Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12), Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới đã chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 11. Với quy mô lớn, cách bố trí, trưng bày hiện đại, sinh động, mang lại nhiều cảm xúc, bảo tàng thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan.
Trong những ngày đầu mở cửa, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan.
Những ngày qua, thông tin và hình ảnh về Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới khánh thành tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) là chủ đề được quan tâm, yêu thích trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Thiết chế bảo tàng có quy mô lớn bậc nhất hiện nay được khánh thành và đi vào hoạt động là dấu mốc quan trọng không chỉ với quân đội ta mà với nhân dân cả nước, là nơi cung cấp bức tranh toàn diện về lịch sử đấu tranh hào hùng, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Việc Bảo tàng hấp dẫn công chúng cho thấy nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học hỏi, trải nghiệm lịch sử dân tộc ngày càng được chú trọng; đồng thời những nỗ lực đổi mới sáng tạo trong cách thức trưng bày, kể chuyện của bảo tàng đã phát huy hiệu quả. Diện tích hơn 38 ha, trưng bày hơn 150.000 hiện vật, công tác sưu tầm, trưng bày, bảo quản tạo thách thức không nhỏ với đội ngũ chuyên gia để vừa bảo đảm tính chính trị, khoa học theo tiến trình lịch sử, vừa để lại ấn tượng cho người xem.
Ngay từ cổng vào, khách tham quan được chiêm ngưỡng Tháp Chiến thắng cao 45m, tượng trưng cho dấu mốc năm 1945 - khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thiết kế độc đáo hình ngôi sao năm cánh xếp chồng nhiều lớp. Khu vực quảng trường hai bên tòa tháp là nơi trưng bày các hiện vật cỡ lớn như: Máy bay, xe tăng, xe ra-đa, xe tải, sơn pháo, thủy lôi… gắn với các nhân vật, sự kiện lịch sử trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Kiến trúc Bảo tàng đơn giản mà hiện đại, thân thiện, với nhiều khoảng thông thoáng và cây xanh, thảm cỏ. Tầng một được chia thành sáu chủ đề lớn với hàng trăm không gian nhỏ thiết kế tỉ mỉ, đưa người xem bước vào hành trình lịch sử từ những ngày đầu sơ khai dựng nước cho đến hiện nay.
Sáu chủ đề trưng bày bao gồm: Phần một "Buổi đầu dựng nước và giữ nước (thế kỷ 7 trước Công nguyên đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938)"; chủ đề hai "Bảo vệ độc lập dân tộc từ năm 939 đến năm 1858 (các cuộc chiến chống ngoại xâm của các triều đại phong kiến Việt Nam)"; chủ đề ba "Chống thực dân Pháp từ năm 1858 đến năm 1945"; chủ đề bốn "Kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 đến năm 1954 (đánh bại nỗ lực xâm lược lần hai của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ)"; chủ đề năm "Kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến năm 1975, thống nhất đất nước" và chủ đề sáu "Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975 đến nay".
Nổi bật trong số hàng chục nghìn hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là bốn Bảo vật quốc gia minh chứng cho những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước: Máy bay MiG-21 số hiệu 4324; máy bay MiG-21 số hiệu 5121; tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh; xe tăng T-54B số hiệu 843.
Cách bài trí, tổ chức trưng bày các bảo vật rất phong phú, sáng tạo. Chẳng hạn như chiếc MiG-21 số hiệu 4324 có biệt danh "Én bạc" được cố định giữa không trung bằng dây cáp, tạo dáng hướng lên giữa không gian sảnh vào, tựa như đang bay trên bầu trời Tổ quốc. Trên thân chiếc máy bay huyền thoại in hình 14 ngôi sao mầu đỏ, thể hiện chiến công bắn rơi 14 máy bay của không lực Mỹ trong chiến tranh ném bom phá hoại miền bắc nước ta… Bên cạnh mỗi hiện vật, dù nhỏ và đơn giản nhất, cũng có chú thích chi tiết và dịch thuật chỉn chu, từ mũi giáo thô sơ mà người lính nông dân xưa tạo ra để chiến đấu, hay một viên đá từng góp công hạ gục kẻ địch. Ngắm mỗi hiện vật, nghe mỗi câu chuyện, người xem càng thêm ghi nhớ những hy sinh xương máu của thế hệ đi trước, đồng thời thêm tự hào và trân trọng giá trị hòa bình.
Bên cạnh những trưng bày theo cách truyền thống, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam còn ghi dấu ấn với những công nghệ tiên tiến như sa bàn 3D, đồ họa chuyển động, thuyết minh tự động, màn hình tra cứu thông tin, chiếu phim tư liệu và phim hoạt hình minh họa trực quan, trò chơi điện tử tương tác… Diễn biến các chiến dịch lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cách mạng Việt Nam như Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh… được trình bày với nhiều phương thức kết hợp trực quan, độc đáo.
Công nghệ mô phỏng thực tế ảo đưa khách tham quan trở về những thời khắc lịch sử hào hùng, khám phá chiến trường khốc liệt, cũng như cảm nhận sâu sắc hào khí anh hùng, trí tuệ và bản lĩnh của cha ông ta. Một số trích dẫn thơ, văn thể hiện tinh thần, đạo lý dân tộc như "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" (Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi) được sắp đặt có chủ đích, gây ấn tượng. Bảo tàng sẽ có nhiều không gian tương tác, không gian nghệ thuật đương đại mới lạ tiếp tục ra mắt trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các dự án số hóa cũng được thực hiện như triển lãm ảnh trực tuyến, tour tham quan ảo… để những người ở xa có thể trải nghiệm khi chưa có điều kiện đến Thủ đô.
Diện mạo mới của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là một sự chuyển mình mạnh mẽ, hướng tới trở thành điểm đến văn hóa, giáo dục hấp dẫn mọi tầng lớp nhân dân, công chúng trong nước và bạn bè quốc tế khi muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử quân sự. Hiện bảo tàng đã hoàn thành giai đoạn một của dự án, mở cửa miễn phí đón khách tham quan đến hết tháng 12/2024.
Nguồn: https://nhandan.vn/