VƯỢT KHÓ “VỪA CHỐNG DỊCH VỪA PHÁT TRIỂN KINH TẾ”
Năm 2020, Malaysia, quốc gia có nền xuất bản tốp 3 trong khu vực chứng kiến một sự sụt giảm nghiêm trọng với số lượng xuất bản sách in chỉ đạt 65 triệu bản sách (chưa kể sách giáo khoa). Ở Indonesia, quốc gia đứng đầu khu vực chỉ đạt là 262 triệu bản trong đó có 160 triệu bản sách giáo khoa(1).
Đối với ngành xuất bản của Việt Nam, sau 2 năm 2018 và 2019 tăng tốc với tốc độ phát triển đạt 2 con số, đưa chỉ số xuất bản phẩm/người đạt xấp xỉ 4,5 bản, tuy vượt chỉ tiêu một năm theo Quyết định 115/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhưng cú sốc COVID-19 đã khiến cho mục tiêu Việt Nam là một trong những nền xuất bản hàng đầu khu vực trở nên khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Nguyên, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)
Mặc dù đứng trước không ít những thách thức rất lớn, trong đó có yêu cầu giãn cách nhiều lần trong hơn một năm qua, nhưng ngành xuất bản Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt khó, tận dụng mọi điều kiện để hoàn thành mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”. Theo đó, dù còn nhiều khó khăn phía trước, toàn ngành mà trước hết các nhà xuất bản (NXB) đã đạt được những thành công nhất định. Cụ thể là:
Thứ nhất, nhìn từ phương diện năng lực hoạt động, với 57 NXB (giảm 2 đơn vị so với năm 2019), năm 2020, toàn ngành đạt khoảng 35.000 đầu xuất bản phẩm (khoảng trên 31.000 đầu sách) với trên 403 triệu bản xuất bản phẩm (khoảng 390 triệu bản sách), đưa tỉ lệ sách xuất bản phẩm bình quân người hằng năm đạt khoảng 4,1 bản. Trong tháng 5/2021, toàn ngành đã xuất bản trên 11 nghìn đầu sách với 150 triệu bản. Dù đây là con số chưa cao, nhất là so với yêu cầu, nhưng so sánh tương quan với nhiều quốc gia, cũng cho thấy nỗ lực lớn của các đơn vị xuất bản, trước hết là các NXB.
Thứ hai, nhìn từ phương diện nội dung, các NXB đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, đối ngoại và kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là tuyên truyền phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…
Những kết quả đạt được nêu trên, bên cạnh nỗ lực của chính các NXB, sự chủ động phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chỉ đạo, quản lý từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò của các cơ quan chủ quản.
Nhìn chung, trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan chủ quản NXB đã có sự quan tâm trong công tác chỉ đạo, định hướng hoạt động của NXB. Nhiều cơ quan chủ quản đã kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho NXB bằng những giải pháp cụ thể, như hỗ trợ tài chính, đầu tư cơ sở vật chất hoặc chính sách đặt hàng, tiêu biểu như cơ quan chủ quản của các NXB Công anh Nhân dân, Chính trị quốc gia Sự thật, Nghệ An, Đồng Nai, Trẻ, Phụ nữ Việt Nam, Thống kê, Thanh Hóa, Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Công Thương... Một số cơ quan chủ quản đã tập trung chỉ đạo NXB nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ, mở rộng liên kết chuỗi, phát triển các kênh thương mại điện tử.
