KỶ NIỆM 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 - 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN (22/12/1989 - 22/12/2024)
Tin tức hoạt động
Đăng ngày: 06/02/2023 - Lượt xem: 168
“Gạn đục, khơi trong” mùa lễ hội

Đã nhiều năm nay, mỗi mùa lễ hội luôn bắt đầu với đan xen niềm vui lẫn băn khoăn. Lễ hội là thời điểm những giá trị văn hóa dân tộc được sống dậy mạnh mẽ. Nhưng đi kèm với đó, là tình trạng biến tướng, thương mại hóa, lạm dụng lễ hội để trục lợi; vấn nạn “buôn thần, bán thánh”, mê tín, dị đoan… làm mai một giá trị truyền thống, mất đi vẻ đẹp lễ hội. Để lễ hội thích ứng với cuộc sống hôm nay, cần một quá trình “gạn đục, khơi trong”.

Lễ hội “Trâu rơm, bò rạ” vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán hằng năm ở xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh minh họa: Thành Đạt/nhandan.vn).
Mùa lễ hội xuân Quý Mão 2023 được nhiều chuyên gia đánh giá là dịp bùng nổ nhu cầu trảy hội vui xuân của cộng đồng do trong suốt hai năm vừa qua vì ảnh hưởng dịch COVID-19 các hoạt động này gần như bị ngưng trệ. Nhưng cũng vì thế mà những băn khoăn về một số vấn nạn tồn tại trong lễ hội lâu nay có nguy cơ bùng phát vào mùa lễ hội 2023.
Trên thực tế, từ nhiều năm nay, mỗi mùa lễ hội, nhiều mặt trái xuất hiện làm đau đầu những nhà quản lý cũng như cộng đồng. Tại Hà Nội, lễ hội đền Sóc (thờ Thánh Gióng, tại huyện Sóc Sơn) cùng với lễ hội Gióng ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội đền Sóc có màn phát lộc là hoa tre sau khi dâng thánh, nhưng có năm, lễ phát lộc trở thành màn ẩu đả.
Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) mọi năm đều diễn ra tình trạng đốt vàng mã bừa bãi, xem bói thuê, người chèo đò vòi tiền khách, khách bị “chặt chém” khi sử dụng các dịch vụ đi lại, ăn uống, tiền lẻ được rải khắp các ban thờ cho đến gốc cây...
Hội phết Hiền Quan (huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) có màn đánh phết tái hiện cảnh luyện tập cho quân sĩ xưa của nữ tướng. Nhưng màn đánh phết cũng hơn một lần trở thành những màn ẩu đả khiến nhiều thanh niên phải nhập viện do quan niệm ai giành được quả phết sẽ là người giành được may mắn…
Thời gian qua, một số biểu hiện tiêu cực của lễ hội đã được các cơ quan chức năng kiểm soát, điều chỉnh. Lễ hội đền Trần, lễ hội đền Sóc đều phải thay đổi hình thức tán lộc, phát ấn. Lễ hội phết Hiền Quan cũng phải dừng đánh phết, mùa lễ hội xuân Quý Mão này, Ban tổ chức bố trí ba lớp rào, với lực lượng an ninh dày đặc. Lễ hội đền Sóc cũng tạm ngăn được tình trạng cướp lộc bằng hàng rào công an, dân quân tự vệ. Sự tham gia đông đảo của lực lượng an ninh cũng làm giảm không khí vui tươi và linh thiêng của lễ hội.
Mặc dù có những tiêu cực xảy ra ở nhiều lễ hội, nhưng không vì thế mà phủ nhận những yếu tố tích cực của lễ hội trong đời sống hôm nay. Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, nhiều lễ hội, hoặc những tục lệ, màn trình diễn trong lễ hội đã bị mai một, hoặc bị giảm quy mô, cách thức tổ chức đã được khôi phục. Tiêu biểu có thể kể đến một lễ hội quan trọng xưa kia là lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) tái hiện lại cảnh vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng, thể hiện tư tưởng trọng nông của người xưa. Sau khi khôi phục, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia lễ hội, trực tiếp đi những đường cày đầu xuân.
