.
Về công tác nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban đã hướng dẫn các ngành, chỉ đạo các huyện, thị và cơ sở đẩy mạnh việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử. Việc triển khai công tác nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử ngành và đoàn thể tỉnh trong những năm 1986 - 1996 được Ban chỉ đạo mạnh nên phát triển cả về số lượng và chất lượng các ấn phẩm.
III. Thời kỳ 1997 - 2010 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên:
Ngày 6/11/1996, Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ X đã phê chuẩn về việc chia tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và phê chuẩn của Quốc hội về việc chia tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, tỉnh Hưng Yên được tái lập ngày 1 - 1 - 1997. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đón nhận sự kiện này với tình cảm vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, Đảng bộ nhân dân Hưng Yên cũng nhận thức rõ được thời cơ cũng như những thách thức, khó khăn, từ đó xác định rõ ý chí và quyết tâm phấn đấu xây dựng quê hương giàu, đẹp, văn minh.
Chia tách từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Hưng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn của một tỉnh vừa tái lập, người ít, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc còn thiếu, nơi làm việc còn chật hẹp..., song dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng các ngành khác trong khối đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, tập trung triển khai, thực hiện nhiệm vụ của công tác tuyên giáo và tiếp tục đảm nhận nhiều nhiệm vụ mới do Tỉnh uỷ giao.
Về công tác tổ chức: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên được tái lập ngày 1/1/1997, trên cơ sở số cán bộ là người Hưng Yên công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Hưng. Đồng chí Sái Văn Đồng, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Hưng nhận bàn giao về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên. 4 cán bộ là các đồng chí Nguyễn Duy Hy, đồng chí Nguyễn Xá, đồng chí Phạm Mạnh Thực, đồng chí Trần Ngọc Oánh.
Ngày 09/01/1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng yên có Quyết định số 34/QĐ/TV điều động và phân công đồng chí Nguyễn Văn Hình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Năm 1997, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên có 11 cán bộ, chuyên viên và nhân viên gồm:
Đồng chí Nguyễn Văn Hình, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban.
Đồng chí Nguyễn Duy Hy được Tỉnh uỷ bổ nhiệm làm Phó trưởng ban.
Đồng chí Nguyễn Xá làm Chánh văn phòng của ban.
Đồng chí Nguyễn Văn Đông làm công tác Tuyên truyền.
Đồng chí Lã Xuân Định làm công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng.
Đồng chí Đỗ Cảnh Hưng và đồng chí Phạm Mạnh Thực làm công tác Khoa giáo.
Đồng chí Trần Ngọc Oánh làm công tác Huấn học.
Đồng chí Đỗ Thị Thu Hà làm kế toán của Ban.
Đồng chí Phạm Thị Lưu làm Văn thư và phụ trách phòng đọc của Ban.
Đồng chí Đàm Viết Thường và Chu Đức Trung là lái xe của Ban.
Từ năm 1997 - 2000, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ từng bước được củng cố về tổ chức và cán bộ. Do cán bộ quá ít nên Ban chỉ hình thành các bộ phận theo dõi các phần việc Tuyên truyền, Huấn học, Khoa giáo, Nghiên cứu Lịch sử Đảng, chưa thành lập các phòng.
Đến năm 2000, tổng số biên chế của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên đã lên đến 16 cán bộ, chuyên viên, nhân viên. Ngoài lãnh đạo Ban, cán bộ, chuyên viên được sắp xếp thành 5 phòng:
Phòng Tuyên truyền có hai cán bộ do đồng chí Nguyễn Duy Hy, Phó Trưởng ban trực tiếp phụ trách.
Phòng Lịch sử Đảng có một đồng chí là đồng chí Lã Xuân Định, Trưởng phòng.
Phòng Huấn học có 3 cán bộ, đồng chí Trần Ngọc Oánh là Trưởng phòng.
Phòng Khoa giáo có 2 cán bộ, đồng chí Nguyễn Duy Hy, Phó trưởng ban trực tiếp phụ trách.
