KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 03/12/2018 - Lượt xem: 131
Công tác quản lý tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến

Hưng Yên là vùng đất nằm ở châu thổ sông Hồng, nơi có bề dày lịch sử, truyền thống văn hiến, cách mạng. Toàn tỉnh có hơn 1.210 di tích, 164 di tích xếp hạng quốc gia, 196 di tích cấp tỉnh và hơn 400 lễ hội dân gian[1]. Hưng Yên hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật có giá trị như thần tích, sắc phong, câu đối, văn bia... Nơi đây kết tinh lưu giữ nhiều giá trị trầm tích văn hóa của vùng châu thổ Bắc Bộ. Trong đó có di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích Phố Hiến, lưu giữ được 16 di tích lịch sử tiêu biểu mang giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật như: Văn Miếu Xích Đằng, Đền Mây, chùa Chuông, chùa Hiến…

Đồng chí Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích Phố Hiến
Khu di tích Phố Hiến tọa lạc trên địa bàn Phố Hiến - một đô thị cổ được hình thành vào cuối thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI. Vùng đất này gắn liền với nhiều tên gọi như: Hoa Dương, Hiến Nam, Hiến Thị, Phố Khách, Phố Thiên Triều..., và tên gọi Phố Hiến vẫn tồn tại đến ngày nay. Khu di tích Phố Hiến được Thủ tướng chính phủ nước CHXH Việt Nam ra Quyết định số 2408/QĐ-TTg, ngày 31 tháng 12 năm 2014 công nhận tại mục 11, điều 1. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định thành lập Ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến trong đó quy định, Ban Quản lý khu di tích Phố Hiến trực tiếp quản lý các di tích gồm: Văn Miếu Xích Đằng, đền Mây, đình An Vũ, đền Nam Hòa, đình Hiến, Đông Đô Quảng Hội, đền Trần, đền Mẫu, đền Thiên Hậu, đền Bà Chúa Kho, Võ Miếu, đền Cửu Thiên Huyền Nữ, đền Nam Hải Đại Vương; quản lý gián tiếp theo quy định của pháp luật các di tích là các cơ sở tôn giáo: chùa Chuông, chùa Hiến, chùa Phố, chùa Nễ Châu[2].
Khu di tích Phố Hiến bao gồm 16 di tích và cụm di tích tiêu biểu nằm trong quần thể di tích Phố Hiến cổ, có giá trị lịch sử văn hóa lớn, phản ánh quá trình phát triển của vùng đất này trong một giai đoạn lịch sử dài. Do đó, địa danh “Phố Hiến” được lấy đặt tên cho khu di tích[3].
Năm 2014 đến nay, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, phát huy Khu di tích Phố Hiến đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo lại được đông đảo nhân dân ủng hộ và đóng góp tâm sức nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác quản lý xây dựng các di tích văn hóa, lịch sử, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng tiếp tục được tăng cường. Việc quản lý đất đai tại các di tích được chú trọng, bước đầu đã triển khai việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích nằm trong Khu di tích Phố Hiến. Công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Phố Hiến đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các lễ hội tại các di tích nằm trong quần thể di tích Phố Hiến được tổ chức đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương; phần hội diễn ra phong phú, hấp dẫn đã tạo được sức lan toả, lôi cuốn, góp phần thu hút đông đảo nhân dân tham gia… Những thành tựu đó đã đóng góp quan trọng vào quản lý Khu di tích Phố Hiến, giúp cho di tích này thực sự trở thành một phần di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng nơi đây, là động lực phát triển, hướng tới mục tiêu xây dựng con người Hưng Yên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Di tích Đông Đô Quảng hội (Ảnh: Minh Hoàng)
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tại Khu di tích Phố Hiến còn chưa tương xứng với giá trị, tầm vóc của di sản. Việc quản lý, bảo vệ di tích, bảo quản cổ vật, di vật, hiện vật tại một số địa phương còn chưa hiệu quả. Một số di tích hạn chế về diện tích, nằm xen kẽ trong các địa bàn dân cư nên việc tổ chức các hoạt động văn hoá tại di tích gặp khó khăn như: Đền Trần, Đền Mẫu, Đền Thiên Hậu,… Các lễ hội bị sân khấu hóa quá nhiều (lễ hội dân gian Phố Hiến), việc tổ chức mang tính báo cáo, thiếu sự tham gia thực chất của người dân. Nguồn kinh phí đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia và của tỉnh, nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo các Khu di tích Phố Hiến còn hạn chế so với tổng số di tích trên địa bàn tỉnh. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa huy động được sự vào cuộc của cả cộng đồng tham gia bảo vệ di tích Phố Hiến; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa còn chưa đáp ứng yêu cầu. Ý thức bảo vệ và tôn trọng di sản của nhân dân chưa cao.
Để bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Phố Hiến, đòi hỏi phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự chung tay của toàn thể các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân.
Thứ nhất, các cấp chính quyền cần thực hiện hiệu quả Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), vận dụng linh hoạt các Nghị định của Chính phủ, tỉnh Hưng Yên cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Khu di tích Phố Hiến. UBND tỉnh cần có một định hướng cụ thể cho công tác quản lý di tích. UBND cần có những quy định cụ thể, chiến lược quy hoạch và quản lý di tích. Đẩy mạnh và tạo điều kiện để các cơ quan chức năng như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý di tích tỉnh thực hiện phòng chống xuống cấp di tích.
Thứ hai, Ban quản lý di tích Phố Hiến phải là cầu nối giữa các khâu của công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa; cần hợp tác, phối hợp phòng văn hóa UBND thành phố Hưng Yên thực hiện tốt các khâu trong công tác quản lý di tích. Đồng thời Ban quản lý di tích Phố Hiến cần báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh về các hạng mục xuống cấp, để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh mời các chuyên gia, xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt trùng tu các hạng mục di tích đảm bảo nguyên gốc và thiết kế đã được phê duyệt.
 Thứ ba, để công tác quản lý di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Phố Hiến tốt hơn cần sự phối hợp giữa các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn thành phố như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Khu di tích. Gắn công tác thi đua với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tới từng các cán bộ đảng viên, phường, xã, khu dân cư nơi có di sản văn hóa.
Thứ tư, huy động khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội; cần đa dạng nguồn vốn cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Khu di tích Phố Hiến. Hình thức công đức, ủng hộ của nhân dân cũng phong phú, ngoài việc công đức bằng tiền mặt còn có các hình thức quyên góp về vật liệu xây dựng, công đức các đồ thờ tự, công sức bảo vệ, gìn giữ di tích. Chính nhờ nguồn kinh phí của nhà nước và kinh phí nhân dân đóng góp mà trong những năm gần đây nhiều di tích nằm trong Khu di tích Phố Hiến được tu bổ, tôn tạo khang trang sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, phục vụ tốt hơn nữa đời sống tinh thần của cộng đồng.
 
