KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 05/11/2021 - Lượt xem: 175
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): Chú trọng khắc phục những bất cập, bổ sung những vấn đề mới phát sinh

Sau 15 năm thực hiện, Luật Điện ảnh đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước cũng như sự phát triển của ngành điện ảnh. Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội và sự phát triển nhanh của công nghệ, kỹ thuật, số hóa trong điện ảnh, một số quy định của Luật Điện ảnh hiện hành trở nên lỗi thời hoặc chưa phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và ảnh hưởng tới sự phát triển, hội nhập của điện ảnh Việt Nam. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã trình xin ý kiến Quốc hội vào kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021, dự kiến ban hành vào tháng 6/2022 có giải quyết được thấu đáo những tồn tại, bất cập?

Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2007 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2009. Đây là luật đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta, đồng thời điện ảnh cũng là lĩnh vực nghệ thuật duy nhất đến thời điểm này được Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng tiên tiến, giữ bản sắc dân tộc, phát triển, hội nhập quốc tế và đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của các nghệ sĩ cũng như những người làm công tác điện ảnh.
Thời gian qua, Luật Điện ảnh đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành Điện ảnh. Các quy định pháp luật tạo điều kiện phát triển, mở rộng kinh doanh điện ảnh, tăng cường và mở rộng hoạt động hợp tác quốc tế, hội nhập về điện ảnh, thu hút và tập trung các nguồn lực trong nước đầu tư và mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam. Luật Điện ảnh đã tạo hành lang pháp lý, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các hoạt động điện ảnh, phát huy hiệu quả của chính sách xã hội hóa các hoạt động điện ảnh. Các doanh nghiệp sản xuất phim bằng nguồn vốn xã hội hóa đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao số lượng và chất lượng phim Việt Nam. Nhiều chuyển biến rõ nét trong hoạt động phát hành, phổ biến phim, đưa hoạt động này dần đi vào nền nếp, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức điện ảnh của nhân dân. Đến nay, cả nước có 204 rạp/cụm rạp với số lượng phòng chiếu phim trong cả nước khoảng 1.050 phòng chiếu, số lượng ghế ngồi khoảng 148.500 ghế, vượt chỉ tiêu ghi trong “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, số phòng chiếu thuộc thành phần kinh tế nhà nước chiếm 20%, thành phần tư nhân chiếm 80%. Công tác thẩm định, cấp giấy phép phổ biến phim đã được thực hiện nghiêm túc. Công tác chiếu phim ở các địa phương chủ yếu vẫn là hoạt động chiếu phim lưu động. Cả nước có 228 đội chiếu phim lưu động, trung bình hàng năm các đội chiếu phim lưu động ở các địa phương đã phục vụ được khoảng 43.270 buổi chiếu với khoảng 9.020.000 lượt người xem. Luật Điện ảnh đã tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức, tham gia Liên hoan Phim, Hội chợ phim thực hiện có hiệu quả, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã tổ chức thành công các kỳ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội; tham gia 148 Liên hoan Phim quốc tế với 330 lượt đầu phim; tổ chức 48 Chương trình giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài, với 186 lượt đầu phim; tổ chức thực hiện hợp tác, cung cấp dịch vụ cho khoảng 280 dự án sản xuất phim có yếu tố nước ngoài thực hiện tại Việt Nam; tổ chức nhiều sự kiện điện ảnh trong nước và ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam và quảng bá điểm đến du lịch của Việt Nam. Luật Điện ảnh đã góp phần luật hóa các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, thúc đẩy giao lưu, hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế nói chung và trong lĩnh vực điện ảnh nói riêng.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội và sự phát triển nhanh của công nghệ, kỹ thuật, số hóa trong điện ảnh, một số quy định của Luật Điện ảnh hiện hành trong quá trình triển khai đã trở nên lỗi thời hoặc chưa phù hợp, thiếu tính khả thi, gây khó khăn, bất cập trong công tác quản lý và ảnh hưởng tới sự phát triển, hội nhập của ngành điện ảnh.
Một là, nhiều quy định của Luật Điện ảnh không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động điện ảnh, một số chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh thiếu tính khả thi. Ví dụ: Chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động điện ảnh; chính sách ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn nghiệp vụ và quản lý hoạt động điện ảnh; chính sách đặc thù đối với các đội chiếu phim lưu động; chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa, phục vụ nhiệm vụ chính trị, trên thực tế, chưa được thực hiện triệt để do chưa có nguồn kinh phí hoặc không còn phù hợp với đường lối phát triển kinh tế đất nước. Quy định “Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim” cho phép một công ty thực hiện đồng thời hai chức năng vừa phát hành vừa phổ biến phim, dẫn đến các công ty nhập khẩu lớn sở hữu hệ thống bao gồm nhiều cụm rạp đã chi phối thị trường chiếu phim, thực hiện thống lĩnh thị trường và thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép công ty nhỏ, yếu hơn. Một số quy định của Luật Điện ảnh chưa tương thích hoặc chồng chéo với các luật mới được ban hành. 