Văn phòng của Ban có 5 cán bộ, đồng chí Nguyễn Xá là Chánh Văn phòng, đồng chí Nguyễn Duy Hy, Phó trưởng ban trực tiếp phụ trách.
Đây là thời kỳ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được kiện toàn một bước rất cơ bản về công tác tổ chức. Các phòng chuyên môn hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Lãnh đạo ban. Cụ thể: Đồng chí Trưởng ban Nguyễn Văn Hình lãnh đạo chung toàn Ban, trực tiếp phụ trách phòng Lịch sử và phòng Huấn học. Đồng chí Nguyễn Duy Hy, Phó Trưởng ban, trực tiếp chỉ đạo các phòng Khoa giáo, Tuyên truyền,Văn phòng.
Sau ngày tái lập tỉnh, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc thiếu nhiều, song được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cùng sự chỉ đạo về chuyên môn của các cơ quan chuyên môn cấp trên, các đồng chí lãnh đạo Ban đã tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ cán bộ chuyên môn trong Ban. Cán bộ các bộ phận đã thực sự chủ động công việc chuyên môn của mình, luôn đoàn kết, cố gắng, phấn đấu hoàn thành có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Tỉnh uỷ giao. Với những nỗ lực trên chặng đường phát triển từ khi thành lập, đến năm 2001, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã được Đảng, Nhà nước, Chính Phủ tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quí cho tập thể Ban, cho tập thể các phòng chuyên môn và cho các cá nhân như:
- Năm 1997, Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen là đơn vị đạt tiêu chuẩn tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh.
- Năm 1999, Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen là đơn vị đạt tiêu chuẩn tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Ban Tuyên giáo còn được Uỷ ban nhân dân Tỉnh tặng Bằng khen là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Diễn tập năm 1999.
- Bộ Tư pháp tặng Bằng khen là đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục, pháp luật năm 1999.
- Năm 2000, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được Uỷ Ban nhân dân Tỉnh tặng Bằng khen là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác phòng chống HIV/AIDS năm 1997 – 2000.
- Năm 2000, Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tặng Cờ đơn vị 5 năm liền trong sạch vững mạnh.
- Năm 2001, Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen là đơn vị đạt tiêu chuẩn tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh.
- Uỷ Ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý và mại dâm tặng Bằng khen cho Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ là đơn vị có nhiều thành tích trong công tác phòng chống AIDS.
*
Năm 2002, mặc dù còn nhiều khó khăn, song Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ vẫn làm tốt công tác tham mưu, giúp Ban tổ chức Hội thi của tỉnh tổ chức thành công Hội thi Báo cáo viên giỏi về Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, giúp Tỉnh uỷ xây dựng và ban hành đề án “đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị, chủ động tiến công làm thất bại mọi âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch” và đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân”, tiếp tục xây dựng chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết TW 5 (khoá IX) về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới; giúp Thường trực Tỉnh uỷ ra Thông báo ý kiến về việc tiến hành nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tập II (1954 - 1975)”. Chi bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tặng Bằng khen là cơ sở đạt tiêu chuẩn tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. Tập thể Ban được Uỷ Ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen là đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật 5 năm (1998 - 2002).
Ngày 16/4/2003, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Quyết định số 386 - QĐ/TU quy định về chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ:
1. Chức năng:
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Tỉnh uỷ, trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh uỷ về các mặt công tác tư tưởng - văn hoá; khoa giáo; nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, bổ sung lịch sử Đảng bộ tỉnh.
2. Nhiệm vụ:
2.1 - Nghiên cứu, đề xuất:
- Nghiên cứu, theo dõi, tổng hợp tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, những thủ đoạn, âm mưu của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá; dự báo những diễn biến và xu hướng tư tưởng có thể xảy ra, kịp thời báo cáo, kiến nghị với Tỉnh uỷ phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, biện pháp giải quyết.
- Chủ trì và tham gia chuẩn bị các đề án, các nghị quyết, quyết định của Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác tư tưởng - văn hoá, khoa giáo và biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh.
