Ngày 11.5, tỉnh Hưng Yên đã trọng thể tổ chức lễ đón nhận bằng ghi danh “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Hát trống quân Hưng Yên”. Đến dự có các đồng chí: Đoàn Văn Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL; địa phương có nghệ nhân hát trống quân
và đại diện nghệ nhân hát trống quân đón Bằng ghi danh
Hát trống quân là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đã có lịch sử lâu đời, sau nhiều năm có nguy cơ thất truyền, từ thập niên 80 của thế kỷ trước, người dân Hưng Yên dần khôi phục môn nghệ thuật này. Hiện nay, Hát trống quân hiện hữu tại các xã: Dạ Trạch, An Vĩ, Hàm Tử (Khoái Châu); Tân Tiến, Nghĩa Trụ, Vĩnh Khúc (Văn Giang); Đồng Than (Yên Mỹ); Bãi Sậy, Hoàng Hoa Thám (Ân Thi); Dỵ Chế, Hải Triều, Thụy Lôi, Cương Chính (Tiên Lữ); Thọ Vinh, Đức Hợp, Hùng An (Kim Động) và xã Việt Hưng (Văn Lâm).
Với những giá trị văn hóa và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể Hát trống quân trong đời sống tinh thần của người dân Hưng Yên, ngày 25.1.2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 14/KH-UBND về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Ca trù và Hát trống quân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2014 - 2020. Thực hiện kế hoạch này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Hát trống quân; tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Ca trù và Hát trống quân, dựa trên kết quả kiểm kê tiến hành xây dựng và lập hồ sơ khoa học báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa di sản văn hóa phi vật thể Hát trống quân vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 21.11.2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có Hát trống quân Hưng Yên.
Tiết mục biểu diễn của CLB hát trống quân Dạ Trạch (Khoái Châu) tại buổi lễ
Tại lễ đón nhận, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Thực hiện công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa phi vật thể nói chung và di sản Hát trống quân nói riêng; tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh lựa chọn, lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với một số di sản tiêu biểu của tỉnh; thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ở các địa phương, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản; đẩy mạnh quảng bá, gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng các câu lạc bộ hát trống quân; quan tâm hỗ trợ, phát hiện, những nghệ nhân có tài, tâm huyết, có nhiều cống hiến để đề xuất cấp có thẩm quyền tôn vinh, ghi nhận…
Nguồn:baohungyen.vn