Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 424. 923 ca mắc và 8.150 ca tử vong mới vì đại dịch. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 33.915.089 ca nhiễm COVID-19, trong đó 604.304 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (195.815 ca); Brazil (37.563 ca); Argentina (22.651 ca); Colombia (16.977 ca); Mỹ (14.457 ca); Iran (11.005 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Ấn Độ (3.498 ca); Brazil (841 ca); Colombia (483 ca); Argentia (417 ca); Iran (251 ca);…
Tại châu Âu, hiện tại châu lục này ghi nhận 46.244.452 ca mắc COVID-19, trong đó 1.062.072 ca tử vong. Hết ngày 24/5, châu lục này ghi nhận đã có thêm 37.759 ca nhiễm mới và 960 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có 5.605.895 ca mắc COVID-19 và 108.658 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 24/5, Pháp có thêm 2.229 ca nhiễm mới và 62 ca tử vong mới vì dịch bệnh.
Châu Á hiện đang là tâm dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Tính đến nay, châu lục này đã có tổng cộng 49.489.112 ca nhiễm và 652.509 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 273.683 ca mắc và 4.772 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 44.818.288 ca được điều trị khỏi; 4.018.315 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 32.584 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực và trên toàn thế giới. Ngày 24/5, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 195.815 ca mắc mới và 3.498 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 26.947.496 ca và 307.249 ca. Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có gần 5,2 triệu ca nhiễm; Iran có gần 2,9 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận gần 1,8 triệu ca nhiễm COVID-19.
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 18.397 ca mắc mới và 332 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 3.819.367 người mắc COVID-19, trong đó 76.042 ca tử vong. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.682.793 trường hợp.
Indonesia hiện vẫn là ổ dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại quốc gia này tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Trong 24 giờ qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á với 127 ca. Trong khi đó, số ca mắc bệnh mới được ghi nhận tại quốc gia này là 5.907 người. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận có tổng cộng 1.781.127 ca mắc và 49.455 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại Malaysia, tình hình vẫn vô cùng đáng lo ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới theo ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Ngày 24/5, Malaysia ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất khu vực với 6.509 ca, đồng thời số ca tử vong mới là 61 trường hợp. Trước tình hình trên, chính phủ Malaysia đã tuyên bố thắt chặt các quy định phòng chống dịch trên quy mô toàn quốc từ ngày 24/5 - 7/6 nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Thái Lan cũng đối mặt với diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc quốc gia này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm trên 2.713 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong tăng mạnh là 30 người.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 19.045 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 39.506.310 ca, tổng số người tử vong là 885.315 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 32.203.995 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.396.604 ca nhiễm và 221.647 ca tử vong.
Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 27.838.714 ca nhiễm; 756.005 ca tử vong và 25.112.640 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 16.121.136 ca nhiễm, trong đó 450.026 ca tử vong.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.807.083 ca mắc COVID-19, trong đó 128.974 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.637.848 trường hợp, trong đó 55.874 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 2.383 ca mắc mới COVID-19 và 72 ca tử vong vì đại dịch.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia và Fiji là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 8 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 30.019 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 910 trường hợp tử vong vì COVID-19. French Polynesia, Papua New Guinea, New Zealand, Wallis and Futuna và Fiji lần lượt là các quốc gia xếp sau Australia về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID tại châu lục.
Liên quan đến tình hình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới, ngày 24/5, Malta, quốc gia đang dẫn đầu Liên minh châu Âu (EU) về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, thông báo đạt được mục tiêu tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine cho 70% người trưởng thành.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Malta Chris Fearne tuyên bố đã đạt "miễn dịch cộng đồng". Theo người đứng đầu ngành y tế, sau khi 475.000 liều vaccine được tiêm, khoảng 42% dân số đã hoàn thành tiêm chủng cả hai liều các loại vaccine Pfizer, Moderna hoặc AstraZeneca hoặc với một liều duy nhất của vaccine Johnson & Johnson. Theo ông Chris Fearne, vaccine chính là vũ khí chống lại virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Theo giới chức Malta, kết quả này đạt được trước nhiều so với kế hoạch ban đầu chính phủ đặt ra là tháng 9, trước khi điều chỉnh vào cuối tháng 6. Ủy ban châu Âu đặt mục tiêu sẽ tiêm chủng cho 70% dân số EU vào cuối tháng 7 tới.
Ngày 24/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước đóng góp vaccine ngừa COVID-19 cho chương trình COVAX để có đủ vaccine tiêm cho 10% dân số của tất cả các nước trước cuối tháng 9 và đạt 30% dân số của tất cả các nước vào cuối năm nay.
Bên cạnh đó, ông Tedros cũng bày tỏ sự biết ơn đối với khoảng 115.000 nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe đã tử vong kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Ông cho biết gần 18 tháng qua, các nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe khắp thế giới đã đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết và họ đã cứu vô số mạng sống và chiến đấu vì những người khác./.
Nguồn: dangcongsan.vn