Năm 2020, đã có thêm 4 NXB trong nước tham gia đăng ký xuất bản điện tử, tăng số NXB xuất bản điện tử thêm 40% so với năm 2019. |
TĂNG CƯỜNG, PHÁT HUY HƠN NỮA VAI TRÒ CỦA CƠ QUAN CHỦ QUẢN
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn không ít vấn đề đặt ra, trong đó có những mặt hạn chế liên quan đến một số cơ quan chủ quản. Trong đó có một số vấn đề chính là:
Một là, đối với việc định hướng, quản lý hoạt động chuyên môn của nhà xuất bản. Một số cơ quan chủ quản chưa thật sự quan tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như giám sát hoạt động của NXB, đặc biệt trong xử lý xuất bản phẩm vi phạm. Trong số 59 xuất bản phẩm vi phạm bị cơ quan quản lý nhà nước phát hiện và xử lý hơn một năm qua, lại tập trung ở một số NXB. Điều đó cho thấy, việc chủ động phát hiện, cũng như phối hợp xử lý những vấn đề liên quan tới nội dung các xuất bản phẩm vi phạm, nhất là những vấn đề có tính quan trọng, nhạy cảm, phức tạp chưa thực sự được cơ quan chủ quản kịp thời, quyết liệt, dẫn đến tình trạng một số NXB còn buông lỏng quản lý.
Hầu hết những vi phạm nội dung vẫn tập trung vào những vấn đề đã mắc phải từ nhiều năm nay như: 1) Nhận định không phù hợp khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là về tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc. 2) Nhận định sai lầm về cuộc chiến tranh giải phóng đất nước hoặc về hình ảnh người bộ đội. 3) Đề cập đến vấn đề phức tạp, nhạy cảm một cách phiến diện, dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội. 4) Các lỗi vi phạm chuẩn mực văn hóa.
Hai là, đối với công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho NXB, đặc biệt là nhân sự lãnh đạo. Hiện nay có 10 NXB thiếu chức danh lãnh đạo giám đốc, tổng biên tập. Việc thiếu hụt nhân sự tuy không phải là vấn đề mới bởi đặc thù của ngành khiến việc đào tạo, bồi dưỡng nhân sự lãnh đạo gặp nhiều khó khăn xuất phát từ nguyên nhân khách quan, song việc thiếu hụt kéo dài ờ một số NXB, có những đơn vị kéo dài hàng năm, cho thấy sự lúng túng trong công tác chỉ đạo, sự thiếu quan tâm thoả đáng của cơ quan chủ quản, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của đơn vị.
Ba là, đối với việc đầu tư vốn, cơ sở vật chất. Theo quy định của Luật Xuất bản, cơ quan chủ quản phải cấp vốn ban đầu và đảm bảo các điều kiện cần thiết để NXB hoạt động, nhưng trên thực tế, trong điều kiện khi mà ngành đang trong giai đoạn chuyển mình, đứng trước yêu cầu nhanh chóng hiện đại hoá, chuyển đổi số, nâng cao năng lực để hội nhập quốc tế, thì tình trạng thiếu đầu tư ở nhiều NXB đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ sống còn này.
Một số NXB đã có cố gắng chủ động tích lũy, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng với nguồn lực hạn hẹp, rất khó có đủ điều kiện để phát triển theo hướng hiện đại và chuyên môn hoá. Thực tế, năm 2020, số lượng NXB tham gia xuất bản phẩm điện tử tăng nhưng số đầu xuất bản phẩm chưa tăng tương xứng. So sánh với xu thế thế giới và tốc độ phát triển của một số nước trong khu vực, như: Indonesia, Thái Lan, cho thấy Việt Nam chòn chậm trong phát triển thị trường sách điện tử khi số NXB tham gia tăng nhưng số sách điện tử không tăng tương ứng, hiện chỉ đạt 5,6 - 5,7%. Trong khi đó, Báo cáo Thường niên 2019 của Hiệp hội các Nhà xuất bản Hoa Kỳ (The Association of American Publishers), doanh số bán sách điện tử trong năm 2019 đạt 1,94 tỷ đô la. Sách nói kỹ thuật số vẫn là phân khúc phát triển nhanh nhất trong ngành với doanh thu 1,31 tỷ đô la vào năm 2019, tăng 15,9% so với năm 2018. Trong giai đoạn 5 năm từ 2015-2019, sách điện tử dưới dạng Audio tải xuống tăng tổng cộng 143,8%. Thị trường sách điện tử Trung Quốc tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ - có số lượng người sử dụng mobile internet đạt 98%, trong đó có 84% thường xuyên đọc sách điện tử. Ở Hàn Quốc, doanh số sách điện tử năm 2010 đạt 197,5 triệu USD, năm 2011 đạt 289,1 triệu USD, đến năm 2018 đạt 583,8 triệu USD, tức tăng gấp ba lần so với năm 2010.
