KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Di tích lịch sử văn hóa
Đăng ngày: 12/12/2018 - Lượt xem: 231
Bảo tồn di sản văn hóa - nhìn từ làng Nôm (Tiếp theo)

Với những nét độc đáo của mình, năm 1994, làng Nôm đã được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là quần thể di tích với hai di tích cấp Quốc gia là chùa làng (Linh Thông cổ tự) và đình làng (đình Tam Giang). Năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên có văn bản đề nghị Bộ VH,TT&DL công nhận làng Nôm là di sản quốc gia. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, cái tên làng Nôm đã trở thành quen thuộc, đến nỗi tra từ khóa “làng Nôm” vào google, trong vòng 0,61 giây, đã ra 418.000 kết quả. Làng đã trở thành một điểm đến của du lịch, là một nét nhấn trong dự án thu hút khách du lịch của tỉnh Hưng Yên, cũng như việc chùa Nôm đã trở thành điểm du lịch tâm linh khá tên tuổi.

3. Bảo tồn di sản làng Nôm

Nằm trong một vùng châu thổ Bắc Bộ đậm đặc các làng nghề thủ công, đặc biệt là nghề đúc đồng truyền thống: Liền kề với làng Tòng Chương (làng đúc đồng nổi tiếng nay đã bị tuyệt diệt), phía Bắc có làng Đề Cầu, làng Dí, xa hơn có làng Đại Bái, Ngũ Xá; phía Tây có làng Lộng Thượng, làng Hè, làng Bùng đều là các làng tiếng tăm lừng lẫy về đúc đồng, nhưng làng Nôm lại không theo nghề đúc đồng mà chọn một nghề “hơi bị khác người” là buôn, cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm của các làng đúc đồng đó. Và chính vì chọn cho mình cách làm ấy, mà làng Hè Nôm đã trở thành một trong những làng buôn xứ bắc có tên tuổi, được liệt vào hàng “danh gia” trong giới thương trường. Đi buôn có tiền, người làng Nôm xây lên ở quê hương của họ những công trình kiến trúc đã đồ so so với xã hội đương thời và so với các làng trong khu vực như đình đá, cầu đá, hệ thống nhà ở, nhà thờ họ... Và cũng chính do đặc thù nghề nghiệp, những tập tục, nếp sống, thực hành văn hóa của người làng Nôm cũng có nhiều dị biệt với cách sinh hoạt văn hóa của cư dân nông nghiệp thuần túy. Qua những biến thiên của thời cuộc, nghề buôn đồng không còn thịnh vượng như xưa, giờ thì làng Nôm trở lại nguyên thuỷ là một làng với cư dân thuần nông, nhưng dấu tích về một thời vàng son vẫn còn nhiều lắm. Đáng kể nhất, có lẽ vẫn là quần thể kiến trúc công cộng còn lại nơi đây, từ đình Tam Giang đến cầu đá, chùa Thông, cổng làng có kiến trúc bát trụ đồng cân... Bên cạnh đó, những cổ lệ mang dấu ấn riêng biệt của làng vẫn được cộng đông cư dân làng Nôm thực hành như là tâm tưởng tri ân với quá vãng cha ông.

