Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Lực lượng Dân quân tự vệ (28/3/1935 - 28/3/2015), Tuyengiaohungyen.vn xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên.
Hưng Yên - phố Hiến xưa đã có thời kỳ phồn thịnh với câu ca “Thứ nhất kinh kỳ - thứ nhì phố Hiến”, với địa thế chiến lược, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, là “cửa ngõ Đông Nam” của Thủ đô Hà Nội và kinh thành xưa nên đã bao lần Hưng Yên từng là chiến tuyến oanh liệt giữa ta với giặc ngoại xâm. Cũng như bao miền quê Việt Nam, Hưng Yên đã có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong đó, có một phần chiến công của các thế hệ phụ nữ Hưng Yên.
1. Truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng của phụ nữ Hưng Yên
Bởi “đất linh, người tuấn kiệt” nên người Hưng Yên mang trong mình dòng máu Lạc Hồng anh hùng bất khuất. Phụ nữ Hưng Yên tự hào là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, đã bao phen khiến quân thù phải bạt vía, kinh hồn. Từ căn cứ Đầm Dạ Trạch tiêu diệt quân Lương thời Triệu Việt Vương (548 - 555), đến các đội dân binh cùng đại quân của Trần Quốc Tuấn quét sạch quân Nguyên Mông (tháng 5-1285) đều có công sức đóng góp của nhân dân Hưng Yên, trong đó có những người phụ nữ. Vào thế kỷ XV, cô đào hát Đặng Thị Huệ người huyện Tiên Lữ cũng lập nên kỳ tích giết giặc Minh, góp phần vào chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn - Lê Lợi.
Cuối thế kỷ XIX, với cuộc Khởi nghĩa Bãi Sậy - điểm sáng trong phong trào yêu nước chống Pháp của lịch sử dân tộc, Hưng Yên có nhiều nữ tướng anh hùng: Đốc binh Trần Thị Khuy (con gái ông Đốc Khuy - Tiên Kiều, Ân Thi) từng thay cha lãnh đạo nghĩa quân giành nhiều trận thắng vẻ vang, bà Lê Thị Lạc cùng 15 phụ nữ xã Lạc Đạo, bà Túc (thôn Đa Hòa - Mễ Sở - Khoái Châu) cùng chồng tham gia chiến đấu.
Đầu thế kỷ XX, nhiều phụ nữ Hưng Yên tham gia phong trào Cần Vương, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (1905 - 1907), đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh ( 1925 - 1926), tham gia tích cực vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (6-1925)…
Tháng 2 - 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Hưng Yên nói riêng đã tham gia tích cực vào các phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi cơm áo hòa bình với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, tham gia Tổng khởi nghĩa tháng 8 - 1945, cùng cả nước giành thắng lợi.
Tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng vì độc lập tự do cho Tổ quốc, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gian lao, máu lửa, phụ nữ Hưng Yên đã lập nên những chiến công vẻ vang, điển hình là phong trào Du kích Hoàng Ngân.
2. Nữ anh hùng đất Cảng và lịch sử phong trào du kích Hoàng Ngân trong kháng chiến chống Pháp ở Hưng Yên
Như chân lý cuộc sống, với những cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam: hạnh phúc nảy mầm từ gian khổ, hy sinh và có những cái chết làm nên lịch sử, những cái chết lại hoá thành bất tử, bắt đầu cho sự hồi sinh. Điều kỳ diệu ấy đã xảy ra, như một điểm sáng rực rỡ, đó là sự kết nối giữa gương hy sinh quả cảm của chị Hoàng Ngân, người nữ anh hùng đất Cảng đã bừng lên thành sức mạnh thôi thúc bao phụ nữ Hưng Yên vùng lên đấu tranh thành phong trào du kích mang tên chị, ghi những chiến công vang dội một thời.
|
Liệt sỹ Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân) |
Chị Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân, quê ở Nam Định, sinh ra trong gia đình tiểu thương yêu nước tại phố Chavassieux (nay là phố Quang Trung - Hải Phòng).
Ngay từ khi là cô nữ sinh 14 tuổi, Hoàng Ngân đã làm nhiệm vụ đưa thư từ công văn cho tổ chức và hăng hái tham gia các phong trào cách mạng. Năm 17 tuổi, chị được tổ chức kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trưởng thành trong máu lửa của cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, chị Hoàng Ngân sớm thể hiện là người có năng lực, có tài vận động quần chúng nhân dân lao động tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng. Nhanh nhẹn, mưu trí, dũng cảm, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao.
