KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Di tích lịch sử văn hóa
Đăng ngày: 12/12/2018 - Lượt xem: 553
Bảo tồn di sản văn hóa- nhìn từ làng Nôm

Làng Nôm (còn có tên là làng Cầu Nôm- làng Đồng Cầu- làng Hè Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) giờ đã khá nổi tiếng như là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, một làng cổ đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. Hiện làng có hai di tích được xếp hạng Quốc gia là đình và chùa. Ngoài ra, hệ thống đường làng- cổng làng- cầu đá- chợ và các ngôi nhà cổ, nhà thờ họ với tuổi thọ hàng trăm năm cũng là những di tích được tỉnh Hưng Yên đánh giá cao, xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Khách du lịch cả trong nước và nước ngoài đến làng nhiều hơn. Ngày Tết làng đông hơn ngày hội. Mật độ tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội về làng ngày một nhiều…

1. “Cái Bống đi chợ Cầu Nôm”

Ngửa cổ uống một hơi cạn sạch chén rượu Lạc Đạo, tráng niên Ngô Văn Khái[1] hảo sảng khà lên một tiếng rõ to rồi ngân nga: “Đồng nát lại về Cầu Nôm/ Con gái nỏ mồm về ở với cha”. Thoắt cái, giọng ông lại trở nên bức tức: “Mà, nhiều người nghe thế thì bảo, con gái làng Nôm đanh đá, bị đuổi về nhà cha đẻ là láo. Đây là nói đến cái ấm đồng. “Mồm” là cái vòi ấm, nó bị hỏng, bị toét vòi ra thì lại về làng Nôm để đem đi nấu lại. Giống như câu ca về cái nồi đồng: Cô kia má đỏ hồng hồng/Cô đi lấy chồng cô bỏ quê cha/ Bao giờ cô trở về già/Quê chồng cô bỏ quê cha lại về... Cái làng tôi “hay lắm”, thú lắm, anh nghe cả ngày không hết đâu”. Ấy là ông đangg nói về làng Nôm của ông, cũng chính là ngôi làng tôi đang tìm hiểu.

Một góc Chùa Nôm
Trong bữa rượu ấy, những câu chuyện về làng Nôm- Cầu Nôm- Đồng Cầu cứ miên man như bất tận. Ông Khái không phải trưởng họ, nhưng do trong họ Ngô Văn, ông là người cao tuổi nhất sinh sống ở làng nên được giao cho giữ nhà thờ họ. Do ông ngoài 60, vài năm nữa mới biện lễ ra đình làm khánh lão, nhưng có sức khỏe, lại nhiệt tình, nên được hội bô lão của làng tín nhiệm, bầu vào Ban quản lý di tích của làng. Lúc mới gặp, ông khá e dè với tôi, nhưng từ lúc uống với nhau vài chén rượu, như bắt được “sóng”, ông kéo tôi về nhà “làm hiệp nữa, chứ uống rượu mà cứ thưa gửi ngôi cao ngôi thấp chán lắm!!!”.
Làng Nôm (còn có tên là làng Cầu Nôm- làng Đồng Cầu- làng Hè Nôm, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) giờ đã khá nổi tiếng như là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, một làng cổ đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. Hiện làng có hai di tích được xếp hạng Quốc gia là đình và chùa. Ngoài ra, hệ thống đường làng- cổng làng- cầu đá- chợ và các ngôi nhà cổ, nhà thờ họ với tuổi thọ hàng trăm năm cũng là những di tích được tỉnh Hưng Yên đánh giá cao, xếp hạng là di tích cấp tỉnh. Khách du lịch cả trong nước và nước ngoài đến làng nhiều hơn. Ngày Tết làng đông hơn ngày hội. Mật độ tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội về làng ngày một nhiều…
Thế nhưng, trong câu chuyện của ông Khái, tôi vẫn thấy cái gì đó như là u uẩn, hoài niệm về quá vãng. Ông say sưa kể về làng xưa, một làng buôn xứ Bắc nổi tiếng, về những “thuần phong mỹ tục” riêng rẽ của làng ông mà không làng nào có được. Ông cũng hào hứng khi nói về các di tích của làng, của họ ông. Nhưng giọng ông trùng xuống khi nhắc đến việc trùng tu các di tích, đặc biệt là chùa làng. “Chùa bây giờ to đấy, đẹp đấy, nhưng tôi vẫn thấy nó thế nào ấy, ngày xưa tôi bé tí, chùa cũng bé tí, chỉ có cây muỗm bọ tôi vẫn ra trẩy trộm là to thôi…”. Số là, chùa làng Nôm (Linh Thông cổ tự) được sư thầy trụ trì đổ tiền, đổ của xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình, từ đào ao, xây lầu Quan âm đến dựng cổng gỗ lim, xây tường đá ong… với diện tích hàng hec-ta đất. Ngôi chùa cổ dưới tán muỗm già của tuổi thơ ông Khái nằm lọt thỏm trong nguy nga lầu gác các công trình mới.