TINH GỌN, CHẤT LƯỢNG, HIỆN ĐẠI HÓA THEO CHỦ TRƯƠNG ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
Xuất phát từ thực tiễn hoạt động xuất bản; từ yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra, được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “sắp xếp ngành xuất bản, in, phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”; để ngành xuất bản thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh lưu giữ, truyền bá tri thức, xuất bản nhiều đầu sách hay có số lượng ấn bản lớn, tạo nên nhận thức chung, hình thành sức mạnh quốc gia, thời gian tới, cơ quan chủ quản cần tập trung chỉ đạo thực hiện có chất lượng, hiệu quả những vấn đề sau:
Thứ nhất, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực biên tập viên và nhân sự lãnh đạo kế cận đáp ứng được tiêu chuẩn và thực tiễn công việc, tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự kéo dài như một số NXB thời gian vừa qua.
Thứ hai, quan tâm đầu tư NXB đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, đóng góp vào sự phát triển - đưa ngành xuất bản trở thành ngành kinh tế, công nghệ hiện đại. Thực hiện chuyển đổi số thành công, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển.
Thứ ba, bên cạnh việc định hướng, chỉ đạo các NXB thực hiện xuất bản được nhiều sách có giá trị, đúng định hướng, có sức lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội thì các cơ quan chủ quản cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chủ quản; kịp thời uốn nắn, xử lý các sai sót, vi phạm của NXB, đặc biệt là sai phạm về nội dung xuất bản phẩm.
Thứ tư, một số cơ quan chủ quản cần nghiên cứu, xem xét và có cơ chế tạo điều kiện cho NXB trực thuộc đã có sẵn thế mạnh, tiềm lực có thể phát triển thành những NXB lớn của cả nước trong tương lai (như nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Kim Đồng, Văn hóa dân tộc, Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam...). Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đầu tư thiết thực cho những NXB có thế mạnh về đội ngũ cộng tác viên làm công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ để có thể xuất bản được những công trình nghiên cứu khoa học, những bộ sách có giá trị, áp dụng vào đời sống thực tiễn trong bối cảnh phát triển công nghệ 4.0.
Thứ năm, đối với một số NXB có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đạt yêu cầu, đề nghị cơ quan chủ quản quan tâm, hỗ trợ hơn nữa; đồng thời, có kế hoạch dài hạn để giúp NXB vượt qua khó khăn, hoạt động ổn định, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh COVID-19 cần có cơ chế hỗ trợ NXB trực thuộc, thông qua những hình thức như đặt hàng xuất bản phẩm, bổ sung kinh phí hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất...
Thứ sáu, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan quản lý trong việc định hướng các NXB triển khai Chương trình sách Quốc gia và những chương trình sách đặt hàng từ nguồn ngân sách Nhà nước, kết hợp với chương trình hỗ trợ xuất bản theo hình thức xã hội hóa.
Thực tế cho thấy, NXB nào được cơ quan chủ quản thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc... thì phát triển vững chắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ, ít sai phạm. Ngược lại, NXB nào không nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của cơ quan chủ quản, thì lúng túng, gặp khó khăn. Vì vậy, thời gian tới rất cần sự quan tâm của cơ quan chủ quản cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý trong việc chỉ đạo, định hướng, giám sát chặt chẽ và tạo cơ chế cho hoạt động của NXB phát triển./.
Nguồn: http://tuyengiao.vn
________________
(1) Số liệu mới cập nhật do Hội Xuất bản Indonesia và Malaysia cung cấp tháng 6/2021.