Những ngày đầu tham gia cách mạng, chị Hoàng Ngân đã đảm nhiệm việc liên lạc giữa Xứ uỷ Bắc Kỳ với Trung ương Đảng và là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Hải Phòng, làm công tác phụ vận, binh vận, xây dựng cơ sở cách mạng ở Hà Nội, Hà Đông, Hưng Yên…Tham gia tích cực vào mặt trận dân tộc dân chủ (1936 -1939). Tháng 1-1941, chị bị địch bắt và kết án 12 năm tù tại Hoả Lò (Hà Nội) khi dũng cảm giúp các đồng đội thoát vòng vây của địch. Trong tù, dù bị địch tra tấn dã man, chị vẫn một lòng trung thành với cách mạng và kiên cường vận động các tù binh đấu tranh.
Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, Hoàng Ngân vượt ngục và tiếp tục nhiệm vụ Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội, Thành uỷ viên Đảng bộ thành phố Hà Nội. Chị tích cực tổ chức Đội nữ du kích Minh Khai, chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 - 1945. Trong hai năm 1946 - 1947, chị được Xứ uỷ Bắc Kỳ điều về làm Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc tỉnh Hải Dương, sau đó làm Khu uỷ viên Khu 3 phụ trách công tác dân vận và Khu hội phụ nữ. Cuối năm 1947, Trung ương Đảng chỉ định chị làm Bí thư Trung ương lâm thời Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam, Bí thư Ban Phụ nữ cứu quốc Bắc Bộ. Tiếp đó hai năm 1948 - 1949, Hội Liên hiệp Phụ nữ phải chuyển sơ tán đi các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Cạn…Mặc dù sức khoẻ giảm sút do ảnh hưởng của thời gian bị địch giam cầm, tra tấn tại Hoả Lò, song chị vẫn tích cực vận động, đẩy mạnh phong trào, sáng lập tờ báo Tiếng gọi Phụ nữ (tiền thân của báo Phụ nữ Việt Nam ngày nay) với nhiều bài xã luận gây tiếng vang. Ngày 17-7-1949, sau một cơn sốt rét ác tính, chị Hoàng Ngân qua đời tại chiến khu Việt Bắc khi mới tròn 28 tuổi.
Với những cống hiến to lớn cho cách mạng, Hoàng Ngân được phong tặng, truy tặng các danh hiệu: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh. Sự ra đi của chị để lại niềm tiếc thương vô hạn, đồng thời thắp sáng hơn nữa ngọn lửa đấu tranh của phụ nữ cả nước nói chung và phong trào phụ nữ Khu 3, phong trào phụ nữ Hải Dương, Hưng Yên nói riêng.
Cùng phụ nữ vùng châu thổ sông Hồng, phụ nữ Hưng Yên cũng sớm đứng lên chống Pháp
Trước các cuộc càn quét quy mô lớn của địch, quân và dân Hưng Yên trong đó có phụ nữ đã chống trả quyết liệt, song giữa cuộc chiến không cân sức, quân dân Hưng Yên chịu những đau thương, tổn thất nặng nề. Lực lượng cách mạng còn lại mỏng, nhiều làng xã chỉ trụ lại người già và phụ nữ. Dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh uỷ Hưng Yên kịp thời chấn chỉnh tổ chức, xây dựng căn cứ trong lòng dân, giữ vững đường lối chiến tranh nhân dân. Đến đây, phụ nữ trở thành lực lượng giữ vai trò rất quan trọng trong phong trào kháng chiến chống Pháp ở Hưng Yên.