Không chỉ có chùa, nhiều di sản của làng Nôm cũng đang biến động với thời gian và sự tác động của con người. Và, cũng không chỉ có di sản vật thể, các di sản phi vật thể của làng Nôm cũng không còn nguyên vẹn như ký ức của những lớp người làng từ 50- 60 tuổi trở lên. Những tác động của đời sống kinh tế- văn hóa- xã hội của đất nước tưởng như ít tác động đến di sản, nhưng nhìn từ làng Nôm, lại thấy từng di biến động của cuộc sống đều có sự va đập vào những thực thể, thực hành văn hóa. Bảo tồn di sản là gì và Bảo tồn di sản như thế nào trong bối cảnh nước ta đang ngày càng hội nhập sâu với thế giới. Vấn đề đặt ra từ một ngôi làng nhỏ ở đồng bằng Bắc Bộ là làng Nôm sẽ là câu trả lời chung cho việc bảo tồn di sản hiện nay.
2. Những vấn đề lý thuyết
Di sản văn hóa là di sản của các hiện vật vật lý và các thuộc tính phi vật thể của một nhóm hay xã hội được kế thừa từ các thế hệ trước, đã duy trì đến hiện nay và dành cho các thế hệ mai sau. Tại kỳ họp lần thứ 32 diễn ra ở thủ đô Paris của Pháp, UNESCO đã ra Công ước về Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể 2003. Công ước đã định nghĩa: "Di sản văn hoá phi vật thể" là các thực tiễn, biểu đạt, biểu đạt, kiến ​​thức, kỹ năng - cũng như các dụng cụ, đồ vật, đồ tạo tác và không gian văn hoá liên quan đến đó - rằng các cộng đồng, các nhóm và, trong một số trường hợp, các cá nhân được coi là một phần của di sản văn hoá của họ. Di sản văn hoá phi vật thể này, truyền từ thế hệ này sang thế hệ, được các cộng đồng và các nhóm liên tục tái tạo để đáp ứng với môi trường, tương tác với thiên nhiên và lịch sử của chúng, đồng thời cung cấp cho họ một cảm giác về bản sắc và tính liên tục, sự sáng tạo của con người. Theo mục đích của Công ước này, việc xem xét sẽ chỉ dành cho di sản văn hoá phi vật thể tương thích với các công cụ nhân quyền quốc tế hiện có cũng như các yêu cầu tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng, các nhóm và cá nhân và về phát triển bền vững”. 
Việc định nghĩa và đưa ra thuật ngữ “di sản văn hóa” thực ra là một quá trình khá lâu dài và không đồng nhất giữa các nhà khoa học. Ở châu Âu, năm 1990, Isac Chiva đã đưa ra khái niệm “di sản dân tộc học”. Còn Françoise Choay, một sử gia và nhà lý thuyết kiến ​​trúc và đô thị Pháp, vào năm 1992, trong tác phẩm “Ngụ ngôn di sản” đã đề cập đến khái niệm “di sản lịch sử”. Và, bà cho rằng, khải niệm di sản và bảo tồn di sản là một phát minh của phương Tây và chỉ phương Tây mới có.
