KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 14/10/2020 - Lượt xem: 100
Chủ động đối phó với bão và mưa lớn của hoàn lưu bão số 7

Để chủ động đối phó với bão và mưa lớn của hoàn lưu bão số 7, ngày 13.10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh có Công điện số 03/CĐ-PCTT điện: Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên; Chủ tịch UBND, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã và thành phố Hưng Yên; Công ty Điện lực Hưng Yên; Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Khai thác công trình thủy lợi tỉnh; Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên.

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã và thành phố; Công ty Điện lực Hưng Yên, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên khẩn trương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã và thành phố: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-CTUBND ngày 26.3.2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý đê điều, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2020 tỉnh Hưng Yên; Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 10.4.2020 của UBND tỉnh về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, các phương án trọng điểm cấp tỉnh, cấp huyện. Tổ chức trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, bão; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" để phòng mưa, bão. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra, bảo đảm an toàn cho người, công trình và tài sản, an toàn hệ thống đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, các sự cố đã xảy ra trước đó chưa kịp khắc phục. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu và sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên, các phương tiện truyền thanh cấp huyện, cấp xã tăng cường thời lượng phát sóng, thường xuyên đưa tin về diễn biến của bão, mưa, để người dân, các tổ chức, doanh nghiệp biết, chủ động phòng, tránh, ứng phó.

Công ty Điện lực Hưng Yên kiểm tra an toàn hệ thống điện, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cấp điện 24/24 giờ, xử lý kịp thời các sự cố về điện. 

UBND các huyện, thị xã và thành phố: Chỉ đạo, hướng dẫn người dân neo đậu tàu thuyền trên sông, neo giữ lồng bè nuôi thả cá; chằng chống nhà cửa, kho tàng, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây; triển khai phương án bảo đảm an toàn cho các công trình công cộng, đặc biệt trụ sở cơ quan, trường lớp học, cơ sở y tế hoặc công trình đã xuống cấp có khả năng dột, tốc mái,... Triển khai hiệu quả phương án phòng, chống úng, các phương án bảo vệ trọng điểm đê điều, phương án hộ đê; chỉ đạo các địa phương, đơn vị và người dân chủ động nạo vét, khơi thông các vị trí ách tắc dòng chảy; khẩn trương thu hoạch lúa và các loại cây rau màu, hoa đã đến kỳ thu hoạch; đối với cây ăn quả, tập trung thu hoạch nhanh, gọn đồng thời chủ động các phương án chằng chống đề phòng mưa lớn, gió mạnh; đối với nuôi trồng thủy sản chủ động thu hoạch khi đã đến kỳ thu hoạch, điều tiết nước trong các ao nuôi và có các phương án đảm bảo an toàn cho việc nuôi trồng thủy sản. Chỉ đạo, đôn đốc các ban quản lý dự án và nhà thầu thi công xây dựng các công trình có liên quan đến công trình thủy lợi, công trình đê điều  trên địa bàn chủ động có phương án và đảm bảo khơi thông dòng chảy, đảm bảo an toàn cho công trình đang thi công xây dựng và các công trình có liên quan.

Sau khi mưa bão kết thúc: Đối với diện tích trồng rau màu, dọn sạch tàn dư rau màu bị dập nát, xới xáo, phá váng, trồng dặm, trồng bù những diện tích rau màu bị gẫy, đổ, dập nát do mưa, bão. Đối với cây ăn quả: Kịp thời khơi rãnh, tiêu thoát nước đọng trên vườn, dọn vệ sinh vườn, xới xáo phá váng trên mặt vườn và tiến hành các biện pháp chăm sóc theo quy trình của từng loại cây. Đối với chăn nuôi: Tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, nơi công cộng; xử lý nguồn nước, tiêm phòng bổ sung kịp thời. Thống kê kịp thời báo cáo các thiệt hại để có biện pháp xử lý và khắc phục ngay.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh: Chủ động gạn, tháo, tiêu rút nước đệm bảo đảm chống úng triệt để; kiểm tra hoạt động của hệ thống, thiết bị, máy bơm, cửa cống, khả năng tiêu thoát của hệ thống sông trục, kênh mương, mặt ruộng, sẵn sàng các điều kiện để kịp thời bơm tiêu thoát úng khu vực chuyên canh nhãn, chuối, cây có múi.. và khu đô thị, khu dân cư; tăng cường công tác trực ban, điều hành hệ thống trạm bơm, kịp thời chỉ đạo bơm tiêu úng.

Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên: Kiểm tra cắt tỉa cành, chống giữ bảo vệ cây đô thị, cột điện, dọn thoáng hành lang điện, cáp quang; chủ động khơi thoáng hệ thống rãnh thoát nước, bảo đảm tiêu thoát nước thuận lợi khi có mưa lớn xảy ra.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, tăng cường theo dõi chặt chẽ các thông tin về diễn biến của bão, mưa lớn và tình hình ngập úng; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Nguồn: baohungyen.vn
 
Tin liên quan