Hưng Yên rất ấn tượng bởi nét thăng trầm cổ kính của những di tích lịch sử, văn hóa, âm thanh sôi động của trò chơi dân gian trong lễ hội truyền thống và đặc biệt là những đặc sản mang đậm tình quê, hồn đất khiến du khách “đi nhớ, về thương”. Đây chính là những thế mạnh để du lịch Hưng Yên níu chân du khách và thực hiện mục tiêu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Đền Đa Hòa, xã Bình Minh (Khoái Châu) hấp dẫn du khách
Tỉnh Hưng Yên đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng di tích, cụm di tích được xếp hạng. Mỗi di tích, cụm di tích là một bảo tàng sống động với rất nhiều tư liệu, cổ vật quý hiếm đặc sắc, độc đáo mang đậm chất thuần Việt. Trải qua dấu tích thời gian, Hưng Yên vẫn gìn giữ được nét cổ kính của những ngôi đình, đền, chùa trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Phố Hiến (thành phố Hưng Yên) với niên đại hàng trăm năm như: Văn Miếu Xích Đằng; Chùa Hiến với cây nhãn gần 400 năm tuổi - di tích quý giá, biểu tượng cho cây đặc sản trên đất Phố Hiến; Đền Mẫu; Chùa Chuông. Cùng với đó, đến với Hưng Yên du khách có thể tham quan và tìm hiểu cụm di tích Đa Hòa - Dạ Trạch (Khoái Châu) - nơi thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung, một trong tứ thánh bất tử của người Việt, một thiên tình sử tuyệt vời lãng mạn; đắm mình trong nét đẹp cổ kính của làng Nôm (Văn Lâm) hoặc chiêm nghiệm nét dịu dàng, thủy chung, lòng hiếu thảo của nàng Cúc Hoa qua câu chuyện kể của Ban quản lý cụm di tích Tống Trân - Cúc Hoa (Phù Cừ); chiêm ngưỡng bệ đá hoa sen tại chùa Hương Lãng (Văn Lâm) biểu trưng cho nghệ thuật điêu khắc thời Lý; chùa Thái Lạc (Văn Lâm) đại diện cho kiến trúc bằng gỗ thế kỷ 13 -14 của dân tộc...
Khi chim én báo hiệu xuân về cũng là lúc Hưng Yên đánh tiếng trống khai hội mùa xuân. Lễ hội là dịp để mỗi người cầu phúc, cầu an lành, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời cũng là dịp tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc. Hòa mình theo dòng người trẩy hội, du khách sẽ được khám phá hơn 500 lễ hội truyền thống phản ánh rõ nét phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân “Tiểu Tràng An” xưa kia, trong đó nổi bật là lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung - 1 trong 14 lễ hội lớn nhất cả nước. Không chỉ vậy, người dân trên địa bàn tỉnh còn gìn giữ được nhiều làng nghề gắn với truyền thống lịch sử văn hóa của người dân đồng bằng Bắc Bộ như: Làng nghề hương Cao Thôn (thành phố Hưng Yên), mây tre đan Liên Khê (Khoái Châu), làng nghề đan đó Thủ Sỹ (Tiên Lữ), chạm bạc Huệ Lai (Ân Thi), đúc đồng Lộng Thượng (Văn Lâm)... Bên cạnh các sản phẩm làng nghề truyền thống, trên địa bàn tỉnh có nhiều sản vật quý giá, mang bản sắc độc đáo của địa phương có giá trị phục vụ du lịch như: Nhãn lồng, ếch om Phượng Tường, chả gà Tiểu Quan, bún thang, bánh tẻ Phụng Công, bánh cuốn Mễ Sở, chè sen long nhãn...
Đến với Hưng Yên, du khách sẽ được sống trong không khí nô nức lễ hội đầu xuân, trải nghiệm những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc vùng miền, trở về ký ức tuổi thơ với cánh đồng hoa cải bạt ngàn, được nhâm nhi vị ngọt bùi của hạt sen, vị ngọt sắc của long nhãn, thỏa sức ngắm nhìn những vườn quất rực rỡ, tự mình làm những món ăn dân dã nhưng ấm đượm tình người. Đặc biệt, Hưng Yên còn nổi tiếng gần xa với làn điệu ca trù, trống quân ngọt ngào, đằm thắm.
Thời gian qua, du lịch Hưng Yên đã bắt đầu biến tài nguyên sẵn có để trở thành không gian lãng mạn nhằm thu hút người xa tìm về. Nếu năm 2010, tổng lượng khách đến Hưng Yên ước đạt 160 nghìn lượt người thì đến nay ước đạt 1 triệu lượt người. Tổng doanh thu từ du lịch năm 2020 ước đạt 220 tỷ đồng. Để vươn tới khát vọng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng hướng tới ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, rất cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Xây dựng cơ chế ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhất là về vốn để xây dựng hạ tầng du lịch tạo ra những điểm đến hấp dẫn du khách; chú trọng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, kết hợp với liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố để nối tour, tuyến, thu hút khách du lịch đến với tỉnh; tiếp tục triển khai có hiệu quả các kế hoạch, đề án, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hưng Yên; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh…
Nguồn: baohungyen.vn