Điều này phù hợp với tinh thần coi trọng nông nghiệp-nông thôn-nông dân trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Việc khôi phục nét đẹp lễ hội khiến nhiều di sản được quan tâm đúng mức. Hoặc tục kéo co ở một số lễ hội vốn trước đây chỉ được coi như một tục hèm, một trò vui trong hội, nhưng nay sau khi nhận thức được nâng lên, kéo co trong một số lễ hội tại các địa phương của Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể liên quốc gia của nhân loại (cùng với các nước như: Hàn Quốc, Philippines…).
Bên cạnh đó, việc tổ chức lễ hội còn đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho các địa phương. Diện mạo du lịch Ninh Bình thay đổi hẳn kể từ khi Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính được xây dựng và đưa vào khai thác. Hằng năm, khu du lịch thu hút hàng triệu lượt người tham gia, tập trung nhất vào mùa lễ hội, tạo việc làm cho hàng chục nghìn người trong chuỗi cung ứng du lịch, dịch vụ, vận chuyển…
Tương tự là vai trò của lễ hội chùa Hương đối với người dân huyện Mỹ Đức, riêng mùa lễ hội Quý Mão, có tới 4.500 đò tham gia vận chuyển khách trên suối Yến.
Mỹ Đức là một huyện thuần nông, không có trục giao thông lớn đi qua, nên kém phát triển về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhưng du lịch chùa Hương góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện.
Hiện nay, hoạt động lễ hội chính là một yếu tố cấu thành của du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, và rộng hơn là phát triển công nghiệp văn hóa. Ở khía cạnh xã hội, việc nhiều lễ hội được tổ chức còn đáp ứng tốt nhu cầu tìm về nguồn cội, tìm về những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Tham gia các hoạt động lễ hội, dù ít, dù nhiều mỗi cá nhân đều được tương tác với những giá trị văn hóa truyền thống mà ở đó luôn có những thông điệp về chân-thiện-mỹ của cha ông gửi gắm.
Thực tế này cho thấy rất cần quá trình “gạn đục, khơi trong”, đi tìm sự thích ứng của lễ hội trong cuộc sống đương đại. Trước hết, cần nhận diện rõ về sự “biến đổi” của lễ hội hiện nay. Bản thân sự biến đổi đó, bao hàm cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực, xuất phát từ yêu cầu chủ quan và khách quan. Phải thừa nhận một thực tế rằng, cuộc sống ngày nay đã khác xưa. Quy mô dân số nước ta hiện nay là gần 100 triệu người.
Cuộc sống tiện nghi hơn, khiến mỗi năm, người dân có điều kiện đi nhiều lễ hội khác nhau. Phần lớn lễ hội đều gắn với một không gian tâm linh cụ thể, thường là di tích. Khi số lượng người đến đông hơn, không gian của địa điểm tổ chức lễ hội; hoặc kịch bản của lễ hội có những thay đổi cho phù hợp là điều khó tránh khỏi. Do đó, rất khó đòi hỏi một lễ hội “nguyên bản” như cách đây hàng trăm năm.
Thay vào đó, cần phân biệt rõ những nhân tố cốt lõi cần bảo vệ, giữ gìn nguyên trạng, những yếu tố nào có thể bổ sung. Những yếu tố bổ sung phải đáp ứng yêu cầu có tính kế thừa, tiếp nối, bảo đảm những yếu tố truyền thống của văn hóa dân tộc.
Đối với những yếu tố liên quan đến phần “lễ”, các nghi thức tâm linh, cần có sự tham gia ý kiến của các nhà chuyên môn trước khi triển khai. Đối với phần hội, thực tế nhiều lễ hội đã “bổ sung” các hoạt động như: Múa rồng, cờ tướng, thi đấu thể thao (nhất là các môn thể thao của dân tộc), biểu diễn nghệ thuật truyền thống… và được cộng đồng chấp nhận rộng rãi, dù đây là yếu tố “mới” so với lễ hội truyền thống của địa phương. Nếu đáp ứng được những yêu cầu này, thì sẽ hạn chế tối đa được tình trạng “vẽ rắn thêm chân”, ngăn chặn được tệ nạn các di tích “mọc” lên những ban thờ, điện thờ tự phát.