Hai là, một số quy định của Luật Điện ảnh không thể hiện đặc thù của điện ảnh nên không khả thi hoặc chưa được thực hiện: Quy định về đặt hàng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; Quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; Quy định cấp phép tổ chức chiếu giới thiệu phim Việt Nam tại nước ngoài; Quy định đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài…
Ba là, một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung trong Luật Điện ảnh (sửa đổi): Công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; Cơ chế nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất phim của các doanh nghiệp Việt Nam, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam; Quy định nhằm bảo vệ và phát triển điện ảnh dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế; Quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; Quy định cụ thể về phân cấp quản lý hoạt động điện ảnh; Quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; Hoạt động xúc tiến, quảng bá phim thông qua việc tổ chức các liên hoan phim, chương trình phim, tuần phim, giải thưởng điện ảnh Việt Nam và quốc tế trong và ngoài nước và chính sách tăng cường xã hội hóa hoạt động điện ảnh 
Vì vậy, cần thiết xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) thay thế Luật Điện ảnh nhằm khắc phục những bất cập, đồng thời bổ sung những vấn đề mới phát sinh cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc, phù hợp với xu thế đổi mới và tăng cường hội nhập quốc tế. 
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trình Quốc hội đã qua 8 lần chỉnh sửa, bổ sung và cơ bản giải quyết những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành. Dự thảo gồm 8 chương, 50 điều, trong đó có 32 điều chỉnh sửa và 18 điều mới. Có chương mới hoàn toàn: Chương VI Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Một số vấn đề mới được đưa vào luật như:Công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; Quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; Quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; Cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam; Quy định cụ thể về phân cấp quản lý hoạt động điện ảnh. 
Tuy nhiên, với mục đích đáp ứng yêu cầu điều chỉnh hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số để khuyến khích nền điện ảnh Việt Nam phát triển trong tình hình mới và tạo hành lang pháp lý để xây dựng công nghiệp điện ảnh, vẫn cần tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề sau:
Thứ nhất, việc phổ biến phim trên không gian mạng (điểm b khoản 1 Điều 22).
Dự thảo Luật quy định “Phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim”.Tuy nhiên, nên lưu ý về tính khả thi của việc phổ biến phim trên mạng theo hướng “hậu kiểm”. Cần có quy định, tiêu chí chung về phân loại phim, áp dụng cho cả phương thức “tiền kiểm” và “hậu kiểm”. Điều này đòi hỏi công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phải đáp ứng được yêu cầu. Công tác phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Thông tin và Truyền thông trong kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật cũng cần phân định rõ trách nhiệm. Chế tài xử phạt cần đủ tính răn đe, tránh tình trạng “nhờn luật”. 
Việc tiền kiểm phim chiếu rạp và hậu kiểm phim trên không gian mạng sẽ tạo ra sự bất công đối với các nhà sản xuất phim trong nước, đơn vị phát hành, phổ biến phim. Việc phân loại phim ở một bên là cơ quan quản lý nhà nước, một bên trông chờ vào sự tự giác của nhà phát hành (cụ thể các phim của các đơn vị tư nhân, nhà làm phim độc lập trong nước) sẽ có những khập khiễng. Đối với một số nền điện ảnh nước ngoài, sự phân loại sẽ có trường hợp chưa đồng nhất với phân loại phim theo quy định của ta như thực tế công tác thẩm định và phân loại phim vừa qua.
Việc hậu kiểm hoàn toàn chỉ thực hiện được khi đảm bảo việc thành lập các Trung tâm hậu kiểm có nguồn nhân lực cũng như kỹ thuật đáp ứng được nhiệm vụ,  đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh, đầy đủ. Bởi điện ảnh hiện nay chủ yếu là xã hội hóa, phần lớn phim sản xuất trong nước của các công ty tư nhân và phim nhập khẩu do các doanh nghiệp phát hành, phổ biến, không giống với lĩnh vực báo chí, xuất bản có cơ quan chủ quản là các tổ chức nhà nước, chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Sản phẩm điện ảnh cũng đặc thù, việc phát hành, phổ biến những phim nếu có vấn đề sẽ gây hậu quả xã hội và những hệ lụy không tính hết được, nên càng cần tính đến chế tài thật nghiêm khắc nếu ở phương án hậu kiểm.
Thứ hai, việc xuất khẩu phim, nhập khẩu phim (điều 18).