Qua nghiên cứu, khảo sát thực trạng về công tác quản lý  di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Phố Hiến cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số tồn tại cần được khắc phục. Các giải pháp cụ thể về: Giải pháp về chỉ đạo, điều hành và cơ chế, chính sách; Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phát triển nguồn nhân lực; Về quản lý bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích; Về tăng cường nghiên cứu khoa học; Về tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và khai thác, phát huy giá trị di tích; Phát huy vai trò cộng đồng đã góp phần khắc phục những mặt hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Khu di tích Phố Hiến. Đồng thời, những giải pháp đó sẽ góp phần vào việc phát huy các giá trị của Khu di tích Phố Hiến phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo
[1] Sở VH, TT & DL Hưng Yên (2016), Hưng Yên di tích lịch sử văn hóa, Hưng Yên. Giấy phép xuất bản số 58/GP-STTTT ngày 28-11-2016. tr.4.
[2] Quyết định số 2156/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành ngày 28-7-2017 về việc thành lập Ban quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến (gọi tắt là Ban Quản lý khu di tích)
[3] Ban Quản lý di tích tỉnh Hưng Yên (2014) “Lý lịch Khu di tích Phố Hiến, thành phố Hưng Yên”, Hưng Yên. tr.3.
4. Nguyễn Khắc Hào - Nguyễn Đình Nhã (2014), Phố Hiến, Nxb Khoa  học xã hội.
5. Sở Văn hoá, Thông tin - Thể thao Hải Hưng (1994) Phố Hiến kỉ yếu hội thảo khoa học.
Xuân Trường
Nguồn: spnttw.edu.vn
 
 

 

Tin liên quan