KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Đăng ngày: 11/10/2022 - Lượt xem: 174
Diện mạo của một vùng quê

Xã Tam Đa, huyện Phù Cừ có diện tích tự nhiên 519,7 ha, với gần 6.000 nhân khẩu. Vốn là vùng đất trũng, nằm phía đông nam của huyện Phù Cừ, Tam Đa có địa hình đất đai không bằng phẳng, cốt đất thấp, về mùa mưa bão thường xuyên bị ngập úng... Nơi đây, đất canh tác có độ phì ít, chủ yếu là đất chua phèn, đất thịt, cấy lúa năng suất thấp, thường xuyên mất mùa. Hằng năm gieo cấy được từ 60 - 70% diện tích, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Đảng bộ xã Tam Đa có 195 đảng viên, sinh hoạt tại 8 chi bộ trực thuộc. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, những năm gần đây, Tam Đa không ngừng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Những vùng đất xấu, không phù hợp cho gieo cấy lúa được xã khuyến khích nhân dân chuyển đổi trồng cây ăn quả hoặc nuôi trồng thủy sản. Chính sách này làm thay đổi cơ bản kinh tế - xã hội của xã, đưa kinh tế phát triển theo hướng thị trường. Tam Đa đã trở thành một điểm sáng, thành địa phương chuyên canh cây trồng, vật nuôi hàng đầu của huyện.
Đến năm 2021, kinh tế - xã hội của Tam Đa phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế 13,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 63 triệu đồng/người/năm, thu nhập trên một ha đất canh tác đạt 170 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm; 3/3 làng được công nhận văn hóa. Toàn xã gieo cấy được 60 ha lúa, tập trung vào một số giống lúa chất lượng cao, năng suất lúa đạt trên 125 tạ/ha/năm.
Việc triển khai thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần giúp xã hoàn thành tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa bảo đảm duy trì, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng, tình trạng ô nhiễm môi trường được hạn chế đến mức thấp nhất; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được quan tâm chỉ đạo; công tác phổ cập giáo dục được duy trì tốt, 100% giáo viên bậc tiểu học và THCS đạt chuẩn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nhân dân đoàn kết; công tác quân sự địa phương và chính sách hậu phương quân đội được thực hiện tốt. Năm 2021, xã đã tổ chức khám tuyển cho thanh niên đúng độ tuổi, giao quân 11/10 tân binh đạt 110% kế hoạch. Đến nay, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tam Đa chủ trương chuyển đổi các vùng đất trũng, không thuận lợi cho việc gieo cấy lúa, cây ăn quả sang nuôi trồng thủy sản. Đến nay, diện tích được nhân dân đầu tư nuôi trồng thủy sản lên tới 266 ha, với nhiều mô hình chăn nuôi đa dạng, phong phú đem lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích đất trồng cây ăn quả lâu năm của Tam Đa không ngừng được mở rộng, loại cây được chọn trồng chủ yếu là cây vải lai u. Cây vải lai u được nhân dân địa phương đưa vào trồng cách đây khoảng trên 20 năm, là giống vải lai u hồng. Rất thích hợp với nguồn nước, chất đất của xã nên cây phát triển tốt và cho nhiều trái. Đặc điểm của giống vải lai u hồng là: quả to, cùi dày, hạt nhỏ, chín sớm, ít tốn công chăm bón. Diện tích trồng vải của Tam Đa lên tới 196 ha, năng suất đạt 11,5 tấn/ha, giá ổn định từ 12.000 - 18.000 đồng, đời sống của nhân dân được nâng lên. Năm 2016, Vải lai u Tam Đa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu chứng nhận vải lai chín sớm Phù Cừ; vải lai chín sớm Phù Cừ được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, đã trở thành thương hiệu, được nhiều người biết đến, có mặt ở khắp các vùng miền của Tổ quốc và bước đầu xuất khẩu.
Nhận thấy cây cam đường canh là loại cây sinh trưởng khoẻ, phù hợp với xu hướng của thị trường, thời điểm thu hoạch vào tháng 11 - 12, ăn ngọt, thơm, và hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2010, cây cam đường canh được người dân Tam Đa đưa vào trồng thí điểm trên một số diện tích cấy lúa không năng suất. Đến nay, diện tích trồng của xã được mở rộng, đạt trên 53 ha, giá trị thu nhập đạt 250 triệu đồng/ha. Việc mở rộng diện tích trồng cam đường canh không những mang lại cho xã một hướng đi mới mà đã và đang góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, cho thu nhập cao, đời sống người dân vì thế được nâng cao rõ rệt.
Về Tam Đa hôm nay, không còn nhìn thấy cảnh nhà tranh, vách đất, nhân dân lam lũ kiếm sống từng ngày, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng nối tiếp nhau mọc lên, đường làng, ngõ xóm được mở rộng và xây dựng khang trang, những khu vườn vải xanh tốt kéo dài. Nhân dân Tam Đa trước kia cần cù, chịu thương, chịu khó nay trở lên năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường.
Kết quả đó có được là nhờ sự chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự nỗ lực vươn lên của người dân Tâm Đa. Ban Chấp hành Đảng bộ xã vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào đặc điểm tình hình của địa phương, khắc phục những khó khăn, khai thác hiệu quả các thế mạnh, chọn hướng đi phù hợp, cũng như quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp phục vụ nhiệm vụ chung của xã. Nhân dân Tam Đa vốn có truyền thống yêu quê hương, đất nước, được bồi đắp qua hàng trăm năm kiên cường, bền bỉ, dũng cảm đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm. Truyền thống đó tiếp tục được phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đẩy lùi đói nghèo, vươn lên làm giàu.
Những thành quả đã đạt được là nền tảng, động lực thúc đẩy để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tam Đa thực hiện thắng lợi các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đưa Tam Đa phát triển trong tốp đầu của huyện, xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong kháng chiến chống thực dân Pháp và danh hiệu “Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu” ngày nay mà Đảng và Nhà nước trao tặng.
Vũ Văn Thiện
Tin liên quan