Dường như quan điểm của Françoise Choay không hoàn toàn chinh phục các nhà khoa học. Một nhà nghiên cứu phương Tây khác, Bourdier, trong tác phẩm “Le mythe et l'industrie ou la protection du patrimoine culturel au Japon” đã khẳng định, ở Nhật Bản, một nước thuộc châu Á, ngay từ 1950, luật pháp đã quy định các tập quán truyền thống là “sản phẩm văn hóa”. Đó là, ngay từ thời Minh Trị, Nhật Bản đã có “Luật bảo vệ miếu thờ và đền thờ cổ” (ancient temples and shrines preservation law) hay “Luật bảo vệ kho báu quốc gia” (nation treasure preservation law) để bảo vệ các di sản văn hóa vật thể. Sau đó, các tài sản văn hóa phi vật thể được thể hiện trong “Luật bảo vệ tài sản văn hóa” (Law for protection of cultural properties). Luật này được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện dần trong các năm 1954, 1975 và 2004. Trong các lần sửa đổi này, các khái niệm “folk- cultural properties” (văn hóa dân gian) và “tranditional conservation techniques for culture properties” (bảo vệ các kỹ năng truyền thống) và “kỹ năng nghề thủ công dân gian” (folk craft techniques) đã được bổ sung.
Cần phải nói ngay rằng, sơ dĩ có những quan điểm khác nhau về di sản như vậy bởi trước đây, “di sản văn hóa” là từ để chỉ những thứ mà sau này đã được định nghĩa chính xác là “di sản văn hóa vật thể”. Ngay Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) cũng nhận thức như vậy và khẳng định tại Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa và Tự nhiên của thế giới được thông qua tại kỳ họp thứ 17 của Đại hội đồng UNESCO tại Paris ngày 16-11-1972 “Di sản văn hoá là:
Các di tích: các công trình kiến trúc, điêu khắc hoặc hội hoạ hoành tráng, các yếu tố hay kết cấu có tính chất khảo cổ, các văn bản, các hang động và các nhóm yếu tố có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học.
Các quần thể: các nhóm công trình xây dựng đứng một mình hoặc quần tụ có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học, do kiến trúc, sự thống nhất của chúng hoặc sự nhất thể hoá của chúng vào cảnh quan.
Các thắng cảnh: các công trình của con người hoặc những công trình của con người kết hợp với các công trình của tự nhiên, cũng như các khu vực, kể cả các di chỉ khảo cổ học, có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân chủng học”.
Trong phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác- Lê nin, mâu thuẫn được cho là nguồn gốc của sự phát triển, dường như chính bởi những cách hiểu khác nhau, mâu thuẫn nhau trong giới nghiên cứu văn hóa đã dần làm cho định nghĩa trên của  UNESCO bị lung lay. Trên trang Web chính thức của tổ chức này đã ghi nhận, thuật ngữ "di sản văn hoá" đã thay đổi đáng kể nội dung trong những thập kỷ gần đây. Và “Di sản văn hoá không kết thúc ở các di tích và bộ sưu tập đồ vật. Nó cũng bao gồm các truyền thống hoặc biểu hiện sống được thừa hưởng từ tổ tiên của chúng ta và truyền lại cho con cháu của chúng ta, như truyền khẩu, nghệ thuật biểu diễn, thực hành xã hội, lễ nghi, các sự kiện lễ hội, kiến ​​thức và thực hành liên quan đến tự nhiên và vũ trụ hoặc kiến ​​thức và kỹ năng để sản xuất truyền thống đồ thủ công”. Gần như liền sau Công ước của UNESCO, trong cuộc họp tại Faro năm 2005, Liên minh châu Âu đã ra Công ước khung của Hội đồng Châu Âu về Giá trị Di sản Văn hoá cho Xã hội. Điều 2 của Công ước này nêu rõ: di sản văn hoá là một nhóm các nguồn lực được thừa kế từ quá khứ, xác định, độc lập với quyền sở hữu, như một sự phản ánh và biểu hiện của các giá trị, niềm tin, kiến ​​thức và truyền thống liên tục phát triển. Nó bao gồm tất cả các khía cạnh của môi trường kết quả từ sự tương tác giữa con người và địa điểm qua thời gian;một cộng đồng di sản của những người đánh giá những khía cạnh của di sản văn hoá và những gì họ muốn làm để duy trì và truyền đạt cho các thế hệ tương lai.
