TCCSĐT - Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Bác Tôn) là một trong số các chiến sĩ lớp đầu của phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn từ một công nhân, lính thợ đến tổ chức đấu tranh cách mạng, từ ngục tù Côn Đảo đến tham gia kháng chiến, và trải qua các chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho đến khi làm Chủ tịch nước vẫn luôn toát lên sự khiêm tốn, giản dị của một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng và điển hình của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
|
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc sáng 13-5-1975. Ảnh: vtv.vn |
Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
Vốn là người mang trong mình khát vọng tự do, đồng chí Tôn Đức Thắng là người hành động theo cách mạng vô sản trước khi đến với chủ nghĩa cộng sản. Lý tưởng đạo đức cách mạng mà đồng chí theo đuổi là lý tưởng đạo đức của chủ nghĩa cộng sản. Các phẩm chất đạo đức cách mạng của đồng chí Tôn Ðức Thắng được hình thành, củng cố, hoàn thiện và phát huy tác dụng thông qua thực tiễn cách mạng. Liên tục những năm 1927, 1928, 1929, đồng chí là Ủy viên Thành bộ Sài Gòn, Ủy viên Kỳ bộ Nam Kỳ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được phân công phụ trách phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ lớn. Trung tuần tháng 7-1929, đồng chí bị địch bắt tại Sài Gòn. Chúng coi đồng chí là loại tù nguy hiểm cần phải nhốt riêng không cho liên lạc với ai nên đã đưa vào Khám vị thành niên. Ở đây, đồng chí đã dần cảm hóa được nhóm thanh niên lầm lỡ do hoàn cảnh xã hội xô đẩy. Một năm sau đó, Tòa đại hình kết án đồng chí Tôn Đức Thắng 20 năm tù khổ sai và tháng 6-1930, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo với số tù là 5289. 15 năm tù đày ở nhà tù Côn Đảo (1930 - 1945) thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường với kẻ địch và tình cảm nồng thắm, đầy tính nhân văn với đồng đội của đồng chí Tôn Đức Thắng. Liệt vào loại tù nguy hiểm, vừa ra tới Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng đã bị bọn chủ ngục giam vào cầm cố ở Sở tải thuộc Banh I (ở đây, đa số là tù án nặng thuộc loại hình sự như cướp của, giết người, trộm cắp chuyên nghiệp, rất hung dữ). Bằng tình cảm chân thành, chan hòa và lý tưởng cộng sản cao cả, đồng chí Tôn Đức Thắng đã dần cảm hóa những người tù lưu manh ở Sở tải. Trong lao tù, đồng chí vẫn tìm cách truyền hơi ấm của tình đồng chí, đồng đội, truyền ngọn lửa cách mạng của người cộng sản kiên trung bất khuất tới những người cùng cảnh ngộ. Đồng chí Tôn Đức Thắng dạy cho anh em học văn hóa, học tiếng Pháp, cùng họ hát những khúc ca hùng tráng của bài Quốc tế ca.
Để khống chế, hạn chế tầm ảnh hưởng của đồng chí Tôn Đức Thắng đối với những tù nhân khác, bọn chủ ngục đã bắt đồng chí phải làm “cặp rằng” với âm mưu mượn tay những người tù lưu manh giết hại đồng chí. Đồng chí Tôn Đức Thắng đã khôn khéo đấu tranh, thực hiện một cuộc “cách mạng” ở đây. Đồng chí đã kiên trì giáo dục, giác ngộ, dìu dắt anh em tù đứng lên đấu tranh đòi cải thiện chế độ làm việc nặng nhọc, sinh hoạt khổ sở của người tù bị nhốt trong Hầm xay lúa. Kết quả là, số lượng lúa xay mà bọn chủ khoán đã giảm; việc nặng thay nhau làm, có thời gian nghỉ trưa; người ốm được chăm sóc; không khí đoàn kết được xây dựng. Số tù lưu manh không dám dở thói hống hách, côn đồ với các tù nhân khác. Hơn nữa, lợi dụng chức vụ “cạp rằng”, đồng chí Tôn Đức Thắng đã thực hiện thông tin liên lạc giữa các khám và các banh với nhau. Đây là công việc rất nguy hiểm, vì nếu bị phát hiện, địch sẽ có những hình phạt tàn khốc. Vì hoạt động tích cực và có tầm ảnh hưởng sâu rộng tới các tù nhân, cho nên cũng chính tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng đã được chi bộ Đảng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tham gia Ban lãnh đạo nhà tù.