Để đối phó với địch trong hai năm 1946 - 1947, chị em du kích cùng nhân dân thực hiện “vườn không nhà trống”, tham gia canh gác, bố phòng, phá cầu đường, làm giao thông liên lạc, trinh sát, quân báo, đào hầm hố trú ẩn bảo vệ cán bộ, tiếp tế, cứu thương và nuôi dưỡng thương binh, thu dọn chiến trường… Các chị còn vận động chồng, con tham gia nhập ngũ, chắp mối cơ sở, xây dựng chính quyền cách mạng, đấu tranh chống địch bắt lính, dồn làng, lập vành đai trắng, chống khủng bố, đánh đập nhân dân… Trên mặt trận kinh tế, các chị, các mẹ đẩy mạnh phong trào không nộp thuế và chống cướp bóc, tích cực sản xuất, bảo vệ mùa màng. Với tất cả tấm lòng của hậu phương hướng về tiền tuyến, các chị, các mẹ lập “hũ gạo nuôi quân”, dành cho bộ đội từng chum tương, vại cà, gửi quà cho bộ đội, thương binh... Bên cạnh đó, chị em còn tham gia giúp đỡ đồng bào tản cư, tham gia luyện tập quân sự, xây dựng lực lượng tự vệ và trực tiếp tham gia chiến đấu.
Tháng 5-1947, trung đội nữ du kích Trưng Trắc được thành lập. Đây là trung đội nữ du kích tập trung đầu tiên ở Hưng Yên, tiền thân của đội Du kích Hoàng Ngân. Dưới sự chỉ huy của Tỉnh đội, trung đội Trưng Trắc đã đánh nhiều trận, tiêu diệt nhiều địch, tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết, tham gia lực lượng vũ trang, tuyên truyền, vận động nhân dân… và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đến năm 1949, phong trào du kích đã trưởng thành một bước, góp phần trong xây dựng lực lượng, tiến hành chiến tranh nhân dân theo phương châm “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của phong trào cách mạng ở Hưng Yên .
Đội nữ du kích Hoàng Ngân huyện Kim Động (Hưng Yên)
Đầu năm 1950, theo yêu cầu nhiệm vụ chung của cuộc kháng chiến, đòi hỏi cấp thiết đẩy mạnh chiến tranh du kích để đánh vào lưng địch nhằm tạo chuyển biến thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, lực lượng du kích đã phát triển mạnh mẽ khắp các thôn, xã trong toàn tỉnh, phong trào ngày càng lan rộng, thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ tham gia.
Thời gian này, Hưng Yên bước vào thời kỳ gian khó nhất của cuộc kháng chiến, cơ sở bị đảo lộn, cán bộ bị giết, bị bắt bớ, tù đầy, một số nơi chỉ còn nữ du kích và người già trụ lại. Chiến tranh du kích đang được đẩy mạnh thu hút đông đảo phụ nữ Hưng Yên tham gia thì Tỉnh hội Phụ nữ nhận được tin chị Hoàng Ngân qua đời. Đây là một tổn thất to lớn đối với phong trào cách mạng của phụ nữ cả nước nói chung và phụ nữ Hưng Yên nói riêng.
Để phát huy tinh thần chiến đấu của anh hùng liệt sỹ Hoàng Ngân, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của chị em trong tỉnh, ngày 2-2-1950, tại thôn Muội Sảng (Hưng Đạo, Tiên Lữ), Tỉnh hội Phụ nữ Hưng Yên tổ chức Lễ truy điệu chị Hoàng Ngân. Tại Lễ truy điệu, toàn thể chị em thống nhất đề nghị Tỉnh uỷ Hưng Yên thành lập Đội du kích Hoàng Ngân, lấy tên gọi phong trào kháng chiến của phụ nữ Hưng Yên là “Phong trào du kích Hoàng Ngân” Tên gọi phong trào du kích Hoàng Ngân ra đời từ đó và trở thành một lực lượng vũ trang quan trọng trong tỉnh, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Tỉnh đội Hưng Yên.
Ngày 9-2-1950, tại Thái Bình, Tỉnh uỷ Hưng Yên họp Hội nghị đặc biệt ra Nghị quyết xây dựng đội Nữ du kích Hoàng Ngân, mở trường đào tạo nữ cán bộ Du kích Hoàng Ngân. Từ đây, phong trào Du kích Hoàng Ngân phát triển mạnh mẽ hình thành hệ thống từ thôn, xã, huyện đến tỉnh. Tính đến tháng 7-1952, Đội nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên đã thu hút 7365 chị em tham gia.