Dường như Việt Nam đã đi trước một bước khi ngay từ năm 2001, Quốc hội đã ban hành Luật di sản, mà ở đó, khái niệm về di sản văn hóa đươc minh định luôn vơi hai thành tố là di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Theo Luật, Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, được lưu truyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ, lưu truyền khác, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y, dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc và những tri thức dân gian khác. Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Là sản phẩm của quá khứ, được cộng đồng, xã hội thuyết minh và đề cao giá trị đối với cộng đồng, xã hội đương đại, nhưng bản thân di sản luôn phải chịu tác động bởi biến thiên của thời gian và va đập của xã hội. Bảo tồn di sản là cách mà một cộng đồng tác động vào sản phẩm của quá khứ trong thời điểm hiện tại, nhưng cũng cần xem xét đến mục đích những mục đích của cộng đồng, xã hội hay thể chế, trong đó có những mục đích không đơn thuần chỉ về văn hóa mà còn về chính trị, kinh tế hay xã hội. Theo Bùi Hoài Sơn, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm: 1. Xác định, củng cố và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; 2. Tạo ra những bằng chứng khoa học về lịch sử của một cộng đồng, dân tộc; 3. Đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân; Tăng cường ý thức của người dân về việc giữ gìn di sản; 4. Góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; 5. Giúp cộng đồng, người dân ý thức về cội nguồn, từ đó tạo tinh thần đoàn kết cộng đồng; 6. Quảng bá hình ảnh địa phương thông qua di sản. Với mục đích như thế, nhưng việc bảo tồn các di sản lại có nhiều quan điểm khác nhau, dẫn đến thái độ và cách thức tiếp cận và việc thực hiện các biện pháp bảo tồn đôi khi dị biệt. Rất nhiều quốc gia ở tất cả các châu lục đã thực hiện việc bảo tồn di sản theo Công ước 2012 của UNESCO, tuy nhiên, ngay tại châu Âu, lại có nước không thừa nhận và thực hiện công ước này, đó là Hà Lan. Theo Katja Lubina, với Hà Lan, việc bảo vệ các di sản văn hóa vật thể là cần thiết, nhưng việc bảo vệ lại gây trở ngại cho sự năng động và sự biến đổi, vốn là bản chất của văn hóa phi vật thể.
Từ những thành công trong nghiên cứu về sinh học của Darwin, tiến hóa luận ảnh hưởng khá sâu rộng không chỉ trong triết học, hệ tư tưởng, mà ảnh hưởng cả trong nghiên cứu văn hóa, hình thành một dòng tư tưởng tiến hóa luận văn hóa. Theo tiến hóa luận đơn tuyến, tất cả các xã hội loài người đều phải trải qua một con đường phát triển duy nhất từ thấp đến cao, từ mông muội (savage) đến văn minh (civilization). Các thực hành văn hóa và xã hội của các xã hội ở giai đoạn thấp hơn lạc hậu và kém tiến bộ hơn các xã hội ở trình độ phát triển cao hơn. Trong bậc thang tiến hóa này, các xã hội phương Tây được cho là ở trình độ phát triển cao nhất và vì vậy tiến bộ nhất. Trải qua thời gian, các xã hội mông muội và nguyên thủy nhất cũng sẽ biến đổi và phát triển giống như các xã hội phương Tây. Việc thực hành văn hóa của mỗi cộng đồng, vì thế, cũng được đánh giá, nhìn nhận như là văn minh hay lạc hậu, là thấp hay cao. Khởi đầu từ E.B.Tylor, với quan điểm “Lịch sử văn hóa cho thấy sự tiến bộ không ngừng từ trạng thái hoang dã nguyên thủy đến văn minh hiện đại”, chủ nghĩa thực dân đã được biện minh như là sự “khai hóa văn minh” của phương Tây lên một số dân tộc thuộc địa. Đó cũng là lý thuyết được áp dụng phổ biến trong các chương trình “phát triển và “hiện đại hóa” được Mỹ và các nước đồng minh khởi xướng từ sau thế chiến thứ II đến cuối những năm 1980. Theo tác giả Phương Quỳnh, nó cũng trở thành cơ sở lý luận cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (racism), cũng như thái độ “lấy tộc người mình là trung tâm” – chủ nghĩa vị chủng (ethnocentrism) - và dẫn đến bài xích các xã hội bị coi là thấp kém hơn mình. Việc đặt văn hóa và hệ giá trị của tộc người mình là tiêu chuẩn, từ đó kỳ thị văn hóa, hệ giá trị của nhóm khác, cũng như buộc các tộc người khác phải so sánh và tự xem là thấp kém hơn nhóm của mình đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Lịch sử đã chứng kiến phong trào tử vì đạo của Cơ đốc giáo, sự tàn sát dân Do Thái của Hít-le, hay chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Khơ-me Đỏ là tàn sát hàng triệu người, cũng vì thái độ vị chủng này.  
