KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/07/2021 - Lượt xem: 90
Bảo đảm quyền lợi cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT

Tại thời điểm này, Vụ Giáo dục đại học đã đề xuất và tham mưu với Bộ GD&ĐT triển khai phương án xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT trong một lần, sau 2 đợt thi. Làm theo cách này, thí sinh thi đợt 1 và đợt 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, bảo đảm quyền lợi và sự công bằng.

Mục tiêu số 1 trong kỳ thi là an toàn sức khỏe và bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Ảnh: VGP/Nhật Nam
Chỉ còn vài ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra (ngày 7 và 8/7) với mục tiêu đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT là cơ sở để cấp bằng tốt nghiệp, đồng thời đánh giá việc dạy và học, từ đó có điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển.
Năm 2021, kỳ thi tiếp tục diễn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Bộ GD&ĐT đặt “mục tiêu kép” là tổ chức kỳ thi an toàn trong điều kiện phòng chống dịch bệnh và nghiêm túc, chất lượng.
Trải qua một năm học rất đặc biệt, khi cả 2 học kỳ đều có thời gian phải nghỉ học để phòng dịch, hơn 1 triệu sĩ tử trên cả nước tiếp tục trải qua cảm giác căng thẳng vì ngày thi đã tới gần, trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh mục tiêu số 1 là an toàn sức khỏe và bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đã quyết định tổ chức thành 2 đợt thi. Đợt 1 diễn ra trong các ngày 7 và 8/7 cho các học sinh bình thường. Các học sinh thuộc diện F0, F1, F2 và học sinh trong khu vực cách ly, phong tỏa sẽ thi đợt 2.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết nếu học sinh thuộc diện F2 có nguyện vọng thi đợt 1, Ban Chỉ đạo thi của địa phương đó có thể căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định có cho dự thi hay không.
Tính đến nay, cả nước có 33 học sinh thuộc diện F0, hơn 270 học sinh F1, 836 em F2 và hiện có 17.000 học sinh trong diện phong tỏa.
TPHCM- tâm dịch của đợt này- đã quyết định tổ chức thi đợt 1 với 16 học sinh F0, 61 F1, 204 F2. Số học sinh vùng phong tỏa là 991 em. TPHCM sẽ xét nghiệm tất cả học sinh dự thi vào các ngày 3 và 4/7 và nếu có kết quả âm tính, học sinh sẽ được dự thi.

Bảo đảm quyền lợi của học sinh
Điều khiến nhiều thí sinh lo lắng hiện nay là quyền lợi của các em trong tuyển sinh sẽ được bảo đảm ra sao khi kỳ thi được tổ chức làm 2 đợt. Những thí sinh thi vào đợt 2 có bị mất cơ hội đỗ vào ngôi trường mình mong muốn?
PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức thành công 2 đợt thi tốt nghiệp THPT và sau đó là xét tuyển sinh đại học (sử dụng kết quả thi THPT) trong một đợt thống nhất.
Kết quả, chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 55%, chỉ tiêu xét tuyển bằng các hình thức khác chiếm khoảng 45%.
Chính vì vậy, việc đã có kinh nghiệm tổ chức xét tuyển sinh trong mùa dịch cộng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục đa dạng hoá và kết hợp các phương thức xét tuyển đã giúp giảm bớt khá nhiều áp lực và khó khăn đối với ngành giáo dục trong tuyển sinh năm nay.
Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, đặc biệt là thí sinh diện F1, F2 hoặc đang bị cách ly, phong toả phải tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt 2, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết quan điểm của Bộ GD&ĐT là nhất quán trong chủ trương xét tuyển chung, bảo đảm công bằng cho mọi thí sinh.
Tại thời điểm này, Vụ Giáo dục đại học đã đề xuất và tham mưu với Bộ GD&ĐT triển khai phương án xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT trong một lần, sau 2 đợt thi.
Cụ thể, sẽ tổ chức xét tuyển, tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm sau khi hoàn thành cả 2 đợt kỳ thi tốt nghiệp THPT (áp dụng đối với cơ sở đào tạo và thí sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển).
Làm theo cách này, thí sinh thi đợt 1 và đợt 2 có cơ hội xét tuyển ngang nhau, bảo đảm quyền lợi và sự công bằng.
Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn khiến cho khoảng cách giữa đợt 2 thi THPT quá xa, Bộ GD&ĐT sẽ có các chỉ đạo và hướng dẫn tiếp theo. Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh, mọi phương án được Bộ GD&ĐT cân nhắc, đề xuất đều nhằm mục tiêu cuối cùng là bảo đảm quyền lợi của thí sinh, an toàn phòng, chống dịch bệnh nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh.
 
Trước đó, Bộ đã có văn bản đề nghị các cơ sở đào tạo chủ động chuẩn bị phương án điều chỉnh kế hoạch dạy và học để ứng phó kịp thời khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Các cơ sở đào tạo cần bảo đảm an toàn trong các sự kiện kết thúc năm học, đồng thời lên phương án dự phòng cho công tác tuyển sinh năm 2021. Mặt khác, các cơ sở đào tạo phải chuẩn bị các điều kiện dự phòng về nhân lực, cơ sở vật chất khi có yêu cầu và theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT.
Nguồn: chinhphu..vn
Tin liên quan