KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 31/05/2024 - Lượt xem: 569
Cảnh báo gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới trong thanh, thiếu niên

Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… và được đưa được tới tay người tiêu dùng qua các kênh không chính thức và được quảng bá, bán hàng tràn lan trên các trang mạng xã hội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Tại Việt Nam, những năm gần đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (vape) trong thanh, thiếu niên đang diễn ra khá phổ biến và có chiều hướng gia tăng.

Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng tại 11 tỉnh, thành phố trong học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.

Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Đặc biệt ở nhóm nữ giới từ 11-18 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3%.

Việc gia tăng tỷ lệ thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử đã kéo theo nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe cho thế hệ trẻ. Đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp, thậm chí suýt tử vong sau khi hút thuốc lá điện tử.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca.

Nhóm dưới 16 tuổi nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là 27 người; nhóm từ 16-18 tuổi là 44 người; từ 19-24 là 58 người; từ 25-44 tuổi là 138 người; từ 45-64 tuổi là 580 người nhập viện; từ 65 tuổi trở lên là 580 người.

Trường hợp bệnh nhân sinh năm 2006 đang điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) nghi ngộ độc ma túy có trong tinh dầu thuốc lá điện tử. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh, thiếu niên từ 13-15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh, thiếu niên sống ở khu vực Đông Nam Á, gây ra các gánh nặng về bệnh tật và kinh tế không chỉ cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả gia đình và xã hội.

Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy, tỷ lệ trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới, như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đang gia tăng cao.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới, như: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, tồn tại nhiều nguy cơ gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe. Các sản phẩm này có chứa nhiều chất độc hại, nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh ung thư, nhất là ung thư phổi. Ngoài ra, các sản phẩm thuốc lá mới còn có nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường.

Bên cạnh đó, theo kết quả một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Scientific Reports, các sản phẩm thuốc lá điện tử (vape) có chứa đến 127 loại hóa chất cực kỳ độc hại, 153 loại gây nguy hiểm cho sức khỏe và 225 loại gây kích ứng.

Trên thị trường hiện có hàng chục nghìn loại sản phẩm thuốc lá điện tử khác nhau và trong mỗi sản phẩm đều chứa nhiều loại hóa chất. Do đó, theo các nhà nghiên cứu, với thực tế như hiện nay việc tiến hành các thí nghiệm để kiểm tra độc tính của từng nhãn hiệu và hương vị có thể mất nhiều thập kỷ. Trưởng nhóm nghiên cứu - Giáo sư hóa học tại RCSI Donal O'Shea còn cảnh báo: người dân đang đứng trước một làn sóng bệnh mãn tính mới sẽ xuất hiện sau 15 đến 20 năm nữa, do phơi nhiễm các chất độc hại từ thuốc lá điện tử.

Bộ sản phẩm thuốc lá nung nóng được một số bạn trẻ tại Việt Nam sử dụng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá đều đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra các gánh nặng bệnh tật và kinh tế không chỉ cho bản thân người sử dụng mà còn cho cả gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu có nguyên nhân liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm, tức là hơn 100 người chết vì liên quan đến thuốc lá mỗi ngày.

Trong bối cảnh các quy định về thuốc lá ngày càng nghiêm ngặt, các công ty thuốc lá lớn và cả những công ty mới gia nhập thị trường đã bắt đầu cung cấp các sản phẩm thay thế thuốc lá, như thuốc lá điện tử (vape), và tuyên bố hướng đến đối tượng là những người trưởng thành hút thuốc lá. Chính vì vậy, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ lo ngại: "Lịch sử đang lặp lại, nhưng dưới một hình thức khác. Vẫn là chất nicotine nhưng với bao bì khác biệt."

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cũng bác bỏ tuyên bố đang nỗ lực giảm thiểu tác hại việc hút thuốc của ngành công nghiệp thuốc lá, khi đề cập đến thực tế các công ty này đang không ngừng tiếp thị sản phẩm nhắm vào đối tượng sử dụng là trẻ em khi đưa ra các sản phẩm có hương vị trẻ em yêu thích, với bao bì thiết kế bắt mắt.

Thuốc lá điện tử đang cho thấy còn nguy hiểm hơn thuốc lá thông thường do có thể tự phối trộn các nguyên liệu thậm chí cả ma túy. Bên cạnh đó là các hệ lụy về chất lượng giống nòi do việc người sử dụng đang trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá.

Năm 2024, Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” là chủ đề ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), nhằm yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh, thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe; đồng thời kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.

Tại lễ míttinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) năm 2024 vào ngày 26/5/2024, Giáo sư, tiến sỹ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã phát động chiến dịch truyền thông ngăn ngừa thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ trẻ em và sức khỏe cộng đồng.

Lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi các cơ quan, đoàn thể và toàn cộng đồng tiếp tục có những hoạt động thiết thực và đẩy mạnh truyền thông, thông tin để xây dựng môi trường không khói thuốc, thực thi nghiêm Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; kêu gọi các nhà trường tăng cường giáo dục và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nhằm trang bị cho học sinh kiến thức cần thiết tự bảo vệ bản thân trước cám dỗ.

Trong dịp này, nhiều hoạt động thiết thực đã được các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, các tỉnh, thành phố triển khai, như các chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử;” giải chạy online “Thanh niên Việt Nam vì môi trường không khói thuốc” của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; hội thi “Gia đình có sức khỏe, không khói thuốc” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… có tác động sâu rộng tới cộng đồng, đặc biệt là trong thanh niên, phụ nữ và trẻ em gái./.

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn

Tin liên quan