Trong những ngày tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh của Bác kính yêu với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính. Đã 49 năm Bác đi xa nhưng sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức vĩ đại, sáng ngời của Người vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập
khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh (thời thơ ấu tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời thơ ấu, Nguyễn Sinh Cung sống trong sự chăm sóc đầy yêu thương của ông bà ngoại và cha mẹ. Nguyễn Sinh Cung ham hiểu biết, thích nghe kể chuyện và hay hỏi những điều mới lạ. Đó là cả thế giới tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung trước khi rời quê theo cha vào Huế.
Hơn 5 năm sống ở kinh thành, Nguyễn Sinh Cung thấy được nhiều điều mới lạ, cậu bé thấy ở đây có nhiều lớp người, lại có những ông Tây da trắng nghênh ngang, những ông quan Nam triều bệ vệ, người lao động thì sống đau khổ, tủi nhục... Tất cả đã in sâu vào kí ức của Nguyễn Sinh Cung. 11 tuổi, Nguyễn Sinh Cung phải chịu nỗi đau quá lớn, vĩnh biệt người mẹ cần mẫn, đảm đang, hết mực yêu thương chồng con. Trở về quê hương, được làm lễ vào Làng với tên gọi mới là Nguyễn Tất Thành. Ở đây, cậu thiếu niên Nguyễn Tất Thành đã được học chữ, học lòng yêu nước thương dân, nhờ đó đã dần dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất nhà tan.
Tháng 5/1906, Nguyễn Tất Thành lần nữa theo cha vào Huế. Tại đây, Nguyễn Tất Thành đã được học lớp sơ đẳng rồi vào Trường Quốc học Huế. Lúc này, Nguyễn Tất Thành bắt đầu được tiếp xúc với sách báo Pháp, được học và nói chuyện với các thầy giáo yêu nước giảng dạy, ý muốn đi sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi thành tựu văn minh nhân loại đã từng bước lớn dần lên trong tâm trí của Nguyễn Tất Thành.
Ngày 05/6/1911, từ bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên đường sang phương Tây, mang theo mình một khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước để đem lại: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Sau gần 10 năm tìm đường cứu nước với nhiều tên gọi khác nhau, tại Pháp, thay mặt cho “nhóm người yêu nước An Nam”, tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. Nguyễn Ái Quốc đã đi đến nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản và nhiều nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin con đường giải phóng của giai cấp công nhân và nhân dân các nước thuộc địa. Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Sau một thời gian chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của những người cộng sản Việt Nam, năm 1930, được sự phân công của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Hội nghị này có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Từ nước ngoài, theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở trong nước. Đến năm 1940, Người trở về nước và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (năm 1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đập tan âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng.
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại muôn vàn tiếc nuối cho toàn Đảng, dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới.
Cả cuộc đời cách mạng gần 60 năm, Người đã chiến đấu chống áp bức, bất công, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, cho dân tộc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Người đã hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc, mà còn là nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc; không chỉ là một chính trị gia vĩ đại, mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của dân tộc Việt Nam, đã trở thành văn hóa dân tộc. Sự đóng góp của Hồ Chí Minh về văn hóa không chỉ ở phương diện lý luận mà còn thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, tỏa sáng trong mỗi việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan hệ với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Cốt lõi trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người đề cao lý tưởng cứu nước, cứu dân “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Hồ Chí Minh quan niệm: Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh. Đó là một nhân sinh quan, một triết lý sống trọng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hoàng Oanh (tổng hợp)