Với sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ, nhiều thách thức đang đặt ra đối với vấn đề bảo vệ quyền tác giả, nhất là với lĩnh vực điện ảnh, một trong những thể loại thường xuyên phải đối mặt với các hình thức xâm phạm bản quyền tinh vi, trắng trợn trên không gian mạng.
(Ảnh minh hoạ)
Thời gian qua, những quy định về quyền tác giả luôn được các cơ quan chức năng quan tâm nhằm đáp ứng yêu cầu bảo hộ ngày càng cao đối với tác phẩm văn học nghệ thuật. Điều này thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ đồng thời tạo động lực cho hoạt động sáng tạo ngày càng phát triển. Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, nhiều thách thức đang đặt ra đối với vấn đề bảo vệ quyền tác giả, nhất là với lĩnh vực điện ảnh, một trong những thể loại thường xuyên phải đối mặt với các hình thức xâm phạm bản quyền tinh vi, trắng trợn trên không gian mạng.
Không thể phủ nhận rằng khi công nghệ phát triển, internet đã đem lại nhiều tiện ích cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng trong việc sáng tạo, khai thác, cũng như phổ biến tác phẩm một cách dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi hơn, quy mô rộng lớn hơn và chi phí cũng tiết kiệm hơn so với phương thức truyền thống trước đây. Như khi một tác phẩm điện ảnh được đưa lên không gian mạng thì người sử dụng ở bất cứ nơi nào có kết nối internet đều có thể vào xem, sao chép cũng như chia sẻ một cách rộng rãi. Song từ đây cũng đặt ra những nguy cơ không nhỏ trong vấn đề bảo vệ bản quyền.
Các hành vi xâm phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh những năm qua diễn ra dưới các hình thức phổ biến: đối tượng xấu quay lén để chiếm đoạt nội dung tác phẩm sau đó đăng tải, chia sẻ trên các diễn đàn mạng; bị sao in lậu để phát tán hoặc kinh doanh thu lợi bất chính, gây tổn hại nặng nề cả về vật chất và tinh thần đối với chủ sở hữu...
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết nhiều bộ phim của ông vừa ra rạp vài ngày thì bản phim lậu đã phát tán tràn ngập trên mạng. Thiệt hại của người làm phim có thể thấy rất rõ ràng: thay vì đến rạp thưởng thức các bộ phim đang được công chiếu thì một số người lựa chọn cách ở nhà xem phim lậu miễn phí trên mạng. Nhà làm phim đầu tư biết bao công sức, tiền bạc cho một bộ phim nhưng khi phim phát tán rộng rãi trên các trang “web đen” thì coi như tác phẩm đã bị “cướp trắng”.
Đáng nói là tâm lý thích xem phim miễn phí dù biết là bất hợp pháp ở một bộ phận người dân đã tạo “mảnh đất màu mỡ” cho các trang chiếu phim lậu, phim vi phạm bản quyền trên không gian mạng ngày càng sinh sôi nảy nở.
Năm 2021 việc cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự “xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” liên quan đến trang phimmoi.net được dư luận đánh giá cao bởi đây là động thái quan trọng giúp ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền, đồng thời cũng cảnh báo nhiều trang phim lậu khác dừng ngay những hoạt động trái pháp luật của mình. Sự việc khi đó được các công ty giải trí, nhà sản xuất phim đón nhận như một “dấu mốc cực kỳ quan trọng trong việc xử lý vi phạm bản quyền phim”. Tuy nhiên sau 4 năm kể từ khi vụ án bị khởi tố, trang web phimmoi.net bị đánh sập nhưng ngay sau đó trang mới lại được lập ra, và vụ án vẫn tiếp tục treo đó vì còn những vướng mắc trong thực thi bản quyền trên môi trường số.
Theo ước tính của truyền hình K+, đơn vị truyền hình sở hữu nhiều bộ phim bị phimmoi chiếu lậu từng tính toán: Với kho phim lên đến hàng chục nghìn, trung bình mỗi phim gắn 3 quảng cáo thì phimmoi có thể kiếm được 15 tỷ đồng mỗi tháng! Điều này giúp lý giải vì sao các trang phim lậu thi nhau mọc ra, bất chấp những cảnh báo từ cơ quan chức năng.
Không chỉ ngang nhiên chiếm đoạt các tác phẩm điện ảnh thông qua việc quay lậu, sao in trái phép để khai thác thu lời bất hợp pháp, thực tế hiện nay các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm điện ảnh trên không gian đa dạng về hình thức, thủ đoạn, từ cung cấp miễn phí cho đến thu phí giá rẻ, từ chia sẻ các trích đoạn, tiết lộ nội dung phim, đến livestream phát trực tiếp trên mạng... Để ngăn chặn thì cách thức phổ biến hiện nay là dùng biện pháp công nghệ, kỹ thuật để xử lý song do đặc thù của không gian mạng, vi phạm của kênh này rất dễ dàng được sao chép và truyền đạt sang kênh khác. Mặt khác quy trình để yêu cầu các kênh gỡ bỏ vi phạm cũng mất thời gian, được ví như “bắt cóc bỏ đĩa”, tính răn đe còn yếu và chưa bảo đảm được lợi ích của chủ thể quyền.