- Giúp Tỉnh uỷ trong việc đánh giá hoạt động và nghiên cứu đề xuất phương hướng, chính sách, cơ chế và giải pháp trên lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hoá và khoa giáo.
- Tham gia ý kiến với cơ quan chính quyền địa phương trong việc vận dụng, thể chế hoá các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Trung ương và Tỉnh uỷ trên các lĩnh vực tư tưởng - văn hoá, khoa giáo.
2.2 - Thẩm định:
Chủ trì hoặc tham gia thẩm định các đề án của cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể tỉnh có liên quan đến lĩnh vực tư tưởng - văn hoá, khoa giáo và lịch sử Đảng bộ tỉnh.
2.3 - Hướng dẫn, kiểm tra:
- Giúp Tỉnh uỷ tổ chức nghiên cứu, quán triệt, hướng dẫn, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng; kiểm tra các tổ chức đảng, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh uỷ về công tác tư tưởng - văn hoá, khoa giáo và Lịch sử Đảng.
- Tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị, thời sự, chính sách, theo các chương trình của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và chỉ đạo của Tỉnh uỷ cho cán bộ, đảng viên.
- Hằng tháng biên tập và cung cấp cho các đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ huyện, thị uỷ tài liệu giao ban; biên tập và xuất bản Bản tin Thông báo nội bộ dùng cho sinh hoạt chi bộ hàng tháng.
- Tổ chức mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở; hướng dẫn, kiểm tra nội dung thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan xuất bản do Tỉnh uỷ quản lý.
- Hướng dẫn tuyên truyền về các ngày lễ lớn, các phong trào thi đua yêu nước trong Đảng và trong toàn xã hội.
- Bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công tác cho đội ngũ cán bộ Tuyên giáo huyện, thị uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã và các đảng bộ cơ sở.
- Sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh; hướng dẫn sưu tầm, biên soạn, thẩm định lịch sử Đảng bộ huyện, thị xã, lịch sử ngành, đoàn thể tỉnh; tổ chức tuyên truyền, phát huy truyền thống cách mạng của tỉnh và của các địa phương, các ngành trong tỉnh.
- Tổng kết kinh nghiệm công tác Tuyên giáo ở tỉnh và định kỳ (tháng, 6 tháng, 1 năm) báo cáo Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Viện nghiên cứu Lịch sử Đảng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
2.4 - Tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ Tuyên giáo, trí thức khoa học và văn nghệ sỹ của tỉnh.
- Tham gia, đề xuất với Tỉnh uỷ về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, quản lý và đãi ngộ với đội ngũ tuyên giáo, văn nghệ sỹ và trí thức khoa học của tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia công tác xây dựng Đảng, thực hiện các mặt về công tác tổ chức và cán bộ của Ban theo thẩm quyền.
2.5 - Thực hiện một số nhiệm vụ do Ban Thường vụ Tỉnh uỷ uỷ quyền:
- Chủ trì, phối hợp, chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hoá - văn nghệ, các cơ quan thông tin tuyên truyền ở tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội Nhà báo, đảm bảo cho các Hội này hoạt động theo đúng định hướng và tính chất là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp chỉ đạo nội dung giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân, Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, đặc biệt với các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị các huyện, thị xã và Ban Tuyên giáo, Tuyên huấn các Đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ.
- Giúp Tỉnh uỷ chỉ đạo công tác chính trị tư tưởng trong đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và trong sinh viên, học sinh ở tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý và đãi ngộ nhân tài.
Trong Kế hoạch 5 năm (2001 - 2005), năm 2003 là năm bản lề, là năm Đảng bộ kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, là năm Đảng phát động toàn dân “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh”, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hưng Yên đã nỗ lực phấn đấu thực hiện, cụ thể hoá bằng những chương trình hành động thiết thực, đưa nhanh nghị quyết vào cuộc sống. Việc thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ là động lực to lớn để phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Trong năm 2003, Ban Tuyên giáo đã thực hiện tốt chức năng tham mưu:
- Soạn thảo và trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành hai Đề án: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân”; “Đổi mới phương thức hoạt động tư tưởng, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, chặn đà suy thoái về đạo đức, lối sống”.