Mặc dù lễ hội được khai thác để phát triển kinh tế, nhưng không vì thế mà đề cao yếu tố thương mại dẫn đến tình trạng thương mại hóa. Công tác quản lý cần được tăng cường ở cả yếu tố vật thể (không gian tổ chức lễ hội) và phi vật thể. Thực tế yếu tố vật thể thường dễ quản lý hơn, nhưng với yếu tố phi vật thể hiện nay đang xảy ra hiện tượng nhiều địa phương vẫn thêu dệt (hoặc làm ngơ cho sự thêu dệt) thêm về tính “thiêng” của đền nọ, phủ kia; sự “linh ứng” của các thánh thần như những biện pháp để tập hợp niềm tin, lôi kéo “khách hàng tâm linh”. Điều này kéo dài vừa làm sai lệch các giá trị di sản, vừa tạo niềm tin giả tạo trong cộng đồng.
Dù áp dụng biện pháp nào thì cũng không thể không nói đến các giải pháp “xây để chống”, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các lễ hội. Việc tuyên truyền thay đổi nhận thức có ý nghĩa hết sức quan trọng trong xây dựng hành vi ứng xử văn minh của cộng đồng đối với lễ hội. Các quản lý như ở đền Trần, đền Sóc hay hội phết Hiền Quan hiện nay mới chỉ ngăn chặn được bất cập có tính tạm thời.
Về lâu dài, cần thay đổi nhận thức, hành vi của người đi hội, để người dân hiểu rằng, những hành động “cầu may” ấy, thực chất chỉ có giá trị biểu trưng, làm tinh thần người dự hội cảm thấy phấn chấn hơn, yên tâm hơn khi dự hội.
Khi người dự hội hiểu được điều đó, họ sẽ đến với lễ hội với một tâm thế khác, tâm thế tìm về cội nguồn, với suy nghĩ hướng thiện. Chúng ta đang trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư, nếu trước đây truyền thông chủ yếu được thực hiện bằng biểu ngữ trực quan, loa phóng thanh thì nay có đủ loại kênh thông tin khác nhau để người đi dự lễ hội tiếp cận. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành văn hóa, chính quyền các địa phương nơi tổ chức lễ hội.
Hiện nay, thành phố Hà Nội là đơn vị đi đầu trong xây dựng Quy tắc ứng xử, trong đó có Quy tắc ứng xử tại các di tích tín ngưỡng, tôn giáo. Đây cũng là giải pháp khá hiệu quả trong chủ động ngăn chặn các hành vi phản cảm, thiếu văn hóa tại các di tích tín ngưỡng, tôn giáo.
Lấy xây để chống cũng là giải pháp có tính bền vững trong việc ngăn chặn những hành vi trục lợi trái phép, nhất là “chặt chém” hoặc vòi tiền khách hàng khi đi hành hương bên cạnh việc xử lý các vi phạm bằng chế tài nghiêm minh. Cần cho người dân những nơi có lễ hội lớn nhận thức được việc cung cấp những dịch vụ chất lượng với giá phù hợp sẽ tạo nên thương hiệu du lịch cho những địa phương đó. Một trong những địa phương đang triển khai khá tốt hoạt động này là Ninh Bình.
Khách du lịch đến với quần thể danh thắng Bái Đính-Tràng An thường được phục vụ chu đáo, tận tình, tạo sự hài lòng, thân thiện mặc dù nhiều đối tượng tham gia làm du lịch chính là những cư dân địa phương chứ không phải là các công ty lữ hành chuyên nghiệp. Những ấn tượng đó là nhân tố bảo đảm để khách du lịch quay lại trong những lần sau.
Văn hóa dân tộc là một dòng chảy không ngừng. Lễ hội là một thành tố của dòng chảy ấy. Gạn đục, khơi trong trong lễ hội không dễ thu được thành công trong ngày một, ngày hai mà cần cả một quá trình bền bỉ, với sự tham gia tích cực của các bên liên quan. Nhưng chỉ khi làm được điều ấy, thì mới bảo đảm cho dòng chảy của văn hóa dân tộc thật sự vững bền, những giá trị của văn hóa dân tộc hội tụ trong lễ hội mới thật sự được trao truyền cho thế hệ mai sau./.
Nguồn: https://tuyengiao.vn
Tin liên quan