Trải qua 15 năm bị tù đày tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng đã biến ngục tù thành lò luyện ý chí đấu tranh, thành trường học cộng sản. Đồng chí đã nêu cao tấm gương sáng về lòng trung thành, sự tận tụy, phấn đấu hy sinh hết mình vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và trở thành tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Vì thế mà đồng chí Lê Duẩn cùng ở Côn Đảo với đồng chí Tôn Đức Thắng đã nhận xét: “Trong tù đầy vô cùng khắc nghiệt, vậy mà Bác Tôn luôn luôn lạc quan, giữ lòng tin tưởng, sống với anh em chân tình, ấm áp”. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phải sống với nhau có tình có nghĩa”(1). Những ngày tháng bị tù đày trong ngục tù đế quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng đã lĩnh hội và thể hiện đầy đủ tinh thần nhân văn cao cả đó là: sống chí tình, chí nghĩa, nhân ái, thủy chung với đồng chí, bạn bè và những người cùng cảnh ngộ.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Tôn Đức Thắng thoát khỏi nhà tù, gông xiềng đế quốc. Vừa đặt chân đến đất liền thì cuộc kháng chiến bùng nổ, đồng chí tham gia ngay vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Do tình hình và yêu cầu cấp bách của cách mạng, đồng chí chưa thể về thăm vợ con, mà đến ngay Cần Thơ nhận nhiệm vụ và phải đến năm 1954, tại Hà Nội, gia đình đồng chí Tôn Đức Thắng mới được hội ngộ. Đây là một hình ảnh tiêu biểu cho tấm gương hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, “vì nước quên nhà” của đồng chí Tôn Đức Thắng.
Trong vòng 35 năm (1945 - 1980), đồng chí Tôn Đức Thắng đã giữ nhiều chức vụ trọng trách trong Ðảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận như: Tổng Thanh tra của Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước… Ở cương vị trọng trách nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, cùng Trung ương Ðảng, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận lãnh đạo nhân dân góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng.
Nói về tấm gương đạo đức cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “... Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người. Tinh túy của chất ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng mặc dù mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị hồn nhiên, trong sáng” (2). Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã viết: “Bác Tôn là con người vô cùng giản dị, vẫn là người công nhân, vẫn giữ cái búa, cái kìm... và tự chữa lấy xe đạp của Bác. Bác Tôn của chúng ta là một con người như thế, một người công nhân tiêu biểu cho tinh thần cách mạng, đạo đức cách mạng cao quý nhất của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam, của Đảng chúng ta, của dân tộc Việt Nam chúng ta” (3). Cố Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công khẳng định: “Cùng với lòng trung thành, tận tụy, lập trường vững vàng, tinh thần dũng cảm bất khuất, ở Bác Tôn còn nổi lên đức tính khiêm tốn, giản dị, chân thành, hòa mình trong quần chúng” (4).
Điển hình của tinh thần đại đoàn kết
Đối với Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tình cảm yêu nước gắn liền với tinh thần quốc tế vô sản chân chính. Sự cống hiến lớn lao của đồng chí cho nền độc lập dân tộc và hòa bình thế giới đã được nhân dân thế giới kính mến. Vì thế, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người Việt Nam đầu tiên được Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lê-nin, xứng đáng là một chiến sĩ xuất sắc của phong trào hòa bình thế giới, từ đó góp phần quan trọng vào củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế của nhân dân Việt Nam.