Từ năm 1952, ta đẩy mạnh đánh phục kích tiêu diệt lực lượng địch, phá hết hệ thống tháp canh, hương đồn. Khu du kích được mở rộng, chị em du kích lại sáng tạo thêm nhiều cách đánh linh hoạt, chủ động “tìm địch mà diệt”. Từ năm 1953 đến đầu năm 1954, có hơn 1804 cuộc đấu tranh chống bắt lính, đòi 4574 thanh niên thoát khỏi tay giặc. Trong công tác địch vận, nòng cốt là lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân chỉ riêng tháng 7-1954 toàn tỉnh vận động được 1.400 sĩ quan, binh lính địch mang súng và 14 xe ô tô về với nhân dân.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nữ du kích Hoàng Ngân giữ vai trò quan trọng trong thế trận chiến tranh nhân dân, cùng quân dân trong tỉnh đánh hơn 1.000 trận, lập chiến công lẫy lừng. Hàng trăm nữ du kích đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, tiêu biểu là Anh hùng Bùi Thị Cúc, Trần Thị Tý, Vũ Thị Kính (tức Trần Thị Khang)…
Do lập nhiều thành tích xuất sắc tiêu biểu, một trung đội du kích Hoàng Ngân Hưng Yên được cử tham gia Lễ diễu binh lớn chào mừng Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Thủ đô sau 9 năm kháng chiến và dịp Quốc khánh 2-9-1955. Tiếp đó, phong trào nữ du kích Hoàng Ngân được Bộ Quốc phòng tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng điển hình, phổ biến cho các tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam và miền Bắc.
Ngày 10-4-2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 278/2001/QĐ - CTN phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên.
3. Những điểm sáng từ phong trào du kích Hoàng Ngân thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Hưng Yên
Nhìn lại phong trào du kích Hoàng Ngân, một thời máu lửa của phụ nữ Hưng Yên, để suy ngẫm và học hỏi, có nhiều điểm sáng, nhiều bài học đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
Một là, điểm sáng về phong trào đấu tranh vùng hậu địch về chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân và gây dựng phong trào đấu tranh.
Trong tình thế địch tăng cường lùng sục càn quét truy bắt tiêu diệt lực lượng cách mạng, chiếm đóng hầu hết các địa phương, nhiều làng chỉ còn lại phụ nữ và người già, Du kích Hoàng Ngân thực sự là lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong thế trận chiến tranh nhân dân. Với sự mềm dẻo, linh hoạt, các chị đã đấu tranh hợp pháp, làm tốt nhiệm vụ giao thông liên lạc, vai trò trinh sát nắm tình hình địch, gây dựng cơ sở, đoàn kết gây dựng phong trào đấu tranh, vận động ngụy binh, gây nhân mối làm nội ứng trong các đồn bốt địch và vạch mục tiêu hành động, chiến đấu trong lòng địch.
Năm 1952, Hăngri - Nava, tướng Pháp ở Đông Dương phải thú nhận: “Đem vũ khí chiến tranh hiện đại đối phó với chiến tranh du kích là một điều vô lý”, Lực lượng Du kích Hoàng Ngân ở Hưng Yên chứng minh sức mạnh đoàn kết toàn dân và chiến tranh nhân dân với ý chí, nghị lực phi thường của những người phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Các chị cũng để lại cho Đảng những bài học kinh nghiệm quý về nêu cao tinh thần tự lực tự cường, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng vũ trang với ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; xây dựng cǎn cứ địa và hậu phương tại chỗ vững chắc là điều kiện hình thành thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp để đánh thắng quân thù.
Hai là, sáng tạo trong hoạt động và mưu lược trong chiến đấu.
Các chị, các mẹ vừa là lực lượng tác chiến với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực, tham gia đấu tranh công khai hợp pháp, thực hiện vườn không nhà trống đến đấu tranh vũ trang, từ phục vụ chiến đấu đến trực tiếp tham gia chiến đấu, “tìm địch mà đánh”. Đấu tranh trên nhiều mặt trận, bằng nhiều mũi giáp công: dân vận, địch vận, từ mặt trận tư tưởng đến mặt trận kinh tế, chính trị, vũ trang quân sự …Cùng với hình thức đấu tranh mềm dẻo, linh hoạt, các chị, các mẹ còn là hậu phương che chắn, bảo vệ chăm nuôi bộ đội, cứu thương, thu dọn chiến trường. Có chị em còn hy sinh cả hạnh phúc riêng tư, chịu điều tiếng thiệt thòi để gây dựng lòng tin, hoạt động trong lòng địch, làm công tác địch vận, dụ địch vào nơi ta bố trí tấn công để tiêu diệt địch… Vì vậy, địch bất ngờ, choáng váng do bị ta đưa vào thế trận “thiên la địa võng” khiến chúng thất bại, bạt vía kinh hồn đến nỗi “đứng gác thấy phụ nữ cũng sợ”!
