Kỷ niệm 104 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915 - 01/7/2019)
Là một người con quê hương Hưng Yên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người "đức trọng, tài cao", suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dân tộc - Người chiến sỹ cách mạng trọng nghĩa lớn hy sinh tình riêng.
Nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh, rưng rưng nỗi xúc động về một nhân cách lớn, vì nợ nước phải chịu bao thiệt thòi, mất mát, hy sinh cả tình thâm, ruột thịt. Đồng chí Nguyễn Văn Linh tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1/7/1915 trong một gia đình công chức tại thôn Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Cậu bé Nguyễn Văn Cúc có cha là cụ Nguyễn Đức Lan làm nghề dạy học, mẹ tảo tần buôn bán kiếm thêm chút đỉnh tiền phụ vào đồng lương ít ỏi của chồng.
Trong bối cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, nhân dân lầm than, cơ cực, bần hàn, tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Văn Cúc sớm phải chịu cảnh thiệt thòi, bất hạnh. Lên 4 tuổi mất cha, gia đình mất đi trụ cột, mất đi chỗ dựa vững trãi về tình thần. Gánh nặng nuôi nấng ba chị em đè nặng đôi vai người mẹ gầy ốm tảo tần. Rồi, người chị ruột lại qua đời vì bệnh nặng. Năm 10 tuổi, mẹ đồng chí Nguyễn Văn Linh bị lao phổi nặng rồi qua đời trong nỗi nhớ quắt quay của người con thơ dại. Nhớ, thương mẹ, với thân hình gầy nhom, lần cuối cùng gặp con trước lúc lâm chung, bà còn "lần dưới gối, lấy ra một cọc xu nhét vào tay anh, vỗ về và bảo anh đừng khóc nhưng mẹ lại nghẹn ngào trong hơi thở đứt quãng". Lớn lên trong sự đùm bọc chở che, trong tình thân, tình yêu thương chia sẻ của bà nội, của chú và bà con họ hàng, người thanh niên Nguyễn Văn Cúc biết trọng nghĩa, trọng tình và thấm thía siết bao nỗi đau mất mát người thân ruột thịt.
Xuất thân trong gia đình nhà giáo, quê gốc Hưng Yên, sinh ra tại Hà Nội, lớn lên tại Hải Phòng. Cuộc sống bôn ba rèn tinh thần cứng cỏi, mười tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh sớm nhận ra những nỗi đắng cay khắc nghiệt trong cuộc sống mà gia đình và những người nghèo khổ phải gánh chịu trước cuộc sống xa hoa của người giàu có. Mười bốn tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh sớm giác ngộ, tham gia hoạt động và trở thành lớp người cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Những năm 1930, ngoài bà con họ hàng, người thân nhất với cậu bé Nguyễn Văn Cúc chỉ còn người em gái nhỏ. Thời gian này, cậu bé Nguyễn Văn Cúc học tập tại trường Bônan lớn nhất Hải Phòng và tham gia phong trào quần chúng do Đảng phát động, tham gia xây dựng tổ thanh niên học sinh đoàn, trực thuộc Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên rải truyền đơn chống đế quốc và bị bắt vào ngày 1/5/1930, bọn mật thám vì lo sợ vai trò của anh nên chúng kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo. Giữa đêm áp dải tù nhân từ Hà Nội về Hải Phòng, hòa cùng bao người dân đả đảo bọn giặc, động viên các chiến sỹ cách mạng, người em gái nhỏ của đồng chí Cúc cố hết sức gọi anh trong run run yếu ớt giữa đêm đen: Anh Cúc ơi, em nhớ anh lắm! Anh giữ sức khỏe để về với em. Tiếng gọi rồi kêu gào thương nhớ của người em gái đã chạm vào niềm thương đến nát lòng không chỉ với người anh trai duy nhất trên cõi đời mà chạm vào trái tim của bao đồng chí và bà con nhân dân. Nhưng hoàn cảnh nghiệt ngã cuối cùng cũng cướp đi người em gái ấy, một phần vì thương nhớ anh, một phần vì sống trong cảnh côi cút mà chết, chết trước khi người anh trai duy nhất còn lại được thả ra và trở về Hải Phòng. Nỗi đau của đồng chí Nguyễn Văn Linh chính là nỗi đau nếm trải cảm giác chia lìa, mất mát của người duy nhất còn sống lại trong một gia đình vốn đủ đầy yêu thương và hạnh phúc có cha, có mẹ, có chị, có em. Vượt lên trên hoàn cảnh, đồng chí Nguyễn Văn Linh càng kiên cường, vững vàng đi theo Đảng, theo ngọn cờ cách mạng!
Từ lý tưởng cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh tìm được mối nhân duyên cuộc đời mình, tình yêu cá nhân nảy nở với người vợ sau này là đồng chí Ngô Thị Huệ, đó là khi hai người đồng đội cảm mến nhau vì cùng chung chiến tuyến và lý tưởng: "Đã gắn đời mình với cách mạng, thì tình yêu cũng nằm trong cái chung ấy. Sống có ý nghĩa thì tình yêu mới cao đẹp được" và sợi dây gắn bó hai cuộc đời thành nghĩa vợ, tình chồng ấy chính là: "Hai chúng mình thuộc tầng lớp nghèo, đều có trải qua tù tội, thấm thía nỗi đau của riêng mình nằm trong nỗi đau của dân tộc, những điểm giống nhau đó sẽ giúp chúng mình dễ cảm thông nhau, sẽ biết sống và biết hy sinh cho nhau". Mối tình gắn với lý tưởng cách mạng của hai người đồng chí kết trái bằng tiệc cưới vào ngày 23/5/1948 tuy đơn giản, không có sự chứng kiến của người thân họ hàng, song được bù đắp bằng nghĩa tình vợ chồng sâu đậm, siết bao tình cảm của bạn bè đồng chí và bà con xóm làng nơi kháng chiến. Tuy chỉ ba ngày ngắn ngủi sống bên nhau, nhưng từ tình yêu và đức tin mãnh liệt về tương lai, hạnh phúc, họ đã tiếp thêm cho nhau bao sức mạnh để đấu tranh và vượt lên mọi gian khổ, hy sinh.