Với một quốc gia có truyền thống hàng ngàn năm nho học như Trung Quốc, tưởng như quan niệm văn hóa là độc quyền của tầng lớp “quân tử”, quý tộc để họ “văn trị giáo hóa” các tầng lớp xã hội khác đã trở thành thâm căn cố đế nhưng lại nảy sinh ra nhiều nhà tư tưởng có cái nhìn theo thuyết tiến hóa luận. Từ Củng Tự Trân (1792-1841) với lý thuyết ‘Trung học vi thể, Tây học vi dụng’ đến Tôn Trung Sơn (1866-1925) với sự phê phán những tác hại của văn hóa truyền thống- những tác hại khiến Trung Quốc bị các nước phương Tây nô dịch, từ Mao đến Đặng với tính đảng trong văn hóa… Đồng thời, với tiến hóa luận trong hệ tư tưởng,  bằng cách nhìn nhận văn hóa Hán là trung tâm, việc vận động các dân tộc thiểu số thay đổi các thực hành văn hóa truyền thống của họ theo dân tộc Hán cũng được chính phủ thường xuyên khuyến khích thực hiện. Nhiều quốc gia khác việc phân biệt, kỳ thị và sô-vanh văn hóa cũng là điều thường thấy. Tại Hội nghị bàn thảo để ra Công ước 2003 của UNESCO, vấn đề này đã được Richard Kurin quyết liệt chỉ ra: Ở nhiều quốc gia trên thế giới, cộng đồng các dân tộc thiểu số không hề nhìn thấy chính phủ bảo vệ quyền lợi của họ- đặc biệt đối với các truyền thống văn hóa đang tồn tại, và mang sức sống của các cộng đồng đang phát triển. Lịch sử cho thấy rằng, chính phủ thường tập trung vào nỗ lực nhằm xóa bỏ các tập tục văn hóa bao gồm tôn giáo của các cộng đồng dân tộc bản địa, cũng như ngôn ngữ, lễ nghi, và các nhạc cụ, v.v… của họ”.
Tiến hóa luận văn hóa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều chính sách, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam. Theo Nguyễn Công Thảo, “dẫu rằng, về mặt pháp lý, Đảng và Nhà nước luôn đề cao nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc. Thậm chí, ở mặt quản lý nhà nước, nhiều chính sách ưu tiên đối với các tộc người thiểu số đã và đang được triển khai. Song trên thực tế, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau, những định kiến, kỳ thị của người Kinh đối với các dân tộc thiểu số vẫn tồn tại và là vật cản cho quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đặc biệt là ở khu vực các dân tộc thiểu số cư trú”. Bởi thế, “không ít học giả cho rằng các tộc người thiểu số ở trình độ phát triển thấp hơn so với người Kinh. Xã hội của họ hầu hết ở giai đoạn tiền nhà nước, phân hóa giai cấp chưa hình thành, hoạt động kinh tế còn mang dấu ấn nguyên thủy”. Và, “Một xu hướng khác là đồng nhất các hoạt động kinh tế của các tộc người thiểu số với canh tác nương rẫy, và khoác tấm áo “kỹ thuật lạc hậu”, “năng suất thấp”, “không thân thiện với môi trường… Phong tục, tập quán, các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhiều tộc người thiểu số cũng chịu cái nhìn đầy định kiến khi bị gán cho là mê tín dị đoan, lạc hậu, tốn kém”. Chính sự phân biệt, và đôi khi là sự kỳ thị này, đã dẫn đến “khuynh hướng vọng ngoại không phân biệt giữa ‘văn minh’ và ‘văn hóa’, khiến cho một bộ phận nhân dân, cả người đa số lẫn người thiểu số, nhất là lớp trẻ, có thiên hướng coi văn hóa dân tộc là lạc hậu và lỗi thời. Để trở thành con người ‘văn minh’ và ‘hiện đại’, họ sống theo cách sống và văn hóa của người đô thị trong nước và theo kiểu cách của các nước phát triển phương Tây”.