Ba là, tinh thần chiến đấu quả cảm, kiên trung, “sống anh dũng, chết vẻ vang”.
Du kích Hoàng Ngân - những chiến sĩ quả cảm, để giết giặc lập công, các chị biến đủ mọi phương tiện có trên tay trở thành vũ khí đánh địch, “đòn gánh đánh tây”, chiếc liềm là vũ khí sắc bén, rơm rạ là mồi lửa thiêu rụi quân thù. Quả cảm và táo bạo, các chị đã giành giật cả vũ khí của quân thù như súng ống, điện đài và bom mìn để tiêu diệt quân thù… Đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi có thể như: phục kích, đánh địch trên đường giao thông, đánh địch ngay gốc đa đầu làng, đánh địch giữa chợ đông, tấn công thẳng vào bốt địch mà đánh…
Khi chẳng may sa lưới, bị địch bắt, chịu tra tấn dã man, các mẹ, các chị không nao núng, kiên quyết che giấu bảo vệ bộ đội, bảo vệ cách mạng dù phải hy sinh người thân ruột thịt hay mạng sống chính mình. Tiêu biểu là gia đình mẹ Cường ở thôn Kim Huy (Phan Đình Phùng, Mỹ Hào) dù hy sinh một lúc ba con trai nhưng quyết không khai cán bộ và bộ đội đang trú ẩn dưới hầm nhà mình. Quả thật “lòng dân như gang thép”… Chị Bùi Thị Cúc bị giặc bắt và hành hình vẫn kiên quyết không khai đồng đội, tự nhận tội về mình, giặc tàn bạo trói chặt tay chị sau lưng, dẫn giải đi hành hình vừa xỉa dao vào lưng chị, treo chị lơ lửng miệng hố sâu … Trước sự hành hình man rợ của kẻ thù, chị Cúc vẫn thản nhiên đến lạnh lùng, kiên định câu trả lời “tao không biết”, đôi mắt rực ánh căm thù giặc. Trước khi chết, chị dồn hết sức lực còn lại hô vang:
“Hồ Chủ tịch muôn năm!
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm !”
Giặc điên cuồng giết chị trong thất bại, ánh mắt và tiếng hô vang của chị như thúc giục vào trái tim những người đang sống sẽ chiến đấu đến cùng vì những người đã anh dũng ngã xuống và để giải phóng quê hương. Chị là tấm gương sáng về phẩm chất anh hùng của nữ du kích Hoàng Ngân Hưng Yên, xứng đáng sáu chữ vàng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngợi khen “sống anh dũng, chết vẻ vang”.
Bốn là, phong trào du kích Hoàng Ngân kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam.
Phong trào du kích Hoàng Ngân ở Hưng Yên mang tính điển hình được tổng kết và nhân rộng trên cả nước. Phong trào đã để lại ấn tượng đặc biệt về phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Hưng Yên nói riêng đó là những con người bình dị, mảnh mai nhưng chứa đựng một tinh thần thép, sức mạnh vô biên trước kẻ thù. Phong trào ngoài kết nối, kế thừa còn phát huy thêm một tầm cao mới truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất chống ngoại xâm, làm nên một bản anh hùng ca bất diệt, minh chứng cho sức mạnh vô song diệu kỳ của phụ nữ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đồng thời làm sáng tỏ thêm tinh thần quật khởi của một lực lượng cách mạng đặc biệt.
Phong trào du kích Hoàng Ngân ở Hưng Yên đã tạo nên một mũi giáp công của bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực, góp phần đấu tranh phá vỡ, làm lực lượng địch tan giã từng mảng, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Phong trào cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị cho cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước.
Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từng nói: “Nữ du kích Hoàng Ngân là biểu tượng sinh động trong muôn vàn tấm gương tiêu biểu cho truyền thống Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam…”
Phong trào mãi vẹn nguyên giá trị với những bài học về công tác phụ vận của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
ĐXT