Theo các chuyên gia, việc xử lý hiện nay mới chỉ giải quyết được các tài khoản đăng tải video có thời lượng trên 10 phút, còn với các video có thời lượng ngắn hơn thì khó giải quyết được triệt để vì số lượng quá nhiều. Chưa kể nhiều kênh với mục tiêu tránh công cụ quét bản quyền tự động nên cứ sau mỗi 3 giây, hình ảnh trên các kênh này lại thay đổi so với hình ảnh gốc bằng việc zoom vào một chi tiết không cụ thể nào đó trên màn hình, gây khó khăn trong vấn đề nhận diện, phát hiện sai phạm.
Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh là tình trạng chung trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, gây tác động tiêu cực và lâu dài đến sự phát triển nền điện ảnh quốc gia nói riêng và uy tín mỗi quốc gia trong quá trình hội nhập nói chung. Tại Việt Nam, một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đó là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế; đặc biệt, từng bước phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn.
Hiện nay trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền chúng ta đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đáp ứng việc thực thi các công ước, hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia. Tuy nhiên đứng trước diễn biến phức tạp của vấn nạn vi phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh trên không gian mạng, cần tiếp tục đặt ra những nhiệm vụ, yêu cầu mới phải thực hiện. Cụ thể cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, nhất là trên môi trường số. Việc xử phạt cần phát huy tính răn đe, phòng ngừa.
Thực tiễn cho thấy các chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP có mức xử phạt thấp, chưa đủ tính răn đe, một số hành vi xử phạt còn thiếu hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả phù hợp. Vì vậy thời gian tới nội dung này cần điều chỉnh cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng chồng chéo, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng các chương trình, quy chế phối hợp, hợp tác, cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn, đào tạo, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức viên chức thuộc hệ thống các cơ quan quản lý và thực thi trong đấu tranh, phòng chống các hành vi xâm phạm quyền tác giả trong lĩnh vực điện ảnh. Xây dựng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; tổ chức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của nước ngoài để đấu tranh, xử lý các hành vi xâm phạm trên internet và không gian mạng.
Xem xét việc chặn nguồn thu quảng cáo của các trang web lậu cũng là một biện pháp hữu hiệu để chống vi phạm bản quyền trên không gian mạng bởi doanh thu chính của các trang web lậu đến từ tiền quảng cáo. Biện pháp này đã được nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Australia, Anh,… thực hiện khá hiệu quả. Song song đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, quyền tác giả tác phẩm điện ảnh nói riêng, đáp ứng sự phát triển công nghệ và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng như các đòi hỏi từ các cam kết quốc tế. Công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tới các tổ chức, cá nhân cần được chú trọng, với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả.
Về phía các chủ thể có quyền, lợi ích chính đáng đối với tác phẩm điện ảnh cần nâng cao nhận thức cũng như ý thức trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ bản quyền. Khi tác phẩm điện ảnh bị xâm hại, khai thác trái phép, các chủ thể hợp pháp cần có biện pháp đấu tranh phù hợp và kiên quyết. Cần thấy rằng do đặc thù của tác phẩm điện ảnh, doanh thu và lợi nhuận thường đi kèm với tính thời điểm nên cho dù có thể áp dụng biện pháp cảnh báo, yêu cầu gỡ bỏ hay xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm thì đó cũng mới chỉ là ngăn chặn hành vi chứ chưa khắc phục được thiệt hại. Bởi vậy để được bồi thường thiệt hại, các chủ thể quyền bị xâm phạm cần cân nhắc lựa chọn biện pháp cứng rắn, hiệu quả hơn như khởi kiện dân sự tại tòa án có thẩm quyền.
Hiện nay việc bảo vệ bằng biện pháp khởi kiện dân sự tại tòa án có thẩm quyền lại không được các chủ thể lựa chọn vì nhiều lý do, trong đó có tâm lý ngại mất thời gian, phiền toái. Các đối tượng vi phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh nắm được “điểm yếu” này nên càng lộng hành. Do đó để tự bảo vệ bản thân và quyền lợi chính đáng của mình, các chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh cần chủ động hơn, đồng thời cập nhật các biện pháp công nghệ cũng như các biện pháp khác mà pháp luật cho phép để bảo vệ bản quyền đối với tác phẩm điện ảnh. Kịp thời đăng ký bản quyền theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ để tạo cơ sở pháp lý vững chắc phục vụ cho các tình huống pháp lý phát sinh trong thực tiễn.
Mặt khác, để quyền tác giả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng được bảo đảm và thực thi nghiêm túc thì các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng thụ hưởng các tác phẩm điện ảnh cần tuân thủ và thực hiện nghĩa vụ đối với các quyền tác giả tác phẩm điện ảnh. Tuyệt đối không sao chép, chia sẻ cũng như xem phim từ những nguồn bất hợp pháp vì đó cũng là hành vi tiếp tay cho cái xấu, gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành điện ảnh nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung. Cộng đồng mạng cần kiên quyết từ chối, đưa ra báo cáo với các trang web chiếu phim lậu bởi đây chính là cách thức cần thiết giúp ngăn chặn và từng bước loại bỏ các hành vi vi phạm bản quyền./.
Nguồn: https://www.tuyengiao.vn