Từ sự kiện năm 1919 đến khi từ trần năm 1980, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã có trên 60 năm cống hiến trọn vẹn, liên tục, có hiệu quả cho phong trào cách mạng thế giới, xứng đáng là một trong những vị lãnh tụ tiêu biểu nhất cho tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng, thủy chung. Điều đó được thể hiện cụ thể trong những ghi nhận, đánh giá của bạn bè thế giới:
Điện chia buồn của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô khi Chủ tịch Tôn Đức Thắng qua đời, có đoạn ghi: “Đồng chí Tôn Đức Thắng..., người con trung thành của nhân dân Việt Nam, người bạn chiến đấu của đồng chí Hồ Chí Minh, người chiến sĩ quốc tế kiên cường, người bạn lớn của Liên Xô, người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp hòa bình và chủ nghĩa xã hội” (5).
Nhận xét về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô L.I. Brê-giơ-nhép đã nhấn mạnh: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một chiến sĩ quốc tế có uy tín của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và tiến bộ trên toàn thế giới - trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam cũng như trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, hữu nghị, tiến bộ và phát triển của các dân tộc trên thế giới. Tên tuổi đồng chí Tôn Đức Thắng gắn liền với lịch sử và củng cố các mối quan hệ giữa Liên Xô và Việt Nam” (6).
Không chỉ là hiện thân, điển hình của tinh thần quốc tế vô sản chân chính Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn là người tiêu biểu cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Trong bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” của tình thế cách mạng Việt Nam đầu năm 1946, nhiệm vụ vô cùng quan trọng lúc này là phải đoàn kết được toàn dân tộc nhằm cô lập kẻ thù, góp phần bảo vệ thắng lợi thành quả của Cách mạng tháng Tám, đồng chí Tôn Đức Thắng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng tin tưởng giao trọng trách là Phó Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam. Sau khi Hội trưởng Huỳnh Thúc Kháng qua đời (năm 1947), đồng chí được tín nhiệm làm Hội trưởng Hội Liên Việt. Là người miền Nam sống trên đất Bắc với khí hậu thay đổi thất thường cùng bệnh tật hậu quả của những tháng bị tù đầy, tra tấn, song đồng chí Tôn Đức Thắng vẫn kiên trì thực hiện khẩu hiệu: “Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”. Đồng chí đã không quản ngại khó khăn vượt đèo, lội suối, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhân sĩ, trí thức, đại diện lãnh đạo các đảng phái, chức sắc, các tôn giáo nhằm làm cho mọi người nhận thức rõ thời cuộc, chính sách của Chính phủ kháng chiến và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chống thực dân xâm lược.
Trong phiên họp ngày 08-11-1946, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khi Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh nói lời từ chức, trao quyền để Quốc hội lựa chọn người đứng ra thành lập Chính phủ mới, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đứng lên phát biểu giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh là người xứng đáng nhất đứng ra thành lập Chính phủ mới. Đây không chỉ là lời đề cử của cá nhân Bác Tôn, mà chính là lời tín nhiệm của hàng ngàn người dân Nam Bộ đang ngày đêm đấu tranh cho nền độc lập, thống nhất đất nước dành cho Cụ Hồ. Sau sự đề cử này, Quốc hội đã đồng ý ủy nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ mới. Sự kiện này đã làm phá sản âm mưu của nhóm đại biểu Quốc hội trong các đảng phái phản động, vì họ đã chuẩn bị một “danh sách tân chính phủ” gồm không ít kẻ cơ hội, núp bóng ngoại bang, phản bội lại lợi ích của dân tộc.
Tháng 6-1948, Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Trước đó, Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định cử đồng chí Tôn Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, làm Trưởng Ban Trung ương vận động Thi đua ái quốc. Tháng 3-1951, Hội Liên Việt với Mặt trận Việt Minh được thống nhất thành Mặt trận Liên - Việt, đồng chí Tôn Đức Thắng tiếp tục được tín nhiệm làm Chủ tịch. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Mặt trận Liên - Việt và phong trào thi đua ái quốc đã có sự phát triển mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trong toàn quốc, góp phần đáp ứng yêu cầu toàn dân, toàn diện kháng chiến theo chủ trương của Đảng. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, phát triển, tạo thế và lực để Đảng ta quyết định chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn kết thúc, dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.