Với những nét độc đáo của mình, năm 1994, làng Nôm đã được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là quần thể di tích với hai di tích cấp Quốc gia là chùa làng (Linh Thông cổ tự) và đình làng (đình Tam Giang). Năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên có văn bản đề nghị Bộ VH,TT&DL công nhận làng Nôm là di sản quốc gia. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, cái tên làng Nôm đã trở thành quen thuộc, đến nỗi tra từ khóa “làng Nôm” vào google, trong vòng 0,61 giây, đã ra 418.000 kết quả. Làng đã trở thành một điểm đến của du lịch, là một nét nhấn trong dự án thu hút khách du lịch của tỉnh Hưng Yên, cũng như việc chùa Nôm đã trở thành điểm du lịch tâm linh khá tên tuổi.
Một góc hội làng Nôm
Để làng Nôm từ một làng vô danh có những bước đầu tiên vào con đường di sản, ngoài lực lượng báo chí, truyền thông, trước tiên phải kể đến công lao của một số công trình khoa học. Ngay từ những năm 1990, Nguyễn Hồng Phương- sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội đã về làng Nôm điền dã, nghiên cứu và hoàn thành khóa luận tổ nghiệp “Cầu Nôm- làng buôn xứ Bắc”. Tuy tên gọi để chỉ một nghề của cư dân làng Nôm trước Cách mạng tháng Tám, nhưng khóa luận không chỉ đề cập đến hành trạng của dân làng, mà còn là một công trình nghiên cứu chuyên sâu về điều kiện kinh tế- xã hội, tổ chức xóm làng, đồng thời “điểm danh” ra hầu hết các di tích của làng. Khóa luận là công trình khoa học đầu tiên về làng Nôm, ở thời điểm xã hội Việt Nam vừa bước ra khỏi thời kỳ bao cấp, kế hoạch hóa và cư dân nông nghiệp của làng vừa ra khỏi hợp tác xã, đời sống kinh tế còn nghèo; từ đó giá trị truyền thống của làng chưa bị tác động gì lớn. Vì thế, hầu hết các công trình nghiên cứu sau này, đều lấy khóa luận của Nguyễn Hồng Phương làm tài liệu tham khảo chính.
Để hoàn thiện hồ sơ công nhận di sản, Sở Văn hóa- Thông tin Hưng Yên, vào năm 2005, đã đăng ký đề tài khoa học “Di sản văn hóa làng Nôm” và được Hội đồng khoa học của tỉnh Hưng Yên thông qua. Với phương pháp của bảo tàng học, đề tài đã liệt kê, phân loại và đánh giá để lựa chọn ra những di tích, công trình “có giá trị tiêu biểu nhất của làng cổ” nhằm đề xuất các biện pháp bảo tồn. Nhưng, theo mục đích của đề tài, nên các chuyên đề trong đó đều khảo tả tới phần văn hóa vật thể của làng Nôm, hoàn toàn chưa đả động đến những giá trị văn hóa phi vật thể mà cư dân làng đang nắm giữ. Bên cạnh đó, với cách nhìn tiến hóa luận, các tác giả của đề tài đã phân loại, xếp loại những di tích của làng Nôm theo giá trị sử dụng (cho nhiều hay ít người) hay theo thời gian tồn tại của di sản.
Quan tâm cả tới các giá trị phi vật thể, đề tài khoa học “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn, gìn giữ và khai thác truyền thống văn hóa văn nghệ dân gian qua các thời kỳ ở Hưng Yên” do Hội Văn học- Nghệ thuật Hưng Yên thực hiện trong hai năm 2005- 2006, trong chuyên đề làng cổ, đã khai thác được các yếu tố “di sản” ở cả những hiện vật tồn tại vật lý lẫn những tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng của cộng đồng cư dân làng Nôm. Tuy nhiên, cách nhìn của tiến hóa luận cũng khá rõ ràng trong chuyên đề. Đó là cách tiếp cận với tâm thế phân biệt giữa mặt “tích cực” với “lạc hậu, mê tín dị đoan” trong các di sản hay sự lựa chọn những yếu tố cần bảo tồn, yếu tố cần loại bỏ trong một thực hành văn hóa... Mặt khác, dường như những người thực hiện đề tài chủ yếu xuất thân từ nghiên cứu ngữ văn, nên phần lớn phần khảo tả văn hóa phi vật thể của làng là về ngữ văn dân gian, lệ tục, nếp sống, các thực hành văn hóa khác của làng được quan tâm một cách sơ sài. Chưa kể, cũng trong chuyên đề, sự so sánh về thực hành văn hóa giữa các làng được khảo tả cũng được đặt ra, như là để làm nền tảng tôn vinh di sản văn hóa làng Nôm.
Bằng vào chính tiềm năng và giá trị tự thân của mình, làng Nôm đã ghi tên mình vào một trong những quần thể di tích quan trọng của tỉnh Hưng Yên và cả nước. Và, trong cơ chế thị trường, người ta nghĩ ngay đến việc biến các giá trị văn hóa của làng thành năng lượng của du lịch. Phát triển theo cách ấy, sinh viên Ngô Thị Duyên, K16 khoa Văn hóa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội, đã làm khóa luận tốt nghiệp “Làng Đại Đồng (Nôm) với sự phát triển du lịch văn hóa tỉnh Hưng Yên”. Bên cạnh việc “điểm danh” các di sản của làng, khóa luận tập trung khai thác các yếu tố thu hút du khách, các điều kiện phục vụ du lịch... Việc bảo tồn di sản trong phát triển du lịch một cách bền vững chưa thấy đặt ra trong khóa luận.