Dự thảo quy định phim xuất khẩu phải có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng. Tuy nhiên, cần xem xét ở một số điểm sau: Trong trường hợp phim chiếu trên không gian mạng áp dụng theo quy định tại Điều 19. Phổ biến phim trên không gian mạng (phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại, tức theo hình thức “hậu kiểm”), sẽ có sự so sánh, không công bằng giữa việc phim xuất khẩu theo hình thức truyền thống với phim “xuất khẩu” trên không gian mạng. Cũng tương tự như với phim nhập khẩu, phổ biến ở rạp theo hình thức truyền thống là “tiền kiểm”, còn phổ biến trên không gian mạng lại là “hậu kiểm”. Hoạt động “xuất khẩu phim” do đó khó xác định, gây khó khăn nhất định trong công tác quản lý nhà nước.
Thứ ba, mâu thuẫn giữa việc bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành của Việt Nam và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên với việc bảo vệ nền điện ảnh dân tộc (ví dụ trong về hạn ngạch nhập phim nước ngoài; sự bình đẳng trong phát hành, phổ biến phim giữa doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài…). 
Do đó, Luật cần quy định rõ tỉ lệ phổ biến phim Việt. Đây là cơ chế rất quan trọng để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Đối với các phim Việt Nam có giá trị nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục cần có cơ chế ưu đãi. Bên cạnh đó, cần xây dựng những quy định và chế tài để phát triển một thị trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh, bảo hộ doanh nghiệp điện ảnh nội địa, bảo đảm sự công bằng trong hưởng thụ văn hóa ở các đối tượng, vùng, miền.
Thứ tư, về quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước (khoản 4 Điều 15)
Cần bổ sung các quy định về việc sử dụng vốn ngân sách và các quy định về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công để giải quyết những vấn đề chưa phù hợp cho việc đặt hàng phim phục vụ nhiệm vụ chính trị. Với phương án đấu thầu sản xuất phim đặt hàng, thực hiện đấu thầu toàn bộ quá trình sản xuất phim trên cơ sở giao đề tài sẽ thu hút được nhiều đơn vị sản xuất phim tham gia, đẩy mạnh xã hội hóa điện ảnh.
Thứ năm, công nghiệp điện ảnh cần được nhìn nhận như một ngành công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp khác. 
Ở một số quốc gia, điện ảnh đã trở thành ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, không chỉ góp phần quảng bá đất nước, con người qua các tác phẩm điện ảnh được công chiếu rộng rãi trên thị trường quốc tế, mà qua đó còn giúp phát triển nhiều ngành khác như du lịch, sản xuất hàng tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm... 
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có chính sách để ngành điện ảnh liên kết các ngành công nghiệp khác, chính sách khuyến khích tổ chức cá nhân tham gia sản xuất phim thực hiện được mục tiêu liên kết phát triển để phát huy thế mạnh của điện ảnh.
Thứ sáu, chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh (mục 3, Điều 5).
Cần quy định cụ thể hơn chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; minh bạch, rõ ràng về thủ tục, ưu đãi cho đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam; cơ chế đối với phim hợp tác sản xuất để thúc đẩy điện ảnh Việt Nam phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ liên quan; tạo nguồn thu, giúp điện ảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời góp phần phát triển du lịch và quảng bá đất nước, con người Việt Nam. 
Thứ bảy, chuyển đổi số trong lĩnh vực điện ảnh là một xu hướng tất yếu đòi hỏi cần có những giải pháp thúc đẩy, nhằm thương mại hóa và đặc biệt là quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra bạn bè quốc tế thông qua các tác phẩm điện ảnh. 
Điện ảnh Việt Nam cần chủ động áp dụng những thành quả của khoa học và công nghệ, phát triển các nền tảng công nghệ trong lĩnh vực điện ảnh, hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp điện ảnh phù hợp với xu hướng phát triển của điện ảnh thế giới.
Điện ảnh có vai trò chủ lực trong công nghiệp văn hóa, mang lại hiệu quả về văn hóa, kinh tế, góp phần phát triển nền văn hóa và nhân cách con người, có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa dân tộc và con người Việt Nam ra thế giới. Việc ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển nền điện ảnh dân tộc hiện đại, hội nhập, nhân văn, một nền công nghiệp điện ảnh phát triển. Đây cũng là chủ đề của Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII được tổ chức từ ngày 18-20/11/2021 tại Huế “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”. Liên hoan Phim lần này là sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc gia chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước năm 2021, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, và đặc biệt là hoạt động văn hóa, nghệ thuật có ý nghĩa để chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra tới đây tại Hà Nội.
Nguồn: https://tuyengiao.vn
___________________
 
Tài liệu tham khảo
1. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) (lần thứ 8).
2. Tài liệu Hội nghị - Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 
3. Tài liệu Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật Điện ảnh và góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội khóa XIV.
 
Tin liên quan