Chia tay người vợ thân yêu, từ giữa rừng Trường Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Linh từng tranh thủ viết vội lá thư động viên và khuyên người vợ trẻ đừng "quá buồn" nếu phải "chậm có con một chút" vì công cuộc kháng chiến, công việc Đảng còn bao nhiêu bề bộn. Thế nhưng, hai lần đồng chí Huệ vượt cạn sinh hai người con gái lớn là Nguyễn Thị Hòa và Nguyễn Thị Bình là hai lần vì nhiệm vụ mà đồng chí Nguyễn Văn Linh đều không có mặt, những cuộc ghé thăm cũng quyến luyến, vội vàng. Vì giữ bí mật, vợ cùng các con đồng chí sống trong tình yêu thương đùm bọc của các dì và bà con cơ sở. Cũng như những nữ đồng chí tham gia công tác phụ vận, đồng chí Ngô Thị Huệ cũng phải gửi con đi cơ sở với nỗi lo lắng phập phồng chiêu kẻ thù dở trò bắt con để dụ mẹ, tuổi thơ những người con của hai chiến sỹ cộng sản lớn cũng thiệt thòi vì nghĩa lớn mà thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cả bố và mẹ.
Cuối năm 1959, tình hình Nam Bộ căng thẳng, đồng chí Mười Cúc lên biên giới tiễn người vợ thân yêu và các con ra Bắc học tập và công tác. Lúc này, bé Nguyễn Hùng Linh, con trai út của đồng chí mới 18 tháng tuổi. Để luôn nhớ đến con, đồng chí đã lấy tên Linh làm bí danh hoạt động của mình từ đó.
Trong cuộc sống đời thường, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng là một người cha mẫu mực và trách nhiệm, dành yêu thương chăm sóc vô tận cho các con của mình. Theo hồi ký của đồng chí Ngô Thị Huệ, khi tiễn vợ con ra miền Bắc, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tự tay chuẩn bị bình sữa, áo ấm cho con và dặn đi dặn lại vợ: "Ra miền Bắc phải cố gắng giữ gìn áo ấm cho con, lạnh lắm". Biết tình cảm vợ chồng, con cái ruột thịt phải chia xa là buồn, nhưng vì nhiệm vụ, vì tương lai con cái, đồng chí vẫn kìm lòng động viên vợ con: "Phải coi đây là nhiệm vụ. Ở đây thằng địch không để cho con cháu mình yên đâu. Chẵng những con mình mà con các đồng chí khác rồi đây cũng lần lượt sẽ đưa ra miền Bắc để đảm bảo tương lai cho chúng nó".
Khi lửa chiến tranh rực cháy trong tim giữa chiến tuyến miền Nam, những lá thư gửi cho gia đình cũng đủ cảm nhận tình yêu thương bao la và những lạc quan tin tưởng mà đồng chí đã dành cho vợ con, những người thân yêu nhất. Song, với đồng chí Nguyễn Văn Linh, những tình cảm và sự lạc quan ấy vẫn luôn gắn liền và đặt lên trên nhất là nghĩa lớn, là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả, là vận mệnh quốc gia, dân tộc: "Các con ơi Miền Nam đang thắng to. Càng thắng to, thắng mau, mau đi đến hòa bình độc lập thì gia đình ta và bao gia đình khác càng mau được đoàn tụ. Cho nên bố khỏe và vui lắm lắm.
Bây giờ mẹ phải lo công tác tốt, bố phải nghĩ cách đánh thắng giặc Mỹ. Còn các con phải ngoan và chăm học...".
Sau ngày miền Nam giải phóng, con trai út, cũng là người con trai duy nhất của đồng chí là Nguyễn Hùng Linh, đột ngột qua đời ở lúa tuổi còn rất trẻ, giữa lúc cả bố và mẹ đều đang trên đường đi công tác ở nước ngoài. Cùng là da, là thịt, là tim người, nỗi đau con xót chắc dằn vặt như sát muối vào lòng đồng chí cùng gia đình, khi vì việc nước, cả bố mẹ cũng không được nhìn người con trai nhỏ dại duy nhất phải đối mặt với cái chết không có bố, mẹ ở bên, không được nhìn con một lần lúc con mình vĩnh viễn phải chia lìa cuộc sống để ra đi mãi mãi. Một lần nữa, vì nghĩa lớn, vì quốc gia dân tộc, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng với gia đình riêng đã chịu những nỗi đau, những mất mát không thể nào bù đắp được.
Sinh ra ở miền Bắc nhưng sống và hoạt động khắp ba miền Bắc Trung Nam, hơn nửa cuộc đời cuộc đời hoạt động là những cuộc chia ly với gia đình, vợ con để gắn bó với miền Nam ruột thịt. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã chứng tỏ một cốt cách tinh thần của người đảng viên cộng sản nhất mực trung thành, kiên cường và tận tụy, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Một con người sống tận hiếu, tận trung - vì nghĩa lớn mà hy sinh tình nhà, sự cống hiến hy sinh to lớn ấy đã ghi sâu vào tình yêu và lòng kính trọng, vào truyền thống và đạo nghĩa con người Việt Nam.
Nguyễn Văn Hạnh