KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 24/06/2021 - Lượt xem: 60
Chiến lược tiêm vaccine COVID-19: Sẽ có tới 500.000 liều tiêm/ngày

Từ nay đến cuối năm, khi lượng vaccine về đủ (khoảng 110-150 triệu liều), trong 3 đến 6 tháng còn lại của năm nay, ước tính mỗi ngày chúng ta sẽ tiêm khoảng 300.000-500.000 liều. Nhân lực tham gia chiến dịch tiêm vaccine giai đoạn này cũng đã được chuẩn bị đầy đủ.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP/Thúy Hà
Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên một số nội dung về chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân trên cả nước trong thời gian tới.
Xin Thứ trưởng cho biết, từ nay đến cuối năm, kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân được triển khai như thế nào? Làm sao để chúng ta vừa đẩy nhanh tiến độ tiêm, vừa đảm bảo an toàn, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao… xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cho người dân từ nay đến hết năm 2021.
Để thực hiện được mục tiêu này, sau khi báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ký kết với các đơn vị cung ứng vaccine trong trường hợp đặc biệt theo quy định, nhằm tiếp cận được nguồn vaccine nhanh nhất, với số lượng nhiều nhất, từ đó triển khai tiêm trong thời gian ngắn nhất và an toàn nhất, để đảm bảo tỉ lệ miễn dịch cộng đồng.
Hiện đã có những đơn vị ký cam kết từ nay đến cuối năm cung cấp khoảng 110 triệu liều vaccine. Ngoài ra Bộ Y tế cũng đang cố gắng tiếp cận các nguồn vaccine khác để đạt số lượng 150 triệu liều vaccine như trong Nghị quyết 21 của Chính phủ đã giao cho Bộ.
Để tổ chức chiến dịch tiêm từ nay đến hết năm 2021, với số lượng vaccine các đơn vị đã cam kết chuyển về Việt Nam trong năm nay khoảng 110 triệu liều, Bộ Y tế đã làm việc với Bộ Quốc phòng để rà soát và thống nhất việc xây dựng các kho bảo quản vaccine tại 7 quân khu, quân đoàn, đặc biệt là vaccine phải bảo quản ở độ âm sâu.
Việc này 2 Bộ đã thực hiện xong, và cũng thống nhất Bộ Quốc phòng sẽ hỗ trợ phương tiện vận chuyển xe chở vaccine từ kho trung tâm về đến trung tâm của tỉnh, của huyện, thậm chí chỉ đạo sở chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với các sở y tế để vận chuyển vaccine đến từng địa điểm tiêm, để tiêm cho người dân nhanh nhất, với số lượng đông nhất, an toàn nhất.
Theo tính toán của Bộ Y tế, nếu số lượng vaccine về đủ, khoảng 110-150 triệu liều vaccine, trong vòng 3 đến 6 tháng còn lại trong năm nay, ước tính mỗi ngày chúng ta sẽ tiêm khoảng 300.000-500.000 liều/ngày và đảm bảo hoàn thành chiến dịch tiêm.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về năng lực đáp ứng của đội ngũ cán bộ tiêm vaccine hiện nay trên cả nước, khi tham gia vào chiến dịch lớn nhất này?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Trong chiến dịch này, ngay từ khi tiếp cận vaccine, Bộ Y tế đã chủ động chỉ đạo ngành y tế rà soát tất cả các cán bộ, lực lượng y tế hiện đang làm việc, từ tuyến y tế cấp xã trở lên, để thống kê và tổ chức tập huấn cho chiến dịch này.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo phối hợp với tất cả các trường y, dược trên cả nước, rà soát tất cả sinh viên từ những năm cuối. Bộ cũng chỉ đạo thống kê các lực lượng y tế đã về hưu, nếu có đủ điều kiện sức khỏe, để tham gia tập huấn và triển khai chiến dịch này.
Đối với tất cả các điểm tiêm chủng, Bộ Y tế xác định, những bộ phận như khám sàng lọc, khu tiêm, khu theo dõi sức khỏe, phải cần cán bộ y tế. Bộ phận đón tiếp, cập nhật thông tin thì huy động lực lượng khác, như các nhà cung cấp dịch vụ mạng theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tình nguyện, giáo viên tình nguyện… Tất cả lực lượng này đều được tập huấn và đã hướng dẫn ngay từ những ngày đầu triển khai tiêm.
Cũng để chuẩn bị cho chiến dịch này, Bộ Y tế đã đề nghị tất cả các địa phương, đội ngũ y tế các bộ, ngành rà soát tất cả các lực lượng như trên.
Với sự chuẩn bị như vậy, đến thời điểm này, chúng tôi khẳng định là có đủ nhân lực để tham gia chiến dịch tiêm vaccine trong giai đoạn này.
Để hoàn thành chiến dịch này an toàn nhất, Bộ Y tế đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương rà soát lại quy trình tiêm các loại vaccine, thường xuyên cập nhật và tổ chức tập huấn từng đợt cho lực lượng tiêm chủng ở cơ sở.
Bộ cũng giao Cục Quản lý khám chữa bệnh cập nhật kiến thức để khám sàng lọc và đưa ra những hướng dẫn, phác đồ phù hợp nhất, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và các thuốc cấp cứu, để chúng ta trực sẵn sàng tại các điểm tiêm, tại các trung tâm y tế cấp huyện trở lên, nhằm kịp thời xử trí cấp cứu nhanh nhất, hiệu quả nhất, hạn chế thấp nhất tình huống xảy ra sốc phản vệ đáng tiếc.
Bộ cũng phải làm tốt công tác ứng dụng CNTT trong tiêm chủng, để tất cả đối tượng được tiêm đều được cập nhật nhanh nhất vào hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân. Hồ sơ này sẽ là cơ sở dữ liệu về y tế, từ đó sẽ cải tiến thời gian và đẩy tốc độ tiêm nhanh hơn.
Nếu triển khai đầy đủ các giải pháp trên, chúng ta sẽ triển khai thành công chiến dịch tiêm vaccine COVID-19.
Cách tự theo dõi tại nhà sau tiêm từ 24-48 giờ
Thưa ông, sau khi tiêm vaccine COVID-19, trở về nhà tự theo dõi sức khỏe, người dân cần lưu ý quan tâm tới những dấu hiệu nào của cơ thể để kịp thời đến các cơ sở y tế khi có bất thường?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Vaccine bản chất là một sinh phẩm, khi tiêm vào cơ thể thì có tỉ lệ nhất định phản ứng sau tiêm. Tùy theo cơ địa của từng người mà phản ứng khác nhau. Vaccine nào tiêm cũng có số ít xảy ra phản ứng không mong muốn.
Khi vaccine về Việt Nam, trước khi đưa vào sử dụng, Bộ Y tế đã chỉ đạo kiểm định chất lượng vaccine rất chặt chẽ. Bộ cũng chỉ đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh tập huấn cho tất cả cán bộ y tế trực tiếp tham gia cấp cứu xử lý các trường hợp sốc phản vệ ngay tại các điểm tiêm. Chúng ta phải khám sàng lọc kỹ những trường hợp có bệnh nền, có dị ứng và tạm thời chưa tiêm các đối tượng này.
Lực lượng y tế cũng luôn sẵn sàng trực tại các trung tâm y tế huyện trở lên, sẵn sàng thuốc, xe vận chuyển… để xử lý kịp thời khi không may có trường hợp xảy ra.
Chúng tôi cũng đã tập huấn chi tiết cho những cán bộ y tế, những người tình nguyện hướng dẫn những người được tiêm, sắp tiêm. Sau tiêm, người dân phải được theo dõi tại nơi tiêm 30 phút, sau đó tự theo dõi tại nhà từ 24-48 giờ tiếp theo.
Khoảng thời gian đó, nếu có các phản ứng như ngứa, nổi mề đay, tức ngực, thậm chí có biểu hiện của hôn mê, thì người nhà, hoặc bản thân người tiêm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Các địa phương hiện nay đều có số điện thoại trực cấp cứu. Hoặc ngay tại các điểm tiêm, chúng tôi sẽ dán các áp phích có địa chỉ, tuyến cấp cứu, số điện thoại để người dân không may có các phản ứng trên có thể liên lạc nhanh nhất.
 
Sẽ thống nhất với các địa phương, DN để điều tiết vaccine
Các đối tượng sẽ được triển khai tiêm theo thứ tự như thế nào? Thời gian tới, việc mua vaccine sẽ được Bộ Y tế điều phối như thế nào để tránh tình trạng tranh mua, như chỉ đạo của Chính phủ, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Kết luận 07 của  Bộ  Chính trị cho phép Bộ Y tế đứng ra tiếp cận và cung ứng vaccine COVID-19 tiêm cho người dân và cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vaccine tiêm cho người dân. Tuy nhiên, tất cả các nguồn vaccine đó đều phải được Bộ Y tế kiểm định về chất lượng và cấp giấy phép thì mới được nhập vào Việt Nam, mới được lưu hành, tiêm cho người dân.
Để tránh tình trạng cạnh tranh mua vaccine giữa DN và Nhà nước, cụ thể là Bộ Y tế, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ thống nhất với các địa phương, các DN để điều tiết tổng số vaccine trong kế hoạch, điều tiết đối tượng ưu tiên tiêm theo thứ tự, để làm sao vaccine do Bộ Y tế tiếp cận, đàm phán, cung ứng, hay vaccine do địa phương, hoặc do DN tiếp cận thì đều nằm trong tổng số vaccine đã được duyệt. Các đối tượng ưu tiên tiêm theo thứ tự cũng thực hiện theo hướng dẫn từ Bộ Y tế. Đây là chiến dịch tiêm chủng trong phòng chống dịch, chưa phải tiêm chủng mở rộng, nên đối tượng nào tiêm trước, tiêm sau cần phải có một đơn vị điều tiết.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang trình Thủ tướng Chính phủ Đề án cung ứng, sản xuất, tổ chức tiêm và đảm bảo nguồn lực, với mục tiêu có nguồn vaccine nhiều nhất để tiêm cho người dân.
Khi Đề án này được Chính phủ phê duyệt, Bộ Y tế sẽ chắc chắn phải làm việc, hướng dẫn cụ thể chi tiết với các địa phương, DN, để tránh xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ quan Nhà nước, giữa các địa phương và các DN tham gia cung ứng vaccine COVID-19, để phục vụ tiêm chủng cho người dân.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Các nhà sản xuất trên thế giới cho biết, hiện nay vaccine COVID-19 chúng ta đang sử dụng có thời gian hiệu lực kháng thể bảo vệ sau tiêm chỉ 6 đến 8 tháng, hết thời hạn này thì phải tiêm nhắc lại. Hai mũi tiêm sẽ cách nhau từ 6 đến 12 tuần. Theo tính toán của Bộ Y tế, sau thời gian tiêm đến hết năm nay, đến thời điểm tiêm nhắc lại (là cuối năm nay, đầu năm 2022), Việt Nam có thể sản xuất được vaccine COVID-19, khi đó chúng ta có thể tự chủ về vaccine cho người dân.
Nguồn: chinhphu.vn
Tin liên quan