- Soạn thảo, trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thông qua các Kế hoạch nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh và Kế hoạch hội thảo cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tập II (1954 - 1975)”; quyết định thành lập Hội thi Báo cáo viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh của tỉnh; thành lập Ban chỉ đạo đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá của tỉnh.
Việc tổ chức các hoạt động hướng về những ngày kỉ niệm lớn được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm đã tạo không khí thi đua, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. Về hình thức kỷ niệm, ngoài những buổi mít tinh trang trọng còn có các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống của ngành, địa phương, về những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Đó là các cuộc thi “Âm vang Điện Biên”, “Tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp Hồ Chí Minh”, “Sáng mãi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ”, “75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đây là những cơ hội tốt để nhân dân trong tỉnh ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của dân tộc, của Đảng.
*
Đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ của công tác Tuyên giáo, năm 2007, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thành lập phòng Văn hoá - Văn nghệ. Như vậy đến năm 2007, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có 5 phòng chuyên môn: phòng Tuyên truyền, phòng Giáo dục Lý luận chính trị, phòng Lịch sử Đảng, phòng Khoa giáo, phòng Văn hoá - Văn nghệ và Văn phòng Ban.
Trải qua một thời gian dài hình thành và phát triển, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên khi tái lập tỉnh (năm 1997) chỉ có 10 cán bộ (trong đó có 2 đồng chí là lãnh đạo Ban, các bộ phận: Khoa giáo 2; Huấn học 1; Tuyên truyền 1; Lịch sử Đảng 1 và Văn phòng Ban 3) đến năm 2010 tổng số cán bộ của Ban là 25 đồng chí gồm Trưởng ban và 2 Phó Trưởng ban, 22 chuyên viên, viên chức được phân làm việc tại 6 phòng (phòng Tuyên truyền 5 đồng chí; phòng Giáo dục lý luận 4 đồng chí; phòng Lịch sử Đảng 4 đồng chí; phòng Khoa giáo 2 đồng chí; phòng Văn hoá Văn nghệ 1 đồng chí; Văn phòng 4 đồng chí), cán bộ chuyên viên của Ban cơ bản có trình độ đại học; Chi bộ của Ban có tổng số 23 đảng viên.
Thời gian từ năm 2001 - 2010 Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên là những năm lãnh đạo của Ban có nhiều thay đổi:
- Từ năm 2001 - 2004, đồng chí Nguyễn Văn Hình, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
- Từ năm 2004 - 2005, đồng chí Trần Văn Quýnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (năm 2004) là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
- Từ năm 2005 đến 2010, đồng chí Vũ Văn Toàn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Các năm 2001 - 2002 Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có 01 phó trưởng ban; từ năm 2003 - 2004, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có 02 Phó Trưởng ban:
- Đồng chí Trần Văn Quýnh, Phó Trưởng ban phụ trách công tác Huấn học và Khoa giáo.
- Đồng chí Nguyễn Duy Hy, Phó trưởng ban thường trực, phụ trách công tác Tuyên truyền và Văn phòng .
Từ năm 2004 - 2005, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ có 01 Phó Trưởng ban là đồng chí Nguyễn Duy Hy (đồng chí Trần Văn Quýnh được Tỉnh uỷ phân công làm Trưởng ban Tuyên giáo thay đồng chí Nguyễn Văn Hình nghỉ chế độ).
Từ tháng 10/2005 đến tháng 9/2006, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chỉ duy nhất có Trưởng ban (đồng chí Trần Văn Quýnh, sau đó là đồng chí Vũ Văn Toàn) lãnh đạo, không có Phó Trưởng ban.
Từ tháng 9/2006 đến tháng 10/2007, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có 1 đồng chí Phó trưởng ban (đồng chí Nguyễn Văn Đông).