Ngay trong cộng đồng người Kinh, tiến hóa luận cũng ảnh hưởng không nhỏ. Với quan điểm, văn hóa truyền thống còn có nhiều “hủ tục”, “mê tín dị đoan”, đã có nhiều hình thức “định hướng” và can thiệp để văn hóa phát triển một cách “lành mạnh”. “Người ta cho rằng văn học nghệ thuật dân gian vốn mang những yếu tố “lạc hậu- lỗi thời”. Nhiệm vụ của chúng ta ngày nay là phải “hiện đại hóa” nó. Để đạt được mục đích cao cả và tốt đẹp đó, các “nhà” thường mượn các phương pháp tư duy và các thủ pháp nghệ thuật của các nước “hiện đại” mà thực chất là các nước phương Tây”.
Từ cách nhìn tiến hóa luận, việc bảo tồn di sản được thực hiện một cách khá đồng bộ dưới những diễn ngôn rất hợp với tinh thần dân túy. Trước tiên, đó là quan điểm “bảo tồn có chọn lọc”. Chỉ thị 27-CT/TW, ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã đinh hướng: “Bảo tồn có chọn lọc, cải tiến, đổi mới những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ dần trong cuộc sống những hình thức lỗi thời, lạc hậu; nghiên cứu xây dựng và hình thành dần những hình thức vừa văn minh, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Phương pháp bảo tồn có chọn lọc đòi hỏi người thực hiện phải phân loại giá trị giữa các di sản văn hóa với nhau; bên cạnh đó, trong cùng một di sản, cũng phải phân định ra yếu tố tốt- xấu, tiên tiến- lạc hậu, di đoan… Theo Evans, bảo tồn có chọn lọc là quá trình phân loại, xếp hạng, công nhận, bảo tồn và phát huy một số thực hành văn hóa này trong khi hạn chế, loại bỏ những thực hành văn hóa khác.
Bên cạnh bảo tồn có chọn lọc, nhiều nhà làm công tác bảo tồn còn thực hiện việc sáng tạo truyền thống. Hình thức này đặc biệt được thể hiện nhiều trong bảo tồn văn hóa phi vật thể. Đó là việc đặt lời mới cho bài hát hoặc sắp xếp lại đội hình (diễn xướng) và giải thích nội dung khác với quan niệm cổ truyền. Đôi khi, để “làm giàu, tang cường giá trị nghệ thuật” cho di sản văn hóa, người ta cải biên, tích hợp các loại hình nghệ thuật dân gian với nhau. Đồng thời, việc dựa vào chất liệu di sản để sáng tác các tác phẩm mới cũng thường được sử dụng. Nhớ rằng, những việc tương tự không chri xảy ra ở Việt Nam, nhiều quốc gia có hệ tư tưởng khác với Việt Nam cũng có thái độ ứng xử với di sản như vậy. Ở Hàn Quốc, vào những năm 1970 và 1980, một số trường đại học, các sinh viên đã sử dụng các hình thức cổ của các vũ kịch cải trang làm mô hình cho các vở kịch của họ trong phong trào chống chính phủ. Tương tự, các bài ca cổ của nông dân (pungmul) đã trở thành mô hình để sáng tác nhạc gõ đồng diễn samulnori, một loại nhạc rất phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Những việc như thế, có thể có những tác dụng nhất định, nhưng cơ bản, làm hỏng cái đẹp vốn có của di sản.
