Với những cống hiến xuất sắc trong 90 năm, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đã hai lần vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý.
Tuyến đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng thanh niên xung phong luôn có mặt ở những điểm nóng, dũng cảm quên mình lao động để đảm bảo con đường thông suốt. (Nguồn: TTXVN)
Cách đây 90 năm, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ra đời, tạo nên bước ngoặt trọng đại của tuổi trẻ Việt Nam. Trải qua các thời kỳ lịch sử, các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên luôn xác định: giữ gìn, phát huy truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam và tổ chức Đoàn là nghĩa vụ, trách nhiệm và là mệnh lệnh đặc biệt của trái tim và khối óc.
Dấu mốc lịch sử của thế hệ trẻ
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã đặt nền móng cho sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản. Hội nghị đã thông qua "Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động" - văn kiện nền tảng về lý luận vận động thanh niên đầu tiên của Đảng, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của phong trào yêu nước trong thanh niên đang phát triển, thực sự tạo nên những chuyển biến quan trọng trong sự nghiệp xây dựng tổ chức Đoàn.
Từ ngày 20-26/3/1931, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ hai đã dành nhiều thời gian bàn về công tác xây dựng Đảng và xây dựng Đoàn.
Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cần kíp mà Đảng phải làm, trong đó có việc phải nhanh chóng thành lập tổ chức Đoàn. Sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) đã đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta lúc bấy giờ. Đây là sự vận động khách quan phù hợp với quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam; đồng thời thể hiện quan điểm sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về vị trí, tầm quan trọng của thanh niên và công tác thanh niên.
Sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam trở thành một dấu mốc lịch sử của thế hệ trẻ Việt Nam. Từ đây, những người cộng sản trẻ tuổi đã có tổ chức riêng của mình đặt dưới sự lãnh đạo, rèn luyện trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng; luôn sắt son niềm tin với Đảng, trở thành đội dự bị tin cậy của Đảng, lực lượng đông đảo, đội quân xung kích cách mạng, trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam; luôn phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã mang nhiều tên gọi khác nhau: Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương (1931-1936), Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương (1936-1939), Đoàn Thanh niên Phản đế Đông Dương (1939-1941), Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam (1941-1956), Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (1956-1970), Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh (1970-1976), Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (từ 1976 đến nay).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thanh niên ngày càng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Bác Hồ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đoàn (tháng 3/1961) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 - một trong những ngày cuối của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai, làm ngày kỷ niệm thành lập Đoàn hằng năm.
Từ khi được thành lập đến nay, trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tập hợp, giáo dục đoàn viên, thanh niên về chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng, của Đoàn, của dân tộc, rèn luyện nên những cán bộ, đoàn viên trẻ tuổi, có tâm huyết, có trình độ, bản lĩnh chính trị và sống có lý tưởng.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tạo môi trường giúp thanh niên phát huy vai trò xung kích, trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào đấu tranh cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tham gia tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế ngày nay.
Đoàn Thanh niên đã đưa tuổi trẻ vào rèn luyện trong môi trường tập thể có tổ chức, có kỷ luật, từ đó bồi dưỡng, rèn luyện nên nhiều lớp cán bộ trong các thời kỳ cách mạng. Nhiều lớp thanh niên đã trưởng thành, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tổ chức Đoàn đã tạo ra một trường học thực tế bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức, hoàn thiện nhân cách, giúp thanh niên trở thành đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng và giới thiệu đội viên ưu tú để kết nạp vào Đoàn. Đó chính là những minh chứng rõ nét cho thấy Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã khẳng định và phát huy vai trò “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên."
Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh niên
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó."
Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến, tháng 1/1946, Người khẳng định: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội."
Vấn đề thanh niên, công tác thanh niên, phong trào thanh niên và xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản là vấn đề chiến lược của cách mạng, luôn nằm ở trung tâm chú ý của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thức tỉnh mà còn giáo dục thanh niên, đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Đảng, của Đoàn. Người truyền cảm hứng, niềm tin khoa học, lập trường, quan điểm cách mạng cho thế hệ thanh niên.