Từ tháng 11/2007 Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được bổ sung thêm 01 Phó Trưởng ban (đồng chí Phạm Thị Tuyến, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ, Bí thư Tỉnh đoàn được điều sang).
Sau tháng 11/2007, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ có 3 đồng chí: đồng chí Vũ Văn Toàn uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban phụ trách chung; đồng chí Phạm Thị Tuyến, Uỷ viên ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là Phó Trưởng ban thường trực và phụ trách công tác Giáo dục lý luận chính trị, Khoa giáo, Văn phòng; đồng chí Nguyễn Văn Đông, Phó Trưởng ban, phụ trách công tác Tuyên truyền, Lịch sử, Văn hóa- Văn nghệ.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hưng Yên giao cho. Trong những năm 2001 - 2010, công tác tuyên giáo tập trung hướng tuyên truyền sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, những vấn đề cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng và xây dựng Đảng, Chính quyền và các đoàn thể.
Trong những năm từ 1997 - 2010, Chi bộ Đảng, công đoàn của cơ quan liên tục được củng cố, tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng..
Về nhiệm vụ chuyên môn, từ năm 1997 - 2010, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên luôn quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh uỷ, quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh nên tập thể cán bộ, viên chức của Ban luôn giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy trong bất kỳ tình huống khó khăn nào, về công tác chuyên môn, cán bộ, chuyên viên của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy không dao động, xa rời mục tiêu lý tưởng và con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Từ đó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu giúp cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo toàn Đảng bộ đứng vững trên lập trường quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là cơ sở để các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ về mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hoá trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình, an ninh - quốc phòng; công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, củng cố chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng, để mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu do Đảng đề ra là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Kết quả nổi bật của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trong quá trình thực hiện các mặt công tác chuyên môn từ 1997 - 2010 là:
- Cán bộ, đảng viên, chuyên viên, nhân viên cơ quan Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ luôn đoàn kết một lòng, gắn bó để khắc phục khó khăn, nhận thức đúng về chủ trương của Đảng về công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
- Kịp thời nắm tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh để phản ánh, đề xuất ý kiến kịp thời với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
- Tập trung tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, đồng thời triển khai, quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các nghị quyết của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh về các mặt kinh tế xã hội đối với các cấp, các ngành trong toàn Đảng bộ.
- Tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp tỉnh. Đồng thời triển khai hướng dẫn các huyện, thị xã (nay là Thành phố), các đảng uỷ trực thuộc tổ chức học tập chuyên đề “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” và “Sửa đổi lối làm việc”; chỉ đạo báo, đài của tỉnh mở chuyên đề, chuyên trang tuyên truyền gương điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tổ chức cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội thảo “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng tỉnh Hưng Yên phát triển nhanh và bền vững”...
- Chỉ đạo kịp thời các hoạt động của báo, đài phát thanh - truyền hình tỉnh, đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các cấp giải quyết các vấn đề nảy sinh ở các khu dự án đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, đảm bảo trật tự, an ninh và đoàn kết được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ.
Với những đóng góp có hiệu quả của Ban Tuyên huấn trước đây, nay là Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì; Chính phủ tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”, Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng nhiều Cờ, bằng khen cho tập thể, cá nhân thuộc Ban.
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên đạt được những thành tích to lớn đó, trước hết là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, sự quan tâm chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, vai trò của cấp uỷ cơ quan, sự lãnh đạo, chỉ đạo năng động, kịp thời của lãnh đạo Ban Tuyên giáo qua các thời kỳ lịch sử, sự phấn đấu không mệt mỏi của tập thể các thế hệ cán bộ, chuyên viên, nhân viên cơ quan Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ.
Thành quả đó là cơ sở vững chắc để Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hưng Yên tiếp tục phát huy cao độ vào công tác chuyên môn của hiện tại và mai sau, để giành kết quả cao hơn nữa trong xu thế mới, xu thế hội nhập và phát triển của đất nước.