Sau Đổi mới, khi cái nhìn về thế giới phương Tây bớt cực đoan, những tư tưởng khác với tiến hóa luận cũng dần được nhìn nhận một cách thiện cảm. Nhận thấy những hạn chế của việc bảo tồn có chọn lọc hay việc sân khấu hóa, sáng tạo di sản…, một số nhà nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp bảo tồn di sản văn hóa theo nhiều hướng khác nhau. Một trong những giải pháp đó là quan điểm bảo tồn nguyên trạng di sản. Theo quan điểm này, di sản là sản phẩm của quá khứ, vì thế cần được bảo vệ một cách nguyên vẹn, như nó vốn có. Bên cạnh việc cố gắng phục hồi nguyên gốc các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thì phải tìm cách để cách ly di sản khỏi môi trường xã hội đương đại. Những người theo quan điểm này cũng cho rằng, mỗi di sản chứa đựng những giá trị văn hóa - xã hội nhất định mà không phải lúc nào thế hệ hiện tại có hiểu biết một cách cụ thể để có thể phát huy những giá trị ấy một cách thích hợp. Mặt khác, những giá trị của di sản,  do những tác động của cuộc sống xã hội và biến đổi của môi trường, sẽ biến đổi theo thời gian và tạo nên những lớp văn hóa khác không trùng nghĩa với lớp văn hóa mà thế hệ trước chuyển giao cho thế hệ sau. Theo cách “tam sao thất bản” như thế,  các thế hệ sau nữa sẽ dần không hình dung và truy nguyên được những giá trị di sản đang tồn tại.  Tuy nhiên, quan điểm này, theo Bùi Hoài Sơn thì: “Đối với trường hợp của một số di tích, việc sửa chữa như thế nào để giữ lại vẻ đẹp, giá trị nguyên gốc của nó mà một bài toán khó, trong khi, những tác hại do thời tiết là những yếu tố có tác động ngay lập tức đối với sự tồn tại của di sản. Chờ đến khi các nhà quản lý thống nhất xong phương án sửa chữa e rằng quá muộn! Vì thế đã khiến người ta một lần nữa nghĩ lại về nguyên tắc bảo tồn nguyên vẹn di sản: thế nào là nguyên vẹn và nguyên vẹn đến đâu?”.
Trong tác phẩm “Bảo tồn thành phố” (Conservation and The City), P.J. Larkham đã đưa ra một khái niệm không mới nhưng được nhiều nhà bảo tồn di sản tán thành, đó là bảo tồn kế thừa. Quan điểm bảo tồn kế thừa nhìn nhận di sản như một ngành công nghiệp, vì vậy phải có cách thức quản lý di sản tương tự với cách thức quản lý của một ngành công nghiệp văn hóa. Cụ thể hơn, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, để bảo tồn di sản bằng cách “lấy mỡ nó rán nó”, cần quan tâm đến phát triển du lịch di sản, dùng du lịch để quảng bá và tạo nguồn kinh phí bảo tồn di sản; đồng thời dùng di sản để phát triển du lịch, thu hút khách du lịch như là một cách khai thác quá khứ cho mục đích tương lai. Du lịch di sản được gọi là “những sợi dây tình cảm với nền văn hóa sơ khai trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Theo quan điểm này, du lịch di sản là một yếu tố trung gian mà qua đó “cảm nhận lịch sử” về một dân tộc được tái nhấn mạnh và truyền đạt một cách hiệu quả. Cũng theo Park, việc phát triển du lịch (di sản) giúp làm cho những tài sản của quá khứ trở nên mang nhiều sức sống hơn trong bối cảnh hiện tại. Bằng cách này, quá khứ có thể được hồi sinh, được đưa vào bối cảnh mới, đưa vào vị trí mới trong xã hội đương đại. Hàn Quốc là quốc gia là tốt việc kết hợp di sản với du lịch, trong khi Trung Quốc lại có vấn đề khi kết hợp di sản với du lịch. Trong giai đoạn đầu của cải cách kinh tế, trọng tâm là tạo ra lợi nhuận bằng cách sử dụng văn hóa hơn là bảo vệ nó. Sự bùng nổ của ngành công nghiệp du lịch dựa trên sự quan tâm như vậy. Việc mở rộng vô tận ngành công nghệp du lịch đã gây ra thiệt hại không thể thay đổi được, dẫn đến việc “mất di sản”.