Cũng với cách nhìn dùng di sản để phát triển du lịch, thu hút khách du lịch, đề tài “Di sản văn hóa dân gian với du lịch Hưng Yên” do Viện Khoa học phát triển nguồn nhân lực kinh tế và văn hóa thực hiện có hẳn một chương “Làng Nôm- Một tài nguyên du lịch đặc sắc”. Nhưng, đúng như cách đặt vấn đề, các di sản làng Nôm được đưa ra chủ yếu để khai thác như là “tài nguyên”. Việc khai thác các di sản được đặt ra, nhưng vấn đề bảo tồn lại chưa được quan tâm thể hiện. Và, những vấn đề của đề tài “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn, gìn giữ và khai thác truyền thống văn hóa văn nghệ dân gian qua các thời kỳ ở Hưng Yên” do Hội Văn học- Nghệ thuật Hưng Yên thực hiện trước đây vẫn tồn tại nguyên vẹn ở đề tài này. Có lẽ, vì chủ nhiệm cả hai đề tài là một người- nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn.
Một sớm làng Nôm
Nhìn di sản theo giác độ của những người làm kiến trúc, quy hoạch, tại Hội thảo “Quy hoạch làng xã nông thôn ĐBSH tầm nhìn 2030 theo hướng phát triển xanh, bền vững”, một số tác giả như Lê Quỳnh Chi, Đào Thị Sơn có các bài tham luận như “Quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng nông thôn xã Đại Đồng huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên theo xu hướng hạ tầng xanh”, “Bảo tồn giá trị văn hoá đi đối với phát triển ở làng cổ đồng bằng sông Hồng (qua trường hợp: Làng Nôm, Hưng Yên)”… Những bài viết này, tuy tâm huyết về bảo tồn di sản, nhưng chủ yếu lại hướng đến việc thúc đẩy sự tác động của chính quyền vào các hoạt động bảo tồn. Trong đó, có những luận điểm mà nếu được thực thi, sẽ phá vỡ di sản, như quy hoạch lại hệ thống đường xá, hệ thống thoát nước trong làng…
Mặc kệ các luận thuyết, mặc kệ các đề tài, luận án, khi những giải pháp, những đề xuất vẫn nằm trên giấy trắng thì làng Nôm vẫn phải tồn tại và phát triển trong đời sống kinh tế- xã hội đương thời như bao làng xã khác. Và, những thực hành văn hóa của làng vẫn ngày lại ngày ảnh hưởng và tiếp biến như một thực tế khách quan. Việc xây dựng, trùng tu các di tích không theo chế tài cụ thể, những lệ tục được chính quyền can thiệp cho văn minh hơn, hiện đại hơn và “loại bỏ bớt những hủ tục, mê tin dị đoan” khiến cho di sản văn hóa làng Nôm có những biến đổi không nhỏ. Vấn đề ấy, dù bản thân những người làm công tác quản lý văn hóa chưa nhận ra, nhưng một số nhà báo tâm huyết đã lên tiếng. Những bài báo mang tính cảnh báo như “Làng Nôm (Văn Lâm, Hưng Yên): Một quần thể di tích đang bị phá vỡ”[1] hay “Chùa Nôm không còn của làng Nôm”[2]... nêu lên thực trạng về việc “trùng tu, tôn tạo” di sản một cách thiếu khoa học.
4. Và một vài khuyến nghị...
Di sản văn hóa được xác định là bộ phận không thể tách rời trong môi trường sống của con người. Nó là kết tinh trí tuệ, tài năng và tâm sức từ nhiều thế hệ. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đã khẳng định “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới và giao lưu văn hóa”. Do là sản phẩm của quá khứ, di sản văn hóa không thể tái sinh và cũng không có gì thay thế. Tuy nhiên, do di sản hiện hữu trong cuộc sống, nên nó cũng bị tác động bởi cuộc sống và yếu tố ngoại cảnh. Đó là sự tác động của khí hậu, thời gian, xung đột xã hội và của chính điều kiện chính trị- kinh tế- xã hội mà nó đang hiện hữu. Quan trọng hơn, ngoài các yếu tố trên, di sản văn hóa bị tác động bởi chính việc bảo tồn di sản của con người đang nắm quyền sở hữu hay tiếm quyền sử hữu di sản ấy.
Thái độ đối với di sản của mỗi chính quyền, mỗi quốc gia là khác nhau. Thái độ ấy, được dựa trên những quan điểm khác nhau về di sản. Tương tự, việc bảo tồn di sản cũng được dựa trên những quan điểm, luận thuyết khoa học, từ đó bảo tồn di sản theo cách mà luận thuyết ấy nhìn nhận và hướng tới. Để đến khi thời gian đã lùi được một khoảng nhất định, người ta mới có thể nhận thấy, quan điểm bảo tồn ấy đúng hay sai, hợp lý hay chưa hợp lý.
Dựa vào các luận thuyết, phân tích thành quả của việc bảo tồn theo luận thuyết ấy, ngõ hầu gợi ý được một phương pháp bảo tồn hơi mới, có thể khả quan hơn trong việc làm cho di sản tồn tại lâu hơn với thời gian, bền vững hơn trong xã hội có lẽ cũng là việc nên làm càng sớm càng tốt.
Minh Hoàng
 

[1] Hoàng Phương, Giadinh.net, 8:29AM, 17/11/2008,
[2] Minh Ngọc, Thanhnien.vn, 16/11/2010

 

Tin liên quan