KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 30/07/2024 - Lượt xem: 202
Chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình VietGAHP

Thời gian qua, từ việc áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), lĩnh vực chăn nuôi của xã Đông Tảo (Khoái Châu) đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả sản xuất từ 20 đến 30%, tỉ lệ dịch bệnh giảm khoảng 30%, sản phẩm có đầu ra ổn định và tiêu thụ thuận lợi…

Người dân xã Đông Tảo (Khoái Châu) chăn nuôi gà Đông Tảo theo quy trình VietGAHP

Nhằm khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, người chăn nuôi mở rộng quy mô chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình VietGAHP, xã cùng với các đơn vị chuyên môn triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh; con giống, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng hầm khí sinh học, đệm lót sinh học… Bên cạnh đó, với mục tiêu tăng tỉ trọng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP, xã khuyến cáo các hộ chăn nuôi lưu ý một số kỹ thuật như: Thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi; chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp; chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý tốt đàn vật nuôi thông qua việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi bảo đảm đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ; con giống phải có nguồn gốc, kiểm định chất lượng... Từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở 6 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tập huấn hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng VietGAHP, chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, đồng thời, triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh… Hiện nay, nhiều trang trại chăn nuôi và nông hộ chăn nuôi đã chủ động áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học theo quy trình VietGAHP.

Chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Đông Kim cho biết: Sau khi được tham gia các lớp tập huấn, tôi đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn tách biệt với nhà ở và đầu tư khép kín cùng hệ thống máng ăn tự động, hệ thống rửa chuồng tự động, hệ thống camera theo dõi từng chuồng lợn 24/24 giờ, sử dụng chế phẩm vi sinh giúp đàn lợn tăng sức đề kháng… Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường chăn nuôi, cải thiện chất lượng con giống đầu vào, phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chăn nuôi theo hướng VietGAHP giúp gia đình tôi yên tâm duy trì và phát triển đàn.

Nhận thấy phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp đàn gia cầm phát triển ổn định, tăng trưởng nhanh, tỉ lệ hao hụt thấp, nâng cao hiệu quả kinh tế, năm 2016, anh Nguyễn Văn Luân, thôn Đông Tảo Nam tiến hành cải tạo chuồng trại cũ, áp dụng các biện pháp chăn nuôi mới theo quy trình VietGAHP. Mô hình chăn nuôi được tách biệt, dần khép kín, quy trình được ghi chép, theo dõi hằng ngày, bảo đảm 3 sạch: Chuồng nuôi sạch – ăn, uống sạch – con giống sạch. Đến nay, anh Luân đã áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAHP được gần 8 năm, thường xuyên chăn nuôi hơn 1 nghìn con gà Đông Tảo, mỗi năm xuất bán hơn 10 tấn gà thịt.

Từ những mô hình áp dụng thành công phương pháp chăn nuôi an toàn, đã được người dân địa phương tiếp nhận và ứng dụng ngày càng nhiều, tạo bước đột phá mới trong sản xuất. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chăn nuôi an toàn sinh học tại địa phương còn gặp một số khó khăn như: Chi phí đầu tư cao cho xây dựng chuồng trại, điều kiện chăn nuôi; nhiều hộ chăn nuôi chưa tích cực tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; tỉ lệ chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư còn cao…

Đồng chí Nguyễn Thanh Quyết, Chủ tịch UBND xã Đông Tảo cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP cho các cơ sở chăn nuôi, tạo điều kiện nhằm thúc đẩy xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn, khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị hướng đến an toàn, bền vững… Từ đó, tạo cơ sở để các hộ chăn nuôi yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm các tiêu chí về vệ sinh môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm… 

Nguồn: https://baohungyen.vn

Tin liên quan