Ở Việt Nam, dùng di sản để phát triển ngành công nghiệp không khói là du lịch cũng đang được khuyến nghị thực hiện. Tiêu biểu là như việc coi lễ hội cổ truyền là “tài sản du lịch” để khai thác. Người ta trù tính rằng, “tính thiêng” và những trò chơi dân gian, những diễn xướng của lễ hội tạo nên sức hấp dẫn, lý do để thu hút du khách đến với lễ hội. Nguồn lợi kinh tế từ du lịch đem lại sẽ trực tiếp đóng góp vào sự phát triển của chính lễ hội. Theo Phạm Duy Đức, đó là “khai thác và phát huy các giá trị của văn hóa vào mục đích thương mại, du lịch- văn hóa, phát triển kinh tế. Đó là các hình thức tổ chức hội chợ văn hóa dân gian, giới thiệu các thành tựu ẩm thực dân gian, trang phục dân gian, mỹ nghệ dân gian, hội họa dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian..., kết hợp với các hoạt động du lịch- dịch vụ văn hóa”. 
Không đồng ý với cách khai thác di sản để làm nguồn tài nguyên cho du lịch, một số nhà nghiên cứu đã tìm những luận thuyết khác nhằm bảo tồn và phát huy di sản. Để có điểm tựa vững chắc cho luận thuyết của mình, các nhà nghiên cứu truy nguyên nguồn gốc của di sản, tìm chủ sở hữu của di sản, hay nói cách khác, là tìm hiểu di sản thuộc về ai. Câu hỏi tưởng chừng đơn giản, mà lại khó trả lời, vì ngay cả Luật di sản vẫn chưa khẳng định rõ ràng. Amareswar Galla cho rằng ‘những người có tiếng nói đầu tiên’phải có quyền trước tiên để trình bày và diễn giải về nền văn hóa bản địa của chính họ. Xem xét những điều khoản của Công ước UNESCO 2003 như điều 2, điều 11, 13 và điều 15, có thể thấy rằng vai trò và sự hiện hữu của cộng đồng chủ sở hữu di sản đối với chính di sản ấy là không thể tách rời như một thực thể thống nhất. Theo Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Việt Nam, “Một quy tắc then chốt của việc bảo vệ di sản văn hóa là động viên sự tham gia của các bên hữu quan, nhất là cộng đồng, nhóm người và cá nhân có liên quan”.  Việc tham gia của cộng đồng vào bảo tồn di sản không những làm cho hoạt động bảo tồn, gìn giữ di sản diễn ra một cách tự nhiên, mà còn gia tăng sự gắn kết của di sản với đời sống văn hóa cộng đồng. Thế nhưng, bản thân các cộng đồng lại là một thực thể tồn tại trong không gian và thời gian, vì thế nó luôn vận động. Sự vận động này khiến cho những di sản mà cộng đồng đang sở hữu như tập tục, thói quen, thực hành di sản cũ không còn phù hợp, cần có sự điều chỉnh tương thích. Sự điều chỉnh ấy, được chính cộng đồng sáng tạo ra và chấp nhận.
Tuy mặc định là như thế, nhưng cũng cần phải nói rằng, sự tham góp của cộng đồng vào việc bảo tồn di sản đôi khi cực đoan, thái quá và có phần chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của di sản. Chính vì vậy, một số di sản được phó mặc cho cộng đồng bảo tồn mà không có sự can thiệp một cách khoa học của những thành phần hữu quan có trách nhiệm đã bị biến dạng, méo mó, sai lệch so với giá trị ban đầu. Điều đó, đòi hỏi phải có sự “cầm cân nảy mực” của một tổ chức có trách nhiệm, đó là chính quyền nhà nước.
Minh Hoàng
(Còn tiếp)
 

[1]  Tên của những người cung cấp tư liệu được thay đổi.

 

Tin liên quan