Người đã có những lời dạy nổi tiếng đối với thanh niên: "Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà." "Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn. Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào." "Thanh niên cần phải có tinh thần gan dạ và sáng tạo, cần phải có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên vượt mọi khó khăn, gian khổ để tiến mãi không ngừng. Cần phải trung thành, thật thà, chính trực"...
Nêu lên những nhiệm vụ của thanh niên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý lớp trẻ phải biết tự ý thức để tự giác rèn luyện, nhấn mạnh tới sự cống hiến, ý chí nghị lực, phấn đấu để tiến bộ không chỉ về năng lực, tính sáng tạo mà còn về đạo đức, phẩm giá, nhân cách. Thanh niên phải rèn đức, luyện tài để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp chung chứ không phải vì hưởng thụ cho cá nhân, phải vị tha chứ không vị kỷ.
Tháng 9/1950, trên đường đi chiến dịch biên giới, thăm một đơn vị thanh niên xung phong, Người đã tặng thanh niên một lời khuyên quý giá, có sức khích lệ, thúc đẩy thanh niên vượt khó và gieo niềm tin vào thắng lợi. Lời của Người đã đi vào lịch sử phong trào thanh niên, trở thành một trong những lời dạy đẹp nhất dành cho tuổi trẻ sự tự tin và tự hào - một danh ngôn về văn hóa thanh niên: "Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên."
Cho đến cuối đời, trong Di chúc để lại, Người vẫn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho thanh thiếu niên, nhi đồng. Người căn dặn Đảng và Chính phủ những điều thiết thực, với tầm nhìn xa trông rộng trong việc bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, coi đó là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết. Điều đó thể hiện sự nhất quán, thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa tư tưởng với đạo đức và phong cách của Người với thanh niên và tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Lực lượng nòng cốt cống hiến cho đất nước
Ngay sau khi thành lập, Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Từ phong trào cách mạng giai đoạn này đã xuất hiện nhiều gương thanh niên đấu tranh, hy sinh vì Tổ quốc, tiêu biểu là người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cứu quốc cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc.
Đoàn viên, thanh niên là lực lượng hăng hái đi đầu trong phong trào chống "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm." Từ tham gia kháng chiến chống Pháp, đến phong trào thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới ở miền Bắc, phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, học sinh, sinh viên ở miền Nam và các phong trào "Ba sẵn sàng," "Năm xung phong"... đến đại thắng mùa xuân năm 1975, tất cả các sự kiện lịch sử của đất nước đều có đóng góp to lớn của lớp lớp đoàn viên, thanh niên Việt Nam.
Sau ngày thống nhất đất nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) đã ra quyết định Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh mang tên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Trải qua 7 kỳ Đại hội, từ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV đến Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, hàng loạt phong trào của tuổi trẻ đã được phát động để góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với thực tiễn trong các thời kỳ phát triển của đất nước, như: "Ba xung kích làm chủ tập thể," "Hành quân theo bước chân những người anh hùng," "Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc," "Thanh niên lập nghiệp," "Tuổi trẻ giữ nước," "Thanh niên tình nguyện," "Năm xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc," "Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp," "Tuổi trẻ sáng tạo"...
Phát huy truyền thống vẻ vang trong 90 năm qua, các cấp bộ Đoàn và tuổi trẻ cả nước giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, Nhà nước và nhân dân, biến những khó khăn, thách thức thành động lực, kiên trì, kiên định thực hiện vị trí, chức năng, vai trò của mình trong hệ thống chính trị; phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; khơi dậy khát vọng dựng xây đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp thanh thiếu niên và nhi đồng; luôn tiên phong đi đầu, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, xung kích, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Với những cống hiến xuất sắc trong 90 năm, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đã hai lần vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác; qua đó khẳng định sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những cống hiến xứng đáng của thế hệ trẻ nước nhà, cũng như sự phát triển lớn mạnh của tổ chức Đoàn.
Thành quả đó là hành trang để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời./.
Nguồn: (TTXVN/Vietnam+)