KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 01/03/2018 - Lượt xem: 100
Diễn văn khai mạc của đồng chí Trần Thị Thanh Thủy, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16.

Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

 Kính thưa các đồng chí đại biểu khách quý!
 Thưa các nhà thơ; các văn, nghệ sỹ cùng các bạn yêu thơ thân mến!
Trong không khí toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang hân hoan đón một mùa xuân mới. Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16, Nguyên Tiêu Mậu Tuất - 2018. Đây là một hoạt động truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam.
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, tôi trân trọng gửi tới các đồng chí đại biểu khách quý; các nhà thơ; các văn, nghệ sỹ; các bạn yêu thơ lời kính chúc năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 của chúng ta thành công tốt đẹp!
Thưa các đồng chí!
Như các đồng chí đã biết, vào ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý - 1948, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã sáng tác bài thơ Nguyên Tiêu đầy lãng mạn và thấm đẫm thế sự, nhân tình cùng nỗi lòng với dân, với nước của Người. Năm 2003, được sự đồng ý của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định lấy ngày Rằm Nguyên Tiêu hằng năm làm Ngày thơ Việt Nam.
Trải qua 16 mùa xuân cùng sự phát triển của đất nước, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành hoạt động truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; là ngày hội để chúng ta tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam. Có thể nói, chúng ta luôn trân trọng vai trò và sự đóng góp to lớn của thơ ca; của các văn, nghệ sỹ, các nhà thơ đối với đời sống xã hội. Thơ không chỉ có chức năng thẩm mỹ mà còn cổ vũ, định hướng và là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thưa các đồng chí!
Hưng Yên là mảnh đất có truyền thống văn hiến, nổi danh với câu ca “Thứ nhất kinh kỳ - Thứ nhì Phố Hiến”. Nghệ thuật thơ ca ở Hưng Yên đã được phát triển từ rất sớm. Từ những thế kỷ trước, tài tướng Phạm Ngũ Lão đã có bài thơ “Thuật hoài” lay thức, cổ vũ bao thế hệ người Việt trong trường kỳ dựng nước và giữ nước; hay những bài thơ có tính “chở đạo, nói chí” của Chu Mạnh Trinh, Đoàn Thị Điểm; rồi những tác phẩm của thế hệ các nhà thơ, văn, nghệ sỹ của tỉnh chúng ta hiện nay…đã thật sự làm giàu và làm phong phú hơn cho nghệ thuật thơ ca của Hưng Yên.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16, Nguyên Tiêu Mậu Tuất năm nay được diễn ra trong bối cảnh đất nước và tỉnh Hưng Yên chúng ta đang có nhiều đổi mới tích cực. Đây là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; năm diễn ra Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Với chủ đề là: “Văn học nghệ thuật đồng hành cùng đất nước”, phát huy giá trị và thành quả thơ ca của những năm trước, tôi tin tưởng rằng, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 của chúng ta sẽ thực sự là một ngày hội để tôn vinh các nhà thơ và các tác phẩm thơ ca; là cầu nối tâm hồn để các văn, nghệ sỹ, các nhà thơ, các bạn yêu thơ xích lại gần nhau hơn; khích lệ, động viên các nhà thơ chuyên và không chuyên tích cực sáng tác, nuôi dưỡng tâm hồn thơ sống vui và cống hiến cho đời, cho công cuộc đổi mới và dựng xây quê hương, đất nước, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.
Với ý nghĩa đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16, Nguyên Tiêu Mậu Tuất - 2018.
Xin kính chúc các đồng chí đại biểu khách quý mạnh khỏe và hạnh phúc. Chúc các nhà thơ, các văn, nghệ sỹ, cùng toàn thể bạn yêu thơ có một ngày thơ đầy cảm xúc; tiếp tục sáng tác được nhiều tác phẩm hay và có giá trị.
Xin trân trọng cảm ơn!

 

Tin liên quan