Lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; quy định chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ; quy định mới về thu phí điện tử không dừng; thêm 05 trường hợp được miễn lệ phí môn bài;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2020.
Lộ trình nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở
Có hiệu lực từ ngày 18/08/2020, Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/06/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Theo quy định, đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo gồm:
1- Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
2- Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
3- Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.
Quy định chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ
Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ban hành ngày 30/06/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ có hiệu lực từ ngày 15/08/2020.
Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về: Phân cấp quản lý đơn vị Dân quân tự vệ; số lượng Phó chỉ huy trưởng, tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị làm việc của Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức; trang phục, sao mũ, phù hiệu của Dân quân tự vệ; mức hưởng chế độ phụ cấp các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ; định mức bảo đảm chế độ, chính sách cho từng thành phần Dân quân tự vệ; điều kiện, mức hưởng, trình tự, thủ tục và cơ quan có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bị ốm đau, bị tai nạn, chết.
Quy định về tuyển chọn, đào tạo sĩ quan dự bị
Nghị định 78/2020/NĐ-CP ban hành ngày 06/07/2020 của Chính phủ về sĩ quan dự bị Quân đội nhân dân Việt Nam có hiệu lực từ ngày 19/08/2020.
Nghị định trên quy định đối tượng được tuyển chọn đào tạo sĩ quan dự bị gồm: Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ; hạ sĩ quan dự bị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên; sinh viên khi tốt nghiệp đại học.
Chế độ phụ cấp đối với quân nhân dự bị
Có hiệu lực từ ngày 21/08/2020, Nghị định 79/2020/NĐ-CP ban hành ngày 08/07/2020 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên.
Nghị định này quy định phụ cấp đối với quân nhân dự bị đã xếp vào đơn vị dự bị động viên; phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên; phụ cấp theo ngày làm việc; chế độ khám bệnh, chữa bệnh; chế độ trợ cấp tai nạn, trợ cấp chết do tai nạn hoặc chết do ốm đau, tai nạn rủi ro; trợ cấp đối với gia đình quân nhân dự bị; chế độ, chính sách đối với học viên đào tạo sĩ quan dự bị; chế độ viếng sĩ quan dự bị từ trần.
Quy định mới về thu phí điện tử không dừng
Quyết định 19/2020/QĐ-TTg ban hành ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng có hiệu lực từ 1/8/2020.
Về tiến độ thực hiện thu phí điện tử không dừng, Quyết định nêu rõ: Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải vận hành ngay việc thu phí điện tử không dừng.
Đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đang hoạt động, chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng.
Còn với các trạm thu phí do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam quản lý, tiến độ hoàn thành sẽ do Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp với điều kiện nguồn vốn của dự án.
Cũng theo Quyết định, đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi thực hiện thu phí điện tử không dừng theo quy định của Quyết định này.
Căn cứ điều kiện cụ thể đối với từng trạm thu phí, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định: Việc duy trì mỗi trạm thu phí có 1 làn thu phí hỗn hợp (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và hình thức một dừng) trên mỗi chiều lưu thông.
Thời điểm chuyển làn hỗn hợp nêu trên sang thu phí điện tử không dừng và thực hiện thu phí toàn bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Tạm dừng và thời gian tạm dừng việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ với các trạm thu phí chưa thực hiện việc thu phí điện tử không dừng theo quy định ở trên và khoản 3 Điều 7 của Quyết định này do lỗi của nhà đầu tư.
Việc thực hiện thu phí điện tử không dừng đối với các trạm thu phí có thời gian hoàn vốn còn lại dưới 3 năm đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch.
Thêm 05 trường hợp được miễn lệ phí môn bài
Có hiệu lực từ ngày từ ngày 23/8/2020, Thông tư số 65/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 302/2016/TT-BTC ngày 4/10/2016 hướng dẫn về lệ phí môn bài đã bổ sung thêm 5 trường hợp được miễn lệ phí môn bài theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài.
Quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Thông tư số 58/2020/TT-BCA quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ 1/8/2020.
Trong đó, đối với đăng ký xe trực tuyến (qua mạng internet), Thông tư quy định chủ xe kê khai thông tin của xe, chủ xe vào giấy khai đăng ký xe (mẫu số 01) trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia để đăng ký xe trực tuyến và nhận mã số thứ tự, lịch hẹn giải quyết hồ sơ qua email hoặc qua tin nhắn điện thoại. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đăng ký xe kiểm tra nội dung kê khai, tiến hành đăng ký cho chủ xe. Hồ sơ xe theo quy định tại Điều 8, Điều 9 và trình tự cấp đăng ký, biển số theo quy định tại Điều 10 Thông tư này.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ
Thông tư số 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/8/2020.
Đáng chú ý, Thông tư quy định cụ thể quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát, như sau:
Thứ nhất, được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
Thứ tư, được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Thứ năm, được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Thứ sáu, thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Điều 16 của Thông tư quy định Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