Tháng 9-1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất đã được tổ chức tại Hà Nội và quyết định lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại Đại hội này, đồng chí Tôn Đức Thắng đã kêu gọi đồng bào cả nước: “Chúng ta cùng chung một Tổ quốc, cùng có chung hàng nghìn năm lịch sử, đau khổ có nhau, vinh quang có nhau. Điều đó đã gắn liền đồng bào toàn quốc, gắn liền đại biểu chúng ta làm một khối” (7). Đồng chí đã động viên cả nước ra sức thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”.
Là người lãnh đạo liên tục và lâu năm nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ tháng 9-1955 đến tháng 02-1977), Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã góp phần to lớn vào nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, đoàn kết toàn dân, quyết tâm thực hiện các mục tiêu trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Để có được thành công như vậy, Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngay từ rất sớm đã khẳng định: Đảng phải phát huy chủ nghĩa yêu nước, phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, phải phân tích, nắm vững và xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, mối quan hệ giữa lợi ích toàn thể và bộ phận, nhằm xác định đúng “những điểm chung cho toàn thể dân tộc”. Để thực hiện thành công khối đại đoàn kết dân tộc thì vai trò của Đảng là vô cùng quan trọng, vì thế mà Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã nhấn mạnh: Đảng phải là hạt nhân đoàn kết và phải luôn nêu cao sự lãnh đạo của Đảng. Bởi vậy, vấn đề hàng đầu để đoàn kết toàn dân là phải đoàn kết từ trong nội bộ Đảng và sự đoàn kết đó không chỉ là sự thống nhất tư tưởng, hành động trong thực hiện đường lối của Đảng mà còn là tình cảm tôn trọng, yêu mến, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người đảng viên cộng sản. Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã phê phán những quan điểm sai lầm cho rằng, “công tác mặt trận do ngành mặt trận chuyên trách” và đồng chí khẳng định công tác xây dựng, củng cố, phát triển mặt trận là nhiệm vụ “toàn Đảng phải chăm lo” (8).
Năm 1958, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của đồng chí Tôn Đức Thắng (ngày 20-8), Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất. Tại lễ trao tặng, trước khi gắn tấm Huân chương Sao Vàng lên ngực áo đồng chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui và xúc động phát biểu: “… Là một chiến sĩ cách mạng dân tộc và chiến sĩ cách mạng thế giới, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại... Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân... Thay mặt nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng, là huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và là người rất xứng đáng được tặng Huân chương ấy” (9). Lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên tất cả về phẩm chất đạo đức cách mạng, về sự cống hiến của Bác Tôn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói riêng và cho nền hòa bình, phong trào cách mạng thế giới nói chung./.
PGS, TS. Nguyễn Xuân Trung
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 668
(2) Xem: Chủ tịch Tôn Đức Thắng: Một chiến sĩ cách mạng kiên cường mẫu mực, http://cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/chu-tich-ton-duc-thang-mot-chien-si-cach-mang-kien-cuong-mau-muc-263217.html
(3), (4), (5), (6) Xem: Tlđd, http://cpv.org.vn/tu-tuong-van-hoa/chu-tich-ton-duc-thang-mot-chien-si-cach-mang-kien-cuong-mau-muc-263217.html
(7) Đồng chí Tôn Đức Thắng, người chiến sỹ cộng sản kiên cường, mẫu mực, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1982, tr. 32
(8) Xem: Chủ tịch Tôn Đức Thắng nói về công tác mặt trận, báo Nhân Dân, số 9428, ngày 05-4-1980
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 220 - 221
Nguồn: